Phỏng vấn: Tìm hiểu về lĩnh vực làm việc của Eris Trần, Trần Đường và Thùy An
Ngày đăng: 22/10/17
It is important to do everything with passion, it embellishes life enormously. – Lev Landau
Nếu mơ ước điều gì, hãy làm điều đó bằng tất cả niềm say mê. Vì niềm đam mê sẽ tô điểm cuộc sống của chúng ta, dẫn dắt tâm hồn và mở lối cho trí tuệ.
Lại nói về những công việc hoa mỹ trong lĩnh vực thời trang. Không có công việc nào là lớn lao nhất, không có vị trí nào là vĩ đại nhất, và không có một sự thành công nào đáng khao khát nhất, nếu những điều đó không được làm bằng một niềm say mê và tin tưởng. Eris là một Fashion Illustrator, vì bạn thấy hạnh phúc khi minh họa thời trang. Đường làm công việc như một nghệ nhân thêu ruy băng, vì cô tìm thấy sự bình yên và niềm vui trong cuộc sống hằng ngày của mình. An thiết kế hoa văn in vải, và An khám phá ra được những điều thú vị giữ chân An lại với công việc này. Style-Republik tin rằng, bài phỏng vấn này, với những câu hỏi dành riêng cho từng bạn Eris Trần, Trần Đường và Thùy An, sẽ động viên nhiều cho những ai còn đang lạc lối để tìm kiếm niềm đam mê của mình.
Eris Trần
Style Republik: Theo bạn, ngoài niềm đam mê đối với Illustration, cần có những điều kiện tiên quyết nào để trở thành một Illustrator chuyên nghiệp?
Eris Trần: Theo mình thì việc một Illustrator chuyên nghiệp chỉ chăm chỉ ngồi vẽ thôi là chưa đủ, vì việc mình chỉ vẽ và vẽ nhưng không đưa những tác phẩm của bạn đến với công chúng, thì những tác phẩm của bạn sẽ khó có thể được biết cũng như công chúng cũng khó có thể biết bạn là ai. Và những nỗ lực thực tế của cá nhân và việc phát triển của mạng xã hội, chính là cơ hội để phát triển bản thân cũng như đưa hình ảnh cá nhân và tài hoa của bản thân đến với công chúng nói chung và thế giời thời trang nói riêng. Bên cạnh, việc xây dựng hình ảnh bạn là ai qua mạng xã hội cũng là một điều kiện cần của một Fashion Illustrator, cũng chính là “trợ thủ đắc lực” của Illustrator để tìm kiếm những cơ hội hợp tác và làm việc với các nhãn hàng hay xây dựng thương hiệu cá nhân.
Và kinh nghiệm làm việc của mình là: Hướng nội khi làm việc – Hướng ngoại khi giao tiếp, cần cân bằng cả hai để mọi thứ có thể đến dễ dàng hơn. Mình có thể nội tâm khi làm việc, khó tính với bản thân khi làm việc nhưng dễ dàng khi tiếp xúc với mọi người và đối tác, tiếp thu những cái mới và nỗ lực phát triển bản thân.
Style Republik: Đến nay, đã có những dự án hợp tác nào khiến Eris cảm thấy tâm đắc nhất?
Eris Trần: Dự án khiến mình tâm đắc nhất là dự án DOLLZ, Fashion Mixed Media của Basic Magazine US và dự án Fairy Tales của anh Võ Công Khanh.
+ Về dự án DOLLZ: sau khi mình làm dự án cá nhân Paper Doll Moschino và được Moschino re-post thì Basic Magazine có liên hệ mình để cộng tác. Ban đầu mình chỉ nghĩ đơn giản là báo chỉ cộng tác bản vẽ của mình để in trên báo như bình thường thôi. Mình nhận dự án tầm nửa tháng trước Tết 2017, nên mình phải vẽ thật nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tối đa để gửi bản scan cho họ, áp lực thời gian khá lớn vì họ yêu cầu khá cao, các họa tiết và chất liệu cần thể hiện đạt như yêu cầu của các hãng Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Moschino. Sau khi mình gửi họ thì đến tháng 3 mình nhận được email để trao đổi để thực hiện dự án. Mình được theo sát dự án để trao đổi, chọn mẫu vẽ nào để thực hiện bộ ảnh và đoạn video quy trình, mình thật sự bất ngờ về cách thức thực hiện dự án của họ. Họ đã in khổ lớn những mẫu vẽ của mình để đưa lên người mẫu thật, đúng như tên của dự án DOLLZ. Đến tháng 5 họ email mình về bộ ảnh và Video, thì đúng thật là hạnh phúc trào dâng và bất ngờ khi lần đầu tiên mình được cộng tác vào một dự án lớn như vậy.
+ Dự án FairyTales của anh Võ Công Khanh: Đối với mình thì anh Võ Công Khanh như thần tượng cũng như một người anh mình luôn thích. Mình luôn bị ấn tượng bởi những trang phục anh làm ra. Nên khi nhận được lời mời vẽ họa tiết cho anh thì mình nhận lời luôn và bắt đầu làm luôn sau đó. Được hỗ trợ và giúp đỡ anh trong bộ sưu tập Cocoon mình thật sự rất vui và hạnh phúc khi thấy những họa tiết mình vẽ được khắc họa lên trang phục của anh một cách tài tình và đầy chất nghệ thuật. Ban đầu mình cứ nghĩ là mình vẽ thời trang nên vẽ họa tiết mình chắc không làm được, nhưng vì tình yêu đối với những tác phẩm của anh Khanh thì mình đã thử, thử rồi thì lại thích, và mình như được sống trong một thế giới cố tích vậy, và mình hiểu hơn là mình có thể làm được nhiều việc khác bên cạnh vẽ minh họa thời trang của mình nếu mình chịu cố gắng và nỗ lực.
Style Republik: Bạn có thể chia sẻ một phần những dự định trong tương lai của bạn không?
Eris Trần: Mình định hướng bản thân sẽ đi theo con đường Fashion Illustration chuyên nghiệp. Mình sẽ tập trung và phát triển bản thân cũng như học hỏi nhiều hơn để có thể mang đến những tác phẩm đẹp và sắc sảo hơn đến với công chũng nói chung hay giới mộ điệu nói riêng. Có thể mình sẽ tìm một số phương pháp minh họa mới nhưng mình sẽ bật mí trong tương lai, sau khi mình đã hoàn thành xong tác phẩm đầu tiên. Và mình sẽ luôn cố gắng để có thể tìm thêm nhiều cơ hội hợp tác với các hãng thời trang trong nước cũng như quốc tế.
Mình muốn bản thân theo hướng artist nên mình phải cố gắng để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, vẫn luôn học hỏi và tìm tòi để tìm ra hướng đi riêng của bản thân. Mình thì suy nghĩ đơn giản lắm, ráng cố gắng để có thể về già để có thể sống với bảng vẽ, bút, cọ bên khung cửa sổ và nhìn trời , nhìn đất, nhìn mây, được đi đây đi đó là hạnh phúc rồi! Nên mình vẫn phải đi để biến ước mơ của mình thành sự thật! Vẫn đam mê, vẫn đi và vẫn cố gắng.
Trong tương lai mình vẫn mong muốn có thể sản xuất một cuốn sách Fashion Illustration by Eris Tran cũng như có thể trở thành một giáo viên dạy Fashion Illustration cho các bạn trẻ có đam mê sau khi mình cảm thấy mình đủ khả năng.
— — —
Cám ơn Eris đã chia sẻ.
Bạn đọc có thể follow Eris Trần tại:
– Behance
Trần Đường
Style Republik: Đường bắt đầu thêu ruy băng từ bao giờ?
Trần Đường: Khi vừa tốt nghiệp, mình đã từng đi thử việc ở một công ty nội thất và không đạt. Lúc đó, mình rất buồn, nhưng mình cũng chóng nhận ra một việc: thiết kế nội thất không phải là một ngành phù hợp với mình. Hay nói đúng hơn, công việc thiết kế nội thất không chọn người có những đặc điểm tính cách như mình. Vào thời điểm đó, không kiếm được việc dẫn đến mặc cảm về khả năng yếu kém đã làm mình suy sụp. (Thật ra đến giờ, chuyện bốn năm đi học không làm được đúng chuyên ngành vẫn làm mình hối tiếc nhiều.) Mình giống như một người kẹt trong vũng bùn, càng vùng vẫy càng không kiếm được đường ra. Mẹ đã sợ mình có thể bị trầm cảm nên vào khoảng năm 2012-2013, gia đình mình đã cùng mình đi đến rất nhiều nơi. Và chuyến đi đến Malaysia đã đưa mình đến với thêu ruy băng.
Thật ra thì từ nhỏ, mẹ mình đã thêu ruy băng rồi, nhưng mình vốn không để ý lắm. Mình khá vụng về nên không nghĩ một công việc tỉ mỉ thế này lại dành cho mình. Việc thấy một chiếc gối thêu ruy băng ở Malaysia ban đầu chỉ gợi cho mình việc sẽ thêu cái bao gối ở nhà thôi, như một kiểu giết thời gian vậy. Bao gối thứ nhất, bao gối thứ hai, màn cửa, áo….rồi mình gặp Tùng Vũ. Tùng khi ấy đang có những thể nghiệm thêu ruy băng trên áo váy và cậu ấy, từ tận nước Úc, đã gọi cho mình đề nghị cùng làm việc. Mình cũng hơi ngần ngại vì không tin lắm vào khả năng của mình, nhưng mẹ đã động viên mình nhận lời. Và thế là mình đã bước vào con đường thêu ruy băng chuyên nghiệp như vậy đấy.
Style Republik: Ngoài Mẹ, Đường có yêu thích hoặc ngưỡng mộ một nghệ nhân thêu ruy băng nào không?
Trần Đường: Mình yêu thích rất nhiều nghệ nhân thêu (có cả ruy băng, cả thêu chỉ) như cô Yumiko Higuchi, cô Di Van Niekerk, cô Lorra và còn nhiều nhiều nữa. Nhưng mình không ảnh hưởng phong cách ai, hay nói đúng hơn là mình học hỏi từ tất cả các cô, đặc biệt là mảng kỹ thuật. May mắn thay, do sự thiếu hụt về chất liệu, mình đã tự tạo ra một bảng màu của riêng mình từ những gì có thể tìm thấy, và sự kết hợp của các kỹ thuật thể hiện khác nhau đã dần hình thành nên “Hoa của Đường”. Tuy nhiên, người thầy đầu tiên của mình là mẹ và một quyển sách dạy thêu cũ bằng tiếng Trung. Điều này cũng khiến mình tránh được việc bắt chước một cách vô thức, vì ngay từ đầu, khi thêu trên chiếc bao gối, mình đã tự ra bản vẽ, tự học từng hoa và tự phối chúng với nhau trên nền vải. Việc tự học trên một quyển sách mà không đọc được nửa chữ thật sự đã khiến mình vất vả nhiều. Mình nhớ có một cái hoa, dù chỉ là hoa phụ điểm vào thôi nhưng đã khiến mình mất hai ngày trời. Mình lật đi lật lại quyển sách muốn rách bươm mà vẫn không hiểu được cách làm. Mẹ bảo mình giống một con rùa, cứ cắn chặt không buông. Cuối cùng thì mình cũng vỡ ra được.
Có một việc cũng khiến mình tránh được việc sao chép. Ấy là: Khi mình thêu, mình cũng như mọi người, tìm tư liệu trên internet. Nhưng đa phần, những gì mình tìm kiếm không phải là các bức thêu ruy băng. Nguồn của mình khá đa dạng: các sản phẩm thêu chỉ, các tác phẩm cắt giấy, nghệ thuật cắm hoa, tranh minh họa, tranh sơn dầu, tranh màu nước, tranh thủy mặc, đồ trang sức, cây cối, động vật, đồ gỗ… Tất cả, thậm chí là một câu thơ, một bài hát đều có thể trở thành nguồn tư liệu cho mình. Bạn có thể thấy một chiếc áo mà mình đã sử dụng kỹ thuật vẽ màu nước để tô lên các quả và cành lá hoàn toàn làm từ ruy băng satin màu trắng.
Style Republik: Đường có dự định trở thành một nghệ nhân thêu ruy băng chủ động hơn với những ý tưởng của riêng mình? Cảm hứng “hoa của Đường” thường bắt nguồn từ tự nhiên, từ những loài hoa cỏ xinh xắn và động vật. Bạn có bao giờ nghĩ rằng sẽ dần hướng đến việc sử dụng ruy băng lụa 100% và tự nhuộm màu ruy băng bằng thuốc nhuộm tự nhiên không?
Trần Đường: Thật ra, cho đến tận giờ, mình vẫn cảm thấy mình là một người thêu chủ động. Bởi vì đa số các khách hàng của mình đều khá nuông chiều mình. Họ biết rằng điểm mạnh nhất của mình là nếu để mình vui chơi như con trẻ, mình sẽ chơi thật cực lực. Nhưng dĩ nhiên, việc vui chơi nào cũng nằm trong một giới hạn nhất định. Ví dụ như Tùng Vũ, có một lần, cậu ấy nói ý tưởng cho mình là muốn thể hiện một khu vườn với hoa chủ đạo là Linh Lan, việc đó theo mình nghĩ, cũng giống như chơi game mà thực hiện các thử thách vậy. Làm một cái mình tự lên hết các khâu và làm một cái mà phải bắt buộc trong một loại khuôn khổ nào đó đều khiến mình hưng phấn. Tuy nhiên, vì mình có hợp tác với các shop nên việc phải làm đi làm lại một mẫu là điều không thể tránh, và cũng khiến mình buồn chán lắm. Giải pháp cho việc đó là thuyết phục những khách hàng để mình chủ động lên các mẫu mới cho họ. Họ có sản phẩm mới để thu hút khách hàng của họ, mình có niềm vui. Vậy mọi người đều có lợi.
Thực ra, mình đã sớm sử dụng chất liệu ruy băng voan và lụa tự nhiên chứ không phải chỉ sử dụng ruy băng satin, nhưng chất liệu voan không phải lúc nào cũng phù hợp với các ý tưởng, lụa tự nhiên giá thành khá cao và khi giặt xong hay dính nước sẽ bị nhăn; có thể đó là lý do vì sao các cô sử dụng chất liệu này để thêu tranh chủ yếu. Mình cũng muốn hy vọng người Việt mình có thể sản xuất loại ruy băng lụa nhuộm tự nhiên mà giá thành không quá cao để phù hợp với thị trường, bởi vì đa số các ruy băng lụa 100% tự nhiên bấy giờ mình đang sử dụng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc hay Nhật Bản.
— — —
Cám ơn những chia sẻ của Đường.
Bạn đọc có thể follow Trần Đường tại:
– Behance
Bùi Thùy An
Style Republik: An nghĩ sao về lĩnh vực thiết kế hoa văn in vải tại Việt Nam?
Bùi Thùy An: Lĩnh vực này hoàn toàn không mới trên thế giới nhưng lại là nghề nghiệp khá mới mẻ ở Việt Nam. Bản thân mình khi tốt nghiệp đại học mình cũng không hề nghĩ mình sẽ làm công việc này dù mình biết nó rất thú vị. Đa phần mọi người nghĩ học thiết kế thời trang thì ra trường sẽ làm nhà thiết kế thời trang nhưng thực ra bạn có rất nhiều lựa chọn khác để làm việc trong ngành này như làm kinh doanh thời trang, làm stylist, làm minh họa thời trang, etc. và làm thiết kế vải cũng có thể là một sự lựa chọn. Mình nghĩ điểm mấu chốt ở đây là bạn cần biết mình thích gì và có sự chuẩn bị cho nó dù có thể bạn chưa thấy cơ hội ở ngay trước mắt. Còn nếu bạn vẫn chưa xác định được mình thích gì thì hãy học và tìm hiểu bất cứ thứ gì bạn muốn, ở một thời điểm nào đấy trong cuộc sống bạn sẽ tự cảm ơn mình vì đã trang bị cho bản thân những kiến thức ấy.
Mình tình cờ có cơ hội đầu tiên khi một khách hàng từ Canada, sau khi xem portfolio với những minh họa thời trang mà mình có ứng dụng texture màu nước hỏi mình: Em có muốn thử dùng những texture và minh họa ấy để thiết kế vải cho tôi không? Tất nhiên mình đã nhận lời, không phải chỉ vì mình rất thích những thử thách mà còn vì trước đây, vì sự hiếu kì, mình học bất cứ thứ gì mình muốn, mình đã “vô tình” trang bị cho mình những kiến thức và kĩ năng để làm được công việc này dù mình không hề biết mình sẽ có cơ hội với nó. Khi cơ hội đến, mình biết mình có thể làm được. Thế nên mình nghĩ ở thời điểm hiện tại, có thể các bạn sinh viên chưa thấy được nhiều cơ hội với nghề này ở Việt Nam nhưng nếu bạn thực sự yêu thích và có sự chuẩn bị, cơ hội sẽ đến khi bạn sẵn sàng.
Style Republik: Đối với một Freelancer trong lĩnh vực Textile Print Design, quy trình làm việc với khách hàng như thế nào và khoảng bao lâu để hoàn tất?
Bùi Thùy An: Mình nghĩ mỗi Freelancer sẽ có quy trình và cách thức làm việc riêng, mình có 2 nguyên tắc: 1 là sử dụng thời gian làm việc với họ một cách hiệu quả vì thời gian cũng là một thứ tài sản và 2 là không bao giờ giao cho khách sản phẩm mà tự bản thân mình không hài lòng với chất lượng của nó trước. Chính vì thế, mình luôn trao đổi kĩ với khách hàng trước khi bắt tay vào việc để đảm bảo mình làm ra được thứ họ mong muốn một cách nhanh nhất, đẹp nhất mình có thể.
Đôi khi khách hàng đặt mình thiết kế vải cho những mẫu thời trang họ đã có, đôi khi mình phụ trách cả hai: thiết kế các sản phẩm thời trang và thiết kế vải cho chúng luôn. Thông thường khách hàng sẽ cho mình brief về những gì họ muốn trong mẫu thiết kế, loại pattern (seamless repeat hay placement), màu sắc, size, chất liệu vải họ muốn in, sản phẩm họ sẽ sản xuất từ vải in ấy, etc. Từ những thông tin khách hàng cung cấp mình sẽ tư vấn thêm cho họ nên theo hướng nào cho phù hợp với xu hướng mốt vải hiện tại, yếu tố thương mại và những sản phẩm thời trang sẽ được sản xuất từ mẫu vải đó. May mắn là đa phần khách hàng để mình quyết định hướng đi khi trao đổi, họ thường nói: tôi muốn chừa chỗ cho bạn chủ động sáng tạo. Sau khi hai bên đã thống nhất các phương án ý tưởng, mình sẽ làm draft rồi gửi cho khách hàng xem họ có muốn chỉnh sửa gì không trước khi có thiết kế cuối cùng. Thời gian làm việc tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng và độ phức tạp của mẫu vải mà họ đặt mình thiết kế.
Style Republik: An có thể chia sẻ một vài mục tiêu và kế hoạch công việc trong tương lai của mình không?
Bùi Thùy An: Cho dù ở hiện tại hay tương lai, mong muốn của mình về cuộc sống đơn giản là: được tự do, được làm công việc mình yêu thích và có thể yêu thương giúp đỡ mọi người, mình không cần quá nhiều để thấy mình bình yên, hạnh phúc.
Từ nhỏ đến giờ một trong những thứ mình chưa bao giờ từ bỏ là vẽ (cho dù ở thời điểm mình nghĩ mình không thể kiếm sống được với nó mà chỉ có thể giữ nó như một thú vui), nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Mình vẽ tay hầu hết các yếu tố mình sử dụng trong các thiết kế vải trước khi đưa vào phần mềm đồ họa để xử lý. Khi mình vẽ minh họa hay thiết kế vải, mình luôn được có cả hai: cả thời trang và cả vẽ. Quãng thời gian trước đây khi mình chưa bắt đầu với thiết kế vải mà chỉ làm minh họa thời trang mình đã rất vui vì mình có được cả hai thứ kể trên rồi, bây giờ được làm thêm một công việc nữa có tính chất tương tự mình thấy mình hạnh phúc hơn nữa. Trong tương lai mình muốn học hỏi thêm nữa, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn nữa để làm việc chuyên nghiệp hơn, tiến xa hơn với cả Fashion Illustration và Textile Print Design. Mình cũng đang có những kế hoạch mới để phát triển bản thân trên những lĩnh vực này, khi nào bắt đầu có thành quả mình sẽ tiết lộ.
Mình có thói quen mỗi ngày đều đọc, học một cái gì đấy mới nhỏ thôi, đơn giản thôi cũng được nhưng phải có cái gì đấy mới. Có thể một ngày nào đó mình sẽ lại có cơ hội, lại phát hiện ra mình có thể làm tốt một việc nữa như mình đã từng với Textile Print Design hay mình muốn phát triển kinh doanh. Cho dù đấy là gì mình sẽ không ngần ngại đón nhận nó vì mình thích nhìn thấy bản thân tự vượt qua giới hạn của chính mình, mình thích những thử thách. Nhưng với những gì mình có ở thời điểm hiện tại, mình biết mình yêu cả hai công việc này và mình có thể dùng chúng để bổ trợ cho nhau để phát triển trong tương lai.
Định nghĩa thành công của mình là: bản thân mình của ngày hôm nay phải tốt hơn mình của ngày hôm qua cho dù lúc ấy mình 20 hay 80 tuổi. Đấy cũng là mục tiêu, là kế hoạch tương lai của mình.
— — —
Cám ơn An đã chia sẻ cùng Style Republik.
Bạn đọc có thể follow An tại:
– Website
– Behance
Thực hiện phỏng vấn: Xu