Alessandro Michele tạm biệt Gucci và kết thúc của Raf Simons: Những cuộc rong ruổi đầy mệt mỏi trong thời trang?
Ngày đăng: 24/11/22
Năm 2022, thế giới thời trang đã chứng kiến không ít những lần đổi ngôi vị. Tom Ford chẳng còn Tom Ford, Raf Simons đặt dấu chấm hết cho thương hiệu, Riccardo Tisci rời Burberry để nhường ngôi vương cho Daniel Lee đến nay là lời tạm biệt với Gucci của Alessandro Michele…
Năm 2014, Raf Simons đã từng có đôi lời than thở về guồng quay chóng mặt của Dior trong một cuộc phỏng vấn với Suzy Menkes cho tạp chí Vogue UK. Trong đó, nhà thiết kế người Bỉ đã bày tỏ sự nuối tiếc khi không thể tham gia Frieze, Liên hoan Nghệ thuật Đương đại Luân Đôn – một trong những nơi mang đến cho ông nguồn cảm hứng tuyệt vời. Làm thế nào mà sự sáng tạo có thể được tìm thấy và được thoả mãn, nếu không được nuôi dưỡng đúng cách?
Đúng ta điều biết, cần chắt lọc, tìm tòi, nghiền ngẫm… trong quá trình làm sáng tạo. Nhưng trong thế giới thời trang ngày nay, liệu người ta còn có thời giờ để suy ngẫm về sáng tạo?
Trong thời trang sẽ có hai mùa chính Xuân/Hè (Spring/Summer), Fall/Winter (Thu/Đông) – những mùa Ready-to-wear được diễn tại các tuần lễ thời trang lớn Milan, Paris, London, New York. Tuy nhiên, lịch diễn của thời trang ngày nay không còn đơn giản như thế. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đồng thời để thương hiệu luôn cập nhật đổi mới, nhiều bộ sưu tập được sản xuất nhiều dịp mỗi năm. Ở mỗi nhà mốt sẽ có lịch bổ sung riêng gồm các BST Resort/Cruise, Pre-Fall, Pre-Spring,….
Trong năm, ít nhất phải có 4 chiến dịch quảng bá cần được ra mắt và hàng chục dự án kỹ thuật số, với hàng nghìn “content” được sản xuất tại nhiều Quốc gia. Đó là gánh nặng, kể cả khi với các thiên tài sáng tạo, khó để giải phóng bản thân khỏi những lo âu và thể hiện ý tưởng một cách trọn vẹn.
Trong ngành công nghiệp trị giá 20 nghìn tỷ USD, việc chỉ theo đuổi concept sáng tạo và bỏ qua yếu tố thương mại là điều bất khả thi. Nhưng việc liên tục cho ra ý tưởng khiến những người làm sáng tạo kiệt sức. Có lẽ, chỉ trừ Karl Lagerfeld, sinh thời ông từng đảm nhận cả bốn thương hiệu Chlóe (1963–1978, 1992–1997), Chanel, Karl Lagerfeld và Fendi. Điều này đồng nghĩa với việc ông phải chịu trách nhiệm cho hơn mười bốn bộ sưu tập một năm, trong thời gian từ năm 1992 đến 1997.
Karl Lagerfeld từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn “Tôi là một cỗ máy. Điều tệ nhất trong tất cả là họ cố và đổ lỗi cho tôi về các vấn đề với việc lao động quá thời gian của họ. Azzedine [Alaïa] là một ví dụ. Trước khi ngã xuống bậc thang, đã cho rằng những nhịp vận động không bền vững của ngành thời trang ngày nay hoàn toàn là lỗi do tôi – một điều hoàn toàn vô lý. Khi anh đang chạy một dự án kinh doanh trị giá tỉ đô, anh phải làm việc liên tục. Và nếu điều đó không phù hợp với anh thì anh nên ở trong phòng ngủ của mình mà làm loạn.” Nhưng những đồng nghiệp của Karl Lagerfeld đã chọn con đường khác. Vào năm 2009, Martin Margiela đã từ chối deadline, duy trì “sự im lặng” của thương hiệu.
Vừa qua, Raf Simons, một trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế giới thời trang ngày nay, đồng giám đốc sáng tạo của Prada, cùng với Miuccia Prada, đã quyết định ngừng hoạt động thương hiệu thời trang mang tên mình. Không có bất cứ tín hiệu nào báo trước, bộ sưu tập Xuân Hè 2023 của Raf Simons đã là cột mốc đánh dấu bộ sưu tập cuối cùng của thương hiệu, dù đã hoạt động được 27 năm. Trong suốt gần ba thập kỷ, gu thẩm mỹ của Raf Simons đã trở thành nguồn cảm hứng kinh điển cho nhiều nhà thiết kế trẻ. “Concept” của ông là tài liệu tham khảo khổng lồ hoặc nỗi “ám ảnh” cho các thế hệ sau và gây ảnh hưởng sâu sắc đến nền thời trang đương đại. Tuy nhiên, giờ là thời của Instagram và gần đây nhất là TikTok, phải chăng, ngay cả những thiên tài sáng tạo cũng mệt mỏi khi cố gắng đuổi kịp những cơn khát những điều mới mẻ liên tục của xã hội ngày nay?
Giờ đây, thời trang không chỉ là sáng tạo, mà còn là những con số đặt ra cho mỗi quý và mỗi năm. Bao nhiêu chỗ còn lại cho tự do nghệ thuật thuần túy?
Alessandro Michele mặc dù đã thành công xây dựng một đế chế của mình tại Gucci, với doanh số từng lập kỷ lục. Nhưng giờ đây sự tăng trưởng không như kỳ vọng, nhất là từ năm 2020. Doanh số bán hàng của Gucci đã không đạt ước tính trong quý thứ ba, chỉ tăng 9% trong khi các đối thủ như Vuitton tăng 22% và Hermès 24%. Và anh đã ra đi…
Câu hỏi được đặt ra ngày nay: Giám đốc sáng tạo là người nghiền ngẫm và tập trung vào quá trình sáng tạo hay họ bị cuốn vào việc sản xuất và kinh doanh?
Nhà phân tích Luca Solca từng viết “Gucci đang bị mệt mỏi”. Alessandro Michele cũng thế. Anh chia sẻ với các phóng viên sau buổi trình diễn tại Tuần lễ thời trang Milan vào tháng 9 vừa qua “Công việc hậu trường [mùa này] mệt mỏi hơn bình thường”. Có lẽ Alessandro Michele thật sự cần nghỉ ngơi để khôi phục nhịp điệu sáng tạo của mình trong thời gian tới…
Hơn 10 năm sau sự ra đi của Alexander McQueen nền “văn hóa hối hả” vẫn tiếp tục duy trì trong ngành thời trang. Ngành thời trang có thể chậm lại hay không? Có lẽ là không thể!
Thực hiện: K.
Tham khảo từ Nss Mag