Skin Barrier – Lớp màng tự nhiên giúp bảo vệ da bị lãng quên
Ngày đăng: 18/01/22
Dạo một vòng trên các mạng xã hội, hội những người yêu làm đẹp hẳn không còn xa lạ với thuật ngữ Skin Barrier (Lớp màng bảo vệ da). Hơn 44 triệu lượt xem trên TikTok, 130.000 lượt đề cập với hashtag #skinbarrier trên Instagram, kết quả tìm kiếm trên Google tăng 72% so với năm ngoái là minh chứng hùng hồn cho sự tồn tại của khái niệm làm đẹp này. Vậy, lý do gì đã dẫn đến sự quan tâm của phái đẹp dành cho khái niệm này? Theo bác sĩ da liễu Sonia Khorana, câu trả lời nằm ở những thay đổi trong thói quen của người dùng những năm gần đây.
Ngành công nghiệp làm đẹp đã chứng kiến sự đổ bộ như vũ bão của các sản phẩm với chức năng chính là tái tạo bề mặt da. Retinoids, AHA, BHA, các sản phẩm lột da hoặc chứa các axit tẩy tế bào chết nổi lên như một trào lưu đã khiến người dùng sử dụng vô tội vạ mà không nắm rõ sự thật rằng: việc liên tục sử dụng các sản phẩm có tính chất “thay da” như vậy sẽ làm tổn thương nặng nề lớp màng bảo vệ tự nhiên trên da.
Có thể khẳng định rằng sẽ không có bất kỳ sản phẩm hay công nghệ nào có thể thay thế lớp màng bảo vệ tự nhiên này. Đáng tiếc thay, việc nôn nóng muốn sở hữu một làn da “thủy tinh” đang khiến chúng ta tự tay phá hủy đi lớp bảo vệ này bằng thói quen chăm sóc da không hợp lý.
Vậy, lớp màng bảo vệ da là gì?
Lớp màng bảo vệ da (skin barrier) là thành tố tiên quyết quyết định một làn da khoẻ mạnh. Lớp màng này được cấu thành chủ yếu từ các acid béo với cơ chế chính giúp bảo vệ da khỏi các tác động từ môi trường bên ngoài. Nói cách khác, “hàng rào chắn tự nhiên” này có nhiệm vụ giữ lại những thành phần có lợi (ngậm nước và các dưỡng chất), và loại bỏ các thành phần có hại (bụi bẩn và các tế bào chết) khỏi da.
“Làn da sẽ khỏe mạnh và hoạt động tốt dưới sự bảo vệ của một lớp rào chắn còn-nguyên-vẹn. Trong trường hợp lớp rào chắn bị tổn thương, dẫn đến mất độ ẩm và độ cân bằng pH, sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại và các chất gây kích ứng xâm nhập vào làn da.” Victoria Evans – Giám đốc Giáo dục tại Dermalogica giải thích.
Làm thế nào để xác định lớp màng bảo vệ da có đang bị tổn thương hay không?
Lớp màng bảo vệ hoạt động như một tấm khiên bao bọc da khỏi các tác nhân môi trường, thậm chí có thể chống tia UV, chống oxy hoá và các kháng sinh tự nhiên. Khi sự bảo vệ này bị mất đi, da rất dễ bị xâm nhập bởi các yếu tố bên ngoài như bụi bẩn, vi khuẩn, các tác nhân gây ung thư như tia cực tím. Khi đó, bạn sẽ dễ gặp phải các dấu hiệu như xuất hiện mụn do viêm nhiễm, da dễ bị cháy nắng, sần sùi và thô ráp. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy bị châm chích thường xuyên và vẫn sẽ nổi mụn dù đã sử dụng các thành phần giúp làm thông thoáng lỗ chân lông. Về lâu dài có thể dẫn đến những căn bệnh ngoài da nghiêm trọng như chàm, mụn trứng cá hoặc vẩy nến.
Nguyên nhân nào khiến lớp màng bảo vệ da bị tổn thương?
Sai lầm phổ biến nhất gây ra sự tổn thương cho lớp màng bảo vệ da đến từ việc để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt và sử dụng quá nhiều thành phần “mạnh bạo” với da. Tẩy tế bào chết với axit hoặc tái tạo da với retinol có thể mang lại hiệu quả tạm thời là một làn da căng mịn. Nhưng điều này chính là nguyên nhân chủ yếu phá hủy làn da từ sâu bên trong. Quan trọng hơn, làn da “mỏng manh” như vậy nếu không được che chắn kĩ dưới ánh mặt trời, sẽ càng trở nên “tổn thương” nghiêm trọng.
Làm thế nào để nuôi dưỡng lại một lớp màng bảo vệ bị tổn thương?
Thông thường sẽ mất từ 6 đến 8 tuần để nuôi dưỡng và phục hồi lại lớp màng bảo vệ bị tổn thương.
Khi đã xác định lớp hàng rào đang bị tổn thương, việc đầu tiên cần làm là dừng ngay các sản phẩm có chứa các hoạt chất mạnh mẽ ảnh hưởng đến da. Nên thay thế bằng các sản phẩm có tính chất dịu nhẹ và bổ sung nước để làm dịu và phục hồi lại độ ẩm cho da. Việc cấp ẩm là kim chỉ nam cho quá trình phục hồi này. Các thành phần như ceramides (một loại axit béo tốt – thành phần cấu tạo nên lớp màng bảo vệ da) glycerin (hoạt chất giữ ẩm) và niacinamide (vitamin B3) nên được ưu tiên sử dụng bởi khả năng cấp ẩm nhanh chóng cho làn da. Điều đặc biệt là đừng quên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày.
Gợi ý một số sản phẩm phù hợp giúp phục hồi và nuôi dưỡng một lớp màng bảo vệ da khỏe mạnh.
Biossance 100% Squalane Oil
Squalane là một chất chống oxy hóa tự nhiên và giúp giữ cho làn da luôn mềm mại, trẻ trung và ngậm nước. Do có cùng nguồn gốc từ axit béo cấu thành lên lớp màng bảo vệ da, bổ sung squalane là cách nhanh nhất để phục hồi lại chức năng của lớp màng mà không làm tắc nghẽn lỗ chân lông, ngay cả với làn da nhờn hoặc dễ bị mụn. Nên sử dụng sản phẩm này trong bước cuối cùng của chu kỳ dưỡng ẩm da mỗi ngày.
CeraVe Hydrating Facial Cleanser
Sữa rửa mặt là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình phục hồi lớp màng bảo vệ bị tổn thương. Thông thường, việc vệ sinh da mặt quá kỹ với các sản phẩm chứa surfactant (một chất hoạt động mạnh trên bề mặt da giúp loại bỏ các bụi bẩn và dầu thừa) là nguyên nhân dẫn đến lớp màng bảo vệ tự nhiên bị bào mòn và làn da khô ráp. CeraVe Hydrating Facial Cleanser với công thức dịu nhẹ và khả năng dưỡng ẩm sẽ làm sạch da nhẹ nhàng, tránh gây thêm tổn thương cho lớp màng bảo vệ da.
Facegym Supreme Restructure Firming Moisturizer
Kem dưỡng ẩm được chiết xuất từ đại dương, bao gồm phức hợp ceramide (một chất béo được tìm thấy trong các tế bào da) hoạt động như một chất keo giữ cho hàng rào bảo vệ da luôn khoẻ mạnh, giúp da luôn mềm mại và hạn chế gây kích ứng. Ngoài ra, với kết cấu phù hợp để massage mặt, có thể kết hợp sử dụng sản phẩm với những động tác massage cơ bản trong thời gian phù hợp để thư giãn và tăng khả năng thẩm thấu của các dưỡng chất.
Paula’s Choice Barrier Repair Moisturizer
Với công thức từ squalane và adenosine (một chất làm dịu và phục hồi da), dòng kem dưỡng từ nhà Paula’s Choice là sản phẩm lý tưởng để làm dịu các tình trạng viêm nhiễm và tổn thương nhẹ. Sản phẩm giàu hợp chất chất làm mềm và khóa ẩm, phục hồi một lớp màng bên trên bề mặt da, giúp ngăn chặn độ ẩm bị thoát ra cũng như bảo vệ da khỏi các tác nhân có hại.
Algenist AA Barrier Repair Serum
Algenist AA Barrier Repair Serum với kết cấu dạng gel mỏng nhẹ, gồm thành phần phục hồi và làm khỏe da như niacinamide, phloretin và axit alguronic sẽ bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho da mà không gây ra các tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo Hybe Bae