[Brand to know] Mayne và người sáng lập Tú Ngân: “Đừng nôn nóng, thương hiệu cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt”

Ngày đăng: 02/12/21

Chuyên mục Brand to Know của Style-Republik đưa đến cho độc giả những chia sẻ thú vị và hữu ích về những bài học kinh doanh, thiết kế… từ những người đứng sau các thương hiệu thời trang và làm đẹp tại Việt Nam.

Tuần này, hãy cùng nghe những chia sẻ của Tú Ngân, chủ thương hiệu thời trang Mayne với tinh thần tối giản, gần gũi gắn liền với những điều bình dị, đơn sơ trong cuộc sống. Với quan điểm thời trang không nhất thiết phải là những trang phục hào nhoáng, Mayne được tạo ra để thể hiện vẻ đẹp chân thực nhất của người phụ nữ thông qua những thiết kế mang tinh thần tối giản nhưng tiện dụng, phù hợp với nhiều hoàn cảnh, thậm chí nhiều thời điểm trong năm, để người mặc thể hiện tối đa thần thái lẫn thẩm mỹ cá nhân.

Cùng Style-Republik lắng nghe Tú Ngân – người sáng lập Mayne – chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu của mình.

Tú Ngân – Nhà sáng lập thương hiệu Mayne

Chào Tú Ngân, điều gì đã khiến bạn quyết định thành lập Mayne?

Mình học ngành Ngôn Ngữ Anh tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng có niềm đam mê với thời trang từ bé. Hồi đấy, mẹ mình là thợ may và mình dành phần lớn thời gian quây quần bên chiếc máy may của mẹ. Hơn nữa, gia đình mình cũng khá là coi trọng vấn đề ăn mặc, ba mình cứ như stylist của mình vậy. Niềm vui của ba mẹ là đi chọn vải và may cho mình những bộ đồ là lạ, còn mình tình nguyện làm nhân vật thử nghiệm. Mình nghĩ mình có ảnh hưởng từ đó và Mayne là tên ghép từ hai người mà mình ngưỡng mộ. 

Khi bắt đầu Mayne, mình muốn hướng đến cộng đồng hơn là chỉ làm kinh doanh. Mình mong muốn phát triển Mayne trở thành một khái niệm và khái niệm này có thể tác động một phần tích cực nhỏ đến với khách hàng của mình. Mayne như một người bạn, một người đồng hành hàng ngày. Thời trang không phải lúc nào cũng là những bộ cánh hào nhoáng, mà còn về những điều bình dị đơn sơ. Mình luôn bị thu hút bởi những chị, khách hàng có gout ăn mặc vừa đủ và toát ra một thần thái nhẹ nhàng tự nhiên. Họ có đời sống nội tâm phong phú, biết mình cần gì và muốn gì, không dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chóng mặt của thời đại số. 

Thiết kế của Mayne không bị giới hạn về độ tuổi, bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể mặc được Mayne. Chỉ cần tỷ lệ quần áo được cân chỉnh vừa với tỉ lệ cơ thể, thì nỗi lo lắng về khuyết điểm cơ thể không còn nữa. 

Cảm hứng của Mayne đến từ đâu?

Mayne là một khái niệm. Khái niệm về vẻ đẹp bất toàn. Cảm hứng lớn nhất có lẽ là hình ảnh vết nứt từ những món đồ gốm cũ kỹ. Một vẻ đẹp vượt thời gian và bất quy tắc, mọi sự sẽ đẹp hơn khi nó hữu ích và chân thật. Cũng giống như thiết kế tại Mayne, hữu ích và thể hiện được vẻ đẹp chân thật nhất của người mặc nó.

Tại sao bạn lựa chọn đi theo phong cách tối giản trong bối cảnh cũng có rất nhiều thương hiệu đi theo tối giản trong nước? Bạn làm gì để khiến thương hiệu khác biệt?

Mình nghĩ, tối giản cũng có nhiều cách hiểu. Tối giản có thể là về kiểu dáng nhưng chơi đùa trong màu sắc, hoặc ngược lại (và còn nhiều cách nghĩ khác nữa), chứ không chỉ gói gọn trong những gam màu chủ đạo là trắng, đen, be. Điều khác biệt nhất ở Mayne có lẽ là yếu tố “con người”. Tụi mình lắng nghe khách hàng và lấy khách hàng làm trung tâm. Một thiết kế có sẵn có thể đem ra mổ xẻ, thay đổi rập để vừa phom khách hàng nhất, và tụi mình cũng đưa ra nhiều gợi ý về bảng màu cho khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, Mayne chọn hướng “thiết kế như không thiết kế” – mặc mùa nào hoặc năm nào cũng được mà không bị lỗi thời. Vì thế, tụi mình cũng hay nhận được tin nhắn hỏi về sản phẩm của những năm trước. 

Bạn hãy chia sẻ thêm về quá trình sáng tạo nên các thiết kế của mình?

Mỗi năm, Mayne sẽ có 2 Bộ sưu tập. Tụi mình sẽ chuẩn bị 6 tháng trước khi ra mắt. Trong thời gian này, mình sẽ xem lại các thiết kế cũ và đọc phản hồi của khách hàng về điểm tốt và chưa tốt. Mình xem nhiều sách ảnh, và chọn những cuốn sách không liên quan đến thời trang. Mình xem phim, xem những show thời trang trên thế giới, mình quan sát những người xung quanh trong quán cà phê, trong bảo tàng hoặc một trung tâm thương mại. Sau đó mình sẽ ngồi lại, tổng hợp những gì có được, và bắt đầu lên moodboard.  

Team của mình chỉ có 3 người, nên mỗi người phải đảm nhiệm rất nhiều vai trò. Ai cũng đóng góp vào tất cả các khâu và làm việc chặt chẽ cùng nhau. Do đó, trong 3 năm xây dựng Mayne, mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, mọi người đều cảm thấy hồi hộp. Hồi hộp để xem khách hàng đón nhận như thế nào, những người trong ngành nhận xét ra sao. Hồi hộp nhận những tin nhắn đặt hàng đầu tiên. Đó là những khoảnh khắc trân quý mà mình và team có được khi làm việc cùng nhau. Càng vui hơn khi thương hiệu càng thể hiện rõ bản sắc, thì lại càng gặp được khách hàng có tâm hồn đồng điệu. Tiếp xúc và trò chuyện cùng họ là một trong những điều thú vị khi xây dựng Mayne, có những người đã trở thành bạn rất thân và hỗ trợ Mayne cho đến hiện tại.

Ngân cảm thấy kinh doanh thời trang tại Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì?

Khi kinh doanh thời trang tại Việt Nam, thuận lợi là “dễ” mà khó khăn cũng là “dễ”. Dễ ở đây là chi phí nhân sự rẻ, có rất nhiều xưởng sản xuất với số lượng từ ít đến nhiều, tốc độ sản xuất nhanh. Vì thuận lợi như vậy nên ai cũng có thể làm được và rất nhiều thương hiệu đang mọc lên và cạnh tranh nhau hằng ngày. Điều này cũng dẫn đến một số khó khăn nhất định, điển hình là việc làm thế nào để có được bản sắc riêng và nổi bật trong thị trường đang dần bị bão hoà. 

Hãy kể về một bài học sâu sắc Ngân học được trong suốt quá trình xây dựng và duy trì thương hiệu?

Lúc nhen nhóm ý tưởng thành lập Mayne, mình 19 tuổi. Mình xin đi thực tập và làm full time ở một số công ty start-up để có môi trường cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Bây giờ nhìn lại, kiến thức và kinh nghiệm mình có lúc đó vẫn chưa đủ, nhưng mình vẫn bướng bỉnh và lao đầu vào làm với sự tự tin và… lầm tưởng. Bài học rút ra: đừng nôn nóng. Thương hiệu cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.

Đã bao giờ bạn thất vọng, chán nản, bỏ cuộc với thời trang? Bạn đã làm gì để quay trở lại?

Ngành nào cũng khắc nghiệt, và thời trang cũng không ngoại lệ. Thất vọng có, chán nản có, nhưng mình chưa nghĩ đến việc bỏ cuộc. Mình tự nhận mình là người lạc quan, chuyện buồn đến mấy cũng chỉ nên buồn trong vài ngày, rồi mọi chuyện sẽ ổn. Những lúc như thế, mình sẽ tạm gác lại mọi thứ và không làm gì vài ngày, xem thất bại này là một người thầy, khơi dậy tích cực, sửa chữa và định hướng bản thân.

Thành tựu lớn nhất mà bạn hay thương hiệu đạt được cho đến thời điểm hiện tại?

Lúc bắt đầu làm, mình còn khá mơ hồ về hướng đi và nghi ngờ bản thân cũng như thương hiệu. Nhưng dần dần, sau khi nhận được nhiều phản hồi và đón nhận tích cực thì mình có niềm tin hơn và tiếp tục phát triển niềm tin đó. Thương hiệu dần có chỗ đứng trong lòng nhóm khách hàng tuy nhỏ nhưng chất lượng. Khi khách hàng nhận được sản phẩm, họ cảm nhận được thông điệp và hiểu về Mayne đúng như cách mình muốn mà không cần phải giãi bày quá nhiều. Cứ như hai tâm hồn gặp nhau cùng tần số vậy đó. Đó là thành tựu hạnh phúc nhất mà mình và thương hiệu đạt được.

Bản sắc cá nhân là một điều quan trọng trong DNA của thương hiệu lẫn nhà thiết kế, bạn làm sao để giữ được điều đó mà vẫn bắt kịp dòng chảy của thời trang, để không bị bão hòa hay bị lãng quên?

Liên tục trau dồi bản thân và không ngủ quên trong chiến thắng. Nếu thương hiệu là một bông hoa thì mình giống như một chú ong vậy. Theo mình, định hướng thương hiệu như thế nào thì trước tiên bản thân mình phải trở thành người như thế. Sau đó, mình liên tục tìm cảm hứng để truyền năng lượng cho đồng nghiệp và cả team cùng nhau truyền mật, tưới nước cho bông hoa mỗi ngày. Một bông hoa có cái DNA là nhuỵ, mỗi cánh hoa tượng trưng cho một bộ sưu tập mới, liên kết với DNA nhưng mang một điều mới mẻ và thú vị riêng.

Ngân có đánh giá, dự đoán gì về tình hình và xu hướng phát triển của thời trang tại Việt Nam trong những năm gần đây?

Người tiêu dùng đang dần trở nên khắt khe và chọn lọc hơn khi mua hàng. Vì vậy, mình nhận thấy các thương hiệu thời trang tại Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang có nhiều thay đổi tích cực. Kiểu dáng, chất lượng và hình ảnh được đầu tư kỹ và chuyên nghiệp hơn để đáp ứng được yêu cầu cao từ khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở quốc tế. Nhiều thương hiệu thành công và được đón nhận ở thị trường quốc tế sẽ là nguồn cảm hứng và động lực cho các thương hiệu mới tại Việt Nam.

Dịch COVID-19 năm 2020 và 2021 đã ảnh hưởng đến thương hiệu như thế nào? Thương hiệu đã thay đổi như thế nào để duy trì việc kinh doanh và thích ứng với tình hình đó?

Mình và team điều hướng thương hiệu đi chậm lại nhưng chắc hơn nên cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều. Tụi mình thay đổi kế hoạch trong khâu sản xuất để hạn chế hàng tồn, giảm thiểu rủi ro và nguy cơ bị chôn vốn. 

Đây là cơ hội để Mayne nhìn lại và trao dồi thêm nhiều thứ, cũng như có thời gian chuẩn bị cho các bộ sưu tập tiếp theo chỉn chu hơn. Bài học rút ra: chấp nhận và đối mặt với thực tại, luôn có kế hoạch dự phòng cho những tình huống tồi tệ nhất. 

Lời khuyên dành cho những bạn trẻ ấp ủ một thương hiệu thời trang ở Việt Nam?

Học, học và học. Khi bạn đã xác định được mục tiêu và định hướng cho thương hiệu, thì cần chuẩn bị tinh thần “một mình cân tất cả mọi thứ”. Bởi vì công việc điều hành một thương hiệu đòi hỏi rất nhiều thứ từ người quản lý. Nói ví von thì việc này cũng giống như điều khiển một con tàu. Để con tàu vận hành tốt thì mình vừa phải là người lái tàu, người soát vé, người kiểm tra và tiếp nhiên liệu,… Chứ không chỉ tuyển người về, giao việc, trả lương là xong. Học kỹ năng chuyên môn và sẵn sàng làm từ A-Z sẽ giúp thương hiệu không bị động, có thời gian tiếp xúc và hiểu khách hàng của mình hơn. Giai đoạn đầu phải chịu khó nhiều chút, sau này khi thương hiệu phát triển sẽ đỡ đần được rất nhiều. 

Bạn có mong ước hay lời nhắn gửi nào dành cho cộng đồng kinh doanh thời trang tại Việt Nam?

Minh mong muốn càng ngày sẽ càng có nhiều thương hiệu quan tâm đến môi trường hơn và.. chậm lại hơn. Sản xuất vừa đủ và tận dụng nguồn nguyên liệu sau sản xuất. Nếu được, mọi người có thể cùng tạo ra một cộng đồng trao đổi nguyên liệu sau sản xuất, vừa tiết kiệm vừa đỡ hại cho môi trường, biết đâu lại tạo nên một sản phẩm sáng tạo mới. 

Cám ơn Ngân đã dành thời gian trò chuyện cùng Style-Republik!


Thực hiện: Mỹ Đỗ