Chân dung 3 nhiếp ảnh gia huyền thoại trong ngành thời trang

Ngày đăng: 26/05/19

Bên cạnh các nhà thiết kế, thợ thủ công và các người mẫu, những nhiếp ảnh gia với cái nhìn đặc sắc của mình đã mang đến công chúng những bức ảnh đầy tính nghệ thuật và góp phần định hình ngành công nghiệp thời trang như ngày nay.

Cùng Style-Republik điểm qua chân dung của 3 nhiếp ảnh gia huyền thoại trong ngành công nghiệp thời trang.

HIRO

Chân dung nhiếp ảnh gia Hiro

Nhiếp ảnh gia tên thật Yasuhiro Wakabayashi, nổi tiếng với nghệ danh Hiro đã đưa gu thẩm mỹ siêu thực của mình vào những ấn phẩm thời trang, album nghệ thuật, cuộc sống và hơn thế nữa vào nửa thế kỷ trước. Gốc là người Nhật nhưng sinh ra ở Thượng Hải, Trung Quốc, ông dành tuổi thơ của mình ở đây, sau đó những năm niên thiếu trở lại Nhật bản và cuối cùng sang Mỹ để theo học lớp nhiếp ảnh. Sau khi được đào tạo bởi người thầy của mình là Richard Avedon, Hiro đã đánh dấu được tên tuổi của mình qua nhiều thập kỷ khi ký hợp đồng nhiếp ảnh gia độc quyền cho tạp chí Harper’s Bazaar từ năm 1957.

Tilly Tizzani with Blue Scarf, Antigua, West Indies, 1963© Hiro
Tilly Tizzani with Acetate Visor, New York, 1966© Hiro

 

Harper’s Bazaar, early 1960s. Photo Hiro

Những sáng tạo của ông, bao gồm cả những bức ảnh được đăng trên Vogue và Mirabella, được đánh giá rất cao nhờ cách sử dụng màu sắc và ánh sáng độc đáo cùng sự kết hợp khác lạ. Tất cả những dấu ấn đó còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Agneta Darin and Marola Witt, fashion by Geoffrey Beene, photo by Hiro, Harper’s Bazaar, February 1967

OLIVIERO TOSCANI

Nhiếp ảnh gia OLIVIERO TOSCANI

Bắt đầu sự nghiệp từ những năm 1980, nhiếp ảnh gia tài năng là người đã cầm máy cho không biết bao nhiêu những chiến dịch quảng cáo mang tính biểu tượng và gây tranh cãi, kéo dài qua nhiều thập kỷ cho các tên tuổi lớn như Benetton hay Esprit. Ở những chiến dịch đó, ông đã gây xôn xao dư luận bởi những sáng tạo phản ảnh chân thực văn hoá của của thời đại, hoặc thậm chí có phần hơi thách thức quy chuẩn thuần phong mỹ tục của xã hội thời kỳ 1982-2000. Tấm ảnh chụp cha xứ hôn cô sơ là một ví dụ điển hình cho điều này, và cũng là một trong những sáng tạo nổi tiếng nhất của nhiếp ảnh gia tài năng. Những chủ đề khác mà ông cũng đưa vào tác phẩm của mình bao gồm bệnh nhân AIDS, tù chính trị, tử tù – những chủ đề có thể nói là vượt xa so với chuẩn mực quảng cáo truyền thống.

Năm 2015, Toscani xuất bản cuốn sách “Hơn năm mươi năm với những sai lầm tuyệt diệu”, bao gồm toàn bộ các tác phẩm độc đáo của mình ở hai mảng quảng cáo và ấn phẩm tạp chí cho Vogue, Elle và i-D. Ông cũng bắt đầu hợp tác lại với thương hiệu Benetton vào năm 2017.

RICHARD AVEDON

Nhiếp ảnh gia RICHARD AVEDON

Trong suốt những năm 60 và đầu những năm 70, nhiếp ảnh gia tài năng mảng thời trang và chân dung đã làm việc cho tạp chí Harper’s Bazaar. Sau đó, ông có một thời gian dài hợp tác với Vogue với cương vị nhiếp ảnh gia chính khi mà tại đó ông là người đứng sau rất nhiều các bức ảnh bìa ấn tượng trong suốt những năm 70 cho đến hết thập niên 80.

Dovima and the elephants designed by Yves Saint Laurent under Christian Dior. Photo Richard Avedon

Ngoài ra, ông cũng có 18 năm hợp tác gắn bó với nhà mốt Versace. Bên cạnh lĩnh vực ảnh thời trang, Avedon còn cầm máy cho các tấm ảnh chân dung của nhiều người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau, từ Allen Ginsberg đến Marilyn Monroe rồi Dorothy Parker. Tất cả đều được đưa vào cuốn sách ảnh xuất bản năm 1964 mang tên Nothing Personal của ông.

Stephanie Seymour, Versace Spring Summer 1993 campaign, New York, November 1992

Avedon cũng cầm máy cho rất nhiều những chiến dịch quảng cáo đình đám trong sự nghiệp của mình, một trong số đó phải kể đến chiến dịch làm nên hình ảnh thương hiệu của Calvin Klein những năm 80 với người mẫu Brooke Shields.

Photographic essay by Richard Avedon for The New Yorker, November, 1995. Model Nadja Auermann, dress by Jean Paul Gaultier.

Thực hiện: S-R