Siêu mẫu Ánh Dương: Câu chuyện về một “international model” đời đầu mang vẻ đẹp thuần Việt
Ngày đăng: 09/10/21
Cách đây 40 năm, ở cái thời mà mạng xã hội còn chưa bùng nổ, cái thời mà khái niệm “It Girl” vẫn chưa xuất hiện, đã có một nàng mẫu gốc Việt làm khuynh đảo làng thời trang thế giới. Lần đầu tiên, người ta có một gương mặt Á Đông xuất hiện trên những trang bìa quyền lực Vogue, Elle và Harper’s Bazaar. Ngày còn trẻ, bà cũng từng kiêu hãnh sải bước bên cạnh Big 6 (Cindy Crawford, Linda Evangelista, Claudia Schiffer, Naomi Campbell, Christy Turlington và Kate Moss) trên khắp các sàn diễn danh giá.
Thế nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để kể về cuộc đời của nàng thơ Yves Saint Laurent gốc Việt: Ánh Dương.
Những tổn thương “đẹp đẽ đến lạ thường” trong những năm đầu đời
Ánh Dương sinh ngày 25 tháng 10 năm 1960 trong một gia đình định cư tại Pháp, với cha là người Việt còn mẹ là người Tây Ban Nha. Bà lớn lên với những vết thương lòng của đấng sinh thành: sự phân biệt chủng tộc và sự loạn lạc của chiến tranh.
Cha bà sinh ra ở Sài Gòn vào giữa những năm 30, và trưởng thành trong thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp. Với quan niệm chống lại chủ nghĩa thực dân ngày còn trẻ, ông buộc phải thực hiện một cuộc “đào tẩu” sang Pháp nhằm tránh việc phải ngồi tù. Ngay cả ở quê hương hay khi đã sang Pháp, cha bà luôn phải chịu sự phân biệt chủng tộc. Cảm giác cô đơn và lạc lõng dần trở thành bạn đồng hành trong suốt cuộc đời ông. Mẹ Ánh Dương cũng là một “nạn nhân” của chiến tranh và phải di dân từ Tây Ban Nha đến Pháp nhằm chạy trốn chủ nghĩa phát xít trong cuộc nội chiến tại quê nhà.
Dù vậy, bà vẫn luôn tự hào về gốc gác của mình và cho rằng đó là một phần trong DNA bà sẽ mang theo cả đời. Dù chưa từng nói tiếng Việt, ký ức về Việt Nam trong bà vẫn luôn là những điều tốt đẹp nhất. Chuyến đi về Việt Nam năm 1983 đã để lại dấu ấn trong Ánh Dương về sự ấm áp và bao dung của người Việt Nam, sau tất cả những đau thương do chiến tranh gây ra. Sự nồng hậu đó đã dạy bà về việc sống một cuộc đời phải luôn biết cho đi, điều mà Ánh Dương khẳng định sẽ không bao giờ đánh đổi vì bất kỳ điều gì khác.
Cuộc dạo chơi trong địa hạt thời trang
Gương mặt với khung xương khác lạ, vấn vương nét cổ điển kín đáo của phương Đông giữa một trời những cô nàng Tây Âu phóng khoáng đã giúp Ánh Dương nổi bật trong mắt những người làm thời trang. Thuở thiếu thời gắn liền với những vũ điệu ballet cổ điển, cùng những tổn thương từ hai nền văn hóa chiến tranh mà bà đánh giá là “đẹp đẽ đến lạ thường” đã tạo nên một một khí chất thời trang không lẫn được với ai của Ánh Dương.
Dẫu vậy, nếu không nhờ nhiếp ảnh gia David Seidner, có lẽ bầu trời thời trang thế giới sẽ mãi mãi không bao giờ được chứng kiến một vì sao mang tên Ánh Dương tỏa sáng. Ra mắt cùng bộ sưu tập Haute Couture của Yves Saint Laurent trên tạp chí Vogue năm 1986, Ánh Dương dần trở thành cái tên được khao khát bởi tất cả các nhà thiết kế.
Dấu giày bà “kinh” qua tất cả sàn runway của những nhà mốt cao cấp nhất thế giới như Christian Lacroix, Dolce & Gabbana, Dior,… Cái tên Ánh Dương cũng được xếp “ngồi chung mâm” cùng các siêu mẫu tên tuổi như Naomi Campbell, Christy Turlington, Linda Evangelista,… Ở thời điểm đó, “tài nguyên” thời trang của Ánh Dương cũng được thực hiện bởi những nhiếp ảnh gia hàng đầu như Steven Meisel, Michel Comte, và Peter Lindbergh.
Dù hiện tại không còn hoạt động thường xuyên như một người mẫu chuyên nghiệp, thi thoảng, giới mộ điệu vẫn thấy Ánh Dương xuất hiện trong các bộ ảnh quảng bá chiến dịch của nhà mốt J.Crew, Donna Karan, Bottega Veneta (2013) hay Kate Spade (2015 và 2016). Mới đây nhất, Ánh Dương đã xuất hiện cùng nam tài tử David Harbour trong bộ ảnh thời trang mới của người bạn thân Thom Browne.
Hội họa – niềm đam mê của cuộc đời
Sau hai năm tỏa sáng trên địa hạt thời trang, năm 1988, Ánh Dương quyết định dừng lại cuộc dạo chơi và trở lại với niềm đam mê lớn nhất của đời mình: hội họa chuyên nghiệp. “Khi hoạt động dưới vai trò của một người mẫu, tôi bị giới hạn bởi việc truyền tải những thông điệp của người khác. Chừng đấy là không đủ. Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ thực thụ, và tạo ra một thế giới của riêng mình”, Ánh Dương chia sẻ về cuộc chia tay đã làm những tín đồ yêu thời trang thời điểm đó phải hụt hẫng.
Khoảng thời gian đầu sau khi rời xa sàn diễn, Ánh Dương dành toàn bộ thời gian ở Montauk để tìm lại cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật của mình. Với bà, cuộc đối thoại giữa các sắc màu sẽ tạo nên hình thức, câu chuyện và xúc cảm ẩn sau mỗi bức tranh. Hội họa là nơi mà từng nét vẽ đều ẩn chứa một câu chuyện, một giấc mơ và một niềm hy vọng.
Những bức tự họa bản thân của Ánh Dương không chỉ đơn thuần là một bức vẽ chân dung với một cô người mẫu ngồi sẵn đó. Đó còn là phương thức tự soi chiếu lại tâm hồn mình, tâm sự với thế giới nội tâm của bản thân, điều mà bà cho rằng, một bức ảnh chụp chân dung không bao giờ thể hiện hết được.
Tranh tĩnh vật cũng được xem là một yếu tố quan trọng trong quá trình định hình cách “làm” nghệ thuật của Ánh Dương. Bà cho rằng, tranh tĩnh vật sẽ mở ra sự liên kết và gắn bó của chúng ta với mọi điều đang diễn ra xung quanh. Cái “động” trong tranh tĩnh vật nằm ở sự gần gũi và cách chúng “kể” với người xem về câu chuyện của người họa sĩ. Bắt đầu với khung giấy trắng, đặt niềm tin, dòng chảy tự do của cảm xúc, tình cảm, và những mong muốn chứ không đặt nặng những điều sẽ vẽ. Hội họa không xuất phát từ trong suy nghĩ (thinking), mà xuất phát từ tận sâu trong tiềm thức (subconscious).
Lý tưởng cuộc đời của một nàng thơ yêu nghệ thuật
Gần đây, những lý tưởng về vấn đề xã hội đã đưa Ánh Dương một lần nữa về với “ngôi nhà” của mình: ngành công nghiệp thời trang. Hợp tác với Peter Do, một nhà thiết kế gốc Việt tại Mỹ, người cũng đã trải qua làn sóng kỳ thị người châu Á, mang lại cho bà sự đồng cảm với câu chuyện tương tự của người cha.
Bắt đầu làm người mẫu khi ngành thời trang còn vô vàn những định kiến, Ánh Dương xem lần sự hợp tác này là một món quà bà dành cho bản thân và cộng đồng. “Bạn không nhất thiết phải là người da màu mới có thể ủng hộ #blacklivesmatter, và không chỉ có người châu Á mới ủng hộ phong trào #stopasianhate. Chúng ta cần được giáo dục về phân biệt chủng tộc thực sự là như thế nào.”
Có lẽ không ai hiểu rõ sự khắc nghiệt của ngành thời trang và sự tàn nhẫn của phân biệt chủng tộc hơn Ánh Dương. Dù được tôn vinh trên nhiều ấn phẩm thời trang trong suốt 4 thập kỷ, bà vẫn phải ngậm ngùi thừa nhận mình cũng là một nạn nhân của làn sóng kỳ thị người châu Á, ở một mức độ tinh vi và kín đáo hơn: bên cạnh cái tên Ánh Dương, luôn là một chiếc tag về xuất thân đặc biệt của bà.
Thực hiện: Diana Nguyễn