Li Lam và 11 năm chung sống cùng bản năng đàn bà
Ngày đăng: 22/08/19
Lần đầu tiên tôi trông thấy Li Lam là khoảng 2 năm trước, lúc chị ở sau hậu trường một show diễn cá nhân. Người phụ nữ có mái tóc ngắn rối bời lúc ấy không tất bật, căng thẳng để hoàn thiện mọi thứ khi giờ G đã điểm, mà chọn một góc riêng để hút một điếu thuốc, ly rượu lơ đãng cầm trên tay. Vào lúc ấy, tôi có cảm giác như mọi ánh đèn sân khấu, mọi đám đông ồn ào, tất thảy đều lùi lại phía sau, chỉ để lại mình chị trong không gian – thời gian ngưng đọng ấy.
Hai năm sau, cũng người phụ nữ mang cái tên đẹp này lại đón tôi trong cửa hàng trên đường Mạc Thị Bưởi. Mặc chiếc áo màu đen, váy tím, choàng hờ chiếc khăn nâu và trên chân là đôi giày captoe, chị nhẹ nhàng hỏi tôi: “Em uống rượu không?”. Đáp lại lời từ chối của tôi là một lời bộc bạch: “Lam mê rượu. Một chai rượu ngon có thể khiến khách hàng nhớ đến Lam nhiều hơn. Rượu ngon là sự hưởng thụ bắt buộc của cuộc sống, vì nếu chỉ làm nhưng không hưởng thụ, mình khó có thể tạo nên được điều gì đẹp đẽ.”
Quả đúng vậy. Mái tóc ngắn rối bời ấy, chiếc khăn hờ hững ấy, cả bàn này, ly này, thứ nhạc Pháp vang vọng trong không gian xưa cũ này, tất cả đều toát lên vẻ duy mỹ dịu dàng, tạo nên ấn tượng phù phiếm rất đàn bà. Mà đó không phải chỉ là kiểu đàn bà đơn thuần, đó là một người đàn bà đẹp. Đẹp từ trong cốt cách.
Những thiết kế của chị luôn hướng đến việc giải phóng phụ nữ, đưa họ ra khỏi những chuẩn mực và định kiến cố hữu. Liệu đó có phải là đích đến của chị?
Thật ra, ý niệm sâu xa về trang phục của Lam hiện tại cũng giống như cách đây 11 năm, khi mới mở ra Lam Boutique. Thời điểm ấy, Lam không nghĩ đến hai chữ “thời trang”, cũng không biết chút gì về marketing hay giải phóng phụ nữ, nhưng bản năng mách bảo Lam rằng khi phụ nữ được sờ chạm vào những gì tốt nhất, được thoải mái trong cơ thể của họ, họ sẽ vượt qua được những giới hạn trong cuộc sống.
Đối với Lam, hai từ “giải phóng” hơi to tát. Lam chỉ nghĩ rằng ngày nào chúng ta còn cảm thấy tự do, chúng ta sẽ thoải mái. Đó là điều tất yếu trong cuộc sống.
Lam chỉ nghĩ rằng ngày nào chúng ta còn cảm thấy tự do, chúng ta sẽ thoải mái. Đó là điều tất yếu trong cuộc sống.
Đối với chị, tự do là gì?
Tự do là việc cảm thấy được thoải mái và không bị ràng buộc. Nhưng ngược lại, mình phải phục vụ tốt nhất cho bản thân và cộng đồng.
Chị có nghĩ rằng con người chúng ta có thể đạt đến sự tự do tuyệt đối?
Tự do là điều Lam vẫn đang tìm kiếm, chứ không phải đã đạt được. Lam làm áo quần cũng là Lam đang tìm kiếm sự tự do cho chính mình.
Để có được tự do, đôi khi người phụ nữ phải chấp nhận từ bỏ một vài điều quan trọng. Nếu hiểu theo nghĩa đó, tự do liệu có phải là một sự ràng buộc khác?
Cũng đúng thôi, đó là một sự chọn lựa. Tại sao trong một menu bạn lại không chọn món này mà chọn món kia. Khi đã có sự chọn lựa cho mình, bạn phải chấp nhận từ bỏ, hy sinh nhiều thứ khác để đạt được kết quả tốt nhất.
Lam cảm thấy mình đang đi trên một con đường dài, mà đi hoài thì sẽ biết được chông gai. Trước đó, mình từng đi thật nhanh, nhưng giờ đây, mình vừa đi vừa cảm nhận, được tự do, được khám phá, được hưởng thụ cùng lúc, chứ không phải chỉ là sự tự do.
Khi quan sát các thiết kế của chị, tôi thấy có chút gì đó hoang dại, buông thả, chút gì đó tự do nhưng rất đỗi mặn mà. Liệu đó cũng chính là cách chị hình dung về phụ nữ?
Lam thích một người phụ nữ vừa có chút gì đó kín đáo, phóng túng, vừa có bí mật giữ lại cho riêng mình, nhưng vẫn thoải mái nhất có thể. Đến cuối ngày, dù một người phụ nữ có quyền lực đến mấy, làm nhiều chức vụ hay quản lý hàng ngàn nhân viên đi chăng nữa, cũng đừng nên quên mình là phụ nữ.
Ông trời đã cho chúng ta là phụ nữ, thì cần có sự nữ tính và có duyên dáng nhất định. Lam không muốn tính cách đó mất đi. Nhưng ngược lại, phụ nữ vẫn cần phải mạnh mẽ, độc lập nhất có thể. Đó là người phụ nữ trong Lam, vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa có sự linh hoạt trong mọi tình huống. Hình ảnh đó đến từ bản năng của Lam, nhưng cũng có sự nghiên cứu nhất định.
Chị hay nhắc đến hai từ bản năng. Vậy khi làm thời trang, chị sẽ dùng bản năng hay lý trí nhiều hơn?
Trong việc kinh doanh cần có sự lý trí. Nhưng trong thời đại này, mọi người dùng lý trí nhiều quá nên Lam hay đi ngược lại. Lam chỉ cần có cảm giác tốt, mọi sản phẩm của Lam sẽ tốt theo. Lam nghĩ rằng mình cần làm điều gì đó có bản năng, cốt lõi, có bản sắc, giá trị riêng, thể hiện được cốt cách của người mua món hàng.
Lam thích sự ngẫu nhiên, chứ không đi theo một quy chuẩn nhất định. Vì quy chuẩn nào người khác cũng có thể làm được, nhưng sự hoà phối ngẫu hứng thì không. Quá khứ, hiện tại, cảm xúc, lý trí, lãng mạn, kỷ luật, đó là những điều mà Lam làm mỗi ngày, mà không có nhiều người nắm bắt được những điều này cùng Lam, vì họ không hiểu được vì sao Lam lại làm như thế. Song đó lại chính là cách Lam làm việc.
Lam thích sự ngẫu nhiên, chứ không đi theo một quy chuẩn nhất định. Vì quy chuẩn nào người khác cũng có thể làm được, nhưng sự hoà phối ngẫu hứng thì không.
Nếu như không nhiều người hiểu được cách làm của chị, làm thế nào chị thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm của mình?
Khách hàng của Lam hiểu được món hàng này, hiểu được giá trị thẩm mỹ của nó, độ ứng dụng cũng như khả năng thể hiện cá tính của họ. Lam nghĩ, không đơn thuần mà thuyết phục được khách hàng. Người bỏ tiền ra sẽ hiểu họ mua gì. Khó khăn của Lam là làm sao thuyết phục được người cộng sự của mình hiểu mình đang làm gì, vì mọi người thường đi theo công thức nhiều hơn bản năng của chính mình.
Những trang phục chị làm ra thoạt nhìn rất đơn giản nhưng ẩn giấu bên trong là sự hỗn tạp, những tính toán, sắp xếp có cấu tứ để nhìn vào chỉ thấy sự tự nhiên. Về cơ bản, vẻ đẹp tự nhiên, gắn kết làm một của trang phục và thân thể người mặc là điều vô cùng khó, mà ngay cả những thương hiệu hàng đầu trên thế giới cũng chưa chắc làm được. Vậy chị đã làm được điều ấy như thế nào?
Đó là điều tôi luôn hướng đến: sự hoà hợp. Mình cần hòa quyện với cơ thể, tâm trí của mình, và có cảm xúc với những gì mình mặc. Đó là một phần trong dòng máu của Lam, nhưng ngược lại, Lam cũng nghiên cứu rất kỹ lưỡng để tạo nên một sản phẩm đẹp, phù hợp với tính cách người mặc, có khả năng sử dụng trong 10 đến 20 năm nữa. Có thể chúng có giá thành hơi cao, nhưng thật sự xứng đáng.
Nhưng thật tình thì tôi nghĩ rằng không phải ai cũng mặc được đồ Lam…
Lam đã chọn một con đường riêng, với nhóm khách hàng riêng, và khi đã chọn mình, họ sẽ ở lại lâu. Khách hàng của tôi là những người phụ nữ có sự nghiệp, cầu tiến, biết hưởng thụ, những người đẹp và thích được thưởng thức cái đẹp.
Tôi nghĩ, để mặc được Lam cần phải có sự trưởng thành và trải nghiệm nhất định. Nếu đúng là như thế, thì xin cho tôi được hỏi rằng độ tuổi nào dành cho những người mặc Lam?
Cũng không hẳn là vậy, vì có những cô gái mới hơn 20 tuổi đã mặc đồ của Lam, vì họ có xúc cảm riêng, và xúc cảm ấy vô tình có sự liên kết với Lam. Cũng giống như khi Lam xem những bộ phim hay tác phẩm nghệ thuật, Lam yêu thích và đưa nguồn cảm hứng ấy vào áo quần. Đó là cách Lam hoà trộn giữa vải vóc và trang phục, nghệ thuật và văn hoá, được truyền tải thông qua các thiết kế của mình.
Nhưng tôi có cảm giác, dường như chị đã quá duy mỹ và cầu toàn thì phải. Điều đó có tạo nên khó khăn gì trong công việc và cuộc sống của chị?
Đó là lý do Lam rất khó tìm được người đồng hành với mình, vì đầu tiên, Lam phải có sự kết nối với họ trong từng chi tiết nhỏ, như hoạ tiết hay màu sắc tinh tế trên từng chiếc nút. Từ mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất, Lam muốn mọi sự cộng hưởng đều phải hoàn hảo, từ đó mới có sản phẩm tốt. Lam đã chọn con đường là cái đẹp rồi, nên không thể nào quay lại cái xấu được. Đó là lý do Lam không mở rộng thêm nữa, vì đối với Lam, đẹp chưa đủ, mà phải sử dụng được. Đẹp mà không sử dụng được thì hơi vô nghĩa.
Các thiết kế và lối sống của chị dường hơi đều có hướng hoài cổ. Vậy vẻ đẹp hiện đại có chỗ đứng trong tâm hồn chị không?
Lam nghĩ mình không hẳn chỉ là hoài cổ hay hiện đại. Lam muốn những gì thể hiện được cuộc sống, muốn đan xen tất cả. Hoài cổ không cũng không bao giờ hấp dẫn đối với Lam, mà Lam muốn làm sống lại sự hoài cổ, để trôi theo cuộc sống hiện đại. Nếu không được sử dụng, hoài cổ sẽ chết. Nhưng để làm ra được sự hoài cổ cũng cần có chất lượng. Có sự chỉn chu trong từng chi tiết, sự hoài cổ ấy mới được quý trọng và gìn giữ lâu dài.
Lam nghĩ mình không hẳn chỉ là hoài cổ hay hiện đại. Lam muốn những gì thể hiện được cuộc sống, muốn đan xen tất cả.
Xuyên suốt các bộ sưu tập từ trước đến nay, chị đã tạo dựng cho Lam một nét đặc trưng riêng, một phong cách không dễ bị trộn lẫn. Nhưng nhiều khi, việc sở hữu DNA rõ nét cũng là con dao hai lưỡi khiến chị không được thoả thích tạo nhiều điều khác biệt. Nếu chỉ nghĩ mãi về một thứ, đôi khi ta sẽ bị giam cầm trong chính trí tưởng tượng của mình. Chị có thấy thế không?
Lam vẫn đang làm mới bản thân đấy chứ. Lam thấy Lam còn thay đổi nhiều hơn mọi người, chỉ là những thay đổi của Lam dường như lại vô hình. Lam thường thay đổi ở vải vóc, ở loại chỉ hay đường khâu bên trong, nhưng những điều ấy quá tinh tế để có thể thấy được. Cũng giống như đồng hồ Rolex hay Cartier, kiểu dáng vẫn tương tự như nhau nhưng vẫn được rất nhiều người yêu thích. Có những thay đổi nhỏ nhưng chứa dựng trong đó cả một tư tưởng lớn.
Chị từng nói, thế giới xung quanh chị chỉ là áo quần và phụ nữ. Thế còn đàn ông và tình yêu thì sao? Trong cuộc sống của chị, đàn ông hay những nhân tố khác đóng vai trò thế nào?
Lãng mạn là điều ai cũng cần. Lam cũng giống như những người bình thường thôi. Nhưng Lam không muốn công khai những chuyện ấy vì nó hơi riêng tư. Lam thích những gì riêng tư.
Nếu như vậy, phải chăng mối quan tâm lớn nhất của chị là làm đẹp cho phụ nữ?
Mối quan tâm lớn nhất của Lam là chính bản thân Lam, để cân bằng, hài hoà, hạnh phúc từ bên trong, để làm nên cái đẹp cho mọi người. Khi cái đẹp được lan toả, mọi người sẽ có nhìn nhận và kết nối với cuộc sống nhiều hơn, như hòa quyện với thiên nhiên hay đọc một tác phẩm nào đó…
Vậy chị làm thế nào để đạt được sự cân bằng và hạnh phúc trong tâm hồn?
Lam nghĩ, đó là sự kết hợp của cả thể chất và tinh thần. Để đạt được điều đó, không có gì hơn là tập luyện. Trước và sau giờ làm việc, Lam đều tập cho mình thanh thản và bình tĩnh trong mọi vấn đề.
Triết lý thiền và yoga ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của Lam, vì nhờ thiền và yoga, Lam tập được tính chịu đựng cao, không bỏ cuộc trước vấn đề. Lam cảm nhận được cơ thể sâu hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, để tạo nên chiều sâu trong mỗi sản phẩm. Cái chính là Lam thấy cơ thể khoẻ mạnh, mà cơ thể khoẻ thì đầu óc minh mẫn, làm việc cũng tốt hơn.
Chị từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng “không có đau thì làm sao có sướng”. Vậy sau 11 năm làm thời trang, cái “đau” nhất của chị là gì, và cái “sướng” nhất ra sao?
Khó khăn mà Lam phải đối mặt là tìm ra những cộng sự hiểu mình để có thành quả tốt nhất. Khi đã dấn thân vào làm đẹp cho phụ nữ, mỗi phụ nữ là một bông hoa khác nhau, làm sao để chiều chuộng những người phụ nữ đó là điều không đơn giản.
Để làm ra cái đẹp, không phải lúc nào Lam cũng thấy hài lòng với những gì mình làm. Cảm xúc lúc nào cũng trồi sụt, đôi lúc Lam cảm thấy vô nghĩa. Đôi khi Lam cũng bị trầm cảm. Nhưng sau tất cả, khi đã vượt qua rồi, Lam sẽ thấy yêu công việc hơn.
Lam nghĩ, ai làm công việc nào cũng có khó khăn riêng, có những lúc mệt mỏi chứ không chỉ riêng Lam. Cái chính là mình cần cố gắng nhiều hơn cho công việc, tập trung để làm cho tốt nhất. Lam phải hy sinh rất nhiều để giữ vững những gì mình đang làm. Còn nếu lơ là hoặc không tập trung, không yêu nghề, mọi thứ sẽ phai nhạt rất nhanh.
Để kỷ niệm 11 năm “đau và sướng” đó, chị đã làm nên Lamscape, show diễn được cho là lớn nhất trong sự nghiệp của chị từ trước đến nay. Chị có thể chia sẻ thêm về show diễn này được không?
Mỗi năm Lam đều có show diễn với ý niệm khác nhau. Lần này, Lam làm show diễn tại The Reverie Saigon, trong một quán café tại tầng 6 nhìn ra đường Nguyễn Huệ. Lam muốn khách hàng thưởng thức một tách trà, ly cà phê bên một bầu trời đẹp, khi hoàng hôn buông xuống, để dù có lãng mạn hay hoài cổ đến mấy, người phụ nữ của Lam vẫn không quên bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Đó là điều Lam muốn thay đổi trong show diễn này.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Thực hiện: Hải Yến