Khi sàn diễn thời trang trở thành nơi cho những tuyên bố chính trị 

Ngày đăng: 10/03/22

Thế giới thời trang không chỉ có những khoảnh khắc xa hoa, lộng lẫy và hoàn mỹ mà đây còn là nơi để các nhà mốt thể hiện những quan điểm, tuyên bố chính trị,…về cộng đồng và xã hội.

Khi nói về thời trang và chính trị hầu như ai trong chúng ta cũng tưởng chừng đây là hai đường thẳng “song song” và không tồn tại một mối tương quan nào giữa chúng nhưng thật ra hai khái niệm này đã có một mối liên hệ với nhau từ lâu. Xuyên suốt dòng lịch sử, đã có không ít những cuộc biểu tình, sáng kiến và phát minh mang tính thời trang chống lại hay ủng hộ những quan điểm chính trị. Chẳng hạn cuộc vận động “reset” lại đồng phục làm việc của phụ nữ của Gloria Steinem, bộ suit giải phóng cơ thể phụ nữ của YSL, những thiết kế mang tính cách mạng cho nữ giới của Coco Chanel, nguồn cảm hứng về thời trang và cuộc sống Michelle Obama của hay hàng loạt cuộc “biểu tình thời trang” vào năm 2017,…

Ngược lại chính trị cũng là nguồn cảm hứng, nguồn tham khảo bất tận cho những thiết kế thời trang. Nhiều đường băng thời trang đã lấy phong cách thời trang của các chính trị gia để định hình BST của mình hay nhiều thiết kế thời trang cũng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chính trị cụ thể… 

Prabal Gurung Thu Đông 2017 và những thiết kế ủng hộ nữ quyền
Missoni Thu-Đông 2017 và chiếc nón hồng kêu gọi bình đẳng giới

Hãy cùng Style-Republik điểm lại những khoảnh khắc sàn diễn thời trang trở thành tuyên bố chính trị đình đám nhé!

Tommy Hilfiger 

Tại show diễn Xuân Hè năm 2017, nhà mốt Tommy Hilfiger đã mang những thiết kế màu sắc của mình cho giới mộ điệu chiêm ngưỡng, đặc biệt là điểm nhấn ở vòng tay với một chiếc khăn Bandanas trắng của những người mẫu. Chiếc khăn đấy chính là biểu tượng của sự thống nhất, đoàn kết và hòa nhập của con người. Được biết đây là phong trào #TiedTogether, do Business of Fashion khởi xướng.

Chanel

Chanel Xuân Hè 2015 có lẽ là một trong những sân khấu ấn tượng, vĩ đại và mang tính chính trị nhất của Karl Lagerfeld và Chanel. Mang đậm tinh thần của Coco Chanel từ suốt bao thế kỷ, nhà mốt luôn mang đến những thông điệp, thiết kế mang tính cách mạng và ủng hộ nữ quyền, và ở sàn diễn Xuân Hè 2015 điều đó lại được thể hiện một cách mạnh mẽ. Show diễn thời điểm đó được ví như một cuộc “biểu tình thời trang” góp sức nóng cho những phát biểu về nữ giới của Emma Watson cũng như chung tay lên tiếng vào công cuộc nữ quyền. Sàn diễn tràn ngập những khẩu hiệu: : “Be Your Own Stylist”, “Ladies First ”, “Free Freedom”, “Make Fashion Not War”, “Be Different”… với hàng loạt bộ suit nữ chuẩn chỉnh.

   

Rick Owens

Vào thời gian trước, “khỏa thân” vẫn còn được nhìn nhận là một trong những điều cấm kỵ trong xã hội và bị “gán” mác nhạy cảm, tiêu cực, đặc biệt đối với phái nam. Để ngầm chống lại điều đó cũng như khẳng định rằng khỏa thân chỉ một cử chỉ nguyên thủy nhất, độc lập nhất của con người kể cả nam hay nữ, Rick Owens đã cho ra mắt dòng sản phẩm nam hay sàn diễn thời trang Xuân Hè 2015 gây “nhức nhói” thời đó với loạt thiết kế khoe da thịt, thậm chí người mẫu đã khỏa thân hoàn toàn trên đường băng.

Burberry 

Không chỉ là một lời tạm biệt cương vị giám đốc sáng tạo với 17 năm gắn bó, sàn diễn Xuân Hè 2018 của Burberry còn là thông điệp ý nghĩa dành cho cộng đồng LGBTQ. NTK khéo léo thể hiện sự ủng hộ của mình với mảng màu lục sắc, biểu tượng của cộng đồng trên ánh đèn sân khấu, quần áo, phụ kiện,…

   

Calvin Klein

Tại đường băng Thu Đông 2018, Calvin Klein đã kể câu chuyện nước Mỹ hậu tận thế, cũng ngầm phản ánh bầu không khí chính trị căng thẳng lúc bấy giờ của Hoa Kỳ. BST được ví như một bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng đậm chất kinh dị trong bối cảnh những năm 60 với hàng loạt bồ đồ bảo hộ màu cam neon, đôi ủng cao, mũ trùm đầu,… cho những người sống sót sau một dịch bệnh bí ẩn.

   

Walter Van Beirendonck

Với Tuần lễ thời trang Paris năm 2015, Walter Van Beirendonck đã cho ra mắt sàn diễn vô cùng đẹp với một thông điệp ý nghĩa và mạnh mẽ đáp trả lại vụ xả súng ở Charlie Hebdo nói riêng và tất cả các cuộc khủng bố nói chung. NTK thể hiển một các rõ ràng với những câu slogan dứt khoát như “Stop Terrorising Our World”, hay gián tiếp khi ca ngợi vẻ đẹp đa dạng của xã hội như “Warning: Explicit Beauty” và “Demand Beauty”. Bên cạnh đó còn có đôi mắt được vẽ theo phong cách Ai Cập với thông điệp “Chúng ta có nhu cầu và quyền được nhìn thấy những điều đẹp đẽ xung quanh mình,” và biểu tượng chú đại bàng vàng ở vòng cổ biểu trưng cho sự kiên cường của con người.

Jean Paul Gaultier

Đây có lẽ một trong những nhà thiết kế tài năng thể hiện tuyên ngôn xóa mờ ranh giới về giới tính mạnh mẽ nhất thông qua những tác phẩm thời trang của mình. Sàn diễn của Jean Paul Gaultier luôn là vấn đề gây nhiều tranh luận với hình ảnh những người đàn ông môi đỏ, phụ nữ xăm trổ hầm hố,… và show diễn Paris năm 1984 của ông không là ngoại lệ. Tại đường băng ông đã cho những người đàn ông của mình mặc váy kẻ sọc, giày thể thao đế bệt,… lấy cảm hứng từ trang phục của chiếc váy nam giới ở Scotland. Dù gây tranh cãi từ khi ra mắt nhưng Jean Paul Gaultier đã đặt một nền móng vững chắc cho thời trang phi giới tính và được nhiều nhà mốt hưởng ứng đến tận ngày nay.

Katharine Hamnett

Trải qua biết bao thập kỷ, những chiếc áo phông được in những dòng chữ kêu gọi hay slogan ủng hộ cho một quan điểm chính trị nào đó đã là một “câu của miệng” của con người trước những vấn đề thời sự. Katharine Hamnett chính là người tiên phong cho sáng kiến thời trang đấy. Những thiết kế được in slogan “Choose Life” hay “Use a Condom” đều là những thiết kế gây ấn tượng nhất trong dòng lịch sử thời trang. 

   

Hussein Chalayan

Đường băng Hussein Chalayan Thu Đông những năm 2000 – “Afterwords” đã khai thác nỗi kinh hoàng của việc di dời, di dân thời chiến. Đây cũng là BST có tiếng vang nhất trong sự nghiệp của anh không chỉ thể hiện được sự tàn phá dữ dội của chiến tranh mà còn khiến giới mộ điệu cảm thán được khả năng chế tác quần áo đầy biến chất của Chalayan. Khi chạy thoát khỏi căn nhà của mình khi chiến tranh ập đến, ắt hẳn ai cũng muốn đem nhiều đồ theo càng tốt. Dựa trên suy nghĩa đấy, NTK đã tạo ra những bộ váy từ những chiếc bao ghế, ghế thành chiếc vali, thậm chí một chiếc bàn có thể biến thành một bộ váy.

Balenciaga

Như một quả cầu tuyết khổng lồ, phủ đầy tuyết, lộng gió khiến các người mẫu phải vật lộn, xiêu vẹo trước sức mạnh của thiên nhiên, Demna đã đưa những cuộc di dân đẫm nước mắt, chiến sự ác liệt và cả viễn cảnh về khí hậu, đặc biệt là mùa đông sắp tới con người phải đối mặt, lên sàn diễn Thu Đông 2022 trong một không khí nghiêm trang nhưng không thiếu những tràng vỗ tay đầy thán phục của giới mộ điệu.

Đường băng Balenciaga lần này được lấy cảm hứng trực tiếp từ cuộc đời, tuổi thơ đau đớn của Demna cũng như của người Georgia đã trải qua suốt từ năm 1993 đến tận bây giờ. Nó cũng một phần nhắc lại cho cả thế giới về nguyên nhân tại sao Nga ủng hộ tiến công, ủng hộ hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia ly khai cách đây 14 năm, chỉ vài ngày sau khi Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh bế mạc. Ở mặt khác, show diễn cũng giống như một câu trả lời quyết liệt của Demna dành cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hiện tại.

Thực hiện: Huỳnh Trân