Gucci Love Parade và nét đẹp Hollywood xưa cũ

Ngày đăng: 04/11/21

Trở lại sau một khoảng thời gian dài vắng bóng, đường băng Gucci Love Parade của Alessandro Michele khiến người xem đắm chìm trong những thước phim điện ảnh thời xưa cũ của một Hollywood hoa lệ, đẹp đến nao lòng.

Nói không ngoa năm 2021 chính là năm có ý nghĩa đặc biệt với thương hiệu lừng danh đến từ Ý Gucci khi đánh dấu chặn đường thời trang trọn một thế kỷ, điều mà ít nhà mốt có thể làm được. Để tổ chức ăn mừng sự kiện quan trọng này, Gucci nói chung và giám đốc sáng tạo thương hiệu Alessandro Michele nói riêng đã “trình làng” nhiều hoạt động đáng chú ý như BST “Aria” – màn “bắt tay” lần đầu tiên với nhà mốt Balenciaga, buổi triển lãm “Gucci Garden Archetypes” tại Gucci Garden ở Florence và sắp tới những bí mật, huyền thoại của Gucci sẽ được tiết lộ trong bộ phim House of Gucci. 

Hơn thế nữa, “Cuộc diễu hành tình yêu” lần này sẽ là màn quay trở lại được mong đợi nhất sau một năm vắng trên show diễn thời trang truyền thống. Vì luôn là nơi Alessandro Michele mơ về và là miền ký ức khó phai từ thuở bé nên show diễn lần này được tổ chức trên chính Đại lộ danh vọng Hollywood dưới nhà hát Trung Hoa cổ Grauman. Khi show diễn chưa “mở màn” thì buổi tiệc thời trang của những vị khách mời, ngôi sao nổi tiếng đã chính thức bắt đầu. Màn “đụng độ” thời trang của các ngôi sao tham dự là sự kết hợp của chất lông vũ sang trọng marabou, chất ren quyến rũ và vải lame, tất cả hòa mình trong ánh đèn marquee hồng, tím tráng lệ. Khung cảnh và bầu không khí giờ đây chẳng khác gì một bộ phim điện ảnh mà mọi người có mặt chính là những nhân vật trong phim với những cá tính, tính cách được thể hiện qua những bộ cánh đặc sắc trên người. Một bộ phim mà ở đó ranh giới giữa phim ảnh và thời trang dần phai nhòa.

Bộ suit nhung đỏ của Gwyneth Paltrow chắc chắn là tâm điểm của mọi ánh nhìn tại show diễn. Cô đã mặc lại bộ suit khi cô tham dự VMAS 1996 cũng như tái hiện lại Gucci Thu Đông 1996 khi hợp tác với Tom Ford. Ở một diễn biến khác, minh tinh Vũ trụ điện ảnh Marvel, phu nhân của ông chủ Kering và cũng chính là ngôi sao trong “House of Gucci” – Salma Hayek Pinault đã diện trên người một chiếc đầm sơ mi lấp lánh chất sequin sắc xanh, bạc thời thượng. Ngoài ra, trong hai dãy ghế khách mời dọc vỉa hè, chúng ta còn thấy sự xuất hiện các ngôi sao hạng A như Miley Cyrus, Billie Eilish, Lizzo,…hay Macaulay Culkin, Björk và Jared Leto sải bước trong dàn mẫu chuyên nghiệp.

Quay trở lại năm 2020, khi cả thế giới và ngành thời trang đang bị cô lập thậm chí rơi vào khủng hoảng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh thì Gucci đã tuyên bố đổi hướng lối đi của mình, từ bỏ những mùa thời trang “lỗi thời và không thực tế” và tập trung phát triển “thời trang không theo mùa” của riêng mình. Vậy tại sao Alessandro Michele lại chọn Hollywood trở thành sàn diễn trực tiếp cho màn trở lại lần này?

Sự lựa chọn này không phải là một sự ngẫu nhiên hay tùy hứng. Khi cửa hàng đầu tiên khai trương tại New York năm 1953, Gucci tạo nên tên tuổi và một làn sóng được yêu thích tại đất Mỹ. Ngoài ra, Gucci còn là thương hiệu tài trợ cho buổi dạ tiệc liên hoan phim LACMA thường niên được tổ chức lại Los Angeles. Còn riêng với giám đốc sáng tạo của Gucci Michele, Hollywood đã gắn bó với cả một tuổi thơ của ông qua những lời kể của người mẹ từng làm việc trong một công ty sản xuất phim. Thế giới trước máy quay theo lời kể của mẹ Michele tràn ngập vẻ đẹp hào nhoáng và nét đẹp lộng lẫy của những minh tinh màn bạc khoác trên người hàng loạt bộ cánh huyền thoại. Chiếc đầm ánh bạc xếp ly của mỹ nhân Marilyn Monroe, chiếc váy ngủ bằng ren của Rita Hayworth, hay những chiếc cầu vai của Joan Crawford,… luôn nằm trong tiềm thức và ảnh hưởng đến lăng kính sáng tạo cũng như cảm hứng thời trang của chính Michele. Những lời kể của mẹ ông cũng không bỏ qua những câu truyện thần thoại Ai Cập gắn liền với chiếc áo choàng đặc trưng của nữ thần Elizabeth Taylor Cleopatra. “Thành phố của những Thiên thần” cũng không thể thiếu nét hoang dã phóng khoáng và đúng chất “Mỹ” của mũ cao bồi, những họa tiết cây cọ và bãi cỏ bông trên những chiếc áo hàng lưu niệm.

Chính những dòng chảy ký ức đấy đã được Michele tái hiện trọn vẹn và xuất sắc trên đường băng Gucci Love Parade. Không chỉ thể hiện được nét đẹp cổ điển và đầy tinh tế, chuẩn “old Hollywood” mà trong “cuộc diễu hành tình yêu” lần này còn có những màn kết hợp độc đáo giữa cái đẹp xưa cũ và hiện đại với những item táo bạo đậm chất thể thao như quần legging, sport top, catsuit hay những đôi giày thể thao, năng động,… được mix&match trong những set đồ lịch lãm, thời thượng. Thoạt đầu nhìn có thể khá “kỳ quặc” nhưng lại vô cùng phù hợp với tinh thần cũng như tư duy thời trang hiện đại của các tín đồ thời trang trẻ ngày nay. Ai bảo áo blazer không phối được với quần biker hay ai không cho phép bạn diện một chiếc áo lông to đùng với một chiếc mặt nạ đính cườm xuống phố?

Lộng lẫy, kiêu sa, thời thượng và sang trọng chính là những từ ngữ diễn tả thật nhất sàn diễn Gucci lần này. Người xem không chỉ được chiêm ngưỡng trọn tủ quần áo của những huyền thoại màn ảnh ngày xưa với những bộ cánh trên phim trường, thảm đỏ sự kiện hay những trang phục đời thường,…được thiết kế bằng các chất liệu lông, chất voan mỏng hay chất sequin lấp lánh, cao sang. Ngoài những chiếc corset cổ điển, áo choàng lông hay những chiếc tất garter đúng điệu “old Hollywood” thì loạt phụ kiện trong BST lần này cũng gây ấn tượng mạnh như giày platform, mặt nạ hình thỏ đính đá, găng tay, túi xách khuyên mũi, hoa cài ngực…

Với BST lần này, Michele đã tạo ra những tuyến nhân vật theo cách riêng của mình, những nhân vật với những bộ cánh chỉ được thừa nhận và có trên phim ảnh. Đối với Michele không còn tồn tại những quy tắc mặc gì vào ban ngày hay items nào nên mặc vào ban đêm mà mỗi lần bước chân xuống phố dù đi làm việc hay chỉ đơn giản ra ngoài để mua một ít sữa thì cũng phải hoành tráng và biến đó thành sàn diễn thời trang của chính mình. Đó cũng là lý do ông chọn đường phố Hollywood trở thành sàn diễn cho BST này. Tóm lại, BST không chỉ là tình yêu của Michele cho Hollywood gắn liền những kỷ niệm với mẹ mà còn tôn vinh vẻ đẹp mộng mơ của điện ảnh. 

Chuyển ngữ: Huỳnh Trân

Theo New York Times