NTK trẻ Lệ Quyên: “Công cuộc khởi nghiệp thất bại, đó là cú vấp đánh dấu sự trưởng thành”
Ngày đăng: 14/09/18
Lệ Quyên, nhà thiết kế váy cưới, chủ sở hữu thương hiệu Arica Couture, với những thiết kế váy cưới đầy thơ mộng đang được nhiều cô dâu yêu quý giữa đất Sài Gòn. Cô gái trẻ đã dồn hết tâm huyết để đi con đường trở thành nhà thiết kế đồ cưới chuyên nghiệp tại Việt Nam, với một mong muốn thay đổi tư duy về cái đẹp đã trở thành lối mòn, cũng như vượt qua rào cản về khuôn khổ của một chiếc váy cưới.
Ít người biết, Lệ Quyên từng khởi tạo thương hiệu thời trang riêng và thất bại nhanh chóng chỉ sau 3 tháng đầu tiên. “Mọi thứ đều phải sai để được sửa đúng” – đó là bài học mà cô gái trẻ rút ra cho mình. Từ thất bại to lớn với bản thân, Lệ Quyên đã quyết tâm học “may” váy cưới, cùng theo đó là học luôn mảng kinh doanh để có thể tự mình gầy dựng một thương hiệu thời trang riêng. Hãy cùng Style-Republik nghe một câu chuyện khởi nghiệp có thật của một cô gái 22 tuổi, cái tuổi háo thắng nhưng đầy nhiệt huyết, cùng cách cô vượt qua cú vấp đầu đời để từ đó trưởng thành. Nhà thiết kế trẻ Lệ Quyên mang đến một thông điệp, nhắn nhủ với các bạn trẻ: “Hãy cứ làm đi và nhận lấy thất bại, hãy cứ làm sai, chắc chắn một ngày bạn sẽ đúng. Quan trọng bạn đã làm!”.
Chị bắt đầu đam mê với thiết kế thời trang cưới từ bao giờ? Con đường mà chị đã đi đến với giấc mơ của mình?
Bước chân vào con đường này, mình chưa bao giờ định hướng sẽ trở thành một nhà thiết kế. Xuất phát điểm mình học chuyên ngành Quản trị Nhà hàng, nghe có vẻ chẳng liên quan nhỉ? Mình đã chọn sai nghề nhưng điều đó lại giúp mình đúng trong hiện tại.
Trong thời gian ấy mình đã theo học một lớp trang điểm chuyên nghiệp, nhưng chỉ được 2 tuần mình bỏ học ở trung tâm và về nhà tự học từ Youtube, nghiệp trang điểm bắt đầu phát triển và mình nghĩ ngay đến khởi nghiệp. Mọi thứ đều phải sai để được sửa đúng. Mình nghĩ vậy! Bản thân mình là một con người khá quyết đoán, những kiểu người như thế lại thường có tâm lý nóng vội, và rồi Arica ra đời vào năm 2013 với số vốn rất lớn, bước khởi nghiệp đầu tiên trong cuộc đời mình. Đó chính là số vốn ba mẹ đã mạnh dạn đặt hết niềm tin nơi mình.
Và 3 tháng sau, công cuộc khởi nghiệp thất bại, đó là cú vấp đánh dấu sự trưởng thành của mình. Không bỏ cuộc, mình muốn vực dậy Arica dù là hi vọng mong manh nhất. Mình nghĩ ra rất nhiều thứ để cứu vãn sự nghiệp ấy, mình nhận ra rằng, để chiến thắng mình cần có khách hàng, và để có khách hàng, mình phải có cái gì đó cho họ. Thế đấy!
Mình nghĩ ra rất nhiều thứ để cứu vãn sự nghiệp ấy, mình nhận ra rằng, để chiến thắng mình cần có khách hàng, và để có khách hàng, mình phải có cái gì đó cho họ.
Chị có thể chia sẻ về thiết kế đầu tay của chị, khi chị bắt đầu bước chân vào lĩnh vực thiết kế thời trang?
Mình luôn nhớ như in, đó là một chiếc váy cưới màu xám, vào năm 2014 người ta vẫn hay gọi kiểu váy ấy là cá lia thia, thời ấy kiểu váy đó đang thịnh hành vô cùng. Thế là mình đã không ngần ngại, làm ngay một chiếc để đáp ứng thị hiếu lúc đó. Và mình nghĩ vấn đề làm nên thành công của chiếc váy đầu tay chính là sự đón nhận. Mình đã thu được tầm 20 triệu tiền thuê váy chỉ trong 2 tháng đầu, khi sản phẩm ra mắt. Đó là một số tiền không nhỏ và mình bất chợt nhận ra, ơ cũng được đấy nhỉ?
Có bao giờ chị cảm thấy hoang mang và tự hỏi, liệu mình có phù hợp với con đường này hay không? Liệu mình có đủ khả năng hay năng khiếu trong lĩnh vực này? Nếu có chị làm thế nào để khắc phục những hoang mang và bước tiếp?
Chưa bao giờ mình có cảm giác đó, định nghĩa sự phù hợp của mình với một công việc bất kì đầu tiên là mình có thích làm chúng không? Và thứ hai là chúng có nuôi mình được không? Không có điều gì là tự nhiên mà có được, mình đã từng phải đi học trả góp, chắc lần đầu tiên các bạn nghe nhỉ? (cười)
Mình lao động cật lực bằng nghề trang điểm để lấy tiền nuôi mình học nghề may váy cưới. Mình chỉ dám thừa nhận mình là thợ may thôi, vì mình không được dạy từ cơ bản, đúng nghĩa chỉ là sao rập, cắt, may và tự thiết kế chúng. Mình như kiểu biết làm mà chẳng biết tại sao cả!
Tự nhận định về năng lực của mình? Có lẽ câu trả lời này mình xin phép không trả lời vì mình sẽ dành lại cho những khách hàng công tâm và những người yêu mến Arica. Mình không hi vọng được tán dương hay toàn khen, mình lại muốn được góp ý và chê bai thẳng thắn, vì chỉ khi được sai mình mới có bài để học, để thay đổi, để biết mình đang ở đâu và mình là ai. Mình không học cách để trở thành một nhà thiết kế, mình chỉ luôn học cách để trở nên tốt hơn mỗi ngày thôi. Và câu trả lời để hoàn thiện, mình luôn không ngừng “đi học.”
Mái trường mang lại cho mình một nền tảng vững chắc và ở đó, mình được gặp những con người cùng chung một định hướng chuyên nghiệp hoá ngành thời trang Việt Nam, chính là F.A.C.E Fashion Workshop.
Mình không học cách để trở thành một nhà thiết kế, mình chỉ luôn học cách để trở nên tốt hơn mỗi ngày thôi. Và câu trả lời để hoàn thiện, mình luôn không ngừng “đi học.”
Chị đã nghiên cứu bao lâu và chuẩn bị như thế nào trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình?
Như mình đã chia sẻ ở trên, mình bắt đầu rồi đã thất bại, sự tái lập xuất hiện khi mình định hình được con đường để vực dậy, vì thế mình chọn chủ lực là dòng váy cưới. Hoàn toàn mình không có một kế hoạch cụ thể cho từng bước để tạo ra ngay một thương hiệu. Đó là cả một quá trình bằng những trải nghiệm và tái cơ cấu không ngừng.
Nhà thiết kế thời trang mà chị yêu thích hoặc là người đã truyền cảm hứng cho chị? Và ở họ chị học được những gì?
Dường như mình không thần tượng bất cứ một nhà mốt nào, nhưng mình lại luôn học hỏi và cập nhật những xu hướng họ mang đến. Mình cảm nhận được linh hồn của mình hoà lẫn vào tinh thần của họ, mình yêu cách mà họ tạo ra sản phẩm, yêu cả lối tư duy của người làm nghệ thuật và người mua nghệ thuật. Từ đó với khả năng nhìn và cảm nhận của mình, mình lại tạo ra điều khác biệt của riêng mình trên một nền kiến thức có sẵn, mình luôn tin vào mình và biết điều chỉnh khi cần.
Chị có lời khuyên hay chia sẻ nào dành cho các bạn trẻ nếu muốn theo đuổi con đường trở thành một nhà thiết kế thời trang?
Hai điều mà các bạn chắc chắn phải có để đi trên con đường này: đó là lòng đam mê và sự kiên trì. Chúng ta sẽ chẳng thể sáng tạo nếu chẳng thể mê mẩn và thích thú, chỉ có sự tự do và độc lập mới là mảnh đất cho những ý tưởng được giải phóng. Hãy chăm chút cho niềm đam mê như việc chăm một cái cây vậy, hãy tưới nước đều đặn mỗi ngày và bón phân, tỉa tót cho chúng.
Một tâm hồn hoàn thiện là một tâm hồn chứa đầy tri thức và đạo đức. Đảm bảo rằng trong đam mê của bạn, mang lại được giá trị cho người khác. Tất cả mọi điều giá trị đều cần thời gian, không có thành công qua đêm. Hãy kiên định với con đường bạn đã chọn, nếu nó có sai với bạn, thì ngay lập tức bạn hãy sửa cho mình đúng, để đi tiếp cùng nó.
Hãy kiên định với con đường bạn đã chọn, nếu nó có sai với bạn, thì ngay lập tức bạn hãy sửa cho mình đúng, để đi tiếp cùng nó.
Điều mà chị muốn hướng đến trong sự nghiệp của mình? Có thông điệp nào mà thương hiệu đồ cưới Arica Bridal muốn gửi gắm qua những váy cưới cho những cô dâu của mình?
Mình có một ước nguyện là, khi mình 50 tuổi, mình sẽ đánh dấu chặng nước rút cuối cùng trong sự nghiệp với trọng trách là một cô giáo truyền cảm hứng và mọi thứ về “chiếc váy cưới” , hình ảnh duy nhất và cũng là lý tưởng của cuộc đời mình. “Thay đổi tư duy về cái đẹp đã trở thành lối mòn, rào cản về khuôn khổ của một chiếc váy cưới” như là một sứ mệnh mà mình cùng Arica sẽ gánh vác.
Thực hiện: Hoàng Khôi
Ảnh: Minh Trung Bùi