Forever 21 nộp đơn xin bảo hộ phá sản, sự đe dọa từ những cửa hàng trực tuyến
Ngày đăng: 30/08/19
Được thành lập vào năm 1984, Forever 21 vận hành hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, sau quãng thời gian loay hoay tìm giải pháp tái cơ cấu nợ nhưng bất thành, thương hiệu thời trang bình dân này đang xem xét nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Công ty đã đàm phán để có thêm nguồn tài chính và làm việc với một nhóm các cố vấn để giúp công ty tái cơ cấu các khoản nợ. Theo luật bảo hộ phá sản Mỹ, Forever 21 có thể đóng cửa một số cửa hàng làm ăn thua lỗ và giảm nợ. Mục tiêu là tạo ra một công ty mới, có quy mô nhỏ hơn để bắt đầu lại việc kinh doanh.
Việc phá sản của Forever 21 cũng là mối lo ngại cho các chủ sở hữu trung tâm thương mại lớn như Simon Property Group Inc. và Brookfield Property Partners LP vì Forever 21 là một trong những khách hàng lớn của họ. Doanh số giảm, Forever 21 vẫn phải tốn quá nhiều chi phí để duy trì hoạt động của các cửa hàng và không đủ vốn để đầu tư vào mảng bán hàng online.
Forever 21 hiện có tới 815 cửa hàng trên phạm vi toàn cầu. Cửa hàng flagship lớn nhất của Forever 21 có diện tích lên đến 11.706 m2 (Las Vegas, Mỹ).
Hiện nay, ngành công nghiệp thời trang bán lẻ đang đối mặt với những thách thức chưa từng thấy tại Mỹ và châu Âu. Sự trỗi dậy của các cửa hàng bán lẻ trực tuyến đang đe dọa sự tồn tại của không ít thương hiệu danh tiếng, từ Topshop, Gap cho đến Forever 21. Tháng 5 vừa qua, thương hiệu thời trang bình dân của Anh đệ đơn xin bảo hộ phá sản, đồng thời đóng toàn bộ 11 cửa hàng Topshop và Topman tại Mỹ.
Thực tế, theo số liệu của Cục Điều tra thương mại Mỹ, ước tính doanh số thời trang bán lẻ trực tuyến quý I/2019 (sau điều chỉnh) đạt 137,7 tỷ USD, tăng 3,6% từ quý IV/2018 và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Với những số liệu này, bán lẻ trực tuyến chiếm tỷ trọng 10,2% tổng doanh thu bán lẻ trên thị trường.
Thực hiện: Koi