Dịch vụ cho thuê quần áo tại Việt Nam: Tiềm năng thế nào? Phát triển ra sao?
Ngày đăng: 23/11/21
Đã từ lâu, mô hình dịch vụ thuê quần áo vẫn được xem là rất tiềm năng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Ấn Độ hay Singapore. Theo dự báo của công ty tư vấn Bain & Company thì thị trường second-hand sẽ tăng trưởng và chiếm khoảng 20% doanh số của toàn ngành thời trang đến năm 2030, còn dịch vụ cho thuê trang phục sẽ chiếm khoảng 10%.
Trong báo cáo ra mắt vào tháng Ba năm nay, công ty nghiên cứu thị trường Globaldata cho rằng thời trang second-hand, dịch vụ cho thuê quần áo (đơn lẻ hay dài hạn) sẽ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong 10 năm tới. Tuy vậy, báo cáo cũng đưa rõ thống kê về sự chênh lệch, khi một người sẽ trung bình chi tiêu khoảng 18% ngân sách vào thời trang đã qua sử dụng, nhưng chỉ chi ít hơn 1% cho việc thuê quần áo (dự báo đến năm 2030).
Khi mô hình kinh doanh này thu hút được nhiều sự chú ý, hiển nhiên sẽ có những doanh nghiệp hay start-up muốn ứng dụng nó tại thị trường nội địa. Tuy vậy, phải nói rằng dịch vụ này sẽ không quá tiềm năng (như sự kỳ vọng) tại Việt Nam vì nhiều lý do xác đáng:
Dịch vụ thuê quần áo tại Việt Nam có tiềm năng hay không?
1. Mô hình kinh doanh phụ thuộc vào ý thức của khách hàng
Mọi mô hình kinh doanh bao gồm những rủi ro có thể dự tính trước, nhưng đối với một mô hình kinh doanh cho thuê mượn, thì ý thức của khách hàng là điều tiên quyết quyết định rằng mô hình kinh doanh đó có thể phát triển ổn định hay không. Doanh nghiệp có thể đưa ra những quy tắc và điều khoản, buộc khách hàng phải cam kết, chẳng hạn như phải đặt cọc, bồi hoàn, hoàn trả đúng kỳ hạn… Nhưng ngay cả khi đã có những quy tắc và điều khoản được thiết lập, thì việc sản phẩm bị hư hại, hay khách hàng không tuân thủ sau quá trình sử dụng là một điều rất khó để tránh khỏi. Ý thức của khách hàng là thứ mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được, nó hoàn toàn khác so với việc một thương hiệu bán ra một sản phẩm cho khách hàng.
2. Tính vận hành hiệu quả
Cho thuê áo quần không chỉ đơn giản là mở rộng danh mục sản phẩm cho thuê, cho khách hàng sử dụng dịch vụ lựa chọn trang phục, để họ mặc, cảm thấy hài lòng và thu tiền là xong. Doanh nghiệp hiển nhiên sẽ phải còn nghĩ đến những công đoạn khác của nó, bao gồm việc xử lý quần áo đã qua sử dụng. Sản phẩm thời trang ngày nay trên thị trường có cấu tạo về chất liệu, phom dáng hay cách thức xử lý không hề đơn giản.
Công đoạn phân loại các sản phẩm áo quần để xử lý sẽ cần đến nguồn nhân lực lao động có kinh nghiệm; từ việc tách riêng quần áo màu, quần áo làm từ các chất liệu dễ hư hao, có cấu tạo phức tạp; đến cách thức xử lý các loại vết bẩn, sử dụng mùi hương cho trang phục, thao tác chỉnh sửa lại các chi tiết bị hư hại, trang phục nào có thể giặt máy, giặt hấp hay phải xử lý bằng tay… tất cả những điều này sẽ cần đến thời gian và nhân lực phù hợp. Ngay cả việc thiết lập quy trình xử lý quần áo đã qua sử dụng cũng là một bài toán nan giản, vì doanh nghiệp không thể kiểm soát được thời gian thuê/trả trang phục của khách hàng, cũng như số lượng đơn hàng. Thiết nghĩ, việc triển khai dịch vụ cho thuê quần áo sẽ khó có thể tối ưu được quy trình vận hành và cân đối ngân sách nếu chỉ ở quy mô nhỏ.
3. Sự khác biệt giữa mô hình cho thuê áo quần thời trang và trang phục thuê truyền thống
Những điều khoản hay quy tắc mà doanh nghiệp bắt buộc khách hàng phải tuân thủ là hợp lý nhưng nó sẽ chỉ phù hợp cho các loại trang/ lễ phục chỉ có dịp mới mang mặc, chẳng hạn như áo dài, đồ hóa trang, trang phục cosplay, đồ biểu diễn… Tính kinh tế khiến cho việc thuê trang phục chỉ mang mặc một lần trở nên hợp lý. Khi nhìn nhận về giá trị khác biệt giữa áo quần thời trang và trang phục truyền thống, thì đó chính là bản chất thời trang.
Quần áo thời trang mang tới cảm hứng, sự tự tin và niềm vui cho người mặc. Sự sáng tạo trong cách thức phối trang phục là điều tạo nên nhận dạng, tính cách lẫn thị hiếu của người mang trang phục. Một doanh nghiệp cho thuê quần áo thời trang, nếu cho thuê đơn lẻ một chiếc áo, một chiếc quần, một chiếc đầm sẽ khiến cho khâu vận hành trở nên rườm rà mà giá trị đơn hàng dịch vụ không cao. Nhưng để khách hàng có thể tìm thấy và lựa chọn được tất cả những món đồ để phối thành một trang phục hoàn chỉnh theo ý nguyện, thì khả năng cung ứng của doanh nghiệp phải rất lớn – với một danh mục sản phẩm vô cùng đa dạng. Tựu chung, khách hàng nếu đã ưng một món đồ thời trang và cảm thấy nó có giá trị sử dụng lâu dài trong việc biến tấu phong cách cá nhân, việc mua hẳn sẽ là lựa chọn hợp lý hơn nhiều.
Chưa kể đến việc khách hàng mua sắm thời trang không nhất thiết chỉ để phục vụ cho nhu cầu sở hữu, mặc đẹp hay phục vụ cho một mục đích cụ thể nào khác ngoài trừ việc họ coi mua sắm thời trang là một liệu pháp tâm lý. Hành vi mua hàng thời trang đã được khoa học nghiên cứu là mang tính ngẫu hứng nhiều hơn. Đây là tâm lý phổ biến chung của khách hàng tiêu dùng thời trang trên toàn cầu.
4. Giá trị tiêu dùng của mặt hàng thời trang tại Việt Nam không cao
Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển. Ngành thời trang của chúng ta vẫn còn đi sau thế giới, không chỉ trong khía cạnh kinh doanh, đầu tư, nguồn nhân lực, mà còn cả về nhận thức của người tiêu dùng. Xu hướng thời trang có thể nhanh chóng được cập nhật tại thị trường Việt Nam, điều này khiến cho nhiều người dễ lầm tưởng rằng ngành thời trang Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh chóng và có thể bắt kịp với thế giới trong tương lai gần. Thực chất, điều khó khăn nhất lại nằm ở việc gia tăng nhận thức của người tiêu dùng thời trang về giá trị tiêu dùng của sản phẩm thời trang.
Nhận thức này có thể dễ dàng được nhìn nhận thấu đáo, khi các thương hiệu thời trang – chuyên sản xuất sản phẩm thời trang vẫn luôn phải chay theo xu hướng hay đưa ra các chương trình khuyến mãi chỉ để đẩy hàng hóa tồn kho. Giá trị tiêu dùng của thời trang được gắn vào giá trị và ích lợi của tài chính, trở thành lý do mà người tiêu dùng nhìn nhận thời trang ở bề nổi là hình thức của nó, thay vì nhìn thấy những giá trị, ý nghĩa, lợi ích gắn liền khác của thời trang. Đây là điều mà ngay cả nhiều doanh nghiệp làm kinh doanh thời trang lâu năm cũng vẫn không có một nhận định xác đáng, và là lý do mà khách hàng tiêu dùng thời trang đa phần vẫn không nhận thức được giá trị tiêu dùng của mặt hàng thời trang.
Khi giá trị mặt hàng thời trang vẫn đi liền với ích lợi tài chính, quần áo rẻ sẽ vẫn có quần áo rẻ hơn, quần áo theo xu hướng vẫn sẽ có quần áo đi theo xu hướng “đẹp” hơn. Chưa kể sự phát triển ngày càng bành trướng của rất nhiều ông lớn trong ngành thời trang nhanh như Zara, H&M, Shein… và các nguồn hàng nội địa giá rẻ từ Trung Quốc, hàng nhái thương hiệu, hàng xuất nhập khẩu, hàng second-hand đã khiến cho người tiêu dùng thời trang có rất nhiều sự lựa chọn mua sắm. Khi áo quần được bán với mức giá rẻ, thì cớ sao khách hàng phải đi thuê và mặc chung đồ với người khác? Đây cũng là một vấn đề cần cân nhắc nếu triển khai loại hình dịch vụ này.
5. Kinh doanh second-hand tiềm năng hơn hẳn dịch vụ cho thuê sản phẩm thời trang
Kinh doanh second-hand nở rộ tại thị trường Việt Nam và trở thành một hình thức khởi nghiệp được nhiều bạn trẻ có gu thời trang tốt lựa chọn theo đuổi. Tiềm năng phát triển của việc kinh doanh đồ second-hand ở mọi nơi trên thế giới đều đã được xác thực, dù mặt hàng là thời trang xa xỉ hay quần áo phổ thông. Khi nghĩ về mô hình kinh doanh second-hand, lợi ích về kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu nhưng cũng không thể bỏ qua tính khan hiếm cũng là yếu tố thúc đẩy việc kinh doanh second-hand được ủng hộ hơn.
Quần áo second-hand là tập hợp của các tiêu chí: độc lạ – giá hợp lý – ủng hộ tái tiêu dùng/ bảo vệ môi trường. Với sự thúc đẩy như vậy, kinh doanh second-hand sẽ có thể phát triển ổn định trong tương lai. Khi so sánh giữa hai mô hình kinh doanh, sự kỳ vọng cho mô hình dịch vụ thuê quần áo thời trang là không nên quá cao.
Kết luận
Mô hình kinh doanh dịch vụ thuê quần áo của Việt Nam, nếu dựa trên những nhận định trên sẽ thấy rõ tiềm năng của mô hình này là không quá lớn. Tuy là vậy, mô hình kinh doanh cho thuê quần áo không hẳn là không thể áp dụng hay không phát triển được tại Việt Nam.
Đã có nhiều mô hình khởi nghiệp có tính chất tương đồng như mô hình subscription box của Drobe Box, Coolmate hay Tủ đồ trên mây – Cloud Wardobe của Rentzy. Tuy còn mới nhưng những doanh nghiệp này đã phần nào tạo dựng được danh tiếng nhất định trên thị trường. Nếu nhìn vào mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp này, cũng như những cột mốc mà họ đạt được, thì việc tìm ra những giải pháp, hướng phát triển phù hợp cho mô hình cho thuê quần áo thời trang là không quá đỗi khó khăn.
*Xin lưu ý rằng bài viết này mang kinh nghiệm thực tiễn và tư duy của cá nhân tác giả. Nó không là lời khuyên đầu tư mà bạn đọc có thể tín nhiệm hoàn toàn.
Tác giả: Fellini Rose