Những trường dạy thời trang chất lượng nào trên thế giới hiện nay cần phải biết?

Ngày đăng: 19/03/20

Mỗi một năm thì các đầu báo uy tín trên thế giới có quan tâm đến ngành giáo dục và thời trang sẽ thu thập dữ liệu liên quan để cho ra một danh sách các trường dạy thời trang tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đối với Style-republik, cách thức để chúng tôi tạo ra danh sách này có chút sự khác biệt.

Mới đây, tạp chí CEOWorld Magazine (một tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới dành cho các CEO, CFO, chuyên gia điều hành cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp và các cá nhân có thu nhập cao) đã cho ra danh sách 110 trường dạy thời trang uy tín và được đánh giá là tốt nhất trên thế giới. Danh sách này được sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp với mức điểm chấm dành cho từng trường, là tổng điểm được thẩm định theo từng mục bao gồm:

  • Kinh nghiệm giảng dạy;
  • Điều kiện theo học khả thi cho nhiều đối tượng khác nhau;
  • Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp;
  • Phản hồi của nhà tuyển dụng ứng viên tốt nghiệp;
  • Các chuyên ngành giảng dạy phân định rõ rệt;
  • Danh tiếng và uy tín của nhà trường.

Tất cả dữ liệu để đánh giá là được thu hoạch từ sự nghiên cứu của tạp chí, thực hiện khảo sát, thông tin chính thức từ nhà trường, và thông qua nhiều nguồn phân tích và đánh giá khách quan được công khai rộng rãi. Có thể xem qua danh sách này tại đây.

Dĩ nhiên, các trường dạy thời trang uy tín trên thế giới, được biết tới rộng rãi ở hiện tại như Fashion Institute of Technology (FIT), Parsons School of Design (Mỹ), Central Saint Martins, London College of Fashion (London), ESMOD Paris (Paris), Royal Academy of Fine Arts Antwerp (Bỉ); tại châu Á thì có Bunka Gakuen University (Tokyo), National Institute of Fashion Technology, New Delhi (Ấn Độ), Beijing Institute of Fashion Technology (Trung Quốc), đều là những trường quá nổi tiếng trong việc đào tạo sinh viên thời trang có chuyên môn tốt. Vậy nên sự có mặt của các trường này trong danh sách của CEOWorld với thứ hạng cao là điều không hề bất ngờ. Cũng bởi thế mà trong danh sách này của Style-republik sẽ không liệt kê lại nữa.

Bên trong khuôn viên của Central Saint Martins.

Còn theo trang Bof, việc đánh giá một trường dạy thời trang uy tín sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như độ nổi tiếng trên toàn cầu, trải nghiệm học tập của sinh viên, số năm kinh nghiệm giảng dạy và sự cống hiến tích lũy cho toàn ngành thời trang thế giới. Với cách đánh giá như vậy, một điều dễ hiểu khi có rất nhiều trường lặp đi lặp lại trong danh sách tạo mới hàng năm của các đầu báo.

Tuy nhiên, có một cách khác hiệu quả và công tâm hơn trong việc đánh giá chất lượng đầu ra của một trường giảng dạy thời trang; đó là thông qua những nhà thiết kế trẻ đã có những thành tích tốt trong các cuộc thi thiết kế có quy mô lớn và chất lượng trên thế giới. Nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ sinh viên ưu tú thì liệu có sự xuất hiện của những cái tên mới trong danh sách những trường dạy thời trang chất lượng nhất hiện nay?

Hãy xem qua danh sách các cuộc thi thời trang danh giá trong năm 2019. Đây là những cuộc thi lớn, có số năm tổ chức đều đặn, ổn định, đầu tư kỹ lưỡng, và được thẩm định cũng như đánh giá cao bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thời trang. Những tài năng trẻ giành chiến thắng tại các cuộc thi này trước đây đều đã và đang góp công vào việc định hình thẩm mỹ, xu hướng và cả thị trường của toàn ngành thời trang.

1. Savannah College of Art and Design (SCAD) (Mỹ)

Cuộc thi CFDA/Vogue Fashion Fund 2019 đã tìm ra được người để trao giải thưởng 400,000$ là nhà thiết kế trẻ Christopher John Rogers. Cuộc thi CFDA (Council Of Fashion Designers Of America) được tài trợ bởi tập đoàn Condé Nast và bảo trợ truyền thông bởi Vogue kể từ năm 2013, là một cuộc thi thời trang danh giá nhất trên thế giới (cùng với mức tiền thưởng cực khủng và quyền lợi được hướng dẫn và tư vấn bởi một nhân vật đầu ngành thời trang). Những nhà thiết kế nổi tiếng từng thắng giải thưởng này là Joseph Altuzarra, Alexander Wang, Proenza Schouler.

NTK Christopher John Rogers

Trước khi giành chiến thắng tại cuộc thi này vào tháng 11 vừa qua. Nhà thiết kế trẻ Christopher John Rogers (26 tuổi) đã từng thiết kế cho nhiều ngôi sao như Rihanna, Michelle Obama, Cardi B, Lizzo. Kể từ năm 2016, anh đã mở studio và thiết kế những mẫu may đo riêng cho từng khách hàng. Với chiến thắng vẻ vang và phần thưởng nhận được vừa qua, thương hiệu mang tên Christopher sẽ được sớm có mặt trên những trang Net-a-porter, Forty-Five Ten, và có thể là một cửa hàng gần studio cũ của anh ngay tại Brooklyn, New York.

Về Savannah College of Art and Design, đây là một trường dạy nghệ thuật tư nhân, được thành lập vào năm 1978 tại thành phố Savannah thuộc bang Georgia. Trường có 9 chuyên ngành chính và một trong số đó là ngành thiết kế thời trang. Một trong những chuyên gia đầu ngành thời trang của trường là nhà thiết kế Christopher McDonnell. Ông từng theo học trường Đại học nghệ thuật Hoàng gia Anh, rồi mở thương hiệu mang tên mình vào năm 1973 tại Anh. Ông còn là một cây bút thời trang có kinh nghiệm và là biên tập của tạp chí thời trang Queen.

trường dạy thời trang

Ngành thời trang của trường Savannah College of Art and Design bao gồm các chương trình giảng dạy theo các bậc Đại học, Thạc sĩ và Thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật. Điểm cộng của trường là sự trợ hỗ từ các chuyên ngành nghệ thuật khác cũng được giảng dạy trong trường như Đồ họa, Phim ảnh, Nhiếp ảnh. Bên cạnh các mảng chính như thiết kế, tư duy sáng tạo, kinh doanh và tiếp thị thì ngành thời trang của trường cũng có các mảng nổi trội khác như styling, kỹ thuật may đo cao cấp và phân tích, dự đoán xu hướng thời trang toàn cầu hay tư duy báo chí.

Học phí trọn gói cho 1 năm theo học tại trường đối với bậc đại học là 870 triệu và bậc thạc sĩ là 890 triệu. Trường cũng nằm trong bảng xếp hạng của CEOWorld và xếp vị trí thứ 15.

2. Accademia Costume e Moda (Ý)

Trong khuôn khổ của cuộc thi LVMH Prize for Young Fashion Designers vào các năm gần đây, có sự xuất hiện đều đặn của các sinh viên đang theo học tại trường Accademia Costume e Moda. Đơn cử, 2 năm tổ chức cuộc thi gần đây nhất, Alice Paris và Scylia Chevaux là hai sinh viên tốt nghiệp tại trường, đã được hội đồng giám khảo thẩm định gồm những giám đốc sáng tạo tên tuổi đang dẫn dắt những thương hiệu trực thuộc LVMH như như Karl Lagerfeld (Fendi – 2018), Nicolas Ghesquière (Louis Vuitton), Maria Grazia Chiuri (Dior), Clare Waight Keller (Givenchy), Jonathan Anderson (Loewe), lựa chọn để trở thành những thực tập sinh trong vòng một năm tại các thương hiệu thuộc LVMH và phần thưởng trị giá 10,000 euro. Danh sách này bao gồm hàng trăm sinh viên ứng tuyển và mỗi năm chỉ chọn ra ba người có tiềm năng lớn để phát triển tốt nhất. Theo đó, Alice Paris (thuộc danh sách 2019) sẽ thực tập cho thương hiệu Givenchy và được đào tạo, dẫn dắt trực tiếp bởi giám đốc sáng tạo Clare Waight Keller. Còn Scylia Chevaux (thuộc danh sách 2018) đã được thực tập cho nhà mốt Louis Vuitton.

Accademia Costume e Mode là nơi đào tạo nên giám đốc sáng tạo đương nhiệm của Gucci – Alessandro Michele, và người tiền nhiệm trước đó của ông tại Gucci là bà Frida Giannini. Một cựu sinh viên khác của trường, nay đang là nhà thiết kế trẻ tuổi làm việc cho thương hiệu Gucci là Giacomo Pavia. Trong bảng xếp hạng 110 trường dạy thời trang tốt nhất thế giới của CEOWorld, trường Accademia Costume e Mode hiện xếp hạng thứ 78.

Trường Accademia Costume e Mode ở tại thành phố Rome, bao gồm các chương trình đào tạo bậc Đại học với 180 học phần, bậc Thạc sĩ với 60 học phần. Chương trình Tiến sĩ sẽ kéo dài trong vòng 2 năm, với 120 học phần. Trường cũng có chương trình dạy nghề tập trung vào hai phân mảng chính là thiết kế thời trang và fashion communication (truyền thông đa phương tiện phục vụ cho ngành thời trang). Trường cũng có những khóa ngắn hạn như khóa học mùa Hè – Summer course và các khóa học chuyên sâu, cao cấp – Intensive Course. Các chương trình giảng dạy của trường đều là song ngữ là tiếng Anh và tiếng Ý. Riêng chương trình Tiến Sĩ sẽ chỉ có học phần bằng tiếng Ý.

3. Institut Francais de la Mode (Pháp)

Cũng trong khuôn khổ của cuộc thi LVMH Prize 2019, người chiến thắng giải đặc biệt, nay được đặt tên theo vị giám đốc sáng tạo quá cố Karl Lagerfeld, là nhà thiết kế gốc Israel – Hed Mayner. Phần thưởng dành cho anh là 150,000 euro và 1 năm được những cố vấn chuyên môn tốt nhất của LVMH hỗ trợ trong việc tư vấn và định hướng trong việc phát triển thương hiệu cá nhân của anh, được thành lập từ năm 2015.

Hed Mayner, năm nay 33 tuổi, từng theo học tại trường Bezalel Academy of Arts and Design tại Jerusalem, trước khi tiếp tục theo học tại trường Institut Français de la Mode tại Paris. Theo như anh chia sẻ, thời gian học tại Institut Français de la Mode đã giúp anh khám phá các khía cạnh mới của thời trang và tính thủ công trong thời trang cao cấp; cũng như làm giàu thêm hơn sự cảm nhận thẩm mỹ và hiểu rằng chuyển động ngôn ngữ cơ thể là chìa khóa giúp anh định hình được tư duy thiết kế của thương hiệu. Thương hiệu Hed Mayner nổi tiếng với các mẫu thiết kế đi theo phong cách gender-neutral (không phân định giới tính).

NTK Hed Mayner

Institut Francais de la Mode (IFM) ở thì hiện tại, thực chất là sự hợp nhất giữa hai trường Ecole de la Chambre Syndicale de la Couture Parisienne và IFM. Kế hoạch sát nhập hai trường đã được thông báo từ năm 2016, nhưng đến tận 2019 mới trở thành chính thức. Chambre Syndicale de la Couture Parisienne là một ngôi trường lâu đời được thành lập vào năm 1927 tại Paris, với danh tiếng là trường thời trang danh giá nhất thuộc liên đoàn thời trang cao cấp tại Pháp. Trường chuyên tập trung vào việc đào tạo những nhà thiết kế và thợ thủ công lành nghề bậc nhất trong lĩnh vực Haute couture. Những nhà thiết kế xuất sắc nhất từng tốt nghiệp tại trường này có thể kể tên là Karl Lagerfeld, Yves Saint Laurent, Valentino, Issey Miyake, Stéphane Rolland, Alexis Mabille, Julien Fournié… IFM thì được thành lập vào năm 1986, và là một trong những trường tiên phong tại Paris trong việc giảng dạy thiết kế và quản lý thời trang – fashion management.

trường dạy thời trang

Thông qua sự hợp nhất giữa hai trường, giờ đây IFM có 3 chương trình giảng dạy chất lượng bao gồm Thiết kế thời trang, Quản lý thời trang và technical savoir-taire (kỹ thuật may đo trong thời trang cao cấp). Bên cạnh chương trình cử nhân bậc Đại học, trường cũng có chương trình giảng dạy cho bậc Thạc sĩ. Bên cạnh đó, trường cũng có các khóa học ngắn hạn đào tạo kỹ năng nâng cao dành riêng cho các công ty, doanh nghiệp muốn nhân viên của mình trở nên ưu tú hơn; các khóa học mùa hè và là trung tâm đào tạo cho các nghệ nhân trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực thời trang cao cấp. IFM đạt thứ hạng 32 trên bảng xếp hạng của CEOWorld.

4. Polimoda (Ý)

International Woolmark Prize là một trong những cuộc thi lâu đời và uy tín nhất trong ngành thời trang. Đây là nơi mà giám đốc sáng tạo Karl LagerfeldYves Saint Laurent từng được xướng danh là những người thắng cuộc vào lần thứ hai tổ chức của cuộc thi vào năm 1954. Đến nay, Woolmark Prize vẫn được duy trì để tìm kiếm những nhà thiết kế tài năng nhất trên thế giới. Tại cuộc thi lần thứ 66 được tổ chức vào năm ngoái, ở hạng mục Woolmark’s womenwears đã được trao cho hai vợ chồng Michael và Nicole Colovos. Với phần thưởng 200,000 đô Úc được nhận, đây sẽ là một quỹ đầu tư lớn để phát triển thương hiệu thời trang bền vững của vợ chồng nha Colovos. Cả hai từng cùng đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Helmut Lang trong vòng 8 năm, trước khi tách ra để xây dựng thương hiệu mang tên mình Colovos kể từ năm 2016.

KARL LAGERFELD VÀ YVES SAINT LAURENT TẠI CUỘC THI WOOLMARK PRIZE 1954

Nicole Colovos với kinh nghiệm làm việc trước đây là stylist và biên tập viên cho tạp chí Harper’s Bazaar, đã gặp Michael, một nhà thiết kế trẻ, từng phụ việc tại thương hiệu Guy Laroche và học thiết kế tại trường Fashion Institute of Technology (FIT) (New York) và sau đó Polimoda (Ý). Thương hiệu đầu tiên cả hai từng sáng lập là Habitual – một thương hiệu thời trang thiết kế chuyên về dòng sản phẩm denim. Bộ sưu tập đầu tiên của Habitual tại New York Fashion Week đã giúp Nicole và Michael giành chiến thắng giải thưởng gây quỹ ủng hộ các tài năng thiết kế trẻ – CFDA/Vogue Fashion Fund Award. Đây là một giải thưởng thường niên của tạp chí Vogue.

NICOLE VÀ MICHAEL COLOVOS

Michael Colovos từng theo học tại trường Polimoda tại thành phố Florence tại Ý, sau khi đã có bằng cử nhân chuyên ngành thiết kế tại FIT ở New York. Polimoda được xếp hạng thứ 18 trong danh sách CEOWorld.

POLIMODA TẠI THÀNH PHỐ FLORENCE (Ý)

Polimoda được thành lập vào năm 1986 với tên ban đầu là Politecnico Internazionale della Moda bởi hai nhà sáng lập Shirley Goodman – cựu phó giám đốc điều hành tại trường FIT (New York) và nhà thiết kế Don Emilio Pucci – sáng lập của nhà mốt nước Ý Emilio Pucci. Polimoda có các chương trình Đại học, chương trình bậc thạc sĩ cho ngành quản lý bán lẻ thời trang (hợp tác cùng Gucci), khóa học định hướng cho các bạn trẻ yêu thích thời trang và muốn theo đuổi học vấn trong tương lai.

CƠ SỞ VẬT CHẤT HIỆN ĐẠI, TỐI ƯU PHỤC VỤ CHO HOẠT ĐỘNG CỦA SINH VIÊN.

Đặc biệt nhất là chương trình huấn luyện (hoàn toàn không tốn phí) dành riêng cho các tài năng thiết kế trẻ trên khắp thế giới. Chương trình Polimoda Coaching sẽ tiếp nhận những đơn ứng tuyển từ các nhà thiết kế trẻ, và chọn ra những người phù hợp để đưa vào chương trình. Những cá nhân may mắn đấy sẽ được trực tiếp tiếp nhận kinh nghiệm từ thiết kế đến chiến lược phát triển thương hiệu từ những chuyên gia đầu ngành như Raf Simons, Haider Ackerman, Demna Gvasalia hay Kris Van Assche và Linda Loppa – cố vấn chiến lược và định hướng của Polimoda.

Thực hiện: Fellini Rose