Biên tập viên & Stylist Khuất Năng Vĩnh: “Tôi còn trẻ mà, xây dựng nền tảng sự nghiệp là điều quan trọng nhất”

Ngày đăng: 18/09/18

Khuất Năng Vĩnh tốt nghiệp bằng HND ngành Fashion & Textiles Merchandising (Thiết kế thời trang) của hệ thống giáo dục Pearson (Anh Quốc) với level Merit. Hiện anh đang là Biên tập viên (BTV) thời trang & Stylist của tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Magazine (Việt Nam). Khuất Năng Vĩnh còn là cái tên quen thuộc luôn xuất hiện trong danh sách khách mời tại sự kiện của những thương hiệu nổi tiếng thế giới ở Việt Nam như: Louis Vuitton, Gucci, Dior, Coach, DSQUARED2, Christian Louboutin … bên cạnh những sự kiện thời trang tầm cỡ trong nước và hơn hết là Mercedes-Benz Australia Fashion Week Cruise 2016.

Vừa qua, Khuất Năng Vĩnh được chọn làm Collection Manager cho một sự kiện có sự góp mặt của siêu mẫu quốc tế Naomi Campbell & giám đốc sáng tạo DIOR HOMME: Kim Jones. Style-Republik đã có buổi phỏng vấn với chàng trai tài năng này về lĩnh vực fashion stylist và kế hoạch phát triển sắp tới của anh.

Chân dung Khuất Năng Vĩnh

Nhắc đến fashion stylist, người ta nghĩ ngay đến những người ở phía sau các ngôi sao hay nhân vật của công chúng, chăm chút cho trang phục của họ và tạo nên sự lộng lẫy, hào nhoáng khi xuất hiện thảm đỏ hay trước công chúng. Sự thật là như thế nào? Anh có thể giới thiệu một cách khái quát về đặc thù của công việc fashion stylist tại Việt Nam?

Khái niệm fashion stylist không chỉ đơn thuần là việc chuẩn bị những bộ cánh cho các ngôi sao xuất hiện chỉn chu trước công chúng. Đó chỉ là một nhánh của định nghĩa fashion stylist. Công việc stylist, là một người tạo phong cách, căn bản nhất gồm wardrobe stylist, editorial stylist, personal stylist. Bạn có thể làm việc cho các tạp chí thời trang, sản phẩm là những bộ ảnh được in trên những trang giấy thơm mùi mực (editorial stylist). Hoặc những chương trình truyền hình và những bộ phim, công việc stylist chuẩn bị phục trang góp phần khá quan trọng, quyết định tổng thể hình ảnh trình chiếu trên màn ảnh (wardrobe stylist).

Ở Việt Nam, định nghĩa fashion stylist dần được hình thành rõ ràng và chuyên nghiệp hơn trong thời điểm 3 năm trở lại đây. Bên cạnh những định nghĩa stylist cơ bản, nay đã có những food stylist, personal shopper, style-consultant… Qua đó cho thấy, thị trường thời trang nội địa nói chung đang phát triển, nhu cầu của người Việt không còn “ăn chắc, mặc bền” như trước mà thay vào là “ăn ngon, mặc đẹp”. Vì thế, công việc stylist cũng được nhiều người biết hơn, tỷ lệ cạnh tranh cũng cao hơn hẳn. Mỗi nhánh của công việc stylist hiện nay cũng có những cá nhân đã đạt những thành công nhất định trong nghề.

Vì sao anh chọn con đường trở thành một fashion stylist? Anh đã đi bao lâu trên con đường này? Những kỉ niệm đặc biệt mà anh có được khi làm stylist cho những tạp chí thời trang hàng đầu trong nước?

Nghề chọn người, là có thật! Từ nhỏ, bản thân tôi thích những gì liên quan đến nghệ thuật nhưng việc tôi trở thành một fashion stylist thì vô cùng ngẫu nhiên. Trước khi làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôi có tìm tòi thông tin về thời trang và tự phối đồ cho mình mặc, tự chụp hình rồi tự ngắm. Tuy nhiên, thời gian đó vẫn mơ hồ về định nghĩa của thời trang lắm. Sau đó, bản thân quyết định tìm những cơ hội ở các cuộc thi bên cạnh việc xin làm trợ lý cho các anh chị stylist tiền nhiệm. Một thời gian sau, tôi có cơ hội làm việc trong một tạp chí khá tên tuổi thời bấy giờ. Công việc fashion stylist bắt đầu từ đó.

Để kể về những kỷ niệm đặc biệt làm nghề thì nhiều lắm, mấy trang A4 cũng không hết được (cười). Nhưng có một chuyện tôi chắc chắn không thể quên là khi tôi tham gia styling cho một buổi chụp ảnh thời trang của tạp chí F Fashion tại Phú Quốc. Ekip thật sự là “trèo đèo, lội suối” từ sáng đến tối mờ mịt. Xong buổi chụp ảnh, tưởng chừng mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ thì tôi phát hiện để quên một đôi giày của thương hiệu quốc tế vô cùng đắt tiền tại… sâu trong rừng. Khi đó, tôi và 2 anh đồng nghiệp tức tốc bắt taxi chạy vào nơi rừng không hiu quạnh để tìm giày và may mắn có lại được, nếu không tôi phải đền một số tiền bằng mấy tháng lương lao động. Tính đến nay, kỷ niệm này đã được 3 năm và con số 4 chính là số năm chính xác tôi làm nghề.

Ai là người truyền cảm hứng cho anh trên con đường này? Có ai đặc biệt là người dẫn dắt, thúc đẩy và tạo động lực cho anh tiếp tục?

Cảm hứng của tôi chính là những người tôi đã gặp mặt và trò chuyện. Họ đều có những cái hay riêng mà từ đó tôi có thể học hỏi và cảm thấy thú vị. Tôi may mắn được các anh chị lớn trong ngành thương mến và tín nhiệm tạo cơ hội để chứng tỏ năng lực và tư duy. Vì thế, họ chính là những người đặc biệt nhất với tôi. Hình mẫu thì tôi cũng có đấy, nhưng sẽ thay đổi theo từng thời điểm và cột mốc khác nhau. Còn ai là động lực thúc đẩy: chính là những người đồng nghiệp và những người bạn xung quanh mình, cạnh tranh lành mạnh, tại sao không?

Cảm hứng của tôi chính là những người tôi đã gặp mặt và trò chuyện. Họ đều có những cái hay riêng mà từ đó tôi có thể học hỏi và cảm thấy thú vị.

Anh nghĩ đâu là những tố chất cần có của một fashion stylist? Và anh có lời khuyên gì gửi đến các bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường này?

Theo suy nghĩ của tôi, là người làm thời trang, trước tiên, bạn phải có tâm hồn đẹp và yêu việc làm mọi thứ xung quanh trở nên đẹp đẽ hơn. Người stylist cũng như vậy, bạn phải đam mê và thật sự hiểu nghề. Stylist không đơn thuần chỉ là chuẩn bị cái quần, cái áo thôi là đủ, đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lệch. Chính danh nói lên tất cả, stylist hay còn gọi là người tạo phong cách, bạn phải hiểu những định nghĩa cản bản nhất của phong cách thời trang, nhạy bén với xu hướng và có con mắt quan sát. Cảm hứng sáng tạo không khó kiếm, mà luôn hiện hữu xung quanh bạn, ngoại cảnh và con người. Ngoài ra, thái độ là cực kỳ quan trọng. Khi bạn thực hiện mọi thứ chỉn chu, tức khắc khách hàng sẽ tự tìm đến bạn. Hãy dành thời gian tìm tòi, xem và đọc nhiều hơn, chắc chắn kỹ năng chuyên môn của bạn sẽ tự động được cải thiện.

Khi bạn thực hiện mọi thứ chỉn chu, tức khắc khách hàng sẽ tự tìm đến bạn.

Được biết, anh đã từng tham gia Australia Sydney Fashion Week. Không những thế, vừa qua, anh đã có cơ hội gặp gỡ NTK Kim Jones của Dior và Naomi Campbell khi họ đến Việt Nam; là đại diện tham dự triển lãm Louis Vuitton tại Singapore. Anh có thể chia sẻ về những trải nghiệm đặc biệt này?

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm. Thật sự một nửa những sự kiện bạn nhắc tới đều khởi nguồn bởi công việc hiện tại của tôi. Mỗi chuyến đi hay những cơ hội hợp tác với những nhân vật, thương hiệu thời trang đều mang lại kỷ niệm và cảm xúc nhất định. Kể từ đó, tôi mới cảm thấy bản thân mình chẳng là gì cả, còn cần cố gắng và lao động nhiều và nhiều hơn nữa để được một phần như họ. Tuy nhiên, điều mà tôi thấy và học hỏi được từ những trải nghiệm này chính là thái độ làm việc rất chuyên nghiệp. Họ luôn tạo ra những quy chuẩn nhất định ở tất cả các khâu như quản lý thời gian, hình ảnh, xử lý tình huống bài bản và kỹ càng. Đó là điều mà đa số những người hoạt động trong ngành thời trang nội địa cần cải thiện nhiều nhất.

Phong cách trang phục mà anh yêu thích? Nếu một ngày đẹp trời dậy muộn, chỉ có 30s để chọn trang phục xuống phố, anh sẽ chọn trang phục gì? Và nếu chỉ có 30s để chọn trang phục cho một cuộc họp quan trọng thì anh sẽ diện gì?

Tùy theo ngữ cảnh mà tôi chọn phong cách thời trang và trang phục phù hợp. Ở thời điểm hiện tại, tôi thích trang phục mang tinh thần norm-core vì tính chất công việc phải di chuyển nhiều, cần sự thoải mái. Ngoài ra, tôi đang dành khá nhiều thời gian tìm hiểu phong cách Dandy và Sartorial, vì bản thân đam mê đồ suit! Tôi là người không ngại thử những cái mới, nên trang phục đa dạng gam màu, từ trung tính đến rực rỡ, tôi đều có cả!

Nếu một ngày chỉ có 30s để chuẩn bị trang phục xuống phố, tôi sẽ chọn kiểu quần áo đơn giản nhất có thể như áo T-shirt, quần denim hoặc jogger. Ngoài ra, tôi sẽ chuẩn bị thêm áo khoác blazer hoặc vest để phối khi có cuộc họp đột xuất, thêm thắt chi tiết bằng kính mát hoặc mũ. Thế là đủ cho một ngày vội vã!

Có nguồn tin cho rằng anh cũng thuộc về thế hệ “rich kid” ngày nay? Anh nghĩ sao về điều này? Có hay không bí quyết để tạo phong cách ăn mặc riêng mà không phải tiêu tốn quá nhiều tiền hay không?

Theo tôi, ở độ tuổi hiện tại, bản thân không còn là “kid” nữa mà thuộc về thế hệ “Millienials” thì đúng hơn! Tôi chưa rõ ý bạn về việc đưa ra suy nghĩ về cụm từ “Rich Kid”, nhưng phải chăng, đây là cụm danh từ để chỉ sự phù phiếm và xa hoa? Nếu để tự nhận xét, tôi thấy mình đang sở hữu nhiều nhất khoản “rich energy” và “rich passionate”, những nếu vẫn phải bám sát nghĩa đen như “Rich Kid” thì chắc đó không phải tôi (cười).

Về bí quyết để tạo phong cách ăn mặc riêng, đó là không có bí quyết gì cả. Nếu có thì tất cả những người “nhiều tiền” đều có thể sở hữu rồi. Tuy nhiên, bạn thấy đấy, có vô số người dù khoác trang phục hàng hiệu nhưng nhìn vẫn không đẹp, đôi khi lại còn “sến”. Quan trọng là thần thái. Theo thời gian, suy nghĩ của bạn sẽ thay đổi và phong cách của bạn cũng sẽ dần thay đổi. Điều quan trọng là phải hiểu bản thân mình muốn gì và thích gì, chăm sóc cơ thể và tinh giản hóa phong cách. Hãy mặc đúng trước khi mặc đẹp cái đã!

Việc mua sắm thì ai chẳng thích! Tốn bao nhiêu thì tùy thuộc vào mức độ thu nhập cá nhân của bạn mà chi tiêu hợp lý! Đừng vung tay quá trán để chỉ mua một món đồ quá đắt đỏ rồi chỉ xài được 1-2 lần hoặc muốn mặc đẹp và tạo phong cách riêng nhưng lại ngại tiêu tốn, điều này theo tôi không hề cân xứng!

Anh có quyển sách gối đầu giường nào không? Đâu là quyển sách thời trang mà anh yêu thích?

Hiện tại tôi đang đọc quyển “The little dictionary of fashion by Christian Dior” và quyển “Nhà giả kim” của Paulo Coelho. Tôi đam mê và là người sưu tầm sách thời trang. Có những lúc tôi chỉ cần lướt qua một quyển sách có hình ảnh và thiết kế đẹp, chưa cần xem sơ qua nội dung thì vẫn sẽ mua ngay. Tôi chú trọng vẻ bề quá chứ nhỉ! (cười)

Được biết, hiện tại anh đang theo học ngành thiết kế thời trang, trở thành nhà thiết kế thời trang là hướng đi trong tương lai của anh? Kế hoạch phát triển của anh trong năm tới là gì? 

Cảm ơn câu hỏi của chị. Tôi luôn hoạch định cho mình trong thời gian 3 năm, 5 năm… sẽ thực hiện được những gì. Tôi đã tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế thời trang văn bằng HND in Fashion & Textiles Merchandising của Pearson (Anh Quốc). Trong tương lai, tôi vẫn muốn trau dồi thêm một ngành khác về hội họa hoặc kinh doanh thời trang chuyên sâu. Việc học thời trang bổ trợ được rất nhiều cho công việc BTV thời trang & Stylist hiện tại. Khi bạn lĩnh hội cho mình những kiến thức mới, trong tư duy sẽ nhìn nhận mọi thứ rất khác. Hơn nữa, khi bạn làm trong ngành sáng tạo và thời trang luôn xoay vần, việc nắm vững những kiến thức cơ bản là cực kỳ quan trọng.

Tôi không vội vã để thực hiện điều gì. Trước khi bắt đầu làm một công việc quan trọng, tôi cần tìm hiểu rất kỹ càng. Trong tương lai, tôi có kế hoạch xây dựng một thương hiệu thời trang của riêng mình. Song song tôi vẫn thực hiện công việc tại tòa soạn hiện tại.

Khi bạn làm trong ngành sáng tạo và thời trang luôn xoay vần, việc nắm vững những kiến thức cơ bản là cực kỳ quan trọng.

Là một stylist cũng có nghĩa là công việc không thể tuân theo giờ giấc cố định như một nhân viên công sở. Vậy làm thế nào để anh cân bằng giữa cuộc sống và công việc?

Làm việc cho một tạp chí thời trang cũng gần giống như một nhân viên công sở, có điều được bay bổng và sáng tạo hơn thôi! Có những thời điểm tôi dành toàn thời gian của mình cho công việc nên đành chấp nhận thời gian cho bản thân sẽ ít đi hoặc sẽ không có. Nhưng tôi còn trẻ mà, xây dựng nền tảng sự nghiệp là điều quan trọng nhất. Khi có thời gian rảnh, tôi sẽ hẹn gặp mặt bạn bè hoặc đi du lịch để F5 lại tinh thần.

Cảm ơn những lời chia sẻ của anh!

Thực hiện: Hoàng Khôi

Ảnh: NVCC