Chanel bác bỏ tin đồn IPO, khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động độc lập
Ngày đăng: 06/05/23
Hiện tại, Chanel đã bác bỏ tin đồn về việc sẽ bán cổ phiếu với công chúng, khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh dưới chế độ độc lập như từ trước đến nay.
Vừa qua, Giám đốc điều hành của Chanel, Leena Nair, đã bác bỏ tin đồn về việc công ty đang xem xét IPO (IPO: Initial Public Offering, có nghĩa là phát hành lần đầu ra công chúng. Thuật ngữ này được dùng để chỉ hoạt động lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán của một công ty với mục đích để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Công ty sau khi IPO sẽ được gọi là một công ty đại chúng.)
Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, Giám đốc Leena Nair xác nhận rằng thương hiệu cao cấp của Pháp sẽ tiếp tục hoạt động độc lập dưới tư cách một công ty tư nhân. Hiện Chanel là một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ hiếm hoi còn nằm trong tay tư nhân thay vì các tập đoàn lớn.
Chanel hiện thuộc về sở hữu của hai anh em Alain và Gérard Wertheimer, cháu trai của Pierre Wertheimer, một đối tác kinh doanh ban đầu của nhà sáng lập thương hiệu Gabrielle Bonheur – Coco Chanel.
Quyền sở hữu Chanel được chia cho các thành viên của gia đình Wertheimer, những người đã gắn bó với công ty từ những năm 1920. Alain và Gerard Wertheimer, cháu trai của một trong những chủ sở hữu ban đầu, kiểm soát công ty. Leena Nair được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành vào tháng 1 năm 2022.
Leena Nair cũng nhấn mạnh cam kết bền vững của Chanel, chia sẻ về việc công ty phải khuyến khích khách hàng mua ít hơn nhưng đồng thời cung cấp sản phẩm chất lượng tốt hơn để “tách” tăng trưởng doanh thu khỏi doanh số bán hàng. Chanel có kế hoạch đầu tư vào các công nghệ thu giữ carbon để giảm lượng khí thải của mình.
Chanel, giống như các thương hiệu xa xỉ khác, đang chạy đua trong phân khúc xa xỉ. Thương hiệu ưu tiên mang lại trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng, thông qua xây dựng cửa hàng mua sắm cho khách VIC, những show diễn hoành tráng và tạo kết nối cảm xúc sâu sắc hơn với khách hàng. Năm ngoái Chanel đã tăng bảo hành cho túi xách từ hai năm lên 5 năm và ra mắt chương trình “Chanel et moi”, cung cấp dịch vụ bảo trì và sửa chữa túi xách cho khách hàng.
Kể từ sau đại dịch, các sản phẩm của Chanel đã tăng giá mạnh, với một số túi xách hiện có giá hơn 70% so với giá năm 2019. Để đối phó với sự cạnh tranh, các thương hiệu xa xỉ đang đầu tư mạnh vào việc cung cấp giá trị vượt trội cho khách hàng để phù hợp với mức giá ngất ngưởng. Theo dữ liệu từ Bain & Company vào năm 2020, mặc dù những người mua sắm hàng xa xỉ chỉ chiếm khoảng 10% dân số toàn cầu, nhưng họ chiếm khoảng 60% tổng doanh số bán hàng xa xỉ, cho thấy nhóm thiểu số này có ảnh hưởng lớn với các thương hiệu trong phân khúc xa xỉ.
Tin đồn Chanel sẽ phát hành cổ phiếu hay sẽ bị thâu tóm bởi một tập đoàn lớn không phải chỉ mới diễn ra gần đây. Sau sự ra khi của huyền thoại thời trang Karl Lagerfeld, cũng có nhiều sự đồn đoán về tương lai của nhà mốt hàng đầu của Pháp. Tuy nhiên, năm 2019, theo nhà phân tích Jelena Sokolova, thuộc công ty Morningstar Inc. cho biết Chanel “quá lớn để có thể nuốt chửng” đối với bất cứ “tay chơi” nào, kể cả các “ông trùm” hiện nay như Kering, Richemont và Hermes International. Đồng thời, với LVMH, họ không nhất thiết phải có Chanel trong tay khi mà họ có thể phát triển Christian Dior Couture.
Thực hiện: K.