Founder Cocosin Yến Vũ: “Cái tôi tập trung không chỉ là sản phẩm, mà còn là giá trị của thương hiệu”

Ngày đăng: 13/08/19

Sau 7 năm tồn tại và phát triển, Cocosin đến nay đã tạo dựng được vị thế không nhỏ trong lòng giới mộ điệu Việt Nam. Thương hiệu thời trang Việt có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012, khi đó, Cocosin lại là start-up nhỏ với số vốn tự thân, cùng kiến thức và niềm đam mê thời trang của nhà sáng lập Yến Vũ, thương hiệu đi theo định hướng thời trang nhanh từ khi mới thành lập.

Khi mặc đồ Cocosin, bạn là người phụ nữ độc lập, tự tin, quyến rũ hơn. Và khi tự tin hơn, bạn sẽ thành công hơn trong cuộc sống. Cùng Style-Republik trò chuyện với nhà sáng lập Yến Vũ, để khám phá những cách thức vận hành đằng sau thương hiệu đình đám này. 

Trên các phương tiện truyền thông, chị thường định nghĩa Cocosin là thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion). Vì sao lại là fast fashion mà không phải là một khái niệm khác mang tính ổn định, lâu dài hơn?

Tôi là người đồng sáng lập, hiện tại đang vận hành Cocosin, thương hiệu thời trang Việt có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012. Như mọi người đã biết, Cocosin là thương hiệu fast-fashion, theo tiếng Việt nghĩa là thời trang nhanh. Đối với tôi, thời trang bền vững là điều không dễ dàng, vì đòi hỏi chi phí khá cao, mọi nguyên vật liệu và quy trình sản xuất đều phải theo tiêu chuẩn organic. 

Trong khi đó, Cocosin lại là start-up nhỏ với số vốn tự thân, cùng kiến thức và niềm đam mê thời trang của chính tôi. Với xuất phát điểm về business, tôi không có đủ tự tin để theo đuổi con đường thời trang bền vững ngay từ lúc ban đầu. Do đó, thương hiệu đi theo định hướng thời trang nhanh từ khi mới thành lập.

Nhà sáng lập Yến Vũ, thương hiệu Cocosin

Là thương hiệu thời trang nhanh nội địa, làm thế nào để Cocosin cạnh tranh với những thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu khác như Zara, H&M, Topshop, với mật độ ra mắt trang phục mới chỉ được tính bằng ngày?

Thực ra, Zara hay H&M, Topshop đều là những thương hiệu thời trang quốc tế rất nổi tiếng, có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm tin khi sáng lập thương hiệu, xây dựng giá trị riêng cho thương hiệu của mình. 

Quay trở lại câu hỏi đầu tiên, theo tôi thấy, thời trang bền vững hay thời trang nhanh đều có hướng đi để phát triển. Tôi cho rằng để phát triển thành công, chúng ta cần bán giá trị tinh thần cho người mặc chứ không chỉ quần áo. Đối với phụ nữ nói chung, khi ăn mặc đẹp, họ cần có cảm giác là họ đẹp hơn, tự tin hơn. Nếu làm được, đó sẽ là một trong những giá trị bền vững để thương hiệu phát triển. 

Tôi cho rằng để phát triển thành công, chúng ta cần bán giá trị tinh thần cho người mặc chứ không chỉ quần áo.

Với làn sóng bảo vệ môi trường đang lan rộng hiện nay, nhiều thương hiệu fast fashion đã chuyển hướng sang làm thời trang thân thiện với môi trường như một động thái marketing hiệu quả. Với Cocosin, chị có định thực hiện bước đi tương tự? 

Vấn đề bảo vệ môi trường đã được các quốc gia châu Âu hay các nước phát triển nhận thức từ lâu. Nhưng mãi đến thời gian gần đây (mà cụ thể là từ năm ngoái đến nay), người Việt Nam mới bắt đầu quan tâm đến môi trường nhiều hơn bằng những hành động nhỏ như hạn chế sử dụng bao nylon và đồ nhựa. Đó là một tín hiệu rất tốt. 

Tất nhiên, thời trang là một trong những ngành tiêu thụ nhiều vật liệu không thể tái chế nhất, góp phần nhiều trong rác thải của thế giới. Chính vì vậy, rất nhiều thương hiệu thời trang lớn đã phát triển và xây dựng những dòng thời trang bền vững, để thay đổi môi trường theo hướng tốt đẹp hơn. 

Trong vòng hai đến ba năm tới, Cocosin sẽ ra dòng đồ thân thiện hơn với môi trường, và đó là một kế hoạch lâu dài, vì rõ ràng là không thể thay đổi một thương hiệu fast fashion sang sustainable fashion chỉ trong vòng vài tháng được. 

Nhưng, như tôi đã trao đổi lúc nãy, xây dựng một thương hiệu thời trang bền vững là điều không dễ dàng. Các thương hiệu lớn nước ngoài có thể làm điều đó vì họ có nguồn lực tài chính lớn. Tuy nhiên, đối với những thương hiệu nội địa như Cocosin hiện tại, điều đó không dễ dàng. 

Cocosin sẽ có hướng chung tay với mọi người để cho thấy chúng ta nên thay đổi góc nhìn và cách sử dụng sản phẩm.  Tuy nhiên, nếu như chỉ là hạn chế sử dụng túi plastic hay ống hút nhựa thì chưa đủ. Khi muốn làm điều gì đó, tôi muốn nó phải thật sự chỉn chu và mang đến thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Trong vòng hai đến ba năm tới, Cocosin sẽ ra dòng đồ thân thiện hơn với môi trường, và đó là một kế hoạch lâu dài, vì rõ ràng là không thể thay đổi một thương hiệu fast fashion sang sustainable fashion chỉ trong vòng vài tháng được. 

Theo chị, thế mạnh và khó khăn lớn nhất của một local brand khi hoạt động tại thị trường trong nước là gì?

Sản phẩm đến từ các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam thường được làm theo số đo quốc tế tiêu chuẩn. Còn các local brands lại nghiên cứu và phát triển sản phẩm theo chính ưu điểm và khuyết điểm của người Việt Nam. Đây chính là một trong những ưu điểm lớn.

Ưu điểm thứ hai mà tôi thấy là các sản phẩm từ local brands khá cạnh tranh so với các thương hiệu nước ngoài. Thứ ba, tôi cho rằng local brands vẫn sẽ tồn tại và phát triển trong nước, mặc dù có rất nhiều thương hiệu nước ngoài sắp đổ bộ như Uniqlo, nhờ giá trị tinh thần. Nếu như bạn thật sự đem lại giá trị tinh thần của thương hiệu, thương hiệu ấy sẽ phát triển bền vững. 

Tôi cho rằng local brands vẫn sẽ tồn tại và phát triển trong nước, mặc dù có rất nhiều thương hiệu nước ngoài sắp đổ bộ như Uniqlo, nhờ giá trị tinh thần. Nếu như bạn thật sự đem lại giá trị tinh thần của thương hiệu, thương hiệu ấy sẽ phát triển bền vững. 

Sau nhiều năm bùng nổ, có thể thấy thời trang thiết kế Việt đang dần bị bão hòa. Chị sẽ làm thế nào để Cocosin không rơi vào lối mòn như các thương hiệu khác, với các thiết kế có màu sắc trung tính và kiểu dáng đơn giản?

Khi xây dựng một thương hiệu thời trang, chúng ta cần biết mình đang bán cái gì. Mình không bán sản phẩm, mà mình đang bán giá trị tinh thần cho phụ nữ, để họ cảm thấy đẹp và tự tin hơn mỗi khi dùng sản phẩm. Không giống như các lĩnh vực khác, chỉ cần có một chút vốn và niềm đam mê, bạn đã có thể mở một thương hiệu thời trang. Bạn cũng có thể ra cửa hàng Cocosin để mua một món đồ và làm ra một món khác tương tự trong vòng một, hai ngày. 

Chính vì vậy, nếu như một thương hiệu thời trang chỉ tập trung vào sản phẩm mà nhiều thương hiệu hay người khác có thể làm theo trong một thời gian ngắn sẽ rất khó tồn tại. Thế nên, khi thành lập Cocosin, cái tôi tập trung không chỉ là sản phẩm, mà còn là giá trị của thương hiệu. 

Chị có thể nói rõ hơn về đội ngũ thiết kế của Cocosin: Họ có bao nhiêu người, và bao gồm những ai? Đội ngũ của chị làm thế nào để nắm bắt thị hiếu của người dùng và đáp ứng họ một cách kịp thời nhất?

Hiện tại, đội ngũ thiết kế của Cocosin gồm có hai người, mà tôi là người đưa ra định hướng của các bộ sưu tập hàng tháng.

Kể từ khi Cocosin được thành lập vào bảy năm trước đến nay, tôi đều cố gắng nhận biết các khách hàng. 80% khách hàng của Cocosin là nhân viên văn phòng, những người sẵn sàng ăn mặc rất chỉn chu. Đó cũng có thể là bộ trang phục có thể được biến đổi đôi chút để tham dự tiệc tùng vào buổi tối. Chính vì hiểu được mình phục vụ ai, nên đội ngũ Cocosin có thể tạo dựng và phát triển các bộ sưu tập phù hợp. 

Cocosin có thể được xem như một trong những thương hiệu local đầu tiên nắm bắt được trào lưu ra mắt bộ sưu tập kết hợp cùng người nổi tiếng. Tiêu chí để chọn những gương mặt kết hợp cùng thương hiệu là như thế nào? Hiệu ứng của những lần kết hợp ra sao? 

Từ cách đây vài năm, mọi người đã có thể nhận thấy định hướng truyền thông của Cocosin là đi cùng người nổi tiếng. Người đầu tiên là Angela Phương Trinh với BST IT Girls, năm ngoái là Hoa hậu Hoàn vũ Phạm Hương cùng BST Girlboss, và cô người mẫu khá nổi tiếng và thành công ở thị trường nước ngoài Jessica Minh Anh với Girls Run the World. Cocosin khá tự tin là thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam đưa ra hình thức kết hợp mới mẻ này. 

Tất cả những bộ sưu tập mà Cocosin kết hợp với người nổi tiếng đều tập trung nói lên giá trị tinh thần mà Cocosin xây dựng từ đầu, là khi mặc đồ Cocosin, bạn là người phụ nữ độc lập, tự tin, quyến rũ hơn. Và khi tự tin hơn, bạn sẽ thành công hơn trong cuộc sống. 

Những bộ sưu tập kết hợp cùng người nổi tiếng này đã giúp Cocosin phát triển giá trị của thương hiệu cũng như có hướng đi lâu dài. 

Ra đời từ nhu cầu của thị trường, nhưng đến nay, điều khiến Cocosin đứng vững được là gì? Theo chị, đâu là điều cốt yếu để tồn tại của một local brand?

Điều cốt yếu giúp thương hiệu có thể tồn tại đến bây giờ là định hướng phát triển giá trị của thương hiệu ngay từ đầu. Đối với tôi, nếu mọi người chỉ đầu tư tập trung cạnh tranh về giá, hay cạnh tranh về việc phát triển sản phẩm thì chưa đủ. Giá trị tinh thần là điều có thể đi lâu dài, từ 5 đến 10 năm, hay thậm chí 15, 20 năm.

Đến nay, khi nhìn lại những gì đã đạt được tại Cocosin, chị nhận thấy tham vọng nào mà mình đã đạt được, và tham vọng nào chưa?

Tham vọng mà tôi đã đạt được là ở thị trường Việt Nam, Cocosin hiện tại đã có 11 chi nhánh tại tất cả thành phố lớn: Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng. Tham vọng tôi vẫn đang khao khát mà chưa đạt được là đưa Cocosin ra khỏi Việt Nam. Đó cũng chính mục tiêu trong vòng 5 năm tới của tôi. 

Sau gần 7 năm thành lập thương hiệu, bài học lớn nhất chị rút ra được từ Cocosin là gì?

Bài học lớn nhất của tôi khi thành lập Cocosin có lẽ là con người. Tôi cho rằng dù vận hành bất cứ việc kinh doanh nào, kể cả là thời trang hay những ngành khác, con người luôn là bài toán khó nhất ngay từ những những ngày đầu. 

Được biết, ngoài Cocosin, chị còn mở ra thương hiệu thời trang nam mang tên Haberman. Thời trang nam là mảng thiết kế và kinh doanh rất khác so với thời trang nữ. Liệu đây có phải là bước đi liều lĩnh? Để mở ra Haberman, chị cùng cộng sự đã phải chuẩn bị những gì và trong bao lâu?

Trên thực tế, Haberman là do tôi và ba người bạn đồng sáng lập, mỗi người đều có lĩnh vực và thế mạnh khác nhau. Chúng tôi cùng tìm đến nhau sau một khoảng thời gian lâu dài, đủ để cảm thấy phù hợp để cùng xây dựng và phát triển Haberman. Khi thành lập Haberman, định hướng của chúng tôi là tạo dựng thương hiệu dành cho những người đàn ông thành thị, có xu hướng chinh phục và khám phá. 

Tôi không cho rằng Haberman là bước đi liều lĩnh, vì đối với tôi, có rất nhiều thương hiệu thời trang nữ tại Việt Nam nhưng lại đang bão hòa. Thời trang nam lại vẫn còn bỏ ngỏ, và các sự lựa chọn duy nhất là thương hiệu nước ngoài. Hoàn toàn chưa có thương hiệu nào đủ mạnh để trở thành một trong những thương hiệu thời trang Việt nổi tiếng dành cho nam giới ở Việt Nam. Với bảy năm kinh nghiệm, tôi nghĩ đây là bước đi có tiềm năng phát triển cho cả Cocosin và Haberman.

Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này!

 


Để hỗ trợ quảng bá cho tất cả NTK và thương hiệu Việt, đồng thời lan tỏa và nâng cao niềm tin yêu và ủng hộ thời trang Việt, chiến dịch Local Pride/ Giá trị Việt được ra đời từ Style-Republik.com – Chuyên trang giám tuyển thời trang uy tín tại Việt Nam. Tham gia chiến dịch Local Pride – Giá Trị Việt, vui lòng gửi thông tin về email info@2021.dmavietnam.com.


 

Thực hiện: Hải Yến

Ảnh: Rab Huu Studio