Những nhân vật tạo nên bối cảnh thời trang thập niên 70 tại Mỹ

Ngày đăng: 19/04/21

Những năm 1970 là thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ hai, khi những đất nước đứng đầu trên thế giới như Mỹ, Pháp đang dần hồi phục kinh tế và xã hội, đồng thời trải qua rất nhiều biến động trong xã hội, văn hóa và chính trị. Thời trang là một phần của cuộc sống, do vậy thời trang trong giai đoạn này không thể tránh khỏi có nhiều sự biến đổi và cải tiến.

Đặc biệt, thời trang thời ở Mỹ và châu Âu càng đặc biệt hơn hết: thể hiện thái độ chính trị, xã hội, thể hiện những tư tưởng mới trong tư duy, là cú lật ngược với những quan niệm của thời kỳ trước đó và là bước đệm cho nhiều nguồn cảm hứng thời trang sau này. Cũng không thể nhắc tới, những năm 70 được đặc biệt gắn với cụm từ “Thời trang thập niên 70” bởi sự bùng nổ thêm nhiều tiểu văn hóa như thú giải trí vũ trường Disco, cách ăn mặc lưỡng tính “Androgyny” được nhiệt tình lăng xê bởi những ca sĩ Glam Rock vân vân.

Những cái tên đã làm nên bối cảnh thời trang trong thời gian này có khá nhiều, nhưng có những tên tuổi đặc biệt cần được nhắc đến dù đã dần bị lãng quên ở những thế hệ sau này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những di sản của họ trong thế hệ các nhà thiết kế hay giới thời trang bị phai nhạt. Hãy cùng Style Republik tìm hiểu qua về ba nhà thiết kế: Halston, Stephen BurrowsAnne Klein để bổ sung thêm vào mắt xích kiến thức về thời trang, nguồn gốc của những phong trào và thiết kế đã tạo ảnh hưởng cho đến ngày nay.

Halston

Cố nhà thiết kế Roy Halston Frowman (1932-1990)

Roy Halston Frowman – cố nhà thiết kế người Mỹ (1932-1990) mang tới tư tưởng mới về thời trang nữ giới, là người thể hiện sự trân trọng đối với vẻ đẹp và cơ thể phụ nữ. Ông để lại ấn tượng với công chúng trong thiết kế mũ Pillbox dạng hộp lạ mắt được cựu đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy mang trong buổi nhậm chức tổng thống của chồng (Vị tổng thống John F. Kennedy, người nổi tiếng với câu nói “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho ta, hãy hỏi ta đã làm gì cho đất nước”). Jackie nổi bật như ngọn hải đăng của thế hệ mới với những đường nét sạch sẽ và sang trọng trong trang phục là ấn tượng không thể quên trên khắp báo đài và truyền hình đối với người dân Mỹ.

Jacqueline Kennedy trong bộ trang phục xanh dương tươi sáng với thiết kế mũ Pillbox độc đáo bởi Halston, đứng bên chồng mình là cố tổng thống John F. Kennedy ngày nhậm chức 1960s

Những thiết kế dành cho nữ giới được ông tái định hình lại với tư tưởng “giải phóng phụ nữ” như việc ông đưa tính ứng dụng cao vào trang phục nữ trong thiết kế quần cho nữ giới và đặc biệt thông qua chiếc Ultrasuede Shirtdress  – Váy sơ mi với chất liệu siêu da lộn, một biến thể từ những chiếc áo sơ mi của đàn ông. Một thiết kế được trộn lẫn giữa yếu tố womenswear và menswear đã nhanh chóng trở thành “bestsellers” – mặt hàng bán chạy cho những người phụ nữ trẻ công sở, một vật phẩm thời trang phải có (staple) thời bấy giờ.

Và những triết lý “tôn vinh đường nét cơ thể”, Halston tin rằng quần áo được cắt và may từ những đường cắt chéo (bias cut) trên mọi loại vải có thể tôn lên hình ảnh quyến rũ và sang trọng của người phụ nữ. Trước đây, vóc dáng của người phụ nữ chủ yếu được thể hiện qua đường cong của trang phục nhiều hơn là của chính người mặc. Halston đã mang đến những kiểu dáng vừa vặn hơn khi để vải rủ và “chảy” tự nhiên trên cơ thể, làm hình ảnh cơ thể người phụ nữ hiện lên với đường nét tự nhiên và thoải mái hơn. Thiết kế của Halston thường tối giản nhưng tinh tế, quyến rũ và thanh thoát trong các chất liệu vải mềm, sang trọng như lụa và voan. Ông không chấp nhận các đường nét, chi thiết thêm vào thừa thãi. Phong cách thiết kế này của ông còn được copy và học hỏi ở khắp nơi thời kỳ đó.

Những thiết kế của ông đã để lại nhiều dấu ấn trong thời kỳ mà những người trong ngành, những ngôi sao trong làng thiết kế hiện nay không thể không biết tới. Tom Fords từng mang những ảnh hưởng “glamour” (sang trọng) từ Halston lên bộ sưu tập của mình năm 1990s. Halston còn cùng những nhà thiết kế tên tuổi khác đại diện nước Mỹ với tinh thần thời trang và thẩm mỹ đổi mới đã giành giải nhất trong cuộc thi thiết kế Battle of Versailles Fashion Show, Pháp năm 1973 trong khi dàn đối thủ nước chủ nhà đều là những cái tên hùng mạnh như Yves Saint Laurent hay Christian Dior.

Ông và thương hiệu mang tên mình cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho mối quan hệ tập đoàn và thương hiệu thời trang, khi vào năm 1973 ông ký hợp đồng sát nhập thương hiệu mình vào tập đoàn thực phẩm Norton Simon và sau đó 1982 JCPenny, một thông tin bất ngờ trong thời bấy giờ. Đây là bước mở đường cho những mối kinh doanh hợp tác giữa thời trang và các tập đoàn đa ngành nghề sau này. Tuy nhiên, có lẽ chính vì là người mở đường nên Halston cũng khó tránh khỏi nhiều sai lầm trong việc quản lý thương hiệu của mình, dẫn đến sự tàn lụi sau này.

Stephen Burrows

Nhà thiết kế Stephen Burrows (1943)

Sinh năm 1943, ông là nhà thiết kế người da màu đầu tiên tạo ảnh hưởng về thời trang lớn tại đất Mỹ. Burrows đến New York để theo đuổi sự nghiệp thời trang dưới ngôi trường Fashion Institute of Technology. Cũng trong trận đối đầu thiết kế giữa các nhà mốt đình đám của hai quốc gia tự hào về văn hóa và nghệ thuật của mình Mỹ và Pháp – Battle of Versailles Fashion Show 1973, Stephen Burrows được thuật lại bởi ký giả Robin Givhan, là tài năng sáng tạo trẻ người da màu đầu tiên có thể thực sự phản ánh hết tinh thần thời trang Mỹ của những năm đầu 1970, góp phần làm nên thành công cho danh tiếng thời trang Mỹ.

Thẩm mỹ của Burrows định nghĩa thời trang thập niên 70 là những chiếc váy mỏng manh, màu sắc bắt mắt, váy có viền tựa “rau diếp” đặc trưng (một lỗi ngoài ý muốn mà sau đó đã trở thành một sự đổi mới thiết kế – sử dụng chiếc áo sơ mi voan mờ với trọng lượng nhẹ hơn để tôn lên thiết kế viền mép này. Thử nghiệm đã thành công khiến cho đường cắt linh hoạt, tinh tế, nữ tính và nhẹ hơn). Những thiết kế áo jersey đầy sáng tạo cũng góp phần làm nên phong cách đặc trưng của Burrows.

Xuyên suốt các thiết kế của Stephen Burrows, hiện lên đặc trưng nhất có lẽ là những đường cắt thanh thoát, phóng khoáng và nhẹ nhàng trong thiết kế quần, áo sơ mi và áo tunic dài, phần nào đó phản ánh đúng tinh thần “Androgyny” (lưỡng tính) của thập niên 70, xóa nhòa đi các yếu tố giới tính truyền thống trên trang phục. Kế đến là cách anh chơi với những khối màu sắc và chất liệu vải, tạo cảm giác bắt mắt và đầy sức sống.

Với triết lý mong muốn đem tới sự thoải mái, tiện lợi trong cách mặc, Burrows đã cho ra mắt nhãn hiệu đồ loungewear Stevie’s by Stephen Burrows năm 1973, đồng thời đưa loungewear lên bản đồ rất lâu trước thời đại loungewear ngày nay và sau đó là các thiết kế athletics, làm thúc đẩy sự thịnh hành của lối ăn mặc từ phòng tập ra ngoài đường trước khi nó quay trở lại cuộc sống hiện đại ngày nay.

Nữ minh tinh Farrah Fawcett trong thiết kế của Stephen Burrows

Thập niên 70 cũng là năm của văn hóa giải trí vũ trường “disco” ra đời, những thiết kế của Burrows cũng không thể bỏ qua nhịp sống này để kịp mang tới những trang phục phù hợp với sự sôi nổi, những bước chuyển động của khiêu vũ trên sàn nhảy. Những khách hàng thường xuyên của anh chính là những minh tinh nổi tiếng thời bấy giờ: Cher, Diana Ross, và Farrah Fawcett, và thậm chí tới ngày nay nhiều nhân vật nổi tiếng vẫn chọn thiết kế của ông như bà cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong một sự kiện năm 2010.

Tuy đạt được những thành tựu từ giải thưởng và những sự đón nhận từ công chúng, người ta lại dần không còn thấy cái tên Stephen Burrows xuất hiện thường xuyên từ những năm 80.

Anne Klein

Anne Klein (1923-1974)

Từ một studio tư vấn thiết kế giữa những năm 1960, sau đó một thời gian dài bà đã tạo ra nhãn hiệu của riêng mình, bắt đầu với quần áo thể thao và tiếp đến là đồ trang sức và phụ kiện dành riêng cho phụ nữ. Anne Klein là một nhà thiết kế tiên phong khi bà đi đầu trong trang phục văn phòng giản dị mà kinh điển, phù hợp với lối sống của phụ nữ hiện đại.

Được biết đến từ sản phẩm thiết kế riêng lẻ và khái niệm “co-ordinative separated closet” (tủ quần áo với những thiết kế có thể phối hợp linh hoạt) đã giúp thay đổi cách ăn vận của phụ nữ thời đó, Klein nhận ra sự thay đổi về văn hóa, trang phục của cố nhà thiết kế được ra đời để đáp ứng với lối sống đang phát triển và sự thay đổi trong vai trò của phụ nữ Mỹ khi họ không còn chỉ giới hạn trong gia đình. Những chiếc váy sang trọng đã được thay thế bằng những chiếc áo khoác ngoài bình thường và quần tây để có thể kết hợp cho bất kỳ dịp nào. Klein nói: “Quần áo sẽ không thay đổi thế giới, những phụ nữ mặc chúng sẽ thay đổi thế giới.” Bà hiểu người phụ nữ Mỹ muốn gì. Nó không bao giờ quan tâm đến xu hướng mà tập trung vào các thiết kế dễ mặc với giá trị cốt lõi là linh hoạt và cổ điển. Chân thật nhưng không gò bó.

Mô hình phân tách/phối hợp quần áo này sẽ cho phép phụ nữ có sự tự do khi kết hợp với tủ đồ của họ trong khi phụ nữ từ lâu quen với việc mua đồ bộ. Đây là một khái niệm đã được đón nhận rất thành công ở khắp các cửa hàng bách hóa từ thời bấy giờ. Klein tin có thể đem tới sự thoải mái và tiện dụng cho người phụ nữ với những phom thiết kế mới. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực là váy chữ A cài cúc phía trước, váy midi da, áo len cardigan dáng dài, quần với size vừa vặn. Theo một cách nào đó, rất nhiều mẫu quần áo trong tủ quần áo nữ giới ngày nay có thể là dấu vết từ những ảnh hưởng bởi Anne Klein. Cũng chính bởi tư duy tân tiến này mà bà được chọn làm một trong 5 đại diện và cũng là nữ thiết kế duy nhất của Mỹ để tham dự cuộc thi thiết kế lừng danh Battle of Versailles Fashion Show 1973, cùng với hai nam nhà thiết kế trên và Oscar de la Renta, Bill Blass.

 

Ngoài ra, giữa những năm 1970, bà đã góp phần thay đổi khái niệm về trang phục thể thao của Mỹ thành mặt hàng thời trang được gọi là hàng thiết kế may sẵn (Ready-to-wear). Thương hiệu của bà thời gian đó được dự đoán sẽ thu được lợi nhuận hàng triệu USD. Klein qua đời sớm bởi bệnh ung thư vào năm 1974. Hiện thương hiệu của bà vẫn còn hoạt động tuy không rầm rộ bởi những người kế nhiệm sau đó. Di sản của bà vẫn còn sống mãi qua những tài năng thiết kế khác như Donna Karan với cách tiếp cận xây dựng tủ đồ nữ giới tương tự và tạo những ảnh hưởng tới thế hệ người phụ nữ hiện đại ngay cả bây giờ, đặc biệt là ở Mỹ.

Thực hiện: Khánh Linh