People in Fashion: Những hướng đi trong ngành thời trang (Phần 2)

Ngày đăng: 01/06/20

Thời trang là một ngành công nghiệp gắn liền với lịch sử phát triển của xã hội. Những năm gần đây, khi internet và mạng xã hội phát triển, ngành thời trang Việt Nam trở thành một chân trời mới với nhiều cơ hội việc làm đa dạng và rộng mở.

Nhưng khi nhắc đến ngành nghề trong lĩnh vực thời trang, nhận thức của phần lớn mọi người trong xã hội chỉ dừng lại ở nhà thiết kế, người mẫu và nhiếp ảnh gia. Thông qua chuyên đề “People in Fashion”, Style-Republik hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về các nghề nghiệp trong ngành thời trang vốn đa dạng, để từ đó có được định hướng rõ ràng cho tương lai. 

Tuần trước, Style-Republik đã giới thiệu cho các bạn một số công việc tiêu biểu trong nhóm ngành Sáng tạo trong Thời trang. Mời các bạn tiếp tục xem phần 2 của chuyên đề People in Fashion: Những hướng đi trong ngành thời trang

NHÓM SÁNG TẠO – THIẾT KẾ

Giám đốc sáng tạo – Creative Director

Giám đốc Sáng tạo Karl Lagerfeld của Chanel

Ở phần 1 của chuyên đề, chúng tôi có đề cập đến việc khi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế thời trang, một nhà thiết kế thời trang có thể thăng tiến lên vị trí Giám đốc Sáng tạo (Creative Director). Vậy nhiệm vụ của một giám đốc sáng tạo là gì? Trong các ngôi nhà thời trang, Giám đốc Sáng tạo chịu trách nhiệm cho việc lên ý tưởng, concept, thiết kế và định hướng cho từng sản phẩm thể hiện qua từng bộ sưu tập được trình diễn mỗi mùa. Giám đốc Sáng tạo sẽ làm việc trực tiếp cùng đội ngũ thiết kế, bao gồm thợ thủ công để đảm bảo cho sản phẩm được ra đời hoàn hảo nhất so với ý tưởng ban đầu. Một số người cũng sẽ làm việc cùng ekip truyền thông để diễn giải về ý tưởng hay phát đi những thông điệp của bộ sưu tập. Một số khác thì kín tiếng, họ tập trung vào công việc chính của mình và giao nhiệm vụ đó cho cộng sự.

Bên cạnh các ngôi nhà thời trang, chức danh Giám đốc Sáng tạo còn xuất hiện tại các Tạp chí thời trang hay các công ty quảng cáo. Tại các Tạp chí thời trang các Giám đốc sáng tạo làm việc cùng Tổng Biên tập để định hướng cho những shoot hình hay các dự án sáng tạo. Ở các công ty quảng cáo, Giám đốc Sáng tạo làm việc cùng ekip của mình để thực hiện các campagin quảng bá cho các sản phẩm hay thương hiệu.

Ngoài chuyên môn sáng tạo của mình, Giám đốc Sáng tạo còn chịu trách nhiệm quản lý các dự án và đảm bảo cho việc hoàn thành chúng đúng thời hạn. Vì thế, kỹ năng sắp xếp thời gian và chỉ đạo công việc đối với một Giám đốc Sáng tạo là điều quan trọng.

Những Giám đốc sáng tạo tiêu biểu:

  • Karl Lagerfeld (Chanel)
  • Sarah Burton (Alexander McQueen)
  • Maria Grazia Chiuri (Dior)
  • Anthony Vaccarello (Yves Saint Laurent)
  • Alessandro Michele (Gucci)

Nhà minh họa thời trang – Fashion Illustrator

Họa sĩ vẽ minh họa thời trang là người dùng ngòi bút của mình để diễn giải lại trên giấy một mẫu thiết kế/ sản phẩm thời trang theo phong cách của riêng mình. Ngày nay, một nhà minh họa thời trang có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau để phác thảo ý tưởng như vẽ chì, vẽ màu nước, vẽ than hay vẽ trên máy tính.

Tại một số Tuần lễ thời trang (chính thống, thuộc Mercedes Benz Fashion Week) tại Paris, London, New York, hay Milan, vị trí Front Row còn dành chỗ cho các Fashion Illustrator. Họ đến, ngồi hàng ghế đầu, chiêm ngưỡng các BST trực tiếp và vẽ minh họa lại theo cảm xúc và tài năng của mình, chưa đầy 24h sau, các bức vẽ được truyền tải trên Instagram, Facebook chính thống của thương hiệu.

Một số công ty thời trang thuê các họa sĩ fashion illustrator cho các công việc đặc thù như:

– Làm việc với giám đốc hình ảnh, nhà thiết kế của thương hiệu để cho ra những hình ảnh độc đáo mang tính quảng bá cho nhãn hàng.

– Tạo mẫu cho trang phục, giày dép, phụ kiện… thông qua những hình ảnh minh họa cụ thể.

– Phác thảo các mẫu trang phục bằng các hình ảnh khác nhau như vẽ chì, vẽ than… cùng với các phần mềm vi tính như PS, AI…

– Phát triển họa tiết trên chất liệu để đưa vào sản xuất cho thương hiệu.

– Tạo nên những hình vẽ đẹp mắt/ ấn tượng để thu hút khách hàng.

Nhà thiết kế đồ họa – Graphic Designer

Ngày nay, các nhà thiết kế đồ họa có thể hợp tác cùng các nhà thời trang với các artwork xuất hiện trên các tác phẩm thời trang như trang phục, túi xách, phụ kiện… Các nhà thiết kế đồ họa cũng góp phần đẩy mạnh giá mạnh thương hiệu hay tạo ra sức nặng của thương hiệu thông qua các sản phẩm kỹ thuật số lẫn in ấn như logo, nhãn mác, bao bì, poster…

Gần như mọi yếu tố liên quan đến nhận diện thương hiệu được tạo nên bởi thiết kế đồ họa. Càng ngày, người tiêu dùng chọn sản phẩm dựa trên giá trị thương hiệu và câu chuyện mà thương hiệu truyền đạt. Thiết kế đồ họa góp phần không nhỏ để thể hiện những giá trị và câu chuyện đó 

NHÓM PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

Quản lý kinh doanh thời trang – Fashion Merchandiser

Một nhà quản lý kinh doanh thời trang là một người vừa có vốn hiểu biết sâu rộng về thời trang, vừa am hiểu về lên chiếc lược kinh doanh tổng thể và nhận biết về thị trường. Một nhà quản lý kinh doanh thời trang cần thức thời, nắm bắt được xu hướng các xu hướng thời trang để có thể đưa ra được dự đoán và nhận biết nhu cầu tiêu dùng của khách hàng vốn hay thay đổi theo thời gian. Họ sẽ phối hợp với các nhà thiết kế nhằm đưa ra những quyết định giúp cân bằng tài chính của doanh nghiệp. Các nhà quản lý sẽ đưa ra quyết định số lượng sản xuất sản phẩm, làm việc với đội ngũ thiết kế trong và ngoài, liên kết với các nhà phân phối để tiêu thụ sản phẩm. 

Kỹ thuật viên thiết kế – Technical Designer

Kỹ thuật viên thiết kế là cầu nối giữa Bộ phận Thiết kế và Bộ phận Sản xuất. Khi một bản thiết kế được đưa ra, nhiệm vụ của kỹ thuật viên thiết kế là dựng bản vẽ kỹ thuật để thực hiện hóa thiết kế đó. Họ sẽ phải làm việc với nhà thiết kế để đảm bảo họ hiểu được ý đồ của nhà thiết kế: số lượng nút cài, kiểu đường may, màu chỉ… Một bản vẽ kỹ thuật phải thật chi tiết và đầy đủ tất cả các thông số để bộ phận Sản xuất có thể hiểu và thực hiện được.

Quản lý sản xuất – Production Manager

Một người quản lý sản xuất có nhiệm vụ trong việc lên kế hoạch, kiểm soát, giám sát và điều phối quá trình sản xuất các sản phẩm thời trang từ giai đoạn lên mẫu, điều chỉnh đến việc hoàn thiện các sản phẩm cuối cùng. Họ chịu trách nhiệm theo dõi chi phí sản xuất, là cầu nối giữa nhà thiết kế với các nhà cung cấp vật liệu và dịch vụ. Họ đảm bảo quá trình sản xuất được vận hành trơn tru và các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về giá thành, chất lượng và số lượng.

Quản lý kiểm định chất lượng – Quality Assurance Manager

Một nhà kiểm định chất lượng có nhiệm vụ đảm bảo các sản phẩm được sản xuất ra đạt tiêu chuẩn của nhà thiết kế và kỳ vọng của khách hàng. Họ lựa chọn và đảm bảo vật liệu từ nhà cung cấp đạt yêu cầu với tiêu chí của thiết kế. Nếu là một thương hiệu quốc tế có các nhà máy sản xuất ở nhiều nước khác nhau, họ cần đảm bảo các nhà máy cùng thống nhất trong các quy trình để đảm bảo chất lượng được đồng bộ. Họ tiếp nhận các phản hổi của khách hàng và làm việc với các bộ phận liên quan để đánh giá các sản phẩm bị hoàn trả hay bị lỗi và cải thiện chúng.

NHÓM BÁN HÀNG

Cố vấn bán hàng – Sale advisor/Associate

Cố vấn bán hàng là một người có khả năng làm việc đa nhiệm, thích môi trường làm việc năng động. Họ thân thiện, tích cực và có khiếu thẩm mỹ trong việc phối trang phục. Họ có kỹ năng tổ chức và sắp xếp xuất sắc và yêu thích làm việc nhóm. Họ truyền cảm hứng, hướng dẫn và giúp đỡ khách hàng của mình, từ việc mua đồ, thử đồ đến thanh toán. Một cố vấn bán hàng cần am hiểu tường tận các chiến dịch và chương trình bán hàng của thương hiệu. Họ được đào tạo kỹ năng phục vụ khách hàng, làm việc với hàng hóa được nhập về cửa hàng và đảm bảo cửa hàng luôn trông thật bắt mắt để thu hút khách hàng. 

Quản lý vận hành bán hàng – Operation Manager

Một quản lý vận hành của một cửa hàng cần theo dõi tất cả các quy trình bán hàng của một sản phẩm, sau các chương trình khuyến mãi, quản lý doanh thu & tổn thất. Không chỉ vậy, một quản lý vận hành còn cần phải biết làm các công việc quản trị và nhân sự. Họ cần đảm bảo và theo dõi tình trạng sức khỏe, an toàn lao động và phân công công việc cho các nhân viên. 

Quản lý mua hàng thời trang – Fashion Buyer

Trong ngành bán lẻ, người mua hàng là người định giá sản phẩm, lựa chọn các sản phẩm mà cửa hàng sẽ nhập và quyết định thời gian giao nhận hàng và số lượng hàng. Người mua hàng sẽ làm việc chặt chẽ với nhà thiết kế và đại diện kinh doanh và cùng nhau tham gia các hội chợ thương mại, các showroom bán sỉ và các buổi trình diễn thời trang để quan sát, đánh giá xu hướng của thời trang và nhu cầu của khách hàng. Các quyết định đến sản phẩm được mua có ảnh hưởng rất lớn đến công việc kinh doanh của các cửa hàng.

Style-Republik mời bạn tiếp tục đón xem phần 3 của chuyên mục People in the industry: Những hướng đi trong ngành thời trang vào tuần tới.

Có thể bạn quan tâm!

Giải phóng những định kiến cũ kỹ về ngành công nghiệp thời trang, tiệm cận cách thức vận hành thời trang chuyên nghiệp, SR University Tour – Fashion Career Talk là dự án kết hợp giữa chuyên trang giám tuyển thời trang Style-RepublikKhông gian giảng dạy kinh doanh thời trang SR Fashion Business School và các trường ĐH-CĐ tại Việt Nam, mang đến chuỗi hội thảo định hướng nghề nghiệp cho sinh viên thời trang Việt Nam.

Hội thảo Fashion Career Talk – “Định hướng nghề nghiệp thời trang” sẽ chính thức có mặt tại ĐH HUTECH CS1 để cùng các bạn sinh viên trò chuyện, trao đổi về cơ hội nghề nghiệp tiềm năng và hiểu hơn về cách thức vận hành thời trang chuyên nghiệp

 05.06 | 14:00-16:00 – Hội trường B02-09 ĐH Hutech, 475A Điện Biên Phủ, P.25, Q. Bình Thạnh, TP. HCM
 Liên hệ VP khoa Kiến Trúc Mỹ Thuật để đăng ký tham dự.

Thực hiện: Mỹ Đỗ