Lời khuyên nào dành cho thời trang Việt để sống sót qua cơn khủng hoảng xã hội hiện nay?

Ngày đăng: 30/03/20

Đây là một bài viết mang quan điểm cá nhân, dựa vào những đánh giá, phân tích cụ thể về hiện trạng hiện tại để đưa ra những luận điểm để suy xét và gợi mở giải pháp cho các thương hiệu thời trang nội địa.

Tại sao chúng ta lại cần thời trang?

Nhiều người trong chúng ta có thể sống mà không cần đến quần áo, phục sức đắt tiền, hợp xu hướng, hay thậm chí là quần áo thiết kế. Suy cho cùng thì trong cuộc sống, chẳng phải chúng ta có nhiều thứ để đầu tư nguồn tài chính vào, nhiều hơn là thời trang sao?

Giữa tâm điểm của dịch bệnh Covid-19, thời trang càng trở thành một nhu cầu không cần thiết. Khi kinh tế toàn cầu bị đình trệ, con người mới thật sự cảm thấy nỗi sợ hãi tăng cao và nhu cầu an toàn bị tụt giảm. Họ cân nhắc nhiều hơn trong từng khoản chi tiêu, nhất là đối với những người đã ổn định cuộc sống và nhiều mối lo toan. Con người có thể chết vì không có lương thực, nước sạch và thuốc men, chứ không chết vì không có quần áo mới để mặc.

local brand

Thời trang tùy vào định nghĩa và cảm nhận của mỗi người sẽ khác nhau. Có những người nhìn nhận thời trang là sự sáng tạo, là nghệ thuật. Có nhiều người nhìn nhận thời trang là công cụ để giúp bản thân nổi bật trong đám đông. Sẽ có người nhìn nhận thời trang gắn liền với sự xa xỉ, đẳng cấp trong xã hội. Thời trang, đối với nhiều người, là một sự hao phí và không đáng để đầu tư vào. Dĩ nhiên mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng và đặt niềm tin vào đó. Không có nhận thức nào hoàn toàn là đúng, và cũng hoàn toàn là sai.

THỜI TRANG VỐN LUÔN ĐƯỢC XEM LÀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP HÀO NHOÁNG, TRƯNG DIỆN

Nhưng cũng hãy tưởng tượng một thế giới mà không có thời trang sẽ buồn tẻ, thiếu sinh động, thiếu hứng cảm đến nhường nào. Một thế giới mà tất cả mọi người đều ăn diện như nhau, đồng điệu, an toàn. Liệu sẽ giống như là một nhà tù với các tội nhân ăn mặc giống nhau vì họ không có sự lựa chọn, đúng chứ? Đó là một phép liên tưởng khiến chúng ta hiểu rằng thời trang là thứ gia vị tinh thần to lớn như thế nào. Nếu xem thời trang là một niềm đam mê, là một dạng thức hiện thân của cá tính, là tư duy sáng tạo, là sự đầu tư xứng đáng cho bản thân thì điều này sẽ càng dễ dàng để có thể hình dung.

Thời trang không phải là thiết yếu nhưng sẽ luôn cần thiết trong mọi mô hình xã hội. Thời trang có bề dày phát triển song hành cùng với sự phát triển của xã hội. Thời trang, về bản chất là hiện thân của một xã hội văn minh. Đây không phải là lần đầu tiên khủng hoảng xã hội xảy ra và ảnh hưởng đến toàn ngành thời trang. Vậy nên mọi khó khăn mà toàn ngành phải đối diện vào lúc này rồi sẽ trôi qua. Thực chất, sau mỗi cuộc khủng hoảng xã hội, ngành thời trang lại trỗi dậy với một nguồn chảy mới và rất đáng để mong chờ.

MỘT THẾ GIỚI MÀ KHÔNG CÓ THỜI TRANG SẼ BUỒN TẺ, THIẾU SINH ĐỘNG, THIẾU HỨNG CẢM ĐẾN NHƯỜNG NÀO.

Thời trang sống sót trong mùa dịch thế nào?

Dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế khiến sức mua của người tiêu dùng của ngành thời trang giảm mạnh. Quy trình sản xuất bị đình trệ vì doanh nghiệp cũng trăn trở trong việc sản xuất bởi thiếu nguồn cung nguyên liệu và nguồn nhân lực sản xuất cũng suy giảm. Ngay cả những thương hiệu thời trang quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì nguồn doanh thu thì khó khăn này đối với thị trường thời trang nội địa càng nặng nề hơn. Nhiều thương hiệu nội địa đã phải trả mặt bằng để cắt giảm kinh phí. Nhiều nơi phải đóng cửa theo chỉ thị của nhà nước để phòng dịch. Việc chuyển từ hình thức mua bán trực tiếp thành trực tuyến đã sớm diễn ra với rất nhiều ưu đãi kích cầu mua sắm khác nhau.

NHIỀU THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG QUỐC TẾ NHẬP CUỘC SẢN XUẤT KHẨU TRANG Y TẾ VÀ NƯỚC RỬA TAY DIỆT KHUẨN.

Thật đáng buồn, khi rất nhiều doanh nghiệp thời trang được xây dựng với ý niệm đơn giản rằng thời trang là mô hình doanh nghiệp start-up dễ để bắt đầu nhất (giống như dịch vụ ăn uống vậy). Điều này không hẳn là khó hiểu vì Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh thời trang. Nhưng đó là nếu doanh nghiệp có tầm nhìn xa để chống đỡ những khủng hoảng về giá trị sáng tạo, nhu cầu của người tiêu dùng, những rủi ro không thể lường trước như dịch bệnh đang hoành hành này.

Giải pháp hiện tại của đa phần các thương hiệu nội địa là cố gắng để tung ra những sản phẩm mới trong mùa dịch bệnh với những câu chữ, hình ảnh cổ động yêu cầu người mặc giữ gìn sức khỏe và phòng chống dịch bệnh, với hy vọng sẽ vẫn có thể thu về chút doanh thu trong mùa dịch này. Đó là hướng đi an toàn, dễ hiểu và được áp dụng bởi phần đông doanh nghiệp. Sẽ có những doanh nghiệp may mắn bán được sản phẩm trong mùa dịch này, thông qua việc đưa ra những ưu đãi mua sắm và chạy quảng cáo trên các kênh bán hàng trực tuyến. Thực tế, xác suất bán được hàng trong mùa dịch là không cao và các doanh nghiệp sẽ phải tốn tiền quảng cáo và sản xuất sản phẩm mới.

ÁO THUN IN SLOGAN CỔ ĐỘNG LÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA NHIỀU THƯƠNG HIỆU NỘI ĐỊA VÌ YẾU TỐ GIÁ THÀNH SẢN XUẤT VÀ TÍNH THỨC THỜI

Giải pháp trên chỉ mang tính may rủi, phải nhận định là như thế. Không có một cơ sở thực tiễn nào để giúp doanh nghiệp có thể tin rằng sản phẩm mới của mình sẽ bán được. Quy luật cung cầu của kinh tế thị trường bây giờ cần khẩu trang, găng tay và mũ che mặt nhiều hơn cả. Các thương hiệu thời trang quốc tế bây giờ nhanh chóng chuyển qua sản xuất khẩu trang và nước rửa tay để bán và quyên góp cho thị trường. Thương hiệu nội địa có thể áp dụng được cách thức này không? Có thể, với điều kiện họ có được nguồn vải chất lượng có đủ điều kiện để kháng khuẩn và chống thấm ướt chứ không phải khẩu trang vải bán tràn lan ngoài chợ. Thêm hơn, ở thị trường nước ngoài mới có nhu cầu sản xuất khẩu trang vì nhu cầu bất ngờ tăng đột biến; còn ở Việt Nam thì thói quen đeo khẩu trang của phần đông mọi người khiến cho việc họ phải tích trữ và lùng sục để mua không phải là bài toán kinh tế có thể áp dụng cho quốc gia này.

Có nhiều chủ doanh nghiệp thì nghĩ rằng một mình sẽ khó lòng sống sót, vậy chi bằng đồng tâm hiệp lực để tìm ra những phương án chung nhằm vượt qua khủng hoảng này. Nhìn chung vẫn là tìm ra phương án khả thi để tiếp tục duy trì việc kinh doanh. Chưa kể việc hợp tác này liệu có dễ dàng để xảy ra khi thị trường thời trang nội địa không chịu sự kiểm soát của một tổ chức nào? Việc hợp nhất là khó có thể xảy ra, khi mà thị trường thời trang nội địa có quá nhiều thương hiệu khác nhau, với sự phân tầng rõ ràng về giá thành, và cả tư duy thẩm mỹ. Chẳng có một cái chung thực tiễn nào để có thể đưa họ đến gần nhau dễ dàng.

Trên hết, chiếc áo xã hội văn minh là chiếc áo giả tạo và tạm bợ. Kinh doanh trên sự sợ hãi liệu có đáng để cổ súy?

Hãy chấp nhận sự thật và thay đổi

Dịch bệnh Covid-19 thực chất giống một đợt thanh lọc thị trường thời trang nội địa vậy, nếu nhìn theo hướng này. Những thương hiệu có đầu tư và hoạch định kỹ lưỡng, dài hạn sẽ có thể vẫn trụ vững được trong vòng vài tháng tới đến khi đợt thanh lọc thị trường này chấm dứt. Những thương hiệu thời trang yếu kém về quản lý, về cách vận hành, về tư duy sáng tạo và xây dựng thương hiệu, nhất định sẽ bị đào thải triệt để. Cũng là một điều tích cực, bởi vốn dĩ thời trang nhanh cũng góp phần thúc đẩy cho Trái đất và môi trường bị ô nhiễm và phải tự mình tạo ra cơ chế phản ứng để chống lại những mầm mống nguy hiểm như lúc này đây.

Hãy chấp nhận sự thật rằng toàn ngành thời trang đang bị đóng băng. Thời trang phục vụ cho nhu cầu tinh thần là cốt yếu, là thứ vật chất xa xỉ mà nhiều lúc chúng ta đã đánh giá quá cao. Thời trang không phải là thiết yếu trong đời sống con người. Thực phẩm, nước sạch và thuốc men mới là thiết yếu và thời trang nhanh, thời trang phi đạo đức đang góp phần thu hẹp phạm vi để phát triển những nhu cầu thiết yếu này của chúng ta

Thời điểm này là thích hợp để các doanh nghiệp kinh doanh thời trang nhìn ra hướng đi cần thiết trong tương lai để kịp chấn chỉnh và thay đổi tư duy, cách thức vận hành. Nếu không thì thương hiệu chắc chắn sẽ tiếp tục gặp khó khăn và sụp đổ bởi những khủng hoảng xã hội không thể lường trước được như thế này. Nên nhớ rằng dịch bệnh sẽ không phải là thứ duy nhất có thể đe dọa đến sự an toàn, sự phát triển kinh tế, lẫn tinh thần của con người.

Là một doanh nghiệp kinh doanh thời trang, hãy hiểu rõ ràng mình đang bán sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tinh thần. Vậy nên hãy tìm cách để gắn kết tinh thần với người tiêu dùng. Hãy cho họ thấy doanh nghiệp của bạn có tinh thần trách nhiệm, nhân đạo và có ích cho sự phát triển của xã hội đến thế nào. Đây là hướng đi tốt nhất để có thể xây dựng một doanh nghiệp (bất kỳ mô hình doanh nghiệp nào) có được sự ủng hộ và yêu mến lâu dài của khách hàng. Nếu có thể, hãy sớm cân nhắc để chuyển mình sang mô hình thời trang bền vững. Thay vì tập trung sản xuất theo số lượng và tự tin rằng người tiêu dùng sẽ ưu ái sáng tạo của thương hiệu, thì hãy tập trung vào chất lượng, và lắng nghe nhu cầu thật sự của khách hàng là gì. Đừng mải chạy theo xu hướng, theo dao động thị trường, đừng chỉ áp đặt thiết kế của mình cho khách hàng mà không chậm lại để lắng nghe xem họ thực sự cần gì trong thời trang. Hãy học cách để gắn kết thực sự.

THỜI TRANG BỀN VỮNG NÊN LÀ TƯƠNG LAI CỦA NGÀNH THỜI TRANG.

Lời khuyên tốt nhất ở thời điểm hiện tại dành cho các thương hiệu thời trang nội địa bây giờ là hãy chấp nhận chịu lỗ. Hãy tìm ra giải pháp giúp giải quyết vấn đề ở hiện tại nhưng không trục lợi từ nó. Hãy cho khách hàng thấy sự chân thành, sự tích cực, sự sáng suốt và trách nhiệm hướng về cộng đồng. Dù doanh nghiệp có chịu lỗ trong giai đoạn này, nhưng thứ có được sẽ còn đáng giá hơn doanh thu trong mùa dịch này, đó là sự mến chuộng và trân trọng nỗ lực của khách hàng dành cho doanh nghiệp.

Xin đừng mải mê kinh doanh và quên mất rằng khách hàng và cả chúng ta đều ở trong một cuộc diện khó khăn. Hãy trở thành một doanh nghiệp với hình ảnh và nghĩa cử cao đẹp. Chấp nhận và thay đổi.

Thực hiện: Fellini Rose