Câu chuyện chưa kể đằng sau những viên ngọc trai trong tang lễ Hoàng gia Anh
Ngày đăng: 20/09/22
Từ là “món quà quý giá” do trời ban, một món trang sức gắn liền với tầng lớp thượng lưu, giàu có, một biểu tượng cho sự sang trọng nhưng đầy tinh tế đến một truyền thống được ấn định với tang tóc, những viên ngọc trai được bao bọc và hình thành từ những bí mật lịch sử đằng sau.
Trong suốt quãng đời của Nữ hoàng Elizabeth II, con dân Anh Quốc hay cả toàn thế giới ắt hẳn rất hiếm bắt gặp nữ hoàng xuất hiện mà thiếu đi những món trang sức làm từ ngọc trai. Giờ đây, tại tang lễ tiễn biệt vị nữ vương, khi hình ảnh người phụ nữ dáng vóc nhỏ bé nhưng đầy quyền lực cùng chiếc vòng ngọc trai sang trọng chỉ còn là những ký ức đẹp, chúng ta có lẽ chỉ được nhìn thấy những đôi bông tai, ghim cài áo hay vòng cổ ngọc trai khác trên vương hậu, công nương hay nữ công tước tựa như lòng tôn kính dành cho nữ hoàng quá cố.
Tại tang lễ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II diễn ra vào ngày 19/09/2022, lớp trang phục màu đen cùng nỗi thương tiếc cùng lòng tôn kính bao trùm lên tất cả gia đình hoàng gia Anh. Và đặc biệt, trên những bộ trang phục đen của vương hậu Camila, công nương Catherine, nữ công tước Meghan Markle hay Vương tôn nữ Charlotte xứ Wales,… đều được làm nổi bật với những món trang sức, phụ kiện ngọc trai hoặc kim cương không màu. Nhưng tại sao ngọc trai nói riêng hay loại đá quý trong suốt lại thường được hoàng gia trân quý và diện ở những sự kiện quan trọng? Tác giả và nhà sử học trang sức Vivienne Becker chia sẻ: “Đó là một truyền thống – một sự tiết chế về màu sắc để người diện bày tỏ sự khiêm tốn cũng như lòng tôn trọng. Ngọc trai không quá lấp lánh cũng không quá chói lọi.”
Ngọc trai tự nhiên được hình thành một cách tình cờ bên trong lớp vỏ của một loài nhuyễn thể. Chúng còn được coi là một là điều kỳ diệu hiếm có của tạo hóa dành cho nhân loại và từ xa xưa món quà trời ban này đã mê hoặc con người cũng như có tầm quan trọng nhất định trong từng nền văn hóa ở nhiều nơi khác nhau. Nếu người Hy Lạp tin rằng chúng được hình thành từ giọt nước mắt của các vị thần, thì trong văn hóa Ấn Độ giáo, ngọc trai gắn liền với mặt trăng, tượng trưng cho sự thông thái và thuần khiết. Còn theo truyền thống Trung Quốc, một viên ngọc trai thường được đặt trong miệng người chết như một vật bảo vệ, giúp họ dễ dàng đi đến thế giới bên kia. “Thật thú vị khi biết được tầm quan trọng của ngọc trai trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Nhưng tựu trung chúng chính là biểu tượng cho sự sang trọng đầy tinh tế,” nhà thiết kế trang sức Melanie Georgacopoulos chia sẻ.
Trở về thời kỳ Phục hưng xa xưa, do sự quý hiếm và trị giá cao của chúng, những viên ngọc biển này đã trở nên gắn liền với sự giàu có và các tầng lớp thượng lưu, giàu có bậc nhất trong xã hội Đối với Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất, ngọc trai còn tượng trưng cho sự thuần khiết và trong trắng gắn liền với hình ảnh “Virgin Queen” cũng như thể hiện sự giàu có và quyền lực tột độ của bà.
Trong văn hóa phương Tây, màu đen thường được xem là màu của sự tang tóc, tuy nhiên, phải đến thời trị vì của Nữ hoàng Victoria, ngọc trai mới trở thành hình ảnh gắn liền với sự tang tóc. Nữ hoàng Victoria được mệnh danh là một trong những vị quân vương, nữ vương có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử Anh Quốc. Tuy là người đàn bà giàu tham vọng nhưng cũng là một người vợ giàu tình cảm, lãng mạn và chung thủy. Vào năm 1861, bà dường như mất đi một nửa phần hồn khi chồng bà, hoàng thân Albert, băng hà. Từ đó, nữ hoàng Victoria đã dành toàn bộ cuộc đời về sau của mình, gần 40 năm để tưởng niệm ông.
“Nữ hoàng Victoria đề ra những quy củ tang lễ mà cả xã hội phải noi theo”, Matthew Storey, nhà giám tuyển tại Historic Royal Palaces, nơi lưu giữ bộ sưu tập lễ phục hoàng gia cho biết. “Trong 40 năm liền, nữ hoàng không còn diện những bộ trang phục màu sắc nữa, chỉ diện đồ đen kể cả ở những dịp long trọng – như thể hiện về nỗi đau của mình mà không dùng lời.”
Thời bấy giờ, các goá phụ cũng phải diện đồ đen trong suốt một năm và ở ngày sau khi chồng qua đời, cũng chỉ được đeo những đồ trang sức màu đen, không được đánh bóng. Dần dần, họ được diện trang sức nhiều màu hơn, sau đó là kim cương và ngọc trai, và cuối cùng là lớp đá quý nhiều màu. Đau khổ và một lòng chung thủy với chồng như Nữ hoàng Victoria, có một số góa phụ đã không bao giờ diện những món trang sức có hình thù trái tim nữa…,” theo Clare Phillips, người giám tuyển trang sức tại Bảo tàng Victoria và Albert, đã viết trong cuốn sách Jewels and Jewellery của mình.
Từ năm 1861, Nữ hoàng Victoria cũng chỉ đeo trang sức kim cương và ngọc trai với những gam màu trắng sữa hoặc trong suốt trên những bộ trang phục sắc đen của mình. Vậy tại sao là ngọc trai mà không phải bất kỳ loại đá quý khác? Câu hỏi được giải đáp với hình thù tựa như giọt nước mắt của viên ngọc trai, và sắc trắng của chúng chính là đại diện cho sự trong sạch của người phụ nữ. Đương thời, để tưởng niệm vị hoàng thân của mình, nữ hoàng Victoria thường đeo trước ngực áo, gần vị trí trái tim, một chiếc trâm cài áo có nạm một viên ngọc trai hình giọt nước khắc tên của hoàng thân Albert. Bà cũng luôn đeo bộ trang sức ngọc trai và kim cương trong nhiều dịp long trọng – quà cưới mà hoàng thân Albert tặng vợ. Cũng từ đó, việc đeo diễn nữ trang ngọc trai cùng đồ đen trong ngày tang lễ cũng đã dần trở thành một nghi thức truyền thống của hoàng gia Anh.
Tuy nhiên, ngày nay những quy tắc này cũng không còn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt nữa. Và các thành viên trong gia đình hoàng gia Anh cũng thường diện trang sức ngọc trai ở các sự kiện khác chứ không riêng gì đám tang. Nữ hoàng Elizabeth II là một người yêu thích ngọc trai, bà còn nổi tiếng với một bộ trang sức ngọc trai đồ sộ. Tuy việc đeo ngọc trai trong tang lễ không còn bắt buộc nữa nhưng với vẻ sang trọng, mềm mại đầy tinh tế cùng biểu trưng cho sự thuần khiết, ngọc trai vẫn là lựa chọn hàng đầu trong các tang lễ của hoàng gia.
Cố Nữ hoàng Elizabeth cũng đã từng đeo ngọc trai để tang cha mình là Vua George VI sau khi ông qua đời vào tháng 2 năm 1952. Công nương xứ Wales, Diana cũng đã chọn ngọc trai khi tham dự tang lễ của Công nương Monaco, Grace – người đã chết thảm trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1982. Tham dự đám tang của Gianni Versace – sau khi ông bị sát hại, Diana cũng đã diện một chiếc vòng cổ ngắn với những viên ngọc trai lớn.
Trong đám tang của Hoàng thân Philip vào tháng 4 năm 2021, Nữ công tước xứ Cambridge đã đeo một chiếc vòng ngọc trai có sự liên kết sâu sắc với Nữ hoàng. Đó là một chiếc vòng ngọc trai nạm kim cương bốn sợi của Garrard, và được chính quyền Nhật Bản tặng cho Nữ hoàng vào những năm 1970. Cố Nữ hoàng cũng đã từng cho Công nương Diana mượn chiếc vòng này trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Lan vào năm 1982. Đôi bông tai trong tang lễ mà nữ Công tước xứ Cambridge đã đeo chính là đeo bông tai ngọc trai Bahrain của Cố Nữ hoàng – quà cưới của Thống đốc Bahrain dành tặng cho Cố Nữ hoàng Anh và cố Hoàng thân Philip.
Vào ngày 14 tháng 9, khi để tang Cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Catherine đã diện một bộ cánh màu đen kết hợp với chiếc trâm cài áo hình lá phong, nạm kim cương nhí xung quanh ba viên ngọc trai xám lớn. Đây là một chế tác trong bộ sưu tập riêng của Cố Nữ hoàng Anh mà bà đã ban tặng cho cháu dâu. Cũng trong tang lễ, Catherine cũng bày tỏ lòng tôn kính với người mẹ chồng quá cố bằng việc đeo một đôi bông tai bằng ngọc trai và kim cương – một món quà cho Diana từ Collingwood Jewellers trong đám cưới của cô với Thái tử Charles vào năm 1981. Viên ngọc trai trên đôi bông tai có hình giọt nước, tượng trưng cho “giọt lệ Hoàng gia”.
Trong lễ tang của Cố Nữ hoàng, Nữ công tước xứ Sussex Meghan Markle cũng đã bày tỏ lòng kính trọng khi mặc đồ đen cùng đôi bông tai đính ngọc trai và kim cương được Cố Nữ hoàng tặng cho cô. Cô ấy cũng đã từng đeo chúng trong lễ đính hôn với Hoàng tử Harry vào năm 2018.
Hoàng hậu Camilla cũng đeo hoa tai ngọc trai cùng với vòng cổ ngọc trai bốn sợi, kết hợp một chiếc trâm cài áo nạm hoàn toàn kim cương. Tuy không có ngọc trai nhưng chiếc trâm cài áo này chính là một món quà mà Cố Nữ hoàng đã tặng cho con dâu. Chiếc trâm hình cây kế (thistle) – quốc hoa của Scotland, nơi nữ hoàng Elizabeth II qua đời.
Công chúa Anne, con gái duy nhất của Cố Nữ hoàng, đã mặc đồng phục nghi lễ của Hải quân Hoàng gia Anh kết hợp một đôi hoa tai đinh tán đơn giản. Vào một ngày trước đó, khi cô đi cùng quan tài của mẹ mình trong chuyến hành trình từ Scotland đến London, Anne đã mang một đôi hoa tai ngọc trai của Andrew Grima, món quà của cha mẹ tặng cô vào cuối những năm 1960. Công nương Hoàng gia đã đeo đôi bông tai tương tự trong đám tang của Hoàng thân Philip năm ngoái – thể hiện tình cảm sâu sắc và gần gũi của cô dành cho cả cha và mẹ.
Nhà thiết kế trang sức Melanie Georgacopoulos cũng cho biết tất cả món nữ trang sức mà các thành viên của hoàng gia sử dụng trong tang lễ của Cố Nữ hoàng đều mang ý nghĩa sâu sắc và một sự liên kết, gợi nhớ về bà.
“Việc kết hợp một chiếc váy đen và ngọc trai trắng là một cách thể hiện nỗi buồn mất mát người thân cũng như cách bày tỏ lòng biết ơn về cuộc đời họ đã sống. Khi thế giới vĩnh biệt một vị vua, một nữ vương trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh và hướng tới triều đại của Vua Charles III, ngọc trai không chỉ đại diện cho sự ra đi mà còn tượng trưng cho một khởi đầu của những điều mới mẻ”, Georgacopoulos chia sẻ.
Thực hiện: Huỳnh Trân
Theo Vogue