Góc nhìn về Covid-19: Kinh doanh thời trang cần nhiều thay đổi

Ngày đăng: 11/04/20

Đầu năm 2020 được xem là thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Lệnh cách ly xã hội tại các quốc gia khiến tình hình kinh doanh trở nên ảm đạm.

Tại Việt Nam, kinh doanh thời trang gặp nhiều thử thách. Style-Republik đã trao đổi cùng những nhà thiết kế và các nhân vật đang hoạt động trong làng thời trang Việt với nhiều vai trò khác nhau. Qua các góc nhìn riêng biệt, các ý kiến và giải pháp cho ngành thời trang Việt, đã làm nên chuyên đề Góc nhìn về COVID-19. 

Trong bài viết kì này, Style-Republik mang đến cho bạn những nhận định về thời trang từ Style Director Khuất Năng Vĩnh, BTV Lương Viết Thanh Tùng, NTK trẻ Đắc Thắng và Stylist Hoàng Minh Châu. Cùng nghe những chia sẻ đắt giá từ họ với Góc nhìn về COVID-19

Style Director Khuất Năng Vĩnh

Khuất Năng Vĩnh

Là người gắn liền với ngành công nghiệp thời trang nội địa, anh nhìn thấy những thương hiệu Việt đang gặp phải những khó khăn, đang “up-down” như thế nào?

Tôi thấy khoảng thời gian hiện tại thời điểm đầy thử thách cho các thương hiệu thời trang Việt Nam. Mùa đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến nền thời trang nội địa. Các thương hiệu đang gặp phải các vấn đề về tài chính và chuỗi cung ứng. Quy định từ chính phủ về việc cách ly toàn xã hội; đóng cửa các đường bay nước ngoài, biên giới đã hạn chế các nguồn cung cấp nguyên liệu, vận chuyển cho thương hiệu Việt. Việc cách ly cũng khiến cho nhu cầu ăn mặc của mỗi người giảm xuống. Với các yếu tố trên, ta có thể dễ dàng nhận thấy một tương lai không mấy sáng lạn mà các thương hiệu Việt Nam đang phải đối mặt. 

Thay đổi – hay nên dừng lại trong giai đoạn này? Câu trả lời cho vấn đề này sẽ rơi vào từng trường hợp nhà thời trang. Anh có chia sẻ gì về vấn đề này không?

Đúng là như thế! Nếu vẫn có thể trụ được thì hãy thay đổi. Nếu không thì hãy nên dừng lại đúng lúc và đợi thời điểm thích hợp để tái tạo lại thương hiệu. Tôi thấy các thương hiệu thời trang nội địa đang từng bước định hình lại chiếc lược thương hiệu mùa Covid-19. Một số thì phát triển mô hình sản xuất khẩu trang vải thời trang, đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến. Một số khác thì vẫn giữ cách bán hàng truyền thống nhưng thực hiện khuyến mãi hay tặng kèm sản phẩm mỗi khi mua hàng. Tôi cho rằng những thách thức này có thể sẽ khiến cho các thương hiệu cởi mở hơn để tìm ra các giải pháp sáng tạo, linh hoạt và đồng thời để có thể cùng nhau “giải cứu nền thời trang nội địa”. 

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với các thương hiệu thời trang khi không thể tổ chức sự kiện. Người làm marketing cần phải lưu ý những gì?

Tôi cho rằng, E-commerce sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mô hình marketing ở thời điểm hiện tại. Nội dung và chiến lược marketing ở thời điểm hiện tại không còn chỉ để kích sale mà phải hướng đến sự liên kết các thương hiệu và mang ý nghĩa đến cộng đồng. Điều đó sẽ làm cho mọi người chia sẻ và quan tâm đến thương hiệu nhiều hơn, tạo những hiệu ứng.

Ngoài ra, những hình thức quảng cáo chéo (cross-marketing), hợp tác thương hiệu (cross-branding) để cùng thúc đẩy sự phát triển thị trường ngành sẽ là các hình thức đáng được quan tâm. Các doanh nghiệp có thể tham khảo thêm mô hình D2C (Direct To Customer) để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và thu thập dữ liệu từ họ. 

Nhân sự trong ngành thời trang bán lẻ người Việt vốn chưa được training cho sự khủng hoảng này. Sự hoang mang là điều chắc chắn? Anh nhìn nhận vấn đề này thế nào giải quyết ra sao? Đây có phải là thời điểm để học hỏi?

Xét cho cùng, đại dịch Covid-19 sẽ để lại nhiều bài học quý báu cho các thương hiệu và nhân sự trong ngành thời trang nói chung. Khi cách thức, mô hình làm việc, biên chế… thay đổi quá đột ngột, người ta không thể không tránh khỏi sự hoang mang. Tôi nghĩ, trong lúc này, thái độ và sự bình tĩnh của mỗi người là điều vô cùng cần thiết. 

Nếu bạn nằm trong diện cắt giảm nhân sự của công ty, hãy chấp nhận điều đó và tiếp tục rèn luyện bản thân. Trong thời gian này, bạn có thể theo dõi các khóa học online và đọc thêm nhiều sách để nâng cao kỹ năng. Ngoài ra, bạn có thể lên kế hoạch để thực hiện những dự án cá nhân của mình. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn đang làm việc nhưng nhận được chế độ giảm lương thì hãy đồng ý việc đó. Đây cũng như là cách san sẻ khó khăn với nơi bạn đang làm việc. Nếu bạn chấp nhận lùi lại, thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận thua cuộc.

Khi không có show diễn và sự kiện thời trang, kols, influencers cần làm gì để giữ tên tuổi của mình? Tik tok và nền tảng online có phải là một cứu cánh?

Thua keo này thì ta bày keo khác! Tôi nghĩ nghệ sĩ, Kols hay influencers luôn là những người nhạy bén, có tầm ảnh hưởng và tạo ra xu hướng chung cho xã hội. Ở thời điểm này, nhu cầu online trực tuyến gia tăng mạnh. Vì thế, nền tảng online chắc chắn là một kênh truyền thông tốt cho các KOL/ Influencers. 

Phần lớn mọi người vẫn đang hoang mang về đại dịch. Vì thế, hình thức chia sẻ nguồn thông tin đúng và năng lượng tích cực đến xã hội là một điều cần thiết. Ví dụ như những nội dung liên quan đến cách làm việc tại nhà, cách làm đẹp/ rèn luyện bản thân tại nhà… Đó cũng là một cách marketing tên tuổi cá nhân cho các KOL rất hiệu quả và gần gũi hơn đến công chúng!

Anh nghĩ gì về 2 dự án #onhavandep và #Srstandbyyou của Style-republik?

Hữu ích và hợp thời! Tôi nghĩ 2 dự án này của Style-Republik là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại. Tôi sẽ tham gia dự án này! 

BOF từng dẫn một ý kiến rằng, “Thời trang vốn dĩ đã chết, trước cả COVID-19, chúng ta đang chết đi vì hệ thống thiếu bền vững, vì ý tưởng và sự sáng tạo không được tôn vinh… Quan điểm của anh về điều này thế nào? Thời trang theo hệ thống nào sẽ thật sự tồn tại và thay đổi người tiêu dùng trong giai đoạn tới?

Thiếu bền vững thì thời trang bền vững sẽ lên ngôi, đó là điều dễ hiểu. Theo tôi, thời trang là một vòng tuần hoàn, cả về hình thức kinh doanh lẫn xu hướng. Hiện nay, con người đang dần quan tâm đến những vấn đề về môi trường và tính công năng nhiều hơn. Nếu các thương hiệu thời trang nội địa quan tâm và thay đổi chiến lược thương hiệu theo hướng thời trang bền vững thì theo tôi, họ có thể cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ quốc tế có tiềm lực kinh tế mạnh hơn đã và đang dần đổ bộ vào Việt Nam.

Khuất Năng Vĩnh tốt nghiệp ngành Fashion & Textiles Merchandising (Thiết kế thời trang) của hệ thống giáo dục Pearson (Anh Quốc). Hiện anh đang là Director of style tại Harper’s Bazaar Magazine (Việt Nam). Ngoài công việc tại tạp chí, Khuất Năng Vĩnh còn xây dựng một thương hiệu thời trang riêng mang tên Vinnie-Allery. Anh từng được chọn làm Collection Manager cho một sự kiện có sự góp mặt của siêu mẫu quốc tế Naomi Campbell & giám đốc sáng tạo DIOR HOMME: Kim Jones. 

Biên tập viên Lương Viết Thanh Tùng 

Lương Viết Thanh Tùng

Anh có thể chia sẻ cái nhìn của anh về những khó khăn mà các thương hiệu thời trang Việt hiện nay đang gặp phải?

Tôi nghĩ khó khăn là những gì chúng ta đang nhìn thấy. Thời trang vốn không phải là nhóm mặt hàng cơ bản trong tháp nhu cầu, nên khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì thời trang sẽ rất nhanh chịu tổn thất. Tôi cho thời trang là một hình thức giao tiếp xã hội, nên trong thời điểm cả nước đang thực hiện cách li thì việc mua sắm sẽ không còn là nhu cầu cần thiết. Những doanh nghiệp nằm trong các khu tổ hợp mua sắm thời trang gặp phải vấn đề kinh doanh, hay khách hàng bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng là hai trong những điều có thể thấy. 

Nhưng nên nhìn vào những điểm sáng của vấn đề. Tôi thấy những thông điệp tích cực được chia sẻ từ nhà sáng lập, nhà thiết kế… Họ chia sẻ suy nghĩ của mình, hay kể câu chuyện rằng nhân viên của họ vẫn rất yêu công việc, và sẵn sàng quay lại khi có thể. 

Tôi cho rằng sự đặc biệt của thời trang nằm ở điểm, đây là lĩnh vực chứa đựng cảm xúc. Động lực làm việc nằm ở chỗ mọi người yêu thích thời trang, chứ không đơn giản là cung cấp một dịch vụ. Những thương hiệu Việt Nam vẫn tích cực, nghiên cứu tìm ra các hướng giải quyết cho mình. 

Những bước xử lý cho sự khủng hoảng này, theo anh, nên được thực hành ra sao?

Ngành xa xỉ phẩm không chỉ phục vụ cho nhu cầu, mà quan trọng hơn là trải nghiệm và cảm xúc của khách hàng. Truyền thông thời trang luôn cần chạm tới suy nghĩ và cảm nhận của người xem. Hãy thử đặt ra câu hỏi: “Khách hàng ra sao trong thời điểm này?”, “Họ gặp vấn đề gì hay không?”. Bởi khi dịch bệnh xảy ra, không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn mà chính khách hàng cũng vậy. Tôi luôn đặt việc nghĩ cho cảm xúc của khách hàng là trọng tâm, là kim chỉ nam trong các chiến lược truyền thông của mình.

Thay đổi – hay nên dừng lại trong giai đoạn này? Câu trả lời cho vấn đề này sẽ rơi vào từng trường hợp nhà thời trang. Anh có chia sẻ gì về vấn đề này không?

Điều bạn nói là đúng. Mỗi nhà thời trang đều có tình huống riêng của họ trong hoạt động kinh doanh. Tôi nghĩ khó có câu trả lời cụ thể cho việc thay đổi hay dừng lại khi chúng ta chính thức áp dụng cách ly xã hội trong thời gian chưa lâu. Một lựa chọn thường thấy hiện nay của các nhà thời trang là tiến vào trạng thái ngủ đông. 

Tôi cho rằng đây chưa phải thời điểm để đưa ra quyết định dừng lại – như cách bạn nói. Bởi ở giai đoạn này quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thời trang vẫn chưa thay đổi hoàn toàn. Chúng ta vẫn còn có thể lạc quan với khả năng dịch bệnh được kiểm soát tốt trong thời gian tới.  Khi đó các thương hiệu vẫn có thể để quay lại và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên,nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và dài hơi hơn thì các nhà thời trang cần tái định vị tình trạng cùng định hướng phát triển trong tương lai. 

Từ lâu khi luận bàn về thời trang, có ý kiến cho rằng thời kì mạng xã hội phát triển cũng là lúc thời trang đã chết. Quan điểm của anh về điều này thế nào? Anh nhận thấy vai trò của thời trang bền vững ra sao trong thời điểm này? Liệu đây có phải là lúc tính bền vững trở thành điều tất yếu? 

Chết là một trạng thái tôi nghĩ không nên được áp dụng với thời trang. Thời trang có thể đang mệt mỏi nhưng sẽ mạnh mẽ trở lại. Thực tế thì khi một trạng thái tồn tại quá lâu thì sẽ nảy sinh ra vấn đề nội tại, từ đó cách mạng diễn ra để đáp ứng nhu cầu thay đổi. Trong lịch sử, khi phụ nữ đang bị giới hạn bởi định kiến xã hội thì chính Coco Chanel, Christian Dior hay Yves Saint Laurent đã tiên phong trong những cuộc “cách mạng lụa là” để thay đổi những ý niệm cố hữu ấy. Thế nên tôi nghĩ thời trang không dần chết đi, mà nó vẫn đang hoàn thiện mình, và thời trang có thể làm được điều này. Ý kiến đưa ra điểm rất đúng. Đấy là động lực thúc đẩy thời trang phải là sự sáng tạo. Tôi nghĩ sự sáng tạo ấy cần được định hướng từ những giá trị bền vững và hướng đến xã hội. 

Phát triển bền vững là một giá trị mang tính cộng đồng và đây là điều thời trang đang hướng đến, bởi tôi nghĩ thời trang phần nào phản ánh tư duy xã hội và đồng thời còn có chất tiên phong. Tôi thấy người tiêu dùng quốc tế và Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này.  

Đây là giai đoạn mà tất cả chúng ta đều phải học hỏi từng bước một. Nên có những chương trình dành riêng cho thời trang bền vững, cùng sự ủng hộ cụ thể cho những thương hiệu theo đuổi hướng đi này để lan tỏa sustainable fashion trong cộng đồng thời trang. 

Hiện nền tảng thương mại điện tử phục vụ cho ngành thời trang Việt còn hạn chế. Theo anh lý do ra vì sao?

Thương mại điện tử về thời trang vốn là giấc mơ của những người làm thời trang ở Việt Nam từ rất lâu rồi. Chúng ta thấy thời gian qua có một số mô hình thử nghiệm hình thức kinh doanh này, nhưng về cơ bản thương mại điện tử vẫn chưa phát triển được như mong muốn, bởi chúng ta còn chưa hoàn thiện được nhiều yếu tố. Tôi nghĩ để nền tảng mua sắm điện tử trong ngành có thể đủ mạnh mẽ thì cần phải có thêm thời gian.

Những công ty tổ chức sự kiện show diễn và gameshow thời trang đều gặp phải khó khăn trong giai đoạn này? Có phải vậy không?

Đúng vậy. Tôi được biết 2020 là một năm mà nhiều thương hiệu thời trang và các đơn vị tổ chức sự kiện ấp ủ kế hoạch của mình. Họ dù rất muốn nhưng vì tình huống thực tế và trách nhiệm xã hội mà phải hoãn hoạt động trình diễn. Tôi tin rằng mọi người đang chờ một thời điểm thích hợp để bung hết những sáng tạo ra, chứ ý tưởng và tiềm lực cơ bản họ đã có. Tôi dự đoán sau khi khó khăn đi qua và tình hình ổn định trong quỹ đạo, chúng ta sẽ được thấy một làn sóng nhiều sự kiện ấn tượng. 

Cách nào để họ vượt qua giai đoạn này?

Tôi quan niệm thời gian là điều đáng quý. Theo một cách nói thì chúng ta đang có nhiều thời gian hơn thường lệ để hoàn thiện những gì còn bỏ ngỏ, nhìn nhận các vấn đề mà guồng quay trước đây chưa cho phép. Đây có thể là cơ hội quý giá để chúng ta nghiên cứu, đào sâu và hoàn thiện các vấn đề cơ bản, nội tại mà trước đây sức ép ‘deadline’ khiến chúng ta đôi lúc bỏ qua. Tôi nghĩ các thương hiệu thời trang hay đơn vị tổ chức sự kiện đều phải có cho mình những kịch bản cho tình huống sắp tới. Khi có quỹ thời gian như thế này, bạn cần phải sử dụng thật hiệu quả. 

Tôi cũng dành thời gian này để thực hiện quá trình reflection để mổ xẻ thấu đáo những gì đã trải qua, cân đối lại các kế hoạch của mình và trao đổi với đồng nghiệp những điều đang bỏ ngỏ thời gian trước. Khi có không gian riêng sự sáng tạo sẽ nảy sinh nhiều hơn, cộng dồn với một quỹ thời gian mới thì đó chính là lợi thế. 

Khi không có show diễn và sự kiện thời trang, KOL, influencers cần làm gì để giữ tên tuổi của mình? Tik tok và mạng xã hội có phải là một cứu cánh?

Tôi nghĩ trong giai đoạn công nghệ thì Tik Tok nói riêng và nền tảng digital nói chung không phải là cứu cánh, mà là đôi cánh của họ đấy chứ. Bản thân tôi cũng xem Tik Tok để cập nhật xu hướng làm video và cũng để hiểu thêm về thế hệ tiêu dùng mới. Hiện nay, tôi thấy rất nhiều KOL đưa ra những thông điệp tích cực trên mạng xã hội, điều đó rất là tuyệt vời. Có nhiều nội dung trong cuộc sống tưởng như tẻ nhạt mà qua sự thú vị của họ ta thấy độc đáo và vui vẻ hơn. Đây chính là nguồn năng lượng chúng ta cần ở thời điểm hiện tại.

Anh nghĩ gì về 2 dự án #onhavandep và #srstandbyyou của Style-Republik?

Hai dự án này có nhiều ý nghĩa với các doanh nghiệp và người yêu thời trang. Nó cổ vũ sự sáng tạo và đặc biệt với Ở nhà vẫn đẹp, dự án mang đến một thông điệp thú vị rằng thời trang có thể rất vui – dù chúng ta đang ở thời điểm khó khăn. 

Tôi nói vậy bởi gần đây bắt đầu một trào lưu styling từ gối và thắt lưng. Trào lưu thú vị ở điểm nó chỉ ra rằng ở nhà bạn vẫn có thể sành điệu– thậm chí là theo cách không ngờ đến. Và nó rất gần với ý tưởng Ở nhà vẫn đẹp.

Trong thời điểm cách li, tôi lục lại tủ đồ của bố và tìm thấy một bộ quân phục đã cũ. Tôi thử styling và đăng ảnh lên mạng xã hội. Không ai nghĩ đó là đồ của bố tôi. Tất cả mọi người đều hỏi mua và khen ngợi set đồ này. Với cá nhân tôi, thời trang có thể vui và truyền được cảm hứng cho cộng đồng. 

Lương Viết Thanh Tùng từng là Fashion editor tại tạp chí L’Officiel Vietnam, anh cũng cộng tác cùng tạp chí WOW (World Of Watches). Bên cạnh đó, anh cũng có kinh nghiệm trong vị trí Public Relations Manager tại một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu Việt Nam. 

Nhà thiết kế trẻ Đắc Thắng 

Đắc Thắng

Bạn đã gặp khó khăn thế nào vì dịch Covid-19? 

Việc cách ly và hạn chế đám đông ngay từ những ngày đầu dịch khiến cho nhà xưởng và studios nơi tôi làm việc đã tạm ngưng hoạt động và chỉ làm việc tại nhà. Dẫn đến sản xuất chậm hơn, năng suất có phần giảm thiểu nhưng sơ bộ chúng tôi vẫn cố gắng duy trì công việc để cảm thấy bản thân không bị trì trệ hay ủ dột. 

Mọi người giải quyết vấn đề này thế nào? 

Vì sức khỏe của mọi người và cũng vì gia đình của mỗi người nữa, bọn tôi vẫn chia đều target công việc ra, ít hơn mọi khi nhưng cố gắng duy trì đều đặn nhất có thể khối lượng và số lượng công việc được giao, kể cả khi phải làm ở nhà.

Những người bạn xung quanh bạn trong nghề thiết kế thì sao?

Tình hình chung tôi thấy mọi người đều chủ động tạm ngừng công việc sản xuất và hạn chế quá đông người trong thời điểm này.

Với vai trò một NTK Việt theo bạn thời trang Việt cần phải làm những gì để khắc phục những khó khăn trong thời điểm này? 

Tôi xin phép chia sẻ những gì cá nhân mình đang làm là: 

– Tập trung học hỏi thêm kiến thức về thời trang và nghệ thuật, tập luyện và nâng cao một số kỹ thuật mà mình vẫn chưa quen tay lắm.

– Cân nhắc lại kho nguyên liệu còn tồn dư của công ty để có thể làm gì tiếp với kho nguyên liệu đó, cũng là một cơ hội tốt để tận dụng, tái chế và sáng tạo.

– Suy nghĩ thêm những phương án thiết kế mang tính thực tế để có thể giúp đỡ mọi người trong thời gian khó khăn này (như làm những chi tiết công năng giúp che chắn, bảo vệ cơ thể con người, hạn chế bề mặt tiếp xúc chẳng hạn).

Ở mỗi một người làm thiết kế chắc chắn sẽ có những tư duy khác biệt và tôi chắc rằng mọi người đều có những ý nghĩ và tư tưởng để có thể hoạt động, sáng tạo và giúp đỡ cộng đồng trong thời điểm khó khăn này.

Theo bạn, dịch Covid-19 có phải là thời điểm để các nhà thiết kế dồn tâm trí vào việc sáng tạo hay không? 

Tôi nghĩ đây là một thời điểm thích hợp để củng cố và phát triển thêm tiềm lực của bản thân, tự đánh giá định hướng của nhãn hàng, phân khúc cũng như là đối tượng khách hàng. Còn đối với tư duy sáng tạo thì mỗi người sẽ cần một điểm lắng để xem xét lại khả năng cũng như là làm mới chính bản thân mình.

Bạn nghĩ gì về xu hướng tiêu dùng trong thời trang sau Covid-19?

Việc gì sau khi khủng hoảng cũng cần có một giai đoạn phục hồi và bình ổn, nên có thể sẽ mất một khoảng thời gian (nếu không nói là lâu) mới có thể quay lại như trước đó. Vì vậy tập trung vào chất lượng, công năng sử dụng là thật sự quan trọng trong giai đoạn tiếp theo hơn là việc sản xuất ồ ạt. Nhưng cũng phải thêm thắt chút thẩm mỹ để có thể “mặc an toàn và mặc đẹp” nữa.

Bạn có thể mô tả đôi chút về thương hiệu của mình sau Covid-19 và ước muốn sau 5 năm?

Về cả AEIE Studios và La Lune đều đã có những kế hoạch của riêng mình trước dịch, tôi vẫn cố gắng duy trì kế hoạch và ứng biến thích hợp để có thể thích nghi với giai đoạn này. Riêng La Lune thì tôi đang triển khai kế hoạch thay đổi một vài điều để có thể hấp dẫn và vững chắc hơn ngay sau khi tình hình dịch ổn định. 

Ước muốn của tôi trước mắt là mong cho dịch mau chóng qua đi, mọi người có thể khoẻ mạnh và kinh tế mau ổn định trở lại. Sau 5 năm thì mong muốn bản thân mình cũng như La Lune vẫn có thể làm những điều mới mẻ và phát triển hơn.

Tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang của trường Đại học Văn Lang, Đắc Thắng bắt đầu thực hiện ước mơ với thương hiệu La Lune. Thắng hiện đang là NTK chính cho thương hiệu thời trang AEIE và đang thực hiện tiếp ước mơ của mình là một giảng viên thỉnh giảng ngành thời trang của trường ĐH Văn Lang. Gần đây nhất là cú bắt tay giữa Đắc Thắng trong vai trò phụ trách phục trang hiện trường (lead dresser) cho bộ phim “Người vợ ba – The Third Wife”.

Hoàng Minh Châu 

Hoàng Minh Châu

Covid-19 đang ảnh hưởng thế nào đến công việc của bạn? 

Bản thân mình hiện đang là một freelance stylist, công việc của mình liên quan đến việc sản xuất hình ảnh. Tháng trước khi chưa xuất hiện ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam, khi tình hình dịch chưa ở mức độ báo động toàn cầu như hiện nay, khi Chính phủ chưa buộc phải ban bố lệnh giới nghiêm và cách ly xã hội thì công việc của mình vẫn diễn ra suôn sẻ và đều đặn, có thể nói là mình chưa cảm thấy sự ảnh hưởng của Covid-19 hoặc nếu có thì cũng không đáng kể. Nhưng tình hình hiện nay thì hoàn toàn khác, cả nước đang tập trung cao độ chống dịch và thực hiện biện pháp cách ly xã hội để giảm thiểu tối đa sự lây lan của Covid-19, mọi hoạt động chụp hình của mình cùng team đã phải dừng lại, có lẽ là cho đến đầu tháng 5 khi lệnh cách ly xã hội hết hiệu lực. 

Hiện tại team của bạn thế nào? 

Hiện các project đang tạm dừng nên team mình (stylist, photographer, make up artist & production assistant) chủ yếu đang nghỉ ngơi. Mình nghĩ cũng là thời điểm tốt để mình và mọi người được “refresh” và tìm lại nguồn cảm hứng mới trong công việc. 

Bản thân mình vẫn tranh thủ thời gian này cập nhật portfolio, liên hệ với các thương hiệu mới để tìm kiếm cơ hội hợp tác đồng thời nghiên cứu các xu hướng thời trang và những bộ ảnh đẹp, cũng như tác phẩm của các nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng thế giới. Đây vừa là hình thức giải trí vừa trau dồi thêm những hiểu biết nghề nghiệp. 

Những người bạn xung quanh bạn trong nghề thiết kế thì sao?

Thời gian này, mặc dù không được trực tiếp gặp gỡ với các bạn mình, nhưng bọn mình vẫn hỏi thăm tình hình của nhau, bởi ai cũng đều hiểu đây là thời điểm khó khăn với tất cả mọi người, với cả nền kinh tế. Thực sự thì Covid-19 ảnh hưởng khá nặng nề đến doanh thu của các thương hiệu thời trang thiết kế, có thương hiệu doanh thu chỉ còn 30% so với ngày thường. Không chỉ vậy, rất nhiều các thương hiệu thời trang lớn mà mình biết còn gặp vấn đề trong khâu sản xuất, đặc biệt là nguồn vải vì không ít các thương hiệu Việt vẫn phải nhập vải từ Trung Quốc để sản xuất các bộ sưu tập. 

Tuy nhiên doanh số của các shop quần áo online dao động như thế nào thì mình cũng ko có thông tin và thực sự mình cũng tò mò muốn biết, vì chính trong thời điểm này nhu cầu mua đồ trực tuyến của mọi người có thể tăng hơn bình thường. 

Theo bạn, đây là giai đoạn các NTK Việt cần phải làm những gì để khắc phục? 

Đối với các nhà thiết kế Việt, thương hiệu Việt, không thể nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc đẩy mạnh nền tảng kinh doanh online, kèm theo đó là giải pháp thanh toán trực tuyến đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho các khách hàng (vì đối với các thiết kế có mức giá cao thì việc thanh toán Ship COD – giao hàng nhận tiền trong nhiều trường hợp là không khả thi). Nhân viên trực page cũng cần sẵn sàng linh động thời gian làm việc cả ngày chứ không chỉ giới hạn trong giờ hành chính. Vì một phản hồi kịp thời nhân lúc khách hàng đang “máu” có thể giúp bạn đảm bảo tỉ lệ chốt đơn cao hơn rất nhiều. 

Càng chính trong thời điểm này, các thương hiệu càng không nên “lơ là” content marketing trên các trang mạng xã hội vì sự thiếu vắng hay “biến mất” ở thời điểm này có thể khiến khách hàng của họ hướng sự tập trung sang các thương hiệu khác. 

Mình nghĩ các nhà thiết kế cũng nên nỗ lực, không để hoạt động sản xuất bị đình trệ hoặc dừng hoàn toàn giữa bối cảnh chung cách ly xã hội. Giải pháp là sử dụng các xưởng vệ tinh, đặt sản xuất, gia công tại nhà của các thợ may uy tín. Đồng thời tận dụng triệt để các nguồn vải trong nước hoặc linh động thay đổi thiết kế để phù hợp với nguồn vải hiện có và năng lực sản xuất ở thời điểm hiện tại. 

Áp dụng chính sách giảm giá thích hợp, đặc biệt “bundle pricing” (định giá theo gói/số lượng) hứa hẹn sẽ thúc đẩy doanh thu và đẩy hàng tồn hiệu quả. 

Hướng đi của bạn giữa giai đoạn hiện nay? 

Thứ nhất là áp dụng giảm giá cho các khách hàng của mình, đây là điều cần thiết để phần nào san sẻ những khó khăn tài chính sau Covid-19 cho các thương hiệu. Thứ hai mình sẽ tăng cường làm việc và điều phối các công việc của team qua mạng. Bản thân mình sẽ chọn đồ và phụ kiện qua ảnh, nhờ sự hỗ trợ của shipper cho buổi chụp hình. Khi buổi chụp hình diễn ra, mình có thể cân nhắc chỉ đạo shoot chụp từ xa qua video call, livestream hay Zoom. Thứ ba, chủ động tiếp cận các khách hàng mới, đặc biệt là các thương hiệu có nền tảng kinh doanh online vững chắc hoặc đang phát triển. 

Theo bạn, đây có phải là thời điểm những NTK Việt nhìn lại phong cách và sáng tạo của mình?

Mình nghĩ ở thời điểm nào thì các nhà thiết kế dù là Việt Nam hay quốc tế, cũng luôn cần nhìn lại phong cách và tính sáng tạo trong các thiết kế của mình. Bởi khác với nghệ thuật, thời trang không bao giờ đứng yên mà luôn biến đổi không ngừng. Môi trường sáng tạo khắc nghiệt của thời trang buộc các nhà thiết kế phải luôn tìm tòi tư duy để sáng tạo, ra mắt những cái mới chiều lòng những khách hàng khó tính không bao giờ thỏa mãn với những gì lặp lại hay thiếu yếu tố bất ngờ, nhưng đồng thời cũng vẫn phải giữ cho được cái gọi là bản sắc, là phong cách hay DNA của thương hiệu. 

Bạn nghĩ gì về xu hướng tiêu dùng, sẽ có chất nhiều hơn lượng trong thời trang ngay sau Covid-19?

Mình tin rằng xu hướng tiêu dùng thiên về “chất nhiều hơn lượng” nhiều khả năng sẽ lên ngôi ngay sau Covid-19 bởi hai lý do sau. Lý do thứ nhất: sức mua của số đông giảm do các công việc, các hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng trong suốt 3 tháng đầu năm. Sâu xa hơn, dịch bệnh vô hình cũng tạo ra tâm lý tiêu dùng cẩn trọng trong số đông xã hội, mọi người sẽ cân nhắc hơn trong chi tiêu, để có thể dành ra một khoản tiết kiệm nhằm đối phó với những rủi ro, bất trắc không thể lường trước của đời sống kinh tế xã hội. Mọi người sẽ mua sắm thông minh hơn, cũng như sẽ tập trung vào “chất” thay vì “lượng”. 

Lý do thứ hai, gián tiếp Covid-19 đã làm cả thế giới dường như thức tỉnh về vấn đề bảo vệ môi trường bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ tầng ozone. Trào lưu eco-fashion hay sustainable fashion vốn đã rất rầm rộ ở các nước phương Tây sau Covid-19 chắc chắn sẽ càng lên ngôi. Để nói đến sustainable fashion thì việc sử dụng các chất liệu tự nhiên organic chưa phải là đủ mà còn phải để cập đến việc kiềm chế những mô hình sản xuất và kinh doanh thời trang nhanh đã và đang gây ra những tác động tiêu cực không hề nhỏ đến môi trường. Chính vì thế, triết lý thời trang “anti-fashion”/“anti-consumerism” (nôm na là “ăn chắc mặc bền”) của nhà thiết kế Vivienne Westwood sẽ trở thành một thực hành mang tính phù hợp. 

Bạn có thể mô tả đôi chút về ước muốn của mình về 5 năm sau?

Sau Covid-19, không chỉ dừng lại ở các shoot hình campaign, lookbook, streetstyle cho các thương hiệu thời trang, phụ kiện, bọn mình muốn mở rộng các hoạt động styling và production của team sang các mảng khác nữa như celebrity styling, styling cho các MV và thậm chí là styling/phụ trách phục trang cho phim. 

Ước muốn sau 5 năm của mình là được làm việc với các tạp chí thời trong nước lẫn quốc tế  và trở thành một fashion influencer, được làm việc ở cả Việt Nam và những kinh đô thời trang hàng đầu thế giới. Tất nhiên để làm được điều đó thì mình sẽ phải nỗ lực rất nhiều cộng thêm có được một chút may mắn nữa! 

Hoàng Minh Châu đã có vài năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thời trang tại Hà Nội. Cô từng là biên tập viên thời trang của tạp chí Style, đồng thời làm việc và cộng tác với một số thương hiệu thời trang Việt Nam và Quốc tế. Hiện Châu đang là stylist tự do đồng thời đảm nhiệm vai trò tư vấn marketing & truyền thông cho hai thương hiệu thời trang thiết kế cao cấp trong nước và quốc tế. Hoàng Minh Châu từng vào top mặc đẹp street style tại SFW FW 2019 trên tạp chí thời trang Mỹ WWD – Women’s Wear Daily và W Magazine.

Thực hiện: Thư Quân

Biên tập: Hoàng Khôi