“Luxury” dưới góc nhìn của hai kinh đô thời trang: Paris vs Milan
Ngày đăng: 28/08/23
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết đến 4 kinh đô thời trang nổi tiếng trên thế giới: London, New York, Paris và Milan. Trong đó thì Pháp và Ý là cái nôi của ngành thời trang với lịch sử hình thành lâu đời. Mối quan hệ giữa hai quốc gia này trải dài từ nhiều trận chiến và vài cuộc liên minh. Sự cạnh tranh đã xuyên suốt qua nhiều thế hệ, từ bóng đá đến rượu vang, không chỉ từ phô mai đến nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, mà còn cả thời trang và xa xỉ.
Trong hai lĩnh vực cuối cùng, cuộc chiến giữa các nhà sáng tạo Ý và các nhà tư bản Pháp đã diễn ra ác liệt trong nhiều năm. Và câu hỏi được đặt ra luôn luôn là: ai sẽ trở thành “người dẫn đầu” trên đỉnh cao ấy?
Lịch sử của hai đế chế xa hoa bậc nhất Châu Âu
Đầu tiên, bài viết sẽ đề cập đến thời kì La Mã cổ đại kéo dài từ 753 TCN cho đến 476 SCN. Tại thời điểm này, Đế chế La Mã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thời trang. Con người sinh sống trong quốc gia này đã học được cách sử dụng quần áo như một “công cụ” đại diện cho địa vị xã hội. Mãi cho đến thời kì phục hưng giữa thế kỷ 14-17 thì Ý, đặc biệt là Florence – thành phố mang đậm nét nghệ thuật của thời đại này tại Ý – đã gây chú ý với phong trào thời trang Phục hưng. Chúng ta có thể chứng kiến sự hồi sinh của phong cách La Mã cổ đại và những người ở tầng lớp thượng lưu đã sử dụng các loại vải sang trọng, đồ trang trí cầu kỳ và hình thêu phức tạp. Khoảng thời gian 200 năm sau đó, phong cách Ý lúc này lại chịu ảnh hưởng của Pháp khi các nhà thiết kế địa phương thử lấy ý tưởng từ quốc gia lân cận nhưng vẫn không mất đi “chất riêng” của mình ở các khu vực như Napoli, Milan và Sicily. Sự hồi sinh của ngành công nghiệp thời trang sau Thế chiến thứ hai đã thúc đẩy các nhà thiết kế như Gucci, Armani và Valentino mở thương hiệu của họ. Giờ đây, thời trang Ý tự hào khi có thể thể hiện được sự sang trọng qua tay nghề thủ công của nghệ nhân bằng cách sử dụng các chất liệu cao cấp. Cho đến hiện tại, sự hình thành của các thương hiệu lừng danh như Prada, Dolce & Gabbana và Versace đã đưa ngành thời trang của quốc gia chiếc ủng này lại một lần nữa chứng minh được tài năng của các nhà thiết kế người Ý với sự sang trọng, luôn đổi mới và khéo léo.
Khi nhắc đến Pháp, ta có thể thấy quốc gia này xây dựng đế chế thời trang lâu hơn Ý rất nhiều. Mãi cho đến thế kỷ 5 thì Pháp mới chú trọng đến việc dùng quần áo để thể hiện địa vị của từng tầng lớp khác nhau. Trong thế kỷ 16 của thời kỳ Phục hưng, Vua Francis I và Nữ hoàng Catherine de’ Medici đã mở cửa và phổ biến thời trang Ý ở Pháp khiến cho thời trang của nước sở tại phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ phong cách Ý. Nhưng dưới triều đại của Louis XIV và XV, ngành thời trang đạt đến một tầm cao mới khi họ dần dần chú trọng đến chi tiết và sự cầu kỳ giúp cho đất nước này khẳng định mình là kinh đô thời trang toàn cầu. Có lẽ thời trang cao cấp đạt đỉnh điểm vào thế kỉ 19 khi chào đón những gương mặt mang tính biểu tượng như Charles Frederick Worth và Paul Poiret. Họ như một “bậc thang” hỗ trợ cách mạng hóa phương pháp thiết kế và sản xuất hàng may mặc, biến Paris trở thành trung tâm của thế giới thời trang. Một thế kỉ sau, sự ra đời của nhiều cái tên lừng danh như Coco Chanel, Christian Dior và Yves Saint Laurent đã khiến Pháp tiếp tục thống trị với vai trò định hình xu hướng thời trang toàn cầu. Kể từ đó, quốc gia lãng mạn này vẫn mang đến ảnh hưởng cực kì quan trọng trong ngành thời trang toàn cầu và cũng không thể quên sự góp mặt của các nhà thiết kế đương đại như Jean-Paul Gaultier, Alexander McQueen và Nicolas Ghesquière.
Văn hóa trong tư tưởng của các nhà thiết kế Ý và Pháp
Nếu như sự sang trọng của Pháp gắn liền với khái niệm “Art de Vivre” – nghệ thuật sống (The Art of Living) – đề cập đến sự kết hợp xuất sắc giữa nhiều yếu tố như văn hóa, lối sống và lịch sử thì Ý lại không như thế. Người Ý đề cao văn hóa tận hưởng những niềm vui xuất sắc trong cuộc sống hàng ngày với chủ nghĩa “Dolce Vita”.
Quay ngược thời gian, vị vua Louis XIV là người đã tiên phong đẩy mạnh sự phát triển của văn hóa Art De Vivre. Và dường như theo các nhà thiết kế Pháp, sự xa xỉ ở đây mang khái niệm truyền tải văn hóa và bản sắc nhiều hơn. Điều này có thể dễ dàng thấy qua các thương hiệu như Cartier, Hermes, Louis Vuitton. Sự sang trọng của họ mang tính thần thoại hơn, vượt thời gian hơn.
Mặt khác, văn hóa Ý thiên về sự xuất sắc trong chuỗi giá trị, sự xuất sắc trong sản xuất. Đôi khi, người Ý thậm chí không thích việc sử dụng từ “xa xỉ” bởi họ muốn được coi là một sản phẩm có “chất lượng rất cao” và “rất sáng tạo” hơn là những sản phẩm không thể tiếp cận được. Có thể hiểu rằng họ hiểu định nghĩa sang trọng theo một cách gần gũi hơn.
Sự khác biệt trong định nghĩa “luxury”
“Made in France” là danh mục gây được tiếng vang nhiều hơn trong lĩnh đồ da và những sản phẩm ready-to-wear thì “Made In Italy” lại độc chiếm đỉnh cao với mặt hàng đồ da, lụa, may đo và giày dép. Trong con mắt của những người tiêu dùng sang trọng, Pháp dẫn đầu về những thiết kế mềm mại hơn như trang phục dạ hội thì may đo vẫn là một đặc điểm của Ý. Điều này giúp chúng ta hiểu được hai nền văn hóa gắn bó chặt chẽ với nhau nhưng chúng có những cách tiếp cận rất khác nhau khi đề cập đến ý nghĩa của sự sang trọng và mỗi đất nước đều có thế mạnh của riêng mình.
Thực hiện: Mỹ Tâm