Nhân sự trong hệ thống local brand – nguồn lực sáng tạo có thời hạn

Ngày đăng: 15/08/22

Thành công của một thương hiệu thời trang nội địa bao gồm nhiều yếu tố được thiết lập, hình thành và cải thiện thông qua quá trình hoạt động. Về cơ bản, các Local Brand sống và phát triển dựa trên sự sáng tạo, việc giữ cho nguồn mạch sáng tạo đó luôn chảy cũng là một chướng ngại lớn mà những chủ thương hiệu cần đủ tỉnh táo để vượt qua. 

Chính ngay lúc này, đội ngũ nhân sự xuất hiện trên chặng đua “chạy tiếp sức” để giúp Founder dẹp bỏ các chướng ngại và khiến mạch sáng tạo được trôi chảy. Nhân sự – họ là một phần không thể thiếu của doanh nghiệp, là “linh hồn” và nguồn lực sáng tạo đầy tiềm năng. Song xét trong hệ thống Local Brand nguồn lực ấy đa phần đều còn khá non trẻ, lại chỉ có thời hạn nhất định và nếu không khéo léo tận dụng và duy trì, các chủ thương hiệu sẽ vấp phải một bài toán khó nhằn hơn: Xây dựng văn hóa nội bộ – cách nuôi dưỡng sự sáng tạo từ bộ máy bên trong. Tuy nhiên tạm gác bài toán này lại, bây giờ chúng ta hãy cùng bàn luận sâu hơn về ‘nhân sự’ – khía cạnh không thể thiếu để làm nên chiến thắng của một Local Brand nhé! 

Ảnh: Pinterest

Thực tế về nhân sự trong bộ máy thương hiệu nội địa

Đội ngũ nhân sự trẻ và nhiệt huyết

Đối với nhiều bạn trẻ đam mê thời trang và mong muốn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm, học hỏi từ lĩnh vực này thì làm việc tại một thương hiệu nội địa là lựa chọn triển vọng. Nhất là khi phần lớn Local Brand hiện đã có cửa hàng riêng (một số thương hiệu còn sở hữu nhiều chi nhánh trên toàn quốc), ngoài ra họ cũng chú trọng xây dựng đội ngũ Back Office để giúp phát triển, quảng bá cho thương hiệu. 

Do đó nhu cầu tuyển dụng nhân sự càng tăng cao, những vị trí công việc thường thấy tại Local Brand là: Sale Assistant (nhân viên bán hàng), Store Manager (quản lý cửa hàng), Warehouse staff (nhân viên kho), Warehouse manager (quản lý kho vận), Cashier (thu ngân), Online Sale Staff, HR (tuyển dụng nhân sự), Intern (thực tập sinh), Marketing Executive, Content Creator, Digital Marketing, Fashion Designer, Brand Manager,… Tùy vào quy mô và nhu cầu mà mỗi thương hiệu sẽ có các vị trí và tiêu chí tuyển dụng nhân sự khác nhau. 

Ảnh: Một content vui nhộn về chủ đề ‘Làm Leader’ của thương hiệu Curnon.

Một điểm chung dễ nhận ra ở bộ máy của các startup thời trang đó là đội ngũ nhân sự của họ thường rất trẻ (độ tuổi trung bình từ 19 ~ 25 tuổi). Điều này là bình thường vì đa phần người trẻ ngày nay bắt đầu đi làm từ khá sớm, có nhiều bạn vừa vào đại học năm I đã có công việc Part-time đầu tiên. Với các vị trí thuộc bộ phận cửa hàng, bán hàng và kho vận, độ tuổi của nhân sự thường trẻ hơn một chút so với bộ phận văn phòng. Vì thế mà nhìn chung, môi trường làm việc luôn có khuynh hướng rất năng động, thoải mái và nhiệt huyết. Khi kết hợp làm việc giữa những phòng ban với nhau, các bạn trẻ cũng dễ hòa nhập, thân thiện và “bắt sóng” nhau tốt. 

Lợi thế lớn từ nguồn nhân lực trẻ

Lợi thế không thể bàn cãi khi sở hữu đội ngũ nhân sự trẻ chính là: sức trẻ và sự nhiệt huyết. Chính hai yếu tố này khiến các cá nhân trong bộ máy thương hiệu không ngừng đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới mẻ với tinh thần cầu tiến, bản lĩnh và không ngại học hỏi. Cộng với mặt bằng chung Founders tại Local Brand Việt cũng tài năng và trẻ không kém, tạo nên một tổ hợp những người trẻ giàu tư duy sáng tạo và “máu lửa” bước đi cùng nhau. 

Ảnh: Pinterest

Bên cạnh đó, khi triển khai các chiến dịch quảng bá cả Online và Offline cho thương hiệu, nhân sự trẻ cũng có khả năng truyền đạt và đưa ý tưởng tiếp cận đến các đối tượng khách hàng trẻ nhiều hơn (đa phần tệp khách hàng của Local Brand hiện tại là thế hệ Gen Z, Millennial). Khách hàng cũng dễ bày tỏ mong muốn, nhu cầu mua hàng và trao đổi với nhân viên khi cần tư vấn, giúp đỡ hay giải đáp các khúc mắc khác trong quá trình sử dụng sản phẩm. 

Một số chủ thương hiệu còn khéo léo tận dụng nguồn nhân lực ‘in-house’ này để tăng độ nhận diện, ví dụ: thương hiệu LIBÉ để nhân viên tại cửa hàng mặc chính quần áo của brand trong quá trình làm việc – giúp khách hàng vừa bước vào store đã có ấn tượng rất riêng với sản phẩm và văn hóa doanh nghiệp, song song đó khách hàng có thể ước tính được size, độ phù hợp của sản phẩm với chính họ thông qua cách nhân viên mặc trang phục đó. 

Ảnh: Bảng tin “lưu giữ kỷ niệm” của đội ngũ thương hiệu LIBÉ

Mặt trái cần nhìn nhận khi làm việc cùng đội ngũ trẻ 

Có một thực tế là không ít chủ thương hiệu hoặc người giữ cấp độ quản lý, cảm thấy khó khăn trong quá trình làm việc và hướng dẫn đội ngũ nhân sự trẻ. Bởi lẽ, mỗi cá nhân và nhất là người trẻ hiện nay luôn mong muốn được bộc lộ cái tôi trong môi trường làm việc, nêu ra ý tưởng, thể hiện nhiều khía cạnh mới mẻ trong cách sáng tạo,… Nếu không có người dẫn dắt tốt và đưa họ theo một hướng đi phù hợp với tầm nhìn chung của thương hiệu, rất dễ khiến nhân sự trở nên mất kiểm soát, quá sa đà vào việc đề cao cái tôi riêng, thậm chí gây ra những tranh cãi nội bộ không cần thiết. Và hệ quả là chia rẽ nội bộ, nhân sự chọn rời bỏ doanh nghiệp sớm.

Ảnh: Pinterest

Mặt khác, vấn đề này phát sinh ngay từ khâu Training và Educate nội bộ. Nhiều chủ thương hiệu trở nên lơ là việc training định kỳ cho đội ngũ của họ, truyền đạt và “hâm nóng” văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn, sứ mệnh, cải thiện kỹ năng chuyên môn cho từng phòng ban. Điều này cực kỳ quan trọng khi doanh nghiệp ngày càng mở rộng quy mô, nếu các cá nhân trong đội ngũ nhân sự không nắm rõ về tư duy của thương hiệu, cũng không được nâng cao các kiến thức/ kỹ năng chuyên môn, họ sẽ chỉ dậm chân tại chỗ và ngừng phát triển bản thân.

Đối với các nhân sự trong đội ngũ Marketing, đây sẽ là một thiếu hụt rất lớn và có nguy cơ gây tắc nghẽn mạch cảm hứng sáng tạo của họ. Dẫn đến sự trì trệ của cả hệ thống bên trong, nhân sự không thể bắt kịp với sự bành trướng của thương hiệu và thế là họ tự đào thải hoặc bị đào thải. Từ lứa nhân sự cũ cho đến mới, đều cần được phổ biến cụ thể và đúng hướng về nơi mà họ đang – sẽ làm việc (thế nên chúng ta lại quay về quan điểm cũ: ‘tư duy của chủ thương hiệu quyết định tất cả’).

Bên cạnh đó, một mặt trái khác mà các Founders phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận hoặc có sẵn một chiến lược riêng để ứng phó. Đó là đa số nhân sự trẻ đều có thời hạn hợp tác với Local Brand rất ngắn ngủi (trung bình từ 6 tháng – 2 năm). Vì còn trẻ, nên hầu hết các bạn ấy có khuynh hướng muốn được học hỏi, lấy kinh nghiệm hơn là gắn bó quá lâu ở một vị trí công việc, doanh nghiệp. Sau khi nhận thấy đã “học đủ” ở một công việc và không thể phát triển hơn, họ sẽ chủ động đi tìm cho mình những cơ hội, trải nghiệm mới. Một số nhân sự giỏi sau khi chia tay với Local Brand, họ bắt đầu thử sức ở vị trí cao hơn tại các công ty hay thương hiệu lớn. Đối diện với việc này, người chủ cần ý thức sớm về câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo ra môi trường làm việc lý tưởng để tăng cơ hội giữ chân nhân sự giỏi. 

Nhân sự – nguồn lực sáng tạo có thời hạn nhưng đáng để đầu tư

Đồng ý rằng xây dựng một bộ máy gồm toàn nhân sự trẻ là không dễ, nhưng rất đáng để thử. Tuy họ còn trẻ và chưa dày dặn kinh nghiệm, nhưng những nhân sự trẻ lại hệt như ‘tờ giấy trắng’. Nếu người Founder có tư duy vững vàng, khả năng cao họ có thể vẽ lên các trang giấy trắng ấy những đường nét đầu tiên tuyệt đẹp. Sau đó, chính bản lĩnh và cái tôi của nhân viên ấy sẽ quyết định phần còn lại của trang giấy. Ở đây không có sự khác biệt với công việc đi “truyền lửa”, người làm chủ hay Leaders có thể xem xét đầu tư thời gian, tiền bạc, chất xám vào cấp dưới của mình như một cách duy trì, phát triển nguồn lực sáng tạo ‘in-house’. Dù không thể chắc chắn đội ngũ ấy sẽ đồng hành cùng thương hiệu trong bao lâu, tuy vậy khi nhìn vào những đóng góp đáng kinh ngạc mà nhân sự có thể mang lại cho các Local Brand trong vài năm qua, chúng ta vẫn nên đặt tâm huyết và sự đầu tư vào họ.

Ảnh: Pinterest

Hy vọng những chia sẻ ở trên đã phần nào giúp các chủ Local Brand có cái nhìn khách quan và an tâm hơn trong hành trình xây dựng hệ thống nhân sự cho thương hiệu của mình. Vẫn còn rất nhiều chủ đề thú vị xoay quanh câu chuyện thương hiệu nội địa chưa được nhắc đến, cùng chờ đón xem Style-Republik sẽ bàn luận gì tiếp theo nhé!

Thực hiện: Chi Hảo


Về Chi Hảo: 

Hiện Chi Hảo đang là một Fashion Marketer với hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc cùng các Local Brand Việt. Ngoài ra, cô gái sinh năm 1996 đang định hướng phát triển như một Fashion Blogger cùng Social Project cá nhân mang tên WTH – Wear To Heal: gửi thông điệp chữa lành và self-love thông qua thời trang.


*Bài vở cộng tác bạn vui lòng gửi về hộp thư info@style-republik.com. Thông tin cộng tác viết bài vui lòng xem chi tiết tại đây