Chuyện xửa chuyện xưa: Làng nghề dệt nhuộm thêu may ở Thăng Long – Hà Nội
Ngày đăng: 22/07/21
Trải qua 1000 năm thăng trầm biến thiên của lịch sử, Thăng Long – Hà Nội đã để lại một kho tàng di sản văn hoá vật thể mà các thế hệ tiền nhân gửi lại cho thế hệ chúng ta hôm nay. Di sản văn hoá thủ công nghiệp của Thăng Long xưa với những làng nghề truyền thống, cụ thể là các làng nghề dệt, nhuộm, thêu, may ở Thăng Long – Hà Nội trong quá trình phát triển của mình cũng có làng nghề mai một, có làng nghề tiếp tục phát triển để đi lên trình độ công nghiệp cơ khí hoá.
Thăng Long – Hà Nội là thành phố của sông hồ, nơi đây và vùng ven sông là nơi có truyền thống trồng dâu nuôi tằm để dệt các loại vải cao cấp (the, lĩnh, sa, xuyến, đũi, gấm, vóc…). Các làng dệt của Thăng Long – Hà Nội có những mặt hàng riêng biệt nổi tiếng, thể hiện sự phân công chuyên môn hoá lao động. Mặt hàng lụa nổi tiếng với các làng Vạn Phúc, Nghi Tàm, Thuỵ Chương… Mặt hàng lĩnh ở vùng Bưởi với các làng Trích Sài, Nghĩa Đô, Bái n… Ngoài lĩnh trơn, lĩnh hoa còn dệt cả lĩnh mộc. Hàng the có các làng La Khê, La Cơ, hàng lượt có làng Bùng (Thạch Thất), quai thao có làng Triều Khúc.
Ở mỗi làng dệt, thợ giỏi có thể dệt được nhiều mặt hàng, trong đó tinh xảo nhất là lụa hoa, còn gọi là lụa vân. Thợ Vạn Phúc, Đại Mỗ tài hoa tạo nên nhiều loại lụa hoa, trong đó có lụa ngũ sắc, lụa cài hoa hồng, hoa cúc, hoa đào, quả lựu, rồi bướm, hạc, phượng, chữ thọ… Những vẻ đẹp hoa lụa Đại Mỗ, Vạn Phúc đã trở thành giá trị thẩm mỹ riêng biệt của hàng tơ tằm của Việt Nam. Hàng lĩnh nhiều nơi dệt được, nhưng lĩnh đẹp nhất nước ta là do thợ dệt Trích Sài, Bái ân, Nghĩa Đô, Võng Thị tạo nên. Hàng the được dệt bởi các sợi mảnh và thưa, để may những áo dài mặc ngoài, làm tôn chiếc áo cánh mặc bên trong. Hàng sa rất mỏng, cũng mặc ngoài, khiến áo trong rất gợi cảm. Còn hàng băng thì dệt như mạng, trong suốt hoặc lác đác một ít hoa văn. Nhiều thì dệt dày, nổi cát, may đồ mặc mùa lạnh. Gấm có nền màu lam điểm hoa văn chữ thọ, dùng may lễ phục từ xưa…
Thợ Vạn Phúc, Đại Mỗ tài hoa tạo nên nhiều loại lụa hoa, trong đó có lụa ngũ sắc, lụa cài hoa hồng, hoa cúc, hoa đào, quả lựu, rồi bướm, hạc, phượng, chữ thọ… Những vẻ đẹp hoa lụa Đại Mỗ, Vạn Phúc đã trở thành giá trị thẩm mỹ riêng biệt của hàng tơ tằm của Việt Nam.
Ngoài ra ở Hà Nội, có nghề nhuộm là nghề thủ công truyền thống, gắn với tên một số làng xã và đường phố, người thợ nhuộm ở các phố Hàng Đào, phố thợ Nhuộm là người từ các làng ở Hải Hưng, Hà Sơn Bình lên cư trú và hành nghề. Ngoài ra nghề thợ nhuộm còn phát triển ở một số làng như Đồng Lầm, Làng Võng Thị…
Nghề thêu là nghề thủ công cổ truyền bắt nguồn từ nhu cầu phổ biến của người dân, tuy là một nghề truyền thống nhưng hầu như không được đề cập tới trong các thư tịch, sử sách. Dưới thời Pháp thuộc việc may mặc trở thành một dịch vụ mới với những thợ may chuyên nghiệp dưới dạng may đo. Sau khi Thủ đô được giải phóng, ngành may mặc có bước phát triển mới là phát triển loại quần áo may sẵn nên có điều kiện chuyển sang công nghiệp hoá hệ thống dây chuyền sản xuất từ khâu đo cắt tới khâu hoàn chỉnh thành phẩm…
Thực hiện: Bảo Long
Bài viết được mang đến bởi FACE – The Fashion Design Academy
Thành lập từ tháng 10.2011, FACE – không gian chia sẻ, nghiên cứu và giảng dạy những kiến thức và tư duy mới của thời trang toàn cầu đến Việt Nam thông qua các khóa học dài hạn, ngắn hạn và workshop. Hiện tại, FACE – The Fashion Design Academy đang tuyển sinh các khóa học thiết kế thời trang dài hạn và ngắn hạn. Thông tin chi tiết vui lòng truy cập website www.facefashiondesignacademy.com.