Kinh doanh thời trang: “Signature” – Dấu ấn thời trang là gì? Làm sao để khách hàng luôn nhớ đến thương hiệu?

Ngày đăng: 31/07/21

Sở hữu một phong cách đặc trưng riêng là một trong những điều đúng đắn nhất nên làm, hoặc buộc phải làm của một thương hiệu thời trang. Với một dấu ấn riêng biệt, thương hiệu sẽ dễ dàng để lại ấn tượng với người dùng thông qua sự nhất quán, và đi sâu vào tâm trí họ nhờ sự ghi nhớ những ký ức.

Ngược lại với những gì nhiều chuyên gia thời trang hay nói về sự khác biệt và mới mẻ, rằng nên thường xuyên làm mới thương hiệu qua các bộ sưu tập mỗi mùa để người xem không thấy nhàm chán. Việc định hình một phong cách riêng và duy trì nó qua nhiều năm là cách để thương hiệu thể hiện dấu ấn tinh tế của mình qua từng món đồ, và điều này góp phần giúp thương hiệu trở nên nổi bật, cũng như được mọi người nhắc đến nhiều hơn. Vì sao?

Người ta sẽ không biết nên nhắc về bạn thế nào, nếu bạn là một cá thể mà cái-gì-cũng-có nhưng lại không-có-gì-rõ-ràng. 

Hãy thử nhìn qua dấu ấn để lại của 5 thương hiệu nổi tiếng dưới đây, để thấy cách họ đã dần thu hút và khiến người dùng luôn nhớ về mình như thế nào, nhờ vào việc định hình và duy trì một phong cách, một dấu ấn rất riêng.

MAISON MARTIN MARGIELA

Maison Margiela là một hãng thời trang Pháp được thành lập tại Paris vào năm 1988 bởi nhà thiết kế người Bỉ Martin Margiela. Với tư duy khác lạ cùng những thiết kế không phân biệt giới tính, vũ trụ của  Maison Margiela được đánh giá là một trong những thương hiệu đầy khái niệm và bí ẩn nhất làng thời trang.

Một điều đặc trưng khác đến của Maison Margiela nằm ở chiếc tag áo. Thay vì may và ẩn giấu tag ở mặt trong, thương hiệu đã quyết định để lộ 4 mũi khâu ở mặt ngoài để bất cứ ai khi nhìn cũng biết ngay đó là sản phẩm từ nhà Maison Margiela. Nói một cách hài hước thì là một hình thức…lộ liễu nhưng vẫn đầy ý nhị.

THOM BROWNE

Nhắc đến 3 biểu ngữ ngang đỏ-trắng-xanh, nếu không phải là lá cờ Hà Lan, người ta sẽ nghĩ ngay đến những món đồ của nhà thiết kế người Mỹ Thom Browne với thương hiệu mang chính tên ông. 3 dải màu xuất hiện ở mọi nơi có tên Thom Browne, từ những chỗ ai cũng thấy như tay áo sơ mi, áo polo, đường viền khuy áo ngay chính giữa cho đến những chỗ không phải ai cũng thấy như chiếc tag được may phía sau cổ áo.

BURBERRY

Thương hiệu thời trang 158 năm tuổi của xứ sở sương mù, một trong năm thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới, Burberry với “con dấu” đặc trưng là họa tiết kẻ ô House Check với 3 màu đen, trắng và đỏ vẫn luôn là một tượng đài không thể xô đổ dù nó là một trong những họa tiết được nhái lại nhiều nhất trên thế giới. Hành trình của những chiếc áo mưa từ những ngày mới thành lập, cho đến mẫu trench coat đã định nghĩa lại khái niệm của một chiếc áo khoác, Burberry đã truyền cảm hứng và làm say đắm biết bao thế hệ yêu thời trang.

CHRISTIAN LOUBOUTIN

Vào năm 1992, nhà mốt Pháp này đã quyết định tạo ra một dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu, với tầm nhìn không chỉ là nâng tầm tên tuổi, mà còn là một sợi dây liên kết cảm xúc với người dùng. Với toàn bộ phần đế giày được sơn màu đỏ, họ nhắc nhớ những người phụ nữ về sự gợi cảm và quyền lực riêng của mỗi cá nhân. Kể cả khi phụ nữ ngày nay không còn bó buộc mình trong những đôi cao gót mà chuyển sang giày sneakers phóng khoáng, xu hướng đế đỏ này vẫn xuất hiện theo như một minh chứng về sự thành công của Christian Louboutin và sứ mệnh truyền cảm hứng đến phái đẹp. 

EVISU KAMOME

Hidehiko Yamane ra mắt thương hiệu thời trang Evisu Kamome vào năm 1992, với hình ảnh vẽ tay của một con mòng biển trên túi sau của chiếc quần jean (Kamome trong tiếng Nhật là nghĩa là con mòng biển). Ngày nay, trong khi các thương hiệu đang cố gắng phô trương thế lực để biến Nhật Bản dần trở thành một kinh đô thời trang mới của thế giới, thì Evisu Kamome đã len lỏi vào tâm trí người dùng từ lâu và trở thành biểu tượng với hình ảnh con mòng biển không dễ gì quên được.

Nếu 5 “chứng nhân” trên vẫn chưa đủ để thuyết phục bạn về việc thương hiệu thời trang nên sở hữu một “dấu ấn” riêng, hãy điểm qua 5 lợi ích dưới đây, dưới góc nhìn về một mối quan hệ hai chiều, để thuyết phục bạn rằng vì sao nên tạo ra một phong cách riêng cho thương hiệu của mình. 

1. Trở nên độc nhất

Để chiếm được sự chú ý trong thế giới thời trang rộng lớn là một điều khá khó khăn. Mọi chuyện sẽ càng chông gai hơn nếu bạn là một thương hiệu chỉ vừa mới “tập tễnh” tham gia vào thị trường với một “chiếc túi rỗng” và không có sự hậu thuẫn của bất kỳ thế lực nổi tiếng nào.

Vạn sự khởi đầu nan là điều không thể tránh, nhưng đừng để gian nan bắt đầu…nản. Thương hiệu mới hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế ở những giai đoạn sau bằng cách tạo ra một ký hiệu mà người ta nhìn là nhận ra ngay thương hiệu của bạn. Và để trở nên độc đáo, ký hiệu, phong cách riêng này nên mang dấu ấn hoặc câu chuyện về chặng đường dài mà thương hiệu của bạn đã vượt qua. Dấu ấn này, nếu thành công, sẽ ngay lập tức khiến thương hiệu trở nên khác biệt với phần còn lại của đám đông thị trường. 

Điều này cũng sẽ tạo ra một kết nối vô hình với khách hàng mục tiêu của thương hiệu.

2. Sự kết nối vô hình

Dấu ấn này có thể xem như là một “tín vật định tình” giữa thương hiệu và khách hàng. Mỗi khi khách hàng nhìn thấy sẽ lập tức nghĩ ngay đến thương hiệu của bạn. Và ở chiều ngược lại, thương hiệu cũng có thể gửi gắm những thông điệp, những tâm tư hoặc giá trị cảm xúc đến khách hàng thông qua “tín vật” này. 

Sự kết nối đặc biệt này, bằng một cách nào đó, sẽ tạo ra một cộng đồng riêng cho thương hiệu.

3. Xây dựng một cộng đồng nổi bật dành riêng cho thương hiệu

Khi thương hiệu tạo được một sợi dây kết nối cảm xúc với khách hàng, và nếu cảm xúc đó thường xuyên được tương tác với những nội dung sâu sắc và đích thực, thương hiệu sẽ có cơ hội và nền tảng để xây dựng một cộng đồng những người hâm mộ trung thành.

Cộng đồng này giống như một gia đình, từ những cá thể xa lạ, dần xây dựng lòng tin với nhau.

4. Xây dựng sự tin tưởng

Khi thương hiệu thu hút khách hàng bằng một cá tính độc đáo và một chiến lược truyền thông được đầu tư chỉn chu, thương hiệu đã thành công bước đầu trong việc xây dựng lòng tin nơi khách hàng. Lòng tin không đến từ những cuộc giao dịch mua bán, nó đến từ sự đồng điệu về tinh thần và các giá trị cảm xúc. Nó còn là lời hứa về giá trị và chất lượng của sản phẩm thương hiệu, điều sẽ giúp giữ chân khách hàng và khiến khách hàng thường xuyên quay lại ủng hộ thương hiệu

5. Thúc đẩy doanh số bán hàng

Cho đến cuối cùng, chức năng cốt lõi của bất kỳ thương hiệu nào cũng đều là phục vụ cho đối tượng khách hàng của mình thông qua việc cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng.

Như đã đề cập ở trên, để có thể khiến khách hàng thường xuyên nhớ về thương hiệu cũng như quay lại ủng hộ, thương hiệu cần cung cấp những gì tốt nhất mình có, cũng như đầu tư, sáng tạo hơn thế nữa để “giành” được sự tin tưởng và ghi nhớ của khách hàng, giữa hàng nghìn các thương hiệu đối thủ khác.

Một dấu ấn, ký hiệu riêng sẽ hoạt động như một mỏ neo, giữ cho thương hiệu của bạn luôn nổi bật, và hiện diện trong tâm trí của khách hàng. 

Dấu ấn riêng: Thứ vũ khí bí mật giúp khách hàng luôn nhớ đến thương hiệu.

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo Spell Brand