Thời trang Việt dịp cuối năm sôi động cùng đồ án tốt nghiệp từ sinh viên thời trang trường Văn Lang 

Ngày đăng: 04/01/23

Vẫn bùng nổ và khuấy động như mọi khi, mỗi mùa đồ án của sinh viên thời trang Văn Lang không chỉ khiến người xem mãn nhãn vì những dấu ấn sáng tạo ngoạn mục mà còn giúp giới mộ điệu khám phá được nhiều tư duy thời trang khác biệt của người trẻ. Và đồ án tốt nghiệp năm 2022 của K24TT trường Văn Lang cũng không bao giờ làm chúng ta thất vọng.

Với sự lên ngôi, phổ biến của các nhà thiết kế trẻ hiện nay cái “gật gù” của làng mốt dành cho những thiết kế không trộn lẫn của họ, có lẽ đã đến lúc thế giới thời trang phải “thay máu”. Thời trang thời đại mới dường như không còn dành quá nhiều “spotlight” cho sự hoàn mỹ, vẻ đẹp mộng mơ không tưởng thay vào đó là một lăng kính hoàn toàn mới mẻ, độc bản, đậm chất tương lai, bất quy tắc, táo bạo và không trộn lẫn với bất cứ ai. Trong lăng kính thời trang của những người trẻ, người xem sẽ không thể đoán trước được điều gì hay xu hướng cụ thể nào tiếp theo, đôi khi chúng ta cũng bất ngờ với loạt bản phối độc đáo mà ít ai có thể nghĩ đến. Ở thời đại mới, thời trang cũng dần phải nói lời tạm biệt với những nhà thiết kế gạo cội để tiếp tục chào đón những tài năng trẻ – những người làm sáng tạo vô cùng khác biệt và có thể làm cả thế giới thời trang rung chuyển trong tương lai. Những bộ sưu tập trong đợt đồ án của K24TT từ trường Văn Lang sẽ là các minh chứng cụ thể cho điều đấy, cùng Style-Republik điểm qua những bộ sưu tập nổi bật nhất từ đợt đồ án đặc sắc từ sinh viên thời trang trường Văn Lang nhé!

Trần Hồ Bảo Khôi và BST Nguệch Ngoạc

Bộ sưu tập “Nguệch Ngoạc” được nhà thiết kế trẻ Bảo Khôi lấy cảm hứng trực tiếp từ các nét vẽ nguệch ngoạc, vụng về nhưng ngây thơ, trong sáng và đầy sáng tạo của trẻ em – mầm non của cuộc sống. Chủ đề được phát triển xuyên suốt trong bộ sưu tập chính là hình ảnh loài Hoa Sao Nhái, Lân Việt Nam và Lễ Hội Người Chết Día de Muertos, đây cũng chính là những đề tài mà Khôi đã từng làm trong những đồ án trước đây. Thông qua góc nhìn từ các nét vẽ trẻ con, các đề tài cũ được làm mới với màu sắc tươi mới, phóng khoáng và đầy ấn tượng trong bộ sưu tập mới lần này. 

Chính tâm hồn hồn nhiên và trong sáng của tuổi thơ đã được thể hiện bằng những phom dáng trừu tượng, những gam màu nổi bật kết hợp với nhau không theo theo một quy tắc nào nhất định, và cả loạt bản in nguệch ngoạc mô phỏng các đường vẻ của trẻ em. Kỹ thuật đan len và chần bông thịnh hành cũng là các dấu ấn kỹ thuật chủ đạo xuyên suốt trong bộ sưu tập.

Nguyễn Ngọc Nhi và BST Elysium

“Elysium” là một cuộc dạo chơi quanh khu vườn đầy hoa, tươi mát và đủ màu sắc. Bầu không khí trong trẻo yên bình, nắng chiều vàng sau cơn mưa cũng trở nên êm ả, lướt nhẹ trên vườn hoa rộng lớn cùng với sắc màu cuộc sống được hồi sinh tươi tắn, xuyên qua từng nhành cây kẽ lá rồi bất chợt nhốt vào những hạt mưa còn đọng lại trên đầu những cánh hoa mỏng manh vừa hé nở. Và từ đó, tìm đến sự nhẹ nhàng, ngọt ngào nhưng cũng đầy mộng mơ, mờ ảo. Khu vườn trong mưa tuyệt đẹp đấy cũng là nguồn cảm hứng để NTK trẻ Nguyễn Ngọc Nhi cho ra bộ sưu tập Elysium. BST tràn ngập những sắc màu tươi tắn của cánh hoa, hòa quyện với lớp đá pha lê tựa như những giọt sương đọng lại trên lá cây sau cơn mưa,… thông qua đó thể hiện tinh thần vui vẻ và tươi tắn. 

“Elysium” được khai thác theo “hiệu ứng Tyndall” – hiệu ứng tán sáng tự nhiên, tạo nên những hình khối khác nhau dưới các sắc độ và yếu tố sáng tối, từ đó mang đến sự nhẹ nhàng, tinh tế và vô cùng ấn tượng. Ở bộ sưu tập này NTK trẻ đã tập trung vào độ trong suốt của chất liệu và cách kỹ thuật xử lý chất liệu với các loại vải như organza, lưới và hạt trong suốt để mô phỏng lại vẻ đẹp mơ mộng của những cánh hoa cùng những giọt mưa long lanh. Kỹ thuật xếp chồng vải trong suốt chồng lên nhau cũng tạo nên sự lãng mạn mơ mộng. 

Nguyễn Lê Thuận Yên và BST Rust

Bộ sưu tập Rust của Nguyễn Lê Thuận khai thác hình ảnh kim loại khi tiếp xúc với oxygen và độ ẩm trong một khoảng thời gian dài tạo thành một hợp chất có tên là Oxide sắt mới – hay còn được gọi là gỉ sét theo từng giai đoạn. Từ lúc nguyên vẹn khi chịu ảnh hưởng của thời gian, môi trường đến khi tróc sơn do gỉ sét trở nên giòn và nứt gãy. Từ BST nhận thấy việc thời gian và môi trường ảnh hưởng rất nhiều lên mọi mặt của cuộc sống, có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu, trong mỗi căn nhà và dễ nhìn thấy nhất là hiện tượng ăn mòn phá huỷ kim loại của gỉ sét.

Qua góc nhìn của thời trang đầy duy mỹ, BST khai thác một khía cạnh quen thuộc của cuộc sống thông qua bề mặt chất liệu kết hợp cùng phong cách du mục đầy phóng khoáng. Bên cạnh đó, tập trung khai thác bề mặt kim loại gỉ bằng màu sắc như cam, nâu, đỏ bằng cách xử lý chất liệu felting, những vết trầy xước, bong tróc ngẫu nhiên lộn xộn bằng kỹ thuật móc len, chạy chỉ không thống nhất. Thể hiện gỉ khiến kim loại giòn và nứt gãy tạo ra những mảng màu gỉ riêng biệt với lớp sơn bảo vệ bằng phương pháp slashing, sần sùi bằng tufting, …

Nguyễn Ngọc Kim Ngân và BST Ngày Hạnh Phúc

Bộ sưu tập “Ngày Hạnh Phúc” được NTK trẻ Nguyễn Ngọc Kim Ngân lấy cảm hứng từ đám cưới của ba mẹ. Bộ sưu tập là sự khai thác các kỉ vật và các hiện vật trong ngày trọng đại từ lắc cưới hoa 4 cánh (cỏ 4 lá) biểu tượng cho niềm tin- hy vọng- tình yêu và sự may mắn; hoa cẩm chướng kết hợp hoa hồng trắng biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu, mong muốn bên nhau trọn đời và trung thành trong tình yêu; lồng đèn đỏ biểu tượng của sự may mắn và sung túc; đến chiếc nơ trên cổ áo ba biểu tượng của sự lịch lãm và kiêu hãnh. Hệ thống họa tiết trong bộ sưu tập cũng được xây dựng trên các kỉ vật và hiện vật trong ngày cưới, bằng phương pháp smocking kết hợp với đính đá, chần bông kết hợp đính kết, xỏ khuy và thắt dây tạo họa tiết kết hợp với phom dáng phồng to thể hiện sự trang trọng và xúc cảm hạnh phúc ngập tràn trong ngày cưới của ba mẹ khi quyết định gắn kết cuộc đời với nửa kia.

Phong cách bộ sưu tập là sự trải dài của các màu sắc ngọt ngào và hiện đại, là sự cường điệu hóa và nhấn mạnh vào sự gắn kết và những hi vọng hạnh phúc giản đơn của ba mẹ cũng như của mỗi con người khi có thể gắn kết với một người mình yêu thương. Với góc nhìn mới mẻ hơn thông qua ngôn ngữ thời trang và các thiết kế độc đáo, NTK mong muốn có thể truyền tải đến mọi người thông điệp: Sự gắn kết trong tình yêu sẽ còn mãi khi chúng ta biết cách giữ gìn, trân trọng những thứ mình đang có, dù là những thứ đơn giản và nhỏ nhất.

Phạm Hiếu Nhân và BST Xoảng

Tuổi thơ luôn là một trong những khoảng thời gian đáng nhớ mà bất kể ai cũng muốn được quay lại một lần, trong ký ức tuổi thơ của NTK trẻ Phạm Hiếu Nhân có một mảnh ký ức mà khi nhắc về luôn làm NTK hào hứng, đó là những lần chơi đùa với những mảnh vỡ của chén đĩa. Chính những xúc cảm đó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhà thiết kế cho ra đời BST “ Xoảng”.

Bộ sưu tập “Xoảng” lấy ý tưởng từ cách chơi đùa với những mảnh chén dĩa vỡ trong ký ức tuổi thơ. Từ những mảnh vỡ đó trẻ em có thể tận dụng để chơi ô ăn quan, lò cò, xếp các mảnh vỡ thành hình, vẽ bậy trên tường bằng những mảnh vỡ…Và từ những điều quen thuộc đó đã được khắc họa tinh tế thông qua tư duy thời trang đầy duy mỹ của NTK trẻ. Những mảnh vỡ đó được thể hiện qua những đường cắt xẻ thời thượng vừa quyến rũ, tạo điểm nổi bật cho tổng thể vừa hiện đại. Những họa tiết quen thuộc trên chén dĩa xưa cũng được khắc họa trên những thiết kể trong “Xoảng” tạo nên những bản in vừa cổ điển vừa độc đáo, thời thường. Thông qua bộ sưu tập, NTK trẻ muốn truyền tải thông điệp: Dù chỉ là những mảnh vỡ không hoàn hảo, tuy nhiên nếu khai thác đúng cách thì cũng có thể góp phần trở thành những thứ hoàn hảo hơn.

Nguyễn Hoàng Đông Nghi và BST Sleep Wander

Bộ sưu tập Sleep Wander được NTK trẻ Đông Nghi lấy ý tưởng và cảm hứng từ trải nghiệm của ba giấc mơ trong cùng một cơn mơ, trải nghiệm đó được kể lại bằng hình ảnh của những bông hoa và cảm xúc khó tả khi vừa tỉnh dậy của chính NTK.

Hai loài hoa Scabiosa và Globe Thistle chính là hai hình ảnh được khai thác chủ đạo cùng đó là sự đan xen với những cảm xúc hỗn mang khi cơ thể vừa choàng tỉnh sau chuyến du hành kết hợp với những xúc giác mẫn cảm từ thói quen ngủ quấn mền của bản thân được khắc họa bằng những gam màu cùng bản in trừu tượng. Thói quen ngủ quấn mền cũng chính là cảm hứng chính cho sự đổ lệch trên phom dáng trên trang phục, chất liệu và xử lí chần bông trong chất liệu. Những yếu tố này là một trong những yếu tố chủ chốt dẫn dắt và gợi mở toàn thể bộ sưu tập. Đối với NTK, diễn cảnh ở mỗi giấc mơ đều khác nhau song tựu trung chúng đều có thể tìm thấy sự tương đồng ở sự vô lý, loạn xạ và giả lập sự thật đến nỗi bản thân cá thể đã phân biệt được đâu là mơ. Đặc trưng này đã gợi ý cho đặc điểm xáo trộn, hỗn độn, mất trật tự của các chi tiết trên trang phục. 

Ở giấc mơ đầu tiên, cảm giác giấc mơ tuy náo loạn nhưng vẫn rất nhẹ nhàng và êm ái. Giấc mơ này đã được hữu hình hóa bằng loại hoa Scabiosa thông qua các kĩ thuật đan dệt ngẫu nhiên, nhẹ nhàng và chậm rãi đón lấy bóng dáng của loài hoa này vào hình dáng trang phục. Giấc mơ thứ hai tưởng chừng như chỉ là một cơn mộng mị thoáng qua, rời đi mà không đọng lại một vết tích gì. Bản thân chủ thể chỉ mơ hồ lượm nhặt vết tích cùng cảm giác sự hiện diện của giấc mơ này. Dẫu biết rằng mình đã mơ nhưng lại không tài nào cắt nghĩa được diễn biến. Đến giấc mơ thứ ba, mọi thứ tựa như diễn ra vô cùng sống động nhưng diễn biến lại tồn tại một vài điểm trống vì bản thể không thể nhớ được liền mạch các diễn biến đó. Các phương pháp xỏ hạt, móc – đan len, cut up đính vải đã được sử dụng để mô tả cho sự gắn kết rời rạc và náo loạn này. Một số chi tiết trên trang phục bỗng mất đi và được vá lại (hoặc không) một cách ngẫu nhiên bằng phương pháp móc và đan để thể hiện cho việc bộ não cá thể tự cóp nhặt các mảnh vụn giữa thế giới thực và cõi mộng, chắp vá ký ức tự phòng bị cho bản thân trước việc nhớ quên các ký ức trong giấc mơ. Giấc mơ này còn được hữu hình hóa qua loài hoa Globe Thistle. 

Khi chuyến miên hành vùng viễn du đến hồi kết, những cảm giác mơ hồ, vui buồn lẫn lộn, đủ đầy và trống rỗng chực chờ ôm lấy. Các yếu tố màu sắc phủ lên toàn bộ màu sưu tập được chọn lọc với mong muốn có thể lột tả chân thật các miền cảm giác chơi vơi ấy. Và sau cuối cảm hứng đồ ngủ được dùng cho việc vẽ nên các thiết kế với mong muốn những kẻ “miên hành” có thể thoải mái nhưng vẫn nổi bật trên chuyến du hành thú vị này.

Trang Anh Đức cùng BST Linh Sắc

Bộ sưu tập “Linh Sắc” được lấy cảm hứng từ tranh thờ ngũ hổ (Hàng Trống) – một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Việt. BST được khai thác qua cái nhìn đa chiều từ xa đến gần, từ ngoài vào trong vị trí trung tâm, cụ thể qua từng chi tiết hình ảnh trong tranh như: mây, đất, cờ, gươm,..và những hình ảnh đường cong chuyển động của hổ. Tất cả được nhìn một cách rất cụ thể qua từng cụm chi tiết trong tranh.. Kết hợp phong cách biker cho ra BST với hình ảnh trong tranh tuy truyền thống nhưng kết hợp cùng phong cách hiện đại đã cho ra một sự kết nối rất độc đáo và mới lạ. Thông qua đó nhằm thể hiện tinh thần mạnh mẽ, cá tính và đầy quyền lực.

 Nguyễn Thành Đạt cùng BST Butterfly

Sự ấn tượng với vẻ đẹp mộng mơ và kỳ diệu của loài bướm trắng đã gợi cho NTK trẻ Nguyễn Thành Đạt nhiều nguồn cảm hứng và cho ra đời BST Butterfly. Cùng với những phương pháp xử  lý bề mặt ví như đính kết, cắt laser dựa theo mô tuýp của gân, bề mặt cánh bướm cũng như các chi tiết kỹ thuật như draping dựng nơ, xếp vải tạo hình cánh bướm ở nhiều góc đô, góc nhìṇ, Butterfly đã đem đến một bữa tiệc thời trang đầy mãn nhãn. Những thiết kế độc đáo đều nổi bật trên một sắc trắng tinh khiết chủ đạo, tạo nên những “chú bướm trắng” lung linh và đầy huyền ảo. 

Nguyễn Hoàng Thuỷ Tiên cùng BST Ngọt

Sự ngọt ngào luôn là sở thích của đa số các cô gái và đối với tôi đồ ngọt là món ăn yêu thích từ cả tuổi thơ đến hiện tại. Các món ngọt không chỉ mang lại sự ngọt ngào cảm nhận từ vị giác mà còn kích thích thị giác nhờ hình dáng, màu sắc dễ thương, còn có tác dụng với tinh thần giúp giảm stress, lo lắng, căng thẳng. Đây cũng cảm hứng mà NTK trẻ Thủy Tiên tạo nên BST tốt nghiệp Ngọt. Ở BST chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những món đồ ngọt quen thuộc như kem ốc quế, bánh cupcake, kẹo lollipop, marshmallow được khắc họa thành những thiết kế thời trang độc đáo. Hình dáng của kem từ lúc mới làm cho đến lúc chảy, rơi xuống và sắp thành nước, cấu tạo bồng bềnh, mềm xốp của kem và vỏ bánh cupcake, các nếp xoắn, cuộn nhiều màu của kẹo… được thể hiện bằng các giải pháp xử lý bề mặt, nhún bèo, cuốn biên, đính kết, xỏ hạt, chạy thun, tạo khối, đan len, ủi nhăn,… kết hợp với các màu pastel tạo cảm giác ngọt ngào dễ thương theo tinh thần của bộ sưu tập.

 Nguyễn Thị Thảo Vy cùng BST White Spring Moth

Bộ sưu tập “ White Spring Moth” được lấy NTK trẻ Thảo Vy lấy cảm hứng từ sự chuyển hoá, lột xác đến từ những chú bướm trắng trông thì xinh đẹp nhưng để có được vẻ đẹp đó thì chúng phảitrải qua những điều thật sự đáng nhớ, giống như cách mà những cô gái nhỏ rời khỏi ngôi nhà quen thuộc để đến với cuộc sống mới đầy đặc biệt. Vì chính sự đáng yêu của một cô gái mang trên mình một chiếc váy cưới trong ngày lớn lên nên sự xuất hiện bộ sưu tập này đã ở đây.

Bộ sưu tập White Spring Moth được lấy ý tưởng từ loài bướm Lomographa Vestaliata trắng tinh khôi kết hợp với trang phục cưới. Sử dụng nghệ thuật đính kết, xử lý bề mặt vải để tạo nên chất liệu mới của bộ sưu tập tốt nghiệp thể hiện rõ hình ảnh loài bướm từ trứng trở thành bướm trưởng thành. Với mong muốn sự lột bỏ trưởng thành của phụ nữ sẽ trở thành phiên bản hoàn hảo và xinh đẹp nhất.

Thực hiện Huỳnh Trân