Toán học và thời trang: Non – Euclidean Pattern Making & Dr.Mark Liu

Ngày đăng: 09/07/17

Trong khi đa số học sinh “tránh xa” các bộ môn toán học (và khoa học) khi theo đuổi ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang. Trong khi hầu hết các nhà thiết kế thời trang đương đại không biết hoặc không quan tâm đến các học thuyết toán học và khoa học. Cậu sinh viên Mark Liu trong những năm tháng ở giảng đường đại học, và tiến sĩ Mark Liu hôm nay, miệt mài với các tiên đề toán học và khoa học để thúc đẩy thời trang tiến thêm một tầng bậc mới.

Ngày nay, khi bạn bước vào thế giới thời trang, ngành công nghiệp này đã trở thành một tượng đài khổng lồ. Mọi hướng đi dường như đã rõ ràng hơn nhiều. Nếu như bắt đầu với một nhãn hiệu thời trang, các nhà thiết kế sẽ sáng tạo ra các bộ sưu tập cao cấp với nhiều cảm hứng và ý tưởng, trình diễn trong các tuần lễ thời trang và mọi chương trình có thể. Đó là một thành tựu chuyên nghiệp đáng ao ước, nhưng cứ nhuần nhuyễn như thế và bão hòa. Suy cho cùng, bản chất phát triển tất yếu của thời trang (cũng như bất kỳ lĩnh vực nào) sẽ cần những người tiên phong, những kẻ “phá hoại” tính ổn định và tách mình ra khỏi tư duy thời trang hiện có. 

Mark Liu là một nhà thiết kế, nhà nghiên cứu Fashion & Textiles trên cơ sở khoa học, công nghệ và bền vững. Sau khi tốt nghiệp Bachelor of Design (Fashion & Textiles) tại University of Technology Sydney vào năm 2004, Mark Liu tiếp tục theo học 2 năm tại Central Saint Martins Collect (London) và tốt nghiệp vào năm 2007. Mark Liu lấy bằng tiến sĩ vào năm 2016 và từ 2017 – 2021, trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại University of Technology Sydney (Úc). Khi còn ở đại học, Mark Liu đã có thời gian thực tập và làm việc tự do tại Úc và London cho các thương hiệu Alexander McQueen, Bay Media, Ghost, Miss Selfridge và Hills Textiles. Đến khi tốt nghiệp, anh trở thành nhà thiết kế Fashion &  Textiles, thành lập thương hiệu thời trang Mark Liu mang tên mình, tuy nhiên chỉ hoạt động từ 11/2007 đến 12/2010. Mark Liu sau đó vẫn tiếp tục theo đuổi học vấn, đồng thời tập trung vào các công việc tư vấn và nghiên cứu Fashon & Textiles trong lĩnh vực công nghệ và bền vững.

mark-liu-1.jpg

Tích lũy nguồn kiến thức sâu rộng đối với ngành công nghiệp thời trang, cùng với niềm đam mê về Eco-Sustainability, Mark Liu đã và đang nỗ lực mở rộng ranh giới của thời trang hiện đại. Mark Liu từng rất được chú ý khi là một trong những nhà tiên phong trên toàn cầu trong lĩnh vực Zero Waste Fashion. Hiện tại, công trình nghiên cứu Non – Euclidean Patternmaking của tiến sĩ Mark Liu nhằm xác định lại những vấn đề và tìm kiếm giải pháp cải thiện, khi mà thời trang truyền thống đã đo may cắt mẫu bằng những công thức vốn đã sử dụng trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Trên thực tế, cơ thể con người, hay cả động – thực vật đều có hình dáng cong và cấu trúc 3 chiều (3D) phức tạp, đồng thời còn bao gồm tính chuyển động, thay đổi và phát triển. Lý thuyết tạo mẫu thời trang mà chúng ta biết đến trước đây đã ứng dụng hình học Euclidean (trên bề mặt phẳng), vì vậy chưa thiết lập được tính chính xác của hình học Non – Euclidean (trên bề mặt cong, bao gồm bề mặt cầu Spherical và bề mặt lõm Hyperbolic). Hình học Non-Euclidean là tiên đề toán học trên bề mặt cong, được phát triển vào thế kỷ XIX, khiến các nhà toán học đã nhận ra rằng bề mặt cong có các quy tắc và tính chất hình học hoàn toàn khác so với bề mặt phẳng.

NonEuclideanpatternmaking.jpg

Các kỹ thuật pattern making thông thường, tức là hầu hết các công thức cắt may mà chúng ta đang sử dụng ngày nay, chỉ được phát triển dựa trên toán học Euclide và các phép đo tuyến tính với các nguyên lý của bề mặt phẳng. Các phép đo tuyến tính có khả năng giới hạn trong việc đối chiếu lại độ cong 3D của cơ thể. Chẳng hạn, 3 người có thể có cùng một phép đo cơ thể tuyến tính (số đo các vòng và đường thẳng bằng thước dây, thước kẻ thông thường) nhưng hoàn toàn khác nhau về cấu tạo 3D của cơ thể. Khi đó, đòi hỏi cần có sự can thiệp về tay nghề của pattern maker để cải thiện độ vừa vặn chính xác. Và, các lý thuyết mà Mark Liu đang nghiên cứu và phát triển, lý giải các vấn đề trong hệ thống fitting của các phương pháp pattern making truyền thống.

Để hạn chế những vấn đề này, Mark Liu mong muốn xây dựng một nền tảng cầu nối giữa lý thuyết hình học Non – Euclidean với pattern making design. Thách thức lớn nhất chính là nghiên cứu đủ sâu đối với các tiên đề toán học để tăng độ chính xác của kỹ thuật thiết kế Non – Euclidean pattern making, mặt khác phải xử lý đủ đơn giản để các pattern maker có thể hiểu và ứng dụng được. Kết quả nghiên cứu cho đến hiện tại của tiến sĩ Mark Liu đã cho ra đời dụng cụ đo mới gọi là Drape Measure (đã được cấp bằng sáng chế). Dụng cụ này dùng để đo lường tính toán trên bề mặt cong, cho phép nhà thiết kế xác định chính xác đường nét và cấu tạo của cơ thể con người, xử lý tốt hơn các vấn đề về vóc dáng, size cỡ và fitting.

non-euclidean-1.jpg

Dụng cụ đo Drape Measure và công trình nghiên cứu Non-Euclidean Pattern Making sẽ là một dấu mốc có thể dẫn đến việc thay đổi và hoàn thiện cách thức sản xuất hàng may mặc trong tương lai, và thậm chí có thể thay đổi phương pháp giáo dục trong thời trang nói riêng và ngành thiết kế nói chung.

rio-drapemeasure-banner.jpg

Drape Measure có thể được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp, mà quá trình thiết kế và sáng tạo dựa trên các cấu trúc cấu tạo phức tạp. Đối với ngành công nghiệp thời trang, đó chính là một bước tiến mới được thừa hưởng từ thành tựu toán học và khoa học hiện đại. Về sau này, các công ty thời trang và dệt may có thể ứng dụng toán học Non – Euclid và phương pháp Drape Measure để tăng cường hiệu suất sản xuất, đạt đến độ chính xác cao hơn trong việc thiết kế pattern making công nghiệp. Quan trọng nhất, kết quả nghiên cứu này cần được cập nhật trong hệ thống giáo dục, định hướng cho các học sinh sinh viên, các thế hệ nhà thiết kế trẻ nói chung để nắm bắt được tính ứng dụng và thực hành của toán học, khoa học. Điều này sẽ mở rộng kiến thức, làm sâu sắc khả năng sáng tạo và phát triển tư duy thiết kế hợp thời đại.

DrapeMeasure-mark-liu.jpg

rio-ip-drape-measure-tool-mannequin2x.jpg

 

Bài: Xu