Từ Yeezy đến Kawakubo và Yamamoto: Phong cách thời trang tái cấu trúc (deconstruction) mang ý nghĩa gì?
Ngày đăng: 02/06/21
Năm 2016, xu hướng nổi bật nhất là những mẫu thiết kế của Vetements và những món đồ đến từ Yezzy của Kanye. Sự trỗi dậy của logo hay những chiếc áo nỉ có mũ quá khổ là một ví dụ, ví dụ nữa là những chiếc áo nỉ moth-eaten đặc trưng của Topman với màu cát hoặc khaki. Những mẫu trang phục chưa hoàn thiện này gợi cho chúng ta nhớ đến phong cách tái cấu trúc (deconstruction), đặc trưng về thẩm mỹ của cả hai nhãn hiệu. Nó cũng chính là lý do khiến giới báo chí không thể ngừng đưa tin, cũng như khiến khách hàng rơi vào trạng thái “điên cuồng mua sắm”. Vậy phong cách tái cấu trúc có gì đặc biệt?
Một số phát ngôn về phong cách tái cấu trúc đã trở nên nổi tiếng – Anna Wintour khéo léo nói về nhãn hiệu Yeezy là phong cách đậm chất “di cư”, trong khi nhà phê bình đáng kính Cathy Horyn gọi bộ sưu tập Season 2 là một nỗ lực “buồn tẻ” để “đánh lừa thế giới thời trang”.
Một thuật ngữ khác được lặp lại trong các cuộc thảo luận về cả hai thương hiệu là cụm từ “phản thời trang”, phần lớn là do sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ handmade và ý đồ chính trị. Trong trường hợp của Yeezy, yếu tố chính trị đã được gợi ý trong các tấm vé mời tham gia chương trình, được thể hiện bằng một hình ảnh mạnh mẽ trong một trại tị nạn ở Rwandan. West không giải thích chi tiết về bức ảnh, cũng như không nêu rõ động cơ chính trị nào nhưng hình ảnh bị tàn phá bởi chiến tranh này đã khiến người ta so sánh với các tác phẩm của Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto 35 năm năm trước đó. Giới thời trang đã đặt tên tác phẩm của họ là “Hiroshima chic”.
Giống như Yeezy, những tác phẩm của Kawakubo và Yamamoto cố tình dở dang; nó thu hút sự tranh cãi bởi vì kỹ thuật tái cấu trúc của họ đi ngược lại với thẩm mỹ chỉn chu, trau chuốt thống trị vào thời điểm đó. Mặc dù cả hai nhà thiết kế đều đã tạo dựng được danh tiếng ở quê nhà, nhưng màn ra mắt ở Paris của họ đã để lại một tác động to lớn, gây tiếng vang quốc tế và gây ra tranh cãi tương tự như bộ sưu tập Season 3 của Yeezy.
Vào thời điểm đó, sàn diễn thời trang chủ yếu có những mẫu váy bó kiểu Alaia, những siêu mẫu sang trọng tôn lên vẻ hào nhoáng, phô trương. Ngược lại, Yamamoto và Kawakubo cho thấy những thiết kế không đối xứng hoặc không có hình dáng cụ thể – mục đích là để khoảng trống giữa trang phục và người mặc nó, che giấu cơ thể người phụ nữ sau nhiều lớp vải. Điều gây tranh cãi nhiều hơn vẫn là các dấu hiệu cắt xén khác nhau để lại trên các thiết kế của họ; những đường viền bị cắt xéo và chưa hoàn thiện, trong khi những sản phẩm may mặc khác đã bị xé, rách hoặc cố tình làm rách.
Không có gì ngạc nhiên khi giới báo chí hoang mang trước quan niệm thẩm mỹ mới bởi nó cố tình thách thức các quan niệm về cái đẹp của phương Tây một cách triệt để.
Không có gì ngạc nhiên khi giới báo chí hoang mang trước quan niệm thẩm mỹ mới bởi nó cố tình thách thức các quan niệm về cái đẹp của phương Tây một cách triệt để. Một số tờ báo nổi tiếng nhất thời điểm đó đã dán nhãn nó là “vẻ ngoài lùng bùng” và “chic kiểu rách rưới”. Mặc dù cả hai nhà thiết kế chỉ trả lời phỏng vấn một cách có chọn lọc, song cách họ khéo léo trả lời phỏng vấn đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về thông điệp đằng sau tác phẩm của họ.
Yohji Yamamoto nổi tiếng là một nhà nữ quyền độc đáo, nói rõ ý định che giấu cơ thể phụ nữ để bảo vệ tính dục của họ. Thay vì được thiết kế những trang phục để phô trương cơ thể phụ nữ, Yamamoto đã tạo ra một vẻ đẹp thực dụng khước từ ánh nhìn của nam giới: “Đối với tôi, một người phụ nữ đam mê công việc của mình, người phụ nữ không quan tâm đến việc giành được sự ưu ái của ai đó, mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng tinh tế, về cơ bản là quyến rũ hơn. Cô ấy càng che giấu và từ bỏ sự nữ tính của mình, nó càng xuất hiện từ chính trái tim của sự tồn tại của cô ấy”.
Bạn có thể tìm thấy một cảm hứng tương tự trong những tác phẩm của của Kawakubo tại Comme Des Garçons. Mặc dù nhà thiết kế đã tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn trước đây rằng bà hoàn toàn không phải là một nhà nữ quyền, nhưng những lời nói của bà thường có ẩn ý sâu xa hơn. Kawakubo hiếm khi trả lời phỏng vấn và thường phản bác bất kỳ câu hỏi nào không đúng mực bằng những câu trả lời ngắn gọn, cụt lủn. Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn hiếm hoi, bà vẫn mô tả người phụ nữ của Comme Des Garçons là “độc lập, không bị lung lay bởi những gì chồng cô ấy nghĩ” và khẳng định rằng “bản thân bà đã xây dựng những mẫu thiết kế từ cảm quan bên trong thay vì chạy theo và đáp ứng nhu cầu cho trang phục hở hang, phô trương”.
Có điều còn gây tranh cãi hơn cả chính trị về nữ quyền, đó chính là sự đề cập đến giai cấp và cụ thể hơn là đề cập đến chiến tranh và hỗn loạn. Những ám chỉ như vậy hầu như không có gì đáng ngạc nhiên vì Kawakubo và Yamamoto lần lượt sinh năm 1942 và 1943, thời kỳ mà Thế Chiến II đã tàn phá Nhật Bản. Các vụ đánh bom thường xuyên vào các thành phố như Tokyo khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Thêm vào đó, trong thảm kịch khét tiếng ở Hiroshima năm 1945, một quả bom hạt nhân đã giết chết khoảng 80.000 công dân Nhật Bản.
Các nhà phê bình thời trang đã nhanh chóng đề cập đến điều này, vô tình đặt thương hiệu cho bộ sưu tập Destroy (Huỷ Diệt) của Kawakubo là “chic kiểu Hiroshima”, nhưng trên thực tế, những sự kiện như vậy được thể hiện một cách tinh tế hơn nhiều trong thẩm mỹ của các nhà thiết kế này. Hiểu được khái niệm “Wabi Sabi” của người Nhật là điều tối quan trọng để đánh giá đúng đắn trang phục do cả hai nhà thiết kế tạo ra. “Sabi” đề cập đến “sự đánh giá thẩm mỹ đối với những thứ liên quan đến tuổi tác”, trong khi “Wabi” được cho là “hiện thân của những gì thoáng qua và suy tàn”. Khái niệm độc đáo của Nhật Bản này giải thích xu hướng của cả hai nhà thiết kế là tạo ra những bộ quần áo mang dấu ấn của sự tàn phá. Bonnie English có lẽ đã định nghĩa từ ’Wabi Sabi’ một cách rõ nét nhất trong một tác phẩm học thuật trên Sartorial Deconstruction, tóm tắt khái niệm của người Nhật về vẻ đẹp không hoàn hảo như một cách diễn giải về “phẩm giá được che đậy trong lớp áo của sự nghèo khó hoặc sự hư hỏng mong manh”.
Trên thực tế, từ “nghèo khó” thường xuyên được xuất hiện trong cuộc thảo luận của cả hai nhà thiết kế. Điều quan trọng cần lưu ý là tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Đức Auguste Sandler là một tài liệu tham khảo khác được lấy cảm hứng từ các thiết kế của Yohji Yamamoto; những bức ảnh chụp những người vô danh, thuộc tầng lớp lao động mặc bộ đồ đun nước, quần áo lót, quần yếm và áo khoác hải quân – những bộ trang phục phản ánh rõ nét hoàn cảnh sống của họ.
Việc Kawakubo đề cập đến giai cấp công nhân rõ ràng hơn trong quá trình thiết kế trang phục của bà. Bà thường xuyên sử dụng kỹ thuật ‘sashiko’ của Nhật Bản, một ‘kỹ thuật của nông dân’ dùng để may những bộ quần áo màu chàm sờn rách được khâu lại với nhau bằng những sợi chỉ hiện rõ để tạo ra một bộ trang phục mới. Bà cũng nổi tiếng với việc đã can thiệp vào các con vít trong máy khâu cho đến khi chúng bị lỗi, tạo ra những ‘sai lầm’ máy móc có chủ ý trong công việc của bà. Những cảm hứng đến từ sự thiếu thốn đã dẫn đến việc các nhà thiết kế được mô tả như những người tiên phong trong ‘thẩm mỹ của sự nghèo đói’, một thuật ngữ do người giám tuyển thời trang Harold Koda đặt ra. Bằng cách này, các kỹ thuật tái cấu trúc do Yamamoto và Kawakubo sử dụng đã trở nên liên quan mật thiết trong các khuôn khổ xã hội và chính trị.
Đến ngày nay, những quan niệm tương tự có thể được áp dụng cho các thương hiệu như Yeezy và thương hiệu Vetements của Paris. Những thương hiệu với mẫu thiết kế gồm quần jeans không cấu trúc và áo khoác ngoài quá khổ đã gây ra làn sóng chấn động trong ngành.
Vetements giới thiệu bộ sưu tập Thu / Đông 2015 của họ chỉ vài tuần sau vụ tấn công Charlie Hebdo, một bộ sưu tập bao gồm những chiếc áo khoác dáng dài được trang trí bằng từ ‘polisse’(cảnh sát), ngay lập tức làm nổi bật vẻ ngoài ‘phản thời trang’ của họ trong khuôn khổ chính trị. Koda đã nói về phong cách tái cấu trúc như “sự kết nối vẻ ngoài sang trọng và hào nhoáng với những gì khiêm tốn, thiếu sót và bị loại bỏ”. Như Kate Finnigan của The Telegraph đã chỉ ra, đối với một thế hệ “được lớn lên cùng những chiếc váy bó sát, những chiếc túi It-bag và những nhà thiết kế nổi tiếng”, những kiểu dáng phản thời trang được quảng cáo bởi Vetements đại diện cho sự trở lại hiện thực.
Người ta thường nói rằng lịch sử lặp lại chính nó và điều này đặc biệt đúng với ngành công nghiệp thời trang, nó lặp lại không ngừng. Có một lý do khiến trang phục tái cấu trúc lại được quan tâm; có những cộng hưởng kỳ lạ giữa bầu không khí chính trị của ngày nay và của những năm 80. Một chính phủ cánh hữu đang nắm quyền và cuộc suy thoái gần đây vẫn còn in đậm dấu ấn trong trí nhớ của mọi người – đây là những điều kiện mà trong đó nền văn hóa punk được sinh ra và tính thẩm mỹ về tái cấu trúc lần đầu tiên được thể hiện trong tâm thức của chúng ta.
Thực tế là các thương hiệu như Vetements và Yeezy đã đạt được vị thế nổi tiếng là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, một lần nữa, ngành công nghiệp thời trang đang nghiêng về những loại trang phục có thể thể hiện được tính xã hội, thời đại. Cho dù những động cơ chính trị này có được xác nhận bởi các nhà thiết kế hay không – thì vẫn có điều gì đó táo bạo về việc trưng bày những bộ quần áo “chưa hoàn thiện” có giá hàng ngàn đô trên các sàn diễn thời trang từng là nơi dành riêng cho giới thượng lưu. Những phản ứng kịch liệt từ báo giới, từ say mê đến ghê tởm chứng tỏ công thức thời trang thành công từ ngàn xưa. Bạn cần phong cách tái cấu trúc, cộng với bối cảnh xã hội chín muồi, và các nhà thiết kế sẽ có được thành công rực rỡ về mặt thương mại.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo Not Just A Label