Thuật ngữ Fairtrade, Ethical, Handmade được quảng cáo trên sản phẩm có gì khác nhau?
Ngày đăng: 22/09/21
Có bao giờ bạn cảm thấy bối rối với các thuật ngữ mô tả về sản phẩm mà bạn nhìn thấy trên quảng cáo? Có bao giờ bạn tự hỏi những quyết định mua sắm của mình dựa trên điều gì? Nếu bạn là một người tiêu dùng quan tâm tới các sản phẩm được làm ra dưới sự “có ý thức, chu đáo, sản xuất tử tế” hay thường đưa ra quyết định mua sắm dựa trên các tiêu chí về môi trường và xã hội; hay bạn đang bối rối bởi các thuật ngữ quảng cáo này thì đây là bài viết dành cho bạn.
Bài viết này sẽ đề cập đến 3 thuật ngữ thường được dùng trong các sản phẩm trên thị trường thế giới mà có thể bạn ít bắt gặp ở Việt Nam. Đó là: Fairtrade (Thương mại công bằng), Ethical (có đạo đức) và Handmade (thủ công). Xin chia sẻ những điểm khác nhau giữa các thuật ngữ này.
Fairtrade – Thương mại công bằng là gì?
Vào những năm 1980, các nhà vận động và hoạt động vì nhân quyền đã làm việc để tạo ra một khung pháp lý và thể chế nhằm đảm bảo sản phẩm của các nước đang phát triển có thể đạt được các điều kiện thương mại tốt hơn. Theo The Fairtrade Foundation (Tổ chức Thương mại công bằng Thế giới ) – một tổ chức từ thiện ở Anh, các điều kiện này bao gồm: giá cả tốt hơn, điều kiện làm việc tốt, tính bền vững của địa phương và các điều khoản thương mại công bằng cho nông dân và công nhân ở các nước đang phát triển.
Tổ chức cũng cho rằng: “Bằng cách yêu cầu các công ty phải trả mức giá bền vững (không bao giờ được giảm thấp hơn giá thị trường), Thương mại công bằng giải quyết những bất công của việc trao đổi hàng hóa thông thường, vốn có truyền thống phân biệt đối xử với những nhà sản xuất nghèo nhất, yếu kém nhất. Nó cho phép họ cải thiện vị trí của mình và có quyền kiểm soát nhiều hơn trong cuộc sống của họ”
Ban đầu, Thương mại công bằng chỉ tập trung vào quyền lợi của các nhà sản xuất cà phê, ca cao và trà. Sau đó, nó đã được mở rộng ra các ngành công nghiệp khác nhau từ dệt may đến thực phẩm. Chứng nhận “Thương mại công bằng” có thể được tìm thấy trên các sản phẩm dưới dạng nhãn dán hoặc huy hiệu. Đây là chứng nhận chính thức được phát triển bởi FINE, một tổ chức phi chính phủ của bốn mạng lưới thương mại công bằng quốc tế: Fairtrade Labelling Organizations International, World Fair Trade Organization (WFTO), Network of European Worldshops và European Fair Trade Association (EFTA).
Đã có một số chỉ trích chống lại thuật ngữ này, bao gồm các tuyên bố rằng lợi ích của nhà sản xuất là tối thiểu do việc cấp chứng nhận tràn lan và chỉ một phần nhỏ sản phẩm đủ tiêu chuẩn được bán trên thị trường thương mại công bằng. Nhiều cáo buộc chỉ ra việc thực hiện các tiêu chuẩn thương mại công bằng nhất định có thể gây ra sự bất bình đẳng lớn hơn ở một số thị trường, nơi mà các quy tắc cứng nhắc không phù hợp đã được áp dụng. Hơn nữa, phong trào còn liên quan đến việc thực thi các tiêu chuẩn của nó.
Mặc dù thế, chứng nhận này vẫn phổ biến ở châu Âu và Vương quốc Anh. Theo thống kê toàn cầu, 6/10 người tiêu dùng được phỏng vấn cho biết họ đã nhìn thấy kí hiệu Fairtrade, trong đó gần 90% nói rằng họ tin tưởng nó.
Ngày Quốc tế về Công bằng Thương mại Thế giới được tổ chức hằng năm vào tuần thứ hai của tháng Năm, là một sự kiện toàn cầu thu hút sự chú ý của công chúng đến phong trào Thương mại Công bằng. Năm 2004, WFTO bắt đầu các sự kiện lễ hội trên toàn thế giới nhằm tôn vinh Thương mại Công bằng như một đóng góp hữu hình trong cuộc chiến chống lại đói nghèo và bóc lột, biến đổi khí hậu và những tác động to lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế đến những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới.
Ethical – Đạo đức có nghĩa là gì?
Mặc dù Thương mại công bằng là chứng nhận chính thức do các cơ quan quản lý trao tặng, nhưng “có đạo đức” là một thuật ngữ không được kiểm soát, chủ yếu được sử dụng liên quan đến điều kiện làm việc và mức lương mà công ty trả cho công nhân.
Thuật ngữ này không được công nhận bởi bất kỳ tổ chức nào. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất tự do áp dụng hoặc sử dụng lên trên sản phẩm theo tiêu chí của họ. Những nhà sản xuất chọn dán nhãn sản phẩm của họ là “sản xuất theo đạo đức” được hiểu theo ý nghĩa của việc này đối với họ. Nhưng thật ra, thuật ngữ này có thể đề cập đến mọi thứ, từ mức lương có đủ sống cho đến điều kiện của nhà máy có sạch sẽ và an toàn hay không. Nếu bạn quan tâm đến việc mua một sản phẩm được quảng cáo là có đạo đức, hãy cân nhắc hỏi về ý nghĩa của nhãn mác để đảm bảo bạn biết mình đang trả tiền cho điều gì.
Handmade – Sản phẩm thủ công có “đạo đức” không?
Khi nhắc đến “thủ công”, bạn sẽ liên tưởng đến những nghệ nhân tự do, được đào tạo chuyên sâu làm việc trong các làng nghề. Nhưng thực tế, thuật ngữ này chỉ đơn giản là dùng để chỉ bất kỳ sản phẩm nào được tạo ra mà không cần quá trình sản xuất công nghiệp. Đối với các nước đang phát triển, những người thợ lành nghề – còn được gọi là nghệ nhân – là người tạo ra những sản phẩm thủ công với việc áp dụng tối thiểu sự tự động hóa.
Chỉ vì một cái gì đó được làm thủ công không có nghĩa là nó bền vững, hợp đạo đức hay công bằng. Các sản phẩm thủ công thường được cho là không sử dụng sản xuất trong các nhà máy cơ giới hóa cao, do đó nguồn gốc của sản phẩm (gỗ hoặc hàng dệt được sử dụng để làm ra nó) và chuỗi cung ứng của nó không nhất thiết phải có đạo đức hoặc minh bạch hơn.
Ví dụ, một chiếc bát bằng gỗ thủ công vẫn có thể được tạo ra từ gỗ được khai thác không bền vững – loại gỗ đã được phun thuốc trừ sâu độc hại. Hơn nữa, thủ công không đảm bảo rằng những người lao động tạo ra sản phẩm được trả lương công bằng hoặc đủ sống. Cũng giống như các sản phẩm được quảng cáo là “có đạo đức”, tốt nhất bạn nên kiểm tra với nhà sản xuất xem bạn có đang cam kết mua thứ gì đó tốt cho môi trường và nhà sản xuất hay không.
Thực hiện: C.
Theo Euronews