Nối gót Chanel và Dior, Gucci tham vọng mang dòng sản phẩm làm đẹp về quản lý trực tiếp dưới trướng?

Ngày đăng: 22/08/22

Gần đây, dân tình đang đồn thổi rằng tập đoàn xa xỉ của Pháp – Kering đang tìm cách lấn sân vào ít nhất một vài hoạt động kinh doanh mảng làm đẹp in-house. Đã từ lâu, Kering luôn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh thời trang của các thương hiệu trực thuộc, phải kể đến như Gucci, Bottega Veneta và Saint Laurent. Nhưng với các mặt hàng như nước hoa, makeup và skincare, Kering vẫn phụ thuộc vào các thoả thuận để sản xuất, phân phối thông qua Thương hiệu Coty (với các brand như Gucci, Bottega Veneta, YSL – hiện trực thuộc L’Oréal).


Trên thực tế, cũng không có gì là bất thường nếu một hãng thời trang outsource dòng sản phẩm làm đẹp, tuy nhiên, vẫn có một vài ngoại lệ: Chanel và Dior đều đang đang trực tiếp sở hữu và điều hành dòng sản phẩm làm đẹp của chính mình. Đặc biệt, cả hai đều đang phát triển mạnh mẽ, nhất là với nước hoa, doanh số đến từ nước hoa mà hai thương hiệu này bán ra còn nhiều hơn bất cứ nhãn hàng nào trên toàn thế giới!

Điều này cũng lý giải vì sao Kering quyết định làm điều tương tự. Tập đoàn này có vẻ muốn xây dựng “con cưng” Gucci – thương hiệu “ăn nên làm ra” nhất dưới trướng Kering – chiếm hơn 50% doanh thu và 2/3 lợi nhuận, trở thành một thương hiệu hàng đầu với doanh thu 15 tỷ euro hàng năm. Để làm được điều đó, Kering cần một bước tiến, bằng việc mở rộng danh mục bán hàng (bao gồm mục tiêu chinh phục mảng làm đẹp) và nắm giữ toàn bộ doanh thu một cách trực tiếp. Trong mảng thời trang, Kering cũng đang làm điều tương tự, tập trung hướng doanh thu bán hàng của Gucci đến các cửa hàng trực thuộc, và tránh xa các bên bán lẻ thứ ba.


Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một mất mát kinh hoàng đối với Coty.

Gucci là một trong những thương hiệu “cá kiếm” nhiều nhất trong danh mục đầu tư của Coty, bao gồm Chloé, Burberry, Marc Jacobs Perfume, Bottega Veneta và Calvin Klein. Vào tháng 5, Sue Nabi – Giám đốc điều hành của Coty đã nức tiếng khen ngợi Gucci’s Flora Gorgeous Gardenia là một “Đại thành công”, đây là một trong ba loại nước hoa dẫn đầu doanh số của công ty, cùng với Burberry Hero và Hugo Boss The Scent.

Nước hoa Gucci’s Flora Gorgeous Gardenia
Danh sách các thương hiệu mảng làm đẹp Coty đang phân phối hiện tại

Hiện tại, mọi tin tức vẫn đang chỉ là những câu chuyện phiếm trong giới thời trang. Vào tuần trước, WWD đã đăng tải báo cáo việc dư luận đang xôn xao về tiềm năng phát triển của Kering khi tham gia vào lĩnh vực làm đẹp, ngay sau khi nhóm này thu thập được thông tin vào tháng trước.

Tháng 7 năm nay, Kering đã ám chỉ rằng hoạt động kinh doanh mảng làm đẹp của tập đoàn rất có thể sẽ theo chân “Mắt kính” – dòng sản phẩm đã được đưa về sản xuất và phân phối in-house thông qua việc hợp tác với Richemont.

“Thành công của chúng ta với Kering Eyewear đã chứng tỏ rằng: Chúng ta có thể tạo ra nhiều giá trị cho các thương hiệu, đó là kết quả thực hiện của việc hàng loạt phương pháp tiếp cận đầy đột phá và sáng tạo.” Jean-Francois Palus, giám đốc điều hành của tập đoàn Kering cho biết trong một cuộc gọi hội nghị. “Vì vậy, làm đẹp chắc chắn là một lĩnh vực mà chúng ta có thể cân nhắc trong tương lai, và tất cả các con đường thì đều đang rộng mở.”

Kering và Coty từ chối bình luận thêm.

Tuy nhiên, có một lý do khiến các thương hiệu cao cấp giám sát “từng ly từng tý” cho mảng thời trang của họ, nhưng thường lựa chọn cấp phép cho bên thứ ba sản xuất và phân phối cho các dòng sản phẩm làm đẹp. Nước hoa hoặc son môi tuy có giá bán thấp hơn túi xách hoặc giày dép, nhưng mang lại lợi nhuận cao và luôn là cách hiệu quả để thu hút khách hàng mới. Các công ty như Coty và L’Oréal có cơ sở hạ tầng để sản xuất và phân phối các sản phẩm nước hoa, makeup và skincare, và những kiến thức chuyên môn về mảng này thì không phải lúc nào cũng đến ừ các thương hiệu thời trang cao cấp.

Với một số công ty được cấp phép, dẫn đầu là Coty và L’Oréal, nước hoa có lẽ là danh mục có tính tiên quyết và cạnh tranh cao nhất trong doanh số mảng làm đẹp.

Chỉ một loại nước hoa duy nhất cũng có thể mang lại doanh thu hàng trăm triệu đô la mỗi năm cho những công ty này. Hiếm có loại son môi hoặc kem dưỡng ẩm nào có thể đạt được doanh số “khủng” đến thế. Thông thường, khi mỗi thương hiệu tung ra một mùi hương chủ đạo hàng năm, họ phải chi hàng triệu đô la cho hoạt động marketing: bao gồm cả đại sứ, KOL; TV, quảng cáo ngoài trời và tạp chí; cửa hàng, và hơn thế nữa. Áp lực để thành công là cực kỳ lớn. Một lần, chủ tịch của một tập đoàn mỹ phẩm trị giá hàng tỷ đô la đã nhắn tin tôi để cầu xin vị trí “trang nhất” trong WWD khi ra mắt nước hoa, đây là công ty được cấp phép đầu tiên dám thoả thuận với thương hiệu xa xỉ để làm điều đó.

Dĩ nhiên, đây không phải là cách “display” trang bìa một cách thông thường, nhưng tôi hiểu vì sao nhà điều hành công ty này lại cần phải cầu xin một chiếc bìa: Nếu mùi hương năm đó ế hàng, thì bảng xếp hạng nước hoa của toàn công ty sẽ rớt thê thảm. Và nếu các thương hiệu không hài lòng với các thoả thuận cùng công ty được cấp phép này, hoặc là họ sẽ hợp tác với đối thủ khác, hoặc là, thương hiệu sẽ trực tiếp tiếp quản mảng làm đẹp.

Tin tốt là Coty sẽ có thời gian để giải quyết mọi vấn đề với Kering. Trong một bản báo cáo gửi cho các nhà đầu tư của mình vào mùa xuân năm ngoái, Coty xác nhận rằng “không có thoả thuận nào thay đổi trong 5 năm tới”. Điều đó có nghĩa là, thời gian sớm nhất mà Kering có thể mang dòng sản phẩm làm đẹp về dưới trướng của mình (nếu họ quyết tâm làm vậy), là ở năm 2026.

Bốn năm là một khoảng thời gian dài, và Coty đang rất nỗ lực để đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình. Tất nhiên, bốn năm cũng là khoảng thời gian đủ để Kering xây dựng đội ngũ cho dòng sản phẩm làm đẹp của riêng mình.

Vậy, liệu Kering có quyết tâm chinh phục lĩnh vực mới này không? Hãy cùng Style Republik đón chờ nhé!

Chuyển ngữ: Heidi Trương

Theo RACHEL STRUGATZ – The Business of Fashion