Biti’s Bloomin Central: “Sai một ly đi vạn dặm”?

Ngày đăng: 11/10/21

Biti’s vừa giới thiệu chiến dịch “Bloomin Central” để quảng bá thiết kế mới nhất hợp tác cùng Việt Max nhưng vấp phải nhiều chỉ trích từ giới chuyên môn lẫn người hâm mộ liên quan đến vấn đề “chiếm đoạt văn hóa”.

Biti’s vốn không xa lạ gì với người tiêu dùng Việt Nam không chỉ bởi chất lượng sản phẩm mà trong những năm gần đây luôn tích cực khai thác các chất liệu văn hóa Việt Nam để khơi gợi niềm tự hào dân tộc của người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Các chiến dịch “Đi để trở về”, “Hà Nội, Sài Gòn”… được đông đảo bạn trẻ Việt Nam đón nhận cũng như nhận được nhiều lời khen ngợi của những chuyên gia trong ngành.

Tuy nhiên, dự án mới nhất mang tên “Bloomin Central” đang vấp phải những chỉ trích xung quanh thiết kế, từ khâu ý tưởng sáng tạo cho đến chọn lựa chất liệu và nguồn gốc văn hoá của hoạ tiết sử dụng.

Phải chăng là sự chắp vá của nhiều nền văn hóa khác nhau?

Cổ phong là trào lưu được nhiều bạn trẻ yêu thích văn hóa Việt quan tâm trong những năm gần đây và không lạ gì khi Biti’s cũng để ý đến xu hướng này: tìm về những giá trị truyền thống của Việt Nam. Theo tạp chí L’Officiel Việt Nam, đây là một “tổng thể lắp ghép và chắp dính”, “chạy theo trào lưu cổ phong bề nổi hơn là nỗ lực xử lý theo chiều sâu”. Để củng cố luận điểm này, L’Officiel chỉ ra các yếu tố được Biti’s sử dụng nhưng không có mối liên kết mật thiết về văn hóa, không gian và thời gian như hình tượng “hoa nở trên đá” của người miền Trung, “nhang” của người Kinh, các họa tiết vân mây từ ngôn ngữ trang trí thời Nguyễn, thổ cẩm đặc trưng trang phục của dân tộc thiểu số và đồng xu cổ của người Kinh ở thời trung đại. Lý do cho sự kết hợp quá nhiều những yếu tố văn hóa này trên cùng một thiết kế lại là gì thì Biti’s vẫn chưa giải thích được. 

Là lấy cảm hứng, vay mượn hay “chiếm dụng văn hóa”?

Phải nói rõ rằng Việt Nam là một cộng đồng 54 dân tộc, mỗi dân tộc mang những nét văn hóa khác nhau được quy định bởi địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, lịch sử… Theo những gì Biti’s đưa ra, chưa thấy Biti’s nhắc đến quá trình tìm hiểu và học hỏi từ chính người bản địa của vùng văn hóa được Biti’s sử dụng trong thiết kế mới nhất. Chỉ riêng Tây Nguyên đã có hơn 46 tộc người cùng sinh sống vậy thì “thổ cẩm Tây Nguyên” theo như Biti’s giới thiệu chính xác là của tộc người nào thì Biti’s chưa thể chỉ ra. 

Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam có một cuộc trao đổi ngắn với anh Sohaniim dân tộc Chăm – Ninh Thuận, người đồng hành cùng hoạt động tìm hiểu ý nghĩa họa tiết hoa văn, đồng biên tập quyển sách Dòng Chảy Sắc Màu – quyển sách do chính các nghệ nhân và thành viên của cộng đồng Chăm, Mường, Pà Thẻn sưu tầm, lý giải. Theo quan sát hình ảnh hoa văn trên giày Bitis anh Sohaniim nhận định: “Đây là hoa văn của dân tộc Chăm, với tên gọi là hoa văn chân chó “takai asau”, trong quá trình tìm hiểu chúng tôi được biết đây là hoa văn được lấy từ hình cây chân chó, là loại thảo mộc dùng rễ và hạt để làm dược liệu, và cũng có người lý giải đó là hình ảnh của chân chó”.

Xem qua hình ảnh thổ cẩm trên đôi giày, ta thấy đa phần là dùng hình ảnh hoa văn “chân chó” của dân tộc Chăm, nhưng trong phần quảng cáo sản phẩm của Bitis chỉ nhấn mạnh là sản phẩm thổ cẩm Tây Nguyên.

Anh Sohaniim chia sẻ thêm: “Tôi cảm thấy tự hào vì hoa văn dân tộc mình được các doanh nghiệp lớn quan tâm đưa vào các sản phẩm của họ, nó giúp cho thổ cẩm của cộng đồng Chăm được nhiều người biết đến hơn, bán chạy hơn trên thị trường. Nhưng tiếc rằng, hình ảnh dân tộc Chăm không được nhắc đến. Với sản phẩm hoa văn “chân chó” nếu kết hợp với những câu chuyện đằng sau tên gọi “chân chó” trong việc quảng bá sản phẩm của mình càng thêm ý nghĩa hơn, vì người Chăm có câu thành ngữ “nduec yau asau, paduw yau asaih” nghĩa là, chạy như chó, nhảy như ngựa. Nó rất phù hợp với câu chuyện của đôi giày dùng để chạy nhảy”.

Không chỉ sử dụng chất liệu văn hóa của một cộng đồng thiểu số người Việt mà thiếu đi việc trao cho cộng đồng đó tiếng nói cũng như cơ hội thể hiện chính xác ý nghĩa văn hóa của họ, dường như Biti’s cũng không có hành động chia sẻ lợi ích gì dành cho cộng đồng sở hữu nền văn hóa mà Biti’s đang dựa vào để kiếm tiền này. 

Không chỉ thế, một số người còn chỉ ra rằng Biti’s thậm chí không sử dụng diễn viên lồng tiếng người Huế để đọc lời dẫn mà sử dụng người miền khác giả giọng Huế. Chưa biết thông tin này có thực sự chính xác hay không nhưng có vẻ Biti’s hơi nhiều “sạn”.

Sử dụng chất liệu văn hóa bừa bãi?

Chưa dừng lại ở đó, Biti’s còn bị cáo buộc sử dụng chất liệu gấm hoa từ… Taobao Trung Quốc. Trên bề mặt của thiết kế là một lớp hoa văn “được đầu tư sáng tạo, tìm tòi đa dạng vật liệu & tốn nhiều công sức sản xuất” đến từ Trung Quốc! Với những người am hiểu văn hóa Trung Hoa, nhìn vào đã biết ngay đây là hoa văn “hải thuỷ giang nhai 海水江崖” Hàng Châu rất rất phổ biến trong việc làm đồ lưu niệm giá thấp, và bán nhiều nhất trên Taobao” – một loại gấm rẻ tiền, được sản xuất hàng loạt. (Theo La Quốc Bảo). Nếu là vậy, Biti’s gây nhầm lẫn cho cộng đồng ở khía cạnh vô cùng nhạy cảm là văn hóa dân tộc.

Kết luận: Biti’s hiện chưa có động thái phản hồi gì với những chỉ trích kể trên. Tuy nhiên, có thể thấy dư luận đang vô cùng bất bình và hoang mang trước hành động thương mại thiếu hiểu biết của Biti’s. Đây đồng thời cũng là một bài học rất lớn dành cho các thương hiệu khi kinh doanh trên khía cạnh văn hóa của chính dân tộc mình hay bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Để thành công ở khía cạnh văn hóa và thời trang, thương hiệu đòi hỏi phải có sự dày công nghiên cứu, tìm hiểu cũng như gặp gỡ, tương tác và tham vấn từ chính cộng đồng văn hóa mà thương hiệu có ý định sử dụng để làm sản phẩm thương mại.


Thực hiện: M. & K.