[Brand to know] Dòng Dòng – Dòng qua dòng lại, đỡ hại môi trường

Ngày đăng: 30/03/20

Được thiết kế và sản xuất thủ công tại một xưởng nhỏ ở Bình Thạnh, Dòng Dòng mang trên mình một nét thẩm mỹ Sài Gòn, một câu chuyện tình với thành phố.

“Chiều nay, bạn có muốn đi dòng dòng với mình không?” – “Dòng dòng” là phát âm miền Nam cho từ “vòng vòng”, ngụ ý kiểu bạn bè chiều cuối tuần đi chơi phố, hay cái cách những bảng hiệu quán ốc, “dịch lộn”, hủ tíu nay đi một vòng thành chiếc túi tái chế bạn đeo trên vai. “Dòng Dòng” giải thích về cái tên ngộ nghĩnh và đáng yêu của mình như thế. 

Một nhóm bạn trẻ Sài Gòn đã quyết định tạo nên một local brand về balo, túi xách cực chất với mong muốn tạo ra những vật đựng để hữu dụng, bền chắc, đẹp mắt và cùng góp một tiếng nói tôn trọng tới môi trường. Phần lớn chất liệu bạt được sử dụng là mái hiên quán xá cũ, nào “dịch lộn”, hủ tíu, ốc giác, có trên mình những vết sờn xước, bạc màu. Dòng Dòng chọn không can thiệp vào màu sắc, bề mặt chất liệu của bạt. Những xù xì thô ráp, những sắc độ không đồng đều được giữ nguyên như một ngẫu hứng của tự nhiên, tạo nên 1 chiếc túi Dòng Dòng đơn giản mà độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Những xù xì thô ráp, những sắc độ không đồng đều được giữ nguyên như một ngẫu hứng của tự nhiên, tạo nên 1 chiếc túi Dòng Dòng đơn giản mà độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân.

Style-Republik đã trao đổi cùng Dòng Dòng để hiểu rõ hơn về quá trình ra đời và cách mà thương hiệu xây dựng sản phẩm, cùng những chuyện vụn vặt bên lề như quá trình thu gom bạt (hay gọi vui là “móc bạt”) và cách các bạn trẻ mang sản phẩm của mình đến với khách hàng. 

Dòng Dòng có thể giới thiệu về đội ngũ bên mình?

Dòng Dòng gồm co-founder Kiều Anh & Thảo Trang, hai UX designer sau nhiều năm ngồi trước máy tính chuyển nghề để đi theo tiếng gọi của môi trường. Tiếp đến là bạn Tú Quân lo về nghiên cứu và định hướng kinh doanh, và hai chị thợ may để cùng hoàn thiện quy trình sản xuất & tái chế hoàn toàn thủ công tại xưởng nhỏ của Dòng Dòng.

Đội ngũ của Dòng Dòng: Kiều Anh & Thảo Trang, Tú Quân

Vì sao các bạn quyết định thành Dòng Dòng, một local brand với những món phụ kiện tái chế từ những tấm bạt cũ? 

Vào cuối mùa mưa năm ngoái, chúng tôi nhìn thấy nhiều những tấm bạt mái hiên, áo mưa đã rách bị vứt bên đường mà không được xử lý. Ngoài ra khi làm việc trong ngành thiết kế, chúng tôi cũng gặp nhiều những tấm phông nền, banner sự kiện bị bỏ đi chỉ sau một lần sử dụng. Câu chuyện rác thải nhựa thường xoay quanh ống hút, vỏ chai, túi nylon mà ít người nói đến những tấm bạt như vậy trong khi chúng cũng chiếm một khối lượng rất lớn. Lúc đó cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau khi vừa hoàn thành một dự án thiết kế UX lớn nên chúng tôi muốn tìm kiếm một sản phẩm sáng tạo toàn khác biệt với những gì đã làm, và quan trọng hơn là sản phẩm ấy có một ý nghĩa thiết thực cho xã hội cũng như bản thân chúng tôi. 

Việc thực thi ý tưởng này diễn ra như thế nào? 

Bắt đầu với vốn kiến thức rất hạn hẹp về may mặc, lại làm việc với một vật liệu vốn không dùng để làm túi xách, rồi việc vệ sinh bạt cũ cũng phải sao cho không hại môi trường (và trước tiên là không hại sức khỏe bản thân khi xử lý bạt), có thể nói số lần lên mẫu thất bại là nhiều vô kể. Kim chỉ nam của chúng tôi trong suốt quá trình thiết kế sản phẩm là những kinh nghiệm có được khi làm UX.

Đầu tiên, túi Dòng Dòng phải có tính công năng cao, giải quyết được những vấn đề phiền phức chính chúng tôi gặp khi sử dụng những chiếc túi khác. Thứ hai, túi phải tôn trọng vật liệu và người sử dụng, tức mẫu mã túi phải tôn lên vẻ đẹp của những tấm bạt hàng quán, cùng bạt kể tiếp câu chuyện người Sài Gòn. Sau đó, túi được thử nghiệm dưới những điều kiện sử dụng khó khăn để thử tính chịu lực, độ bền, độ thoải mái. Chúng tôi biết con đường nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm là dài vô tận nhưng chúng tôi tự hào về những chiếc túi Dòng Dòng đã ra đời ngày hôm nay.

Chúng tôi không đặt mình ở vị trí cạnh tranh với túi da cao cấp hay túi vải nhập, bởi chúng tôi tin túi Dòng Dòng có cá tính rất riêng của mình. Chất liệu bạt tái chế sẽ phát huy được các tính chất vốn có của nó: dẻo dai bền bỉ, chống mưa chống thấm giúp bảo vệ đồ đạc bên trong, form dáng lại cứng cáp. Mỗi chiếc túi là một câu chuyện của người Sài Gòn, bởi chúng từng gắn liền với các tiệm cà phê, quán ốc, bánh mì,… Những hoa văn, hoạ tiết, vết phai vết bạc màu trên túi Dòng Dòng chỉ có nắng mưa, văn hóa sống của người Việt Nam mới làm nên được. 

Mỗi chiếc túi là một câu chuyện của người Sài Gòn, bởi chúng từng gắn liền với các tiệm cà phê, quán ốc, bánh mì,… Những hoa văn, hoạ tiết, vết phai vết bạc màu trên túi Dòng Dòng chỉ có nắng mưa, văn hóa sống của người Việt Nam mới làm nên được.

Các bạn có kỉ niệm đặc biệt nào về “các chuyến móc bạt” – nguyên liệu chính cho những sản phẩm đầu tiên của mình?

Dòng Dòng liên hệ và tìm gặp các tiệm lắp đặt mái che hoặc lòng vòng đến các bãi phế liệu, bãi ve chai để thu mua lại bạt cũ hoặc bạt vụn. Các chuyến móc bạt này thường diễn ra vào 2 ngày cuối tuần khi chúng tôi chạy xe một vòng thành phố có khi từ Bình Chánh đến Q.12 để hỏi thăm nhiều chỗ. Thường các chỗ bán bạt cứ thắc mắc vì sao không mua bạt mới cho tiện mà lại thu gom bạt cũ rồi tái chế rất phức tạp. Nhiều lúc cũng tự hỏi sao mình lựa chọn con đường khó khăn vậy, đúng là mua bạt mới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng rồi nghĩ lại lí do khi bắt đầu Dòng Dòng, về bổn phận của mình đối với môi trường sống, nên đến nay chúng tôi vẫn trung thành với việc “móc bạt”. 

Có một lần, có người bán bạt nói “tôi gặp mấy người mua bạt cũ về làm túi như các cô rồi nhưng ‘fail’ hết, vì họ không tẩy được mấy vết trầy vết sờn này đâu!” Thật ra nghe đến đó, chúng tôi bật cười bởi trong bụng không hề có ý định làm mất đi những vết trầy, vết sờn mưa nắng Sài Gòn ấy, nên chắc là mình sẽ không “fail”. Hy vọng vậy!

Các bạn có thể kể về quy trình cho ra đời sản phẩm của mình?

Quy trình sản xuất của Dòng Dòng luôn đề cao việc hạn chế dấu chân carbon:

Bước 1: Thu mua bạt

Dòng Dòng liên hệ & tìm gặp các tiệm lắp đặt bạt che và các bãi ve chai, phế liệu tại Sài Gòn để mua lại bạt cũ hoặc bạt vụn. 

Bước 2: Vệ sinh bạt

Bạt thu về được tẩy rửa sạch sẽ bằng các vật liệu an toàn cho môi trường và sức khỏe con người, như baking soda, giấm ăn, cồn sát trùng, v.v. Những vết sờn, vết xước được giữ nguyên để tấm bạt nhựa được kể tiếp câu chuyện của mình.

Bước 3: Thiết kế & may

Các sản phẩm của Dòng Dòng tuy có cùng một hình dáng, nhưng ít khi nào có hai chiếc túi hay ví hoàn toàn giống nhau do mỗi sản phẩm đều được chọn phối & cắt riêng biệt tuỳ theo màu sắc tấm bạt tìm được. Các công đoạn may thành phẩm được thực hiện thủ công, tỉ mỉ, hạn chế tối đa bạt vụn.

Bước 4: Giao nhận

Cuối cùng, các sản phẩm Dòng Dòng được giao tới người mua trong bao bì may bằng chất liệu hiflex, tái chế từ banner sự kiện hoặc quảng cáo.

Hiện tại Dòng Dòng đã cho ra mắt bao nhiêu dòng sản phẩm? Dòng sản phẩm nào đang được yêu thích nhất và các bạn nghĩ là vì sao? 

Hiện tại, Dòng Dòng có 3 dòng sản phẩm gồm ba lô, túi tote và ví tiền, đều được tái chế từ bạt mái hiện & bạt xe tải cũ – vụn. Dù chỉ mới ra mắt trong thời gian gần đây, nhưng có vẻ sản phẩm ba lô được khá nhiều bạn yêu thích không chỉ bởi tính chất tái chế cùng độ độc đáo, thẩm mỹ mà sản phẩm mang lại, mà còn vì những công năng đặc biệt được các designers của Dòng Dòng đem vào sản phẩm. Cụ thể là việc thiết kế phần đệm ở đáy ba lô dâng cao 2cm để giúp bảo vệ laptop bên trong khi đặt ba lô xuống đất, các túi ẩn bên ngoài và đằng sau ba lô giúp chống trộm và cất đồ an toàn.

Ngoài ra tên gọi của các sản phẩm cũng hay nhận được nhiều sự tò mò từ người mua, như Ma Vin, Ham Chơi, Đồ Bộ Ông Tám, To Te Than Van, Polime Môn, v.v. Chúng tôi mong sẽ có dịp được chia sẻ về nguồn gốc của những cái tên này. 

Hơn nữa, Dòng Dòng tin rằng ai trong chúng ta cũng đều có tiếng nói riêng cần cất lên, và việc đeo trên vai hay cầm trên tay các sản phẩm của Dòng Dòng sẽ là cách mà khách hàng của Dòng Dòng thể hiện mình: không chỉ là một gu thẩm mỹ độc đáo, đặc biệt mà còn là cách bản thân thể hiện sự tôn trọng với môi trường.

Các bạn gửi gắm điều gì thông qua những món “dòng dòng” này?

Việc tái chế bạt, bao bố thành túi xách không phải là chuyện mới, nhiều thương hiệu nước ngoài đã làm, tuy nhiên câu chuyện Dòng Dòng muốn kể là câu chuyện rất riêng về văn hóa sống người Sài Gòn với những tấm bạt hàng quán đầy màu sắc được cắt may đúng chỗ thành những sản phẩm thẩm mỹ và hữu dụng. Đây là điều chỉ có thương hiệu của người Việt, với sự cảm nhận sâu sắc về văn hoá bản địa mới làm được.

Hơn nữa, Dòng Dòng tin rằng ai trong chúng ta cũng đều có tiếng nói riêng cần cất lên, và việc đeo trên vai hay cầm trên tay các sản phẩm của Dòng Dòng sẽ là cách mà khách hàng của Dòng Dòng thể hiện mình: không chỉ là một gu thẩm mỹ độc đáo, đặc biệt mà còn là cách bản thân thể hiện sự tôn trọng với môi trường.

Mục tiêu trong tương lai của Dòng Dòng là gì? 

Tái chế sẽ luôn là định hướng lâu dài của Dòng Dòng. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt thêm các loại sản phẩm đựng để khác cũng từ nguồn gốc bạt mái hiên, bạt xe tải, chúng tôi cũng mong muốn tái chế được các chất liệu nhựa khác để có thể xử lí nhiều hơn lượng rác thải đang ngày ngày ứ đọng môi trường. Điều này bao gồm mở rộng phương thức thu mua bạt cũ, thể là trực tiếp từ các hàng quán, hộ gia đình. Xa hơn là tìm hiểu thêm về công nghệ tái chế hạt vi nhựa để có thể tái chế nhiều thể loại bạt khác hơn là chỉ loại bạt mái hiên, xe tải, banner như hiện nay.

Bắt đầu từ ngày 21/03/2020 đến dự kiến ngày 15/4/2020, Dòng Dòng sẽ trích 20% số tiền trên mỗi đơn hàng bán được cho 2 quỹ (mỗi quỹ 10%): 

  • Quỹ Phòng Chống Dịch Covid-19 Của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam
  • Quỹ Hỗ Trợ Lắp Máy Lọc Nước Cho Đồng Bào Đồng Bằng Sông Cửu Long Của Ca Sĩ Thủy Tiên

Mọi thông tin đóng góp mà Dòng Dòng thực hiện sẽ được chia sẻ trên fanpage và gửi đến email của bạn mỗi khi bạn đặt mua sản phẩm của Dòng Dòng trực tiếp tại website www.dongdongsaigon.com.

Thực hiện: Hoàng Khôi 

Ảnh: Dòng Dòng