Thị trường bán lại hàng cao cấp có thể tăng trưởng gấp 5 lần, theo Bloomberg
Ngày đăng: 30/03/23
Trong báo cáo về thị trường cho thuê và bán lại hàng hoá cao cấp, dự báo lĩnh vực này có sự tăng trưởng nhanh chóng và sẽ phát triển gấp 5 lần sau năm 2025.
Trọng tâm vẫn là thị trường resale (bán lại) vốn đang trên đà tăng trưởng suốt thời gian qua. Trong đó, các trang web bán lại, tiêu biểu như Vestiaire Collective đang làm rung chuyển giới thời trang.
Báo cáo cũng cho biết thêm “các mô hình kinh doanh tuần hoàn có tiềm năng tăng lên 23% trong thị trường thời trang toàn cầu vào năm 2030, do nhận thức về tính bền vững của người tiêu dùng ngày càng tăng và áp lực lạm phát làm siết chặt sức chi tiêu”.
Sự phát triển của thị trường resale ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các thương hiệu. Nếu họ bỏ qua thị trường resale, khách hàng của họ có thể mua sắm hàng hóa của thương hiệu nhưng được bán lại trên các trang web khác. Đơn cử như Zara đã nhận thấy vấn đề này.
Mùa Thu năm ngoái, Zara (thuộc tập đoàn Inditex) tung ra chương trình resale mang tính thử nghiệm tại Anh. Điều này xảy ra khi Zara nhận ra sản phẩm của thương hiệu xuất hiện nhiều trên Depop (ứng dụng giúp người dùng mua và bán quần áo, phụ kiện thời trang). Vào năm 2021, sản phẩm Zara mang lại cho nền tảng resale là 50.1 triệu bảng doanh thu. Inditex nhận thấy tiềm năng của mảng này và muốn kiểm soát việc bán lại hàng hoá của chính thương hiệu.
Báo cáo nhấn mạnh: “Các nhà bán lẻ đang phát triển nền tảng bán lại của riêng họ sẽ có được nguồn doanh thu trong khi những nhà bán lẻ khác có thể chuyển đổi doanh số bán hàng sang nền tảng C2C*.” (C2C – Customer to customer là một mô hình kinh doanh theo đó khách hàng có thể giao dịch với nhau, điển hình là trong môi trường trực tuyến).
Báo cáo cũng cho biết “bán lại là cơ hội để các thương hiệu cao cấp có được những khách hàng cao cấp, tạo ra doanh thu mới. Kering đã mua 5% cổ phần của nền tảng bán lại Vestaire Collective như một phần của chiến lược thu hút người tiêu dùng trẻ hơn, có ý thức bảo vệ môi trường. ID kỹ thuật số sẽ là chìa khóa trong hoạt động bán lại hàng hoá xa xỉ và Chloé thuộc sở hữu của Richemont đã ra mắt ID sản phẩm cho phép ‘bán lại ngay lập tức’ với tính xác thực và thông tin xác thực xanh, rất quan trọng để khắc phục rủi ro làm giả”.
Một điều cần lưu ý rằng các sản phẩm cao cấp sẽ có nhiều tiềm năng hơn ở thị trường bán lại vì cao cấp đồng nghĩa với tuổi đời và chất lượng. Trong khi đó thời trang nhanh vốn dễ hư hại sau một vài lần giặt thì không. Cuối năm 2022, Vestiaire Collective – một nền tảng chuyên về “resale”, đã tuyên bố không chấp nhận các mặt hàng thời trang nhanh. Trong danh sách bị từ chối có các thương hiệu thời trang nhanh quen thuộc như Shein, Fashion Nova, Topman, Topshop….
Song song đó, ở một khía cạnh khác, Chiến lược của EU về Dệt may tuần hoàn và bền vững cũng đề xuất rằng đến năm 2030, hàng dệt may vào EU phải bền, có thể sửa chữa và tái chế.
Tại Việt Nam, các chuỗi cửa hàng thanh lý ký gửi quần áo, phụ kiện thời trang cũng đang phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, do nhu cầu bán lại quần áo sau một vài lần mặc tăng cao. Các local brand cần lưu ý điều này và cân nhắc thêm trong việc phát triển sản phẩm khi ra mắt các bộ sưu tập.
Thực hiện: K.