Màu xanh Nhật Bản – Kỹ thuật dệt vải sọc, từ Hội An đến Matsusaka

Ngày đăng: 30/09/17

Vào cuối thế kỷ thứ V, các hậu duệ của Kurehatori – là những người thợ dệt may từ Trung Quốc, truyền bá kỹ thuật dệt và kéo sợi cho người Nhật ở các cơ sở dệt may của vùng Matsusaka. Đến nửa cuối thế kỷ thứ VI trong thời đại Asuka, kỹ thuật dệt vải và nhuộm chàm của Nhật Bản đã đạt đến trình độ cao. Tuy nhiên ở giai đoạn này, vải nhuộm chàm vẫn chưa được truyền bá trong dân chúng, mà chỉ được sử dụng bởi giới quý tộc và hoàng tộc. Khoảng thế kỷ XII, thời kỳ giai cấp võ sĩ đạo Kamakura giành quyền chi phối trong xã hội Nhật Bản, trang phục màu chàm được sử dụng phổ biến, cho đến ngày nay còn có thể nhận thấy qua trang phục Hakama trong môn kiếm đạo Nhật Bản (Kendo).

Cotton là loại vật liệu giữ ấm và bền bỉ, được ca ngợi xuyên suốt lịch sử là “tài sản đáng kính của trái đất”, đóng góp mạnh mẽ vào cuộc cách mạng từ quần áo cho đến thời trang của nhân loại. Khi cotton từ Ai Cập và Ấn Độ du nhập đến Nhật Bản vào thế kỷ XV (giai đoạn Sengoku), chất liệu này ngay lập tức phù hợp và trở nên cần thiết. Từ thế kỷ XVII dưới thời Mạc Phủ Tokugawa, cây cotton (cây bông vải) được chú trọng canh tác ở Nhật. Các làng nghề trên khắp Nhật Bản bắt đầu trồng cây cotton để phục vụ sản xuất và dệt nhuộm thủ công. Trong đó phải kể đến Matsusaka – nơi đã tiếp thu kỹ thuật dệt sọc dọc trên những thước vải quý hiếm được mang về bến cảng sầm uất của xứ Kochi (danh gọi của Hội An trong ngôn ngữ Chămpa), đã giúp nghề dệt ở Matsusaka ngày càng thêm trứ danh. Matsusaka Momen đặc trưng bởi kỹ thuật nhuộm những sắc chàm khác nhau và dệt nên những tấm vải cotton sọc xanh mang tính di sản, trở thành một minh chứng của bề dày lịch sử trong mối giao lưu văn hóa Việt – Nhật.

utagawa3.jpg

Con Đường Tơ Lụa Việt – Nhật trên biển

Là con đường huyền thoại nối từ Trung Hoa đến các vùng Tây Á, Con Đường Tơ Lụa ví như cầu nối thương mại lớn nhất trong thế giới cổ đại. Những dấu chân lạc đà nay đã bị cát bụi sa mạc xóa nhòa, nhưng Con Đường Tơ Lụa trên bộ vẫn được ghi nhớ là một dòng chảy nối liền lịch sử thương mại của 2 nền văn minh Trung Hoa và La Mã xa xưa. Không đơn thuần là huyết mạch thông thương hàng hóa (chủ yếu là tơ lụa, trà, rượu và các sản vật quý hiếm của Châu Á) giữa 2 nền văn minh Đông – Tây xưa kia, Con Đường Tơ Lụa còn là một lộ trình di chuyển của văn hóa, tôn giáo, tri thức và tâm linh. Đến thời nhà Minh (XIV – XVII), Con Đường Tơ Lụa trên bộ bị vương triều Trung Hoa khống chế, thúc đẩy sự ra đời của Con Đường Tơ Lụa trên biển vào thế kỷ thứ XVII. 

Sau khi Chinh Di Đại Tướng Quân Tokugawa Ieyasu kiểm soát toàn bộ đất nước Nhật Bản và thành lập chế độ Mạc Phủ Tokugawa tại Edo (nay là thủ đô Tokyo) vào năm 1603. Thời kỳ này, ngoại thương phát triển mạnh. Chính quyền Mạc Phủ cho ban hành Chứng nhận Chu Ấn (Red Seal Certificate hay Shuin-jo) – một văn thư chính thức được sử dụng bởi các lãnh chúa phong kiến. Dù vậy, Chính Phủ Edo đã thông qua nó như một thư ủy quyền, cho phép các thương nhân người Nhật hoạt động thương mại hàng hải. Kể từ cuối thế kỷ XVI, các tàu buôn tư nhân của Nhật thường xuyên đến Trung Quốc để tìm kiếm lụa quý, sau đó di chuyển về phía Nam đến các quốc gia Philippines, An Nam và các quốc gia Châu Á khác, mang về cho Nhật Bản nhiều sản vật quý hiếm.

Kỹ thuật dệt Matsusaka Momen có nguồn gốc từ vải Jyoryufu (theo cách gọi của người Nhật, đến nay khó có thể truy nguyên tên này theo tiếng Việt) của người Chămpa. Theo “Giác Thư Về Vải Dệt Matsusaka” (Matsusaka Momen Oboegaki) của tác giả Tabata Yoshiho – được đề cập trong bài viết “Con Đường Tơ Lụa Trên Biển & Giao Lưu Văn Hóa Việt – Nhật” của GS.Bùi Chí Trung: trong thế kỷ XVII, loại vải dệt sọc dọc đã được các thuyền mậu dịch Chu Ấn mang từ Hội An về Nhật Bản, cập bến ở cảng Matsusaka. Có thể nói, các thương gia của vùng Matsusaka là nhà nhập khẩu đầu tiên đưa loại vải này vào Nhật Bản. Theo sách Kai-Tsusyoko, xuất bản năm 1695, Hội An đã cung cấp nhiều món hàng quý hiếm đến Nhật Bản, trong đó có một loại vải bông với những đường vân sọc, được người Nhật gọi tên là Shima Watari (có nghĩa là “vải ngoại nhập vào xứ đảo”) hay Ryujo-Fu (ám chỉ những sọc mảnh nhỏ như đường gân của lá liễu), ngày nay được biết đến với tên gọi là Matsusaka Momen.

Matsusaka-.jpg

Matsusaka Momen – Vải nhuộm chàm dệt sọc

Matsusaka Momen (Matsusaka Cotton – 松阪もめん) là loại vải cotton dệt sọc có danh tiếng lâu đời tại thành phố Matsusaka, thuộc tỉnh Mie ở Đông Nam Nhật Bản. Các kỹ thuật dệt và motif sọc của Matsusaka Momen đã được công nhận là những di sản văn hóa dân gian phi vật thể của Nhật Bản.

15-11784.jpg

Các loại vải kẻ sọc khác có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia,…rất được người Nhật thời bấy giờ ưa chuộng, dùng cho những chiếc khăn, thảm, túi nhỏ đựng trà cụ trong các buổi Lễ Trà. Tuy nhiên, loại vải dệt sọc có nguồn gốc từ vương quốc Chămpa (thuộc vùng địa lý Hội An ngày nay) vẫn được yêu thích hơn cả, hình thành một cầu nối thương mại và lịch sử đặc biệt giữa Hội An và Matsusaka. Đây chính là thời kỳ mậu dịch Chu Ấn thuyền (Shuin-sen) phát triển đỉnh cao, hình thành mạng lưới hải thương hưng thịnh giữa Chămpa và Nhật Bản.

Người Chăm ở khu vực Hội An đã bị mất dần quyền lực chính trị bởi Đại Việt, nhưng vẫn tồn tại cho đến thế kỷ XVII dựa vào thương mại hàng hải với Nhật Bản. Theo các nghiên cứu khảo cổ học, sự có mặt của cộng đồng thương buôn người Nhật ở Hội An có thể bắt đầu vào cuối thế kỷ XVI cho đến cuối thế kỷ XVII, hoặc cho đến khi sự phân tán của người Chăm ở Việt Nam.

Kadoya – một gia đình hoạt động thương mại hàng hải ở Matsusaka đã nhận được chứng nhận Chu Ấn (Red Seal Certificate), cấp bởi Tokugawa Ieyasu – người sáng lập và là Shogun (Tướng quân) đầu tiên của chế độ Mạc Phủ Tokugawa. Tướng quân Tokugawa Ieyasu là một người rất yêu thích trầm hương (Kyara) có nguồn gốc từ vương quốc Chămpa. Gia đình Kadoya đã thường xuyên đến Hội An và mang về những sản vật quý hiếm của người Chămpa. Vị thương gia Kadoya Shichirobei được biết đến như một người đóng vai trò tích cực thúc đẩy phát triển thệ thống thương mại Chu Ấn. Kadoya Hichirobe, người con trai thứ của Kadoya Shichirobei đã lên đường đến Hội An vào năm 1631, sau đó kết hôn với một người phụ nữ quý tộc người Chăm. Hai năm sau đó, chính quyền Mạc Phủ ban hành chính sách bế quan tỏa cảng. Kadoya Hichirobe buộc phải ở lại Hội An cho đến khi qua đời vào năm 1671 (hoặc 1672). Ông được xem là một chứng nhân lịch sử của mối  giao thương hữu nghị giữa Hội An và Matsusaka.

Loại vải dệt sọc dọc của người dân Chămpa tại xứ Kochi rất được các thương nhân Nhật Bản yêu thích. Dần dần, kỹ thuật dệt sọc dọc và phương pháp phối màu sợi nhuộm tạo hình hoa văn, đã được các nghệ nhân Matsusaka tiếp thu và áp dụng với kỹ thuật nhuộm chàm bản địa, phát triển thành thành những mẫu vải nhuộm chàm dệt sọc Matsusaka Momen danh tiếng

MiitoOrimono-Matsusakamomen.jpg

MatsusakamomenasasymbolofIKI-weaving.jpg

Vải sọc Matsusaka Momen với các sắc độ màu chàm đậm nhạt khác nhau, càng bắt mắt và trang nhã hơn so với những tấm vải màu chàm đơn sắc làm nên tên tuổi của làng dệt nhuộm thủ công Matsusaka trước đó. Tay nghề dệt vải khéo léo của những người phụ nữ Matsusaka đã tạo ra sản lượng hàng may mặc khổng lồ, cung cấp cho một nửa dân số của thành Edo, đồng thời dệt nên một giai đoạn lịch sử đầy vinh quang của “màu chàm Matsusaka – màu xanh Nhật Bản”.

a5a78fc86538d084.jpg

Từ thịnh thời cho đến lúc tàn suy

Dưới thời Edo, những bộ kimono được may bằng vải Matsusaka Momen được xem là “thời trang”. Người dân Edo tìm thấy ở Matsusaka Momen nét thẩm mỹ tinh tế và sang trọng phù hợp với phong cách giản dị của Nhật Bản, và có thể được xem là một biểu tượng của khái niệm iki. Ngày nay, phong cách tinh tế tối giản này đã được người Nhật nâng tầm ảnh hưởng. Trong lĩnh vực thời trang, “iki style” dễ dàng được nhận ra có nguồn gốc từ Nhật.

Matsusaka-Momen-Japan-blue.jpg

MatsusakaMomenKimonoBlueCotton-.jpg

Trong khi hầu hết các motif dệt vải truyền thống của Nhật Bản ở thời kỳ này tập trung vào những hình tượng đầy cảm hứng từ tự nhiên như chim, hoa, trăng, mây,…Ngay khi bắt gặp những “đường sọc lá liễu” màu chàm, người Nhật lại bắt đầu yêu thích loại vải cotton dệt sọc của vùng Matsusaka. Những bộ kimono màu xanh chàm may bằng loại vải cotton sọc trở thành một trong những biểu tượng của thị trấn Matsusaka, thường xuyên được gửi đến Edo bằng tàu. Nhà bán hàng cung cấp vải Matsusaka Momen đầu tiên mở cửa tiệm tại Edo vào năm 1635.

5325.jpg

JapanesetravelersinbasketpalanquinspossiblyontheTokaidonearHakoneca.1890.jpg

Các loại vải sọc nhập khẩu từ các quốc gia phía Nam đặc trưng bởi các màu sắc nâu đỏ tươi sáng với đa dạng các kiểu sọc ngang, dọc, kết hợp đan xen hoặc áp dụng các kỹ thuật bện thắt tạo hoa văn khác nhau. Riêng đối với Matsusaka, nơi này sử dụng kỹ thuật nhuộm chàm tạo ra những màu sắc trung tính, nhuộm các sợi vải và dệt ra một loạt các motif sọc dọc với các tông màu chàm đậm nhạt phối hợp hài hòa. Sự ra đời của vải cotton nhuộm chàm dệt sọc dọc Matsusaka Momen được xem là một cuộc cách mạng trong lịch sử dệt may Nhật Bản. Tuy nhiên loại vải này cũng bị lãng quên dần theo sự suy thoái của kimono bởi nhu cầu hiện đại hóa của đất nước Nhật Bản.

AccessoriesforsaleattheMatsusakaCottonCenter.jpg

store-matsusaka.jpg

Những năm gần đây, thành phố Matsusaka đã nỗ lực khôi phục và đưa loại vải sọc chàm nổi tiếng một thời quay trở lại. Trung Tâm Dệt Tay Cotton Matsusaka (Matsusaka Cotton Hand-weaving Center) được thành lập vào năm 1984, với nguyện vọng giới thiệu lịch sử, giá trị và những phẩm chất tuyệt vời của loại vải di sản Matsusaka Momen. Trung tâm kinh doanh các tan vải Matsusaka Momen cũng như các thành phẩm thời trang từ loại vải này. Kimono, samues (trang phục truyền thống của các nhà sư Phật giáo), áo sơ mi, tạp dề, túi xách và norens (màn cửa ngoài của Nhật Bản) cũng như các món đồ lưu niệm khác được may từ vải Matsusaka Momen có thể tìm thấy tại cửa hàng bên trong trung tâm.  Đây là nơi du khách có thể tham quan tìm hiểu các loại máy dệt vải hiện đại, cũng như khung dệt tay truyền thống và những mẫu vải lâu đời được sưu tầm, lưu giữ cẩn thận. Trung tâm cũng cung cấp các lớp học thủ công ngắn hạn để du khách trong và ngoài nước có thể trải nghiệm quy trình dệt nên loại vải Matsusaka Momen được yêu thích nhất trong thời Edo.

MatsusakaCityHistoryandFolkloreMuseum.jpg

Ngoài ra, Bảo Tàng Lịch Sử & Dân Tộc Học Thành Phố Matsusaka (Matsusaka City History & Folklore Museum) là nơi trưng bày nhiều hiện vật quý giá, đúc kết câu chuyện lịch sử của nghề dệt nhuộm hàng trăm năm tuổi của Matsusaka. Hằng năm, các điểm đến này thu hút đông đảo du khách đến tham quan và hồi tưởng lại vinh quang ngày xưa của vùng đất dệt vải Matsusaka nức tiếng thời Edo.

Japanese_farmers_Elstner_Hilton-FindthisPinandmoreonOldOkinawaJapan..jpg

Thực hiện: Xu