Tốt nghiệp Thời trang Đại học Kiến trúc 2019: Khi sinh viên thời trang xem thời trang bền vững là công thức sáng tạo

Ngày đăng: 14/08/19

Yếu tố bền vững được xem là kim chỉ nam của các mô hình doanh nghiệp thời trang trên thế giới. Song, đối với thế hệ sinh viên thiết kế tại Việt Nam, có thể nói, thời trang bền vững là một điều còn mới mẻ để các bạn áp dụng và thực hành trong quá trình học tập. Vì thế, việc được nhìn thấy các bài thi tốt nghiệp của sinh viên trường Đại học Kiến trúc, tiếp cận thời trang bền vững và lấy ý tưởng phù hợp với định hướng đó để thiết kế, đã thực sự khiến cho Style Republik khấp khởi vui mừng. 

Buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên thời trang trường Đại học kiến trúc năm nay với 13 bài dự thi. Top thí sinh có kết quả tốt nhất cũng là những thí sinh đã phát kiến ra những ý tưởng thiết kế khác biệt, mang đậm dấu ấn cá nhân, cũng như đưa sự bền vững trong thiết kế là yếu tố cần thiết để khai triển bộ sưu tập.

Bài thi của thí sinh Nguyễn Đỗ Như Khôi là dấu ấn mạnh mẽ nhất trong các bộ sưu tập. Khôi đã lấy ý tưởng chủ đạo từ các dân tộc thiểu số như Sari của người Ấn Độ, áo choàng của thầy tu Phật Giáo, Shuka – trang phục truyền thống của tộc Maasai (sinh sống ở Kenya và phía bắc Tanzania – Phi châu) với màu sắc nổi bật và hoạ tiết caro đặc trưng. 

NTK cũng đồng thời khám phá ý niệm trong các thiết kế mang yếu tố hình học của Madeleine Vionnet và các nhà thiết kế Nhật Bản Miyake, Yamamoto và Kawakubo về mối quan hệ giữa cơ thể và trang phục: “Giữa cơ thể và trang phục có một mối liên hệ đặc biệt: trang phục như thể lớp da thứ hai của con người, bao phủ lấy cơ thể, tạo ra không gian cho cơ thể và giải phóng cơ thể khỏi những ràng buộc.”

Điểm sáng tạo dành cho Khôi là khi nghiên cứu kỹ lưỡng đường nét phom dáng suông và rộng thoải của trang phục dân tộc, cắt nghĩa và thể hiện nó thông qua những miếng vải hình chữ nhật có kích thước khác nhau. Chính việc tận dụng toàn vẹn kích thước dệt sẵn của chất liệu vải đã khiến Khôi tận dụng được tối đa tài nguyên, không tổn phí và tăng cường thêm khả năng ứng biến và thể nghiệm tự do với chất liệu không cắt xén. Phương pháp tạo dựng trang phục từ những miếng vải không cắt xén quá nhiều, được biết đến với tên chuyên môn là Zero Waste.

Khôi đã ứng dụng thành thục phương thức tạo dựng trang phục không tổn hao chất liệu. sáng tạo và thao tác trực quan từ 3D và chuyển thành rập phẳng 2D, tạo ra những mẫu thiết kế được loại bỏ hoàn toàn các đường ráp cơ bản và phương pháp cắt may truyền thống. Cũng là một điều đáng mừng khi bài thi này nhận được nhiều sự tán dương và ủng hộ của ban cố vấn chuyên môn và giám khảo.

Một bộ sưu tập khác được đánh giá về mặt chuyên môn cao là của sinh viên Nguyễn Minh Tuấn. NTK trẻ sử dụng những chất liệu mộc mạc, mang đậm nét châu Á như đũi, sợi lanh, và áp dụng khái niệm upcycling – tận dụng nguyên liệu cũ để tạo nên mẫu thiết kế mới. Những chi tiết đính kết và xử lý chất liệu thủ công cũng được Tuấn tỉ mẩn thao tác trên bề mặt trang phục. 

Bộ sưu tập của Tuấn mang tên “Tonkin”, lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông Tây trong bối cảnh lịch sử ở Việt Nam 1930 – 1945. Sự chuyển giao về mặt chính trị trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến bấy giờ, tuy náo động nhưng lại mang một nét giao thoa văn hóa khác biệt, giàu cảm hứng. Chính việc canh tân y phục truyền thống thời bấy giờ luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa các giai tầng với nhau. Là tầng lớp được xem là kế thừa tinh hoa truyền thống dân tộc, nhưng tầng lớp trung lưu, trí thức trẻ lúc này lại là những cá nhân luôn muốn khẳng định bản thân, mơ mộng cái mới, giã từ cái cũ. Chính tầng lớp “tiểu tư sản” là những người sáng tạo ra áo dài Le Mur, tạo nên kỷ nguyên hoàng kim của thời trang thượng lưu ở Tonkin (Đông Kinh – Bắc Kỳ).

Nhà thiết kế đã lật giở sách sử và nghiên cứu kỹ về sự phát triển của trang phục truyền thống Việt Nam qua nhiều thập kỷ biến đổi. Nét thùy mị, đoan trang và tinh thần hiện diện của người An Nam được thể hiện rõ nét qua tấm áo dài, vốn là loại trang phục biểu trưng trong giai đoạn này và tới tận ngày hôm nay. Nhưng điểm cộng lớn dành cho Tuấn là khi thể nghiệm thời trang tái chế để áp dụng vào bộ sưu tập của mình, tạo ra mẫu thiết kế mới từ trang phục cũ, đã qua sử dụng. Đồng thời xử lý bề mặt để thổi vào chất liệu cũ một sức sống mới.

Mẫu thiết kế sử dụng chất liệu cũ của Tuấn
Sketch tổng thể của BST “Tonkin”

Bên cạnh những bộ sưu tập theo đuổi tư duy thời trang bền vững, cũng còn những bộ sưu tập với thông điệp nhân văn, phản ánh thực tế tình hình chính trị và xã hội hiện đại. Điển hình là bộ sưu tập “Unhealed” của sinh viên Hồ Hoàng Ngọc Hà. Định hướng theo tinh thần Avant Garde, BST của Hà muốn khắc họa tâm lý phức tạp của những nạn nhân nữ bị xâm hại tình dục. Ý tưởng này được nhen nhóm khởi phát khi trào lưu #metoo được phát động mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông khắp mọi nơi. 

Bộ sưu tập khai thác những phom dáng cầu kỳ về kết cấu, với những tông màu đan xen. Nổi bật là những họa tiết, chi tiết thiết kế đặc tả mối quan hệ giữa người bị xâm hại và kẻ xâm hại. Nỗi đau và ám ảnh của những nạn nhân là điều có thể cảm được thông qua phom dáng trang phục không toàn vẹn hay những hình tượng cụ thể như bàn tay, hoa cúc, họa tiết in ám ảnh với hình ảnh và khẩu hiệu. Đặc biệt là dòng chữ #metoo được in đậm và tương phản hoàn toàn với tổng thể của trang phục ở look cuối thuộc bộ sưu tập.

“Unhealed” cũng đồng thời thể hiện tinh thần ủng hộ phong trào nữ quyền với hình ảnh hoa cúc đại diện cho phái nữ, với ý nghĩa tuy nhìn bề ngoài rất mong manh nhưng sức sống lại mạnh mẽ đến không ngờ. Đối với một bộ sưu tập lấy nền tảng là vấn đề xã hội cấp thiết được quan tâm, nhà thiết kế trẻ còn lồng ghép thêm hơn những quan điểm cá nhân của chính mình đối với thời cuộc. Theo đó, lối makeup kẻ line trên khuôn diện của người mẫu là để truyền phát thông điệp tích cực rằng dư luận và xã hội phải chung tay để giúp bảo vệ danh tính của các nạn nhân, thay vì xâm phạm thêm hơn đến tinh thần và danh dự của nạn nhân. Đây cũng là một bài thi được đánh giá cao về chuyên môn lẫn thông điệp nhân văn được lồng ghép qua trang phục.

Hãy cùng Style-Republik nhìn ngắm thêm hơn một vài khoảnh khắc hậu trường tại buổi diễn tốt nghiệp của sinh viên kiến trúc, qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nhi Ngờ.

Thực hiện: Fellini Rose