Thương hiệu mới cần lưu ý những gì khi ra mắt bộ sưu tập thời trang?

Ngày đăng: 27/07/20

Nếu như trong ngành công nghiệp thời trang trên thế giới, các thương hiệu ra mắt trung bình 4 bộ sưu tập vào mỗi năm, thì các thương hiệu thời trang Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

Bên cạnh việc lấy ý tưởng sáng tạo từ nhà thiết kế của thương hiệu làm kim chỉ nam để định hướng cho một bộ sưu tập kế tiếp, thì một chiến lược bài bản và thực tế cũng giúp tôn vinh ý tưởng sáng tạo, đồng thời giúp thương hiệu đạt được doanh số đề ra. 

Bởi vì kinh doanh thời trang là một lĩnh vực đặc thù, 4 điều quan trọng sau đây sẽ giúp bạn có thể cân bằng giữa doanh số bán được và tư duy sáng tạo, đồng thời xây dựng được giá trị thương hiệu khi ra mắt bộ sưu tập thời trang mới vào mỗi mùa. 

1. Tạo nên sản phẩm chủ đạo 

Có những nguyên tắc để thiết lập nên một bộ sưu tập thời trang, đó là những sản phẩm được phát triển phải có tính đồng nhất. Chúng có những điểm chung và những điểm riêng phát triển dựa trên ý tưởng chủ đạo và phom dáng cơ bản ban đầu. Cho nên số lượng không phải là cốt lõi, cái chính vẫn là ý tưởng. Vì thế trong mỗi bộ sưu tập sẽ có những “sản phẩm chính” và “sản phẩm phụ”. 

Những “sản phẩm chính” là những món đồ đặc sắc và khác biệt để khi nhìn vào khách hàng có thể nhận diện được phong cách của thương hiệu bạn. Nó cũng cần phải làm sao có chất lượng vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Bạn có thể bán sản phẩm này giới hạn hoặc ra mắt vào những mùa tiếp theo nếu nhiều khách hàng muốn sở hữu nó. Còn những sản phẩm phụ có thể là những sản phẩm được phát triển thêm để phù hợp với thẩm mỹ hoặc nhu cầu của một bộ phận khách hàng mà thương hiệu hướng đến. 

2. Tuân theo tầm nhìn của thương hiệu 

Bộ sưu tập thời trang có ý nghĩa như thế nào đối với thương hiệu? Tạo nên dấu ấn/ nhận diện của thương hiệu. Thời trang đòi hỏi tính sáng tạo và tính độc bản. Đó là lý do các tín đồ thời trang một mặt không ngừng chi cho những món đồ cơ bản hay theo trào lưu, một mặt thì săn lùng và không tiếc chi cho những sản phẩm “độc lạ”. Thời trang nhanh (fast fashion) được sinh ra để thỏa mãn niềm vui khi mua sắm và niềm khao khát được sở hữu những món đồ thời trang mới không ngừng của người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh đó còn có thời trang bền vững hay thời trang chậm. 

Mỗi bộ sưu tập thời trang được ra đời luôn phải tuân theo “tầm nhìn” của thương hiệu. Nếu bạn ra mắt một bộ sưu tập nhưng nhìn nó không ai “nhớ” gì về thương hiệu của bạn, vậy thì bạn chỉ là một nhà bán lẻ sản phẩm không hơn. Thời gian đầu, khách hàng có thể đến vì sản phẩm mà không cần biết đến thương hiệu, nhưng sản phẩm không phải là thứ tồn tại lâu dài, cái mà mọi người cần phải nhớ vẫn là “thương hiệu”. 

Hãy tạo nên tối thiểu một hoặc hai sản phẩm độc đáo vào mỗi lần ra mắt bộ sưu tập, khách hàng có thể sẽ không mua chúng, nhưng khi khách hàng nhìn nó họ sẽ nhớ đến thương hiệu của bạn. 

3. Tính toán mức giá 

Một số thương hiệu lấy giá bán là x3 chi phí sản xuất cho mỗi sản phẩm, tuy nhiên cũng có những món hàng mà họ tính chi phí x8 lần. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tay nghề của thợ thủ công, giá thành chất liệu, số lượng sản phẩm sản xuất… Ý tưởng sáng tạo và quá trình nghiên cứu/ thử nghiệm cũng góp phần không nhỏ để nâng cao mức giá. Đây là một bài toán khó với đa số thương hiệu, vì nếu giá sản phẩm quá cao sẽ kén khách hàng, còn nếu chi phí quá thấp doanh nghiệp sẽ không đủ tài chính để vận hành. 

Nhiều khách hàng thời trang nội địa cho biết yếu tố hàng đầu mà họ quyết định sẽ mua hay không một món đồ là “mức giá”. Tất nhiên, không có công thức chung khi định ra mức giá đối với tất cả thương hiệu mà đây sẽ là điều mà các nhà chiến lược kinh doanh phải suy nghĩ khi tạo nên bộ sưu tập vào mỗi mùa. 

Có một mẹo nhỏ mà các thương hiệu thường áp dụng, đó là chi phí cho những sản phẩm “signature” thường sẽ cao hơn mức giá trung bình từ tổng các sản phẩm của thương hiệu vì bản thân cái tên của nó đã nói lên ý nghĩa rồi. Trong khi đó các sản phẩm phổ thông sẽ có mức giá dễ chịu hơn, nhất là những sản phẩm “basic” – giá bán sẽ mang sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của đối thủ trên thị trường. 

4. Đặt chất lượng lên hàng đầu

Với kinh doanh thời trang, “chất lượng” không chỉ nằm ở giá trị món đồ. Thương hiệu của bạn dù có cửa hàng hào nhoáng, sản phẩm chất lượng cao nhưng khâu chăm sóc khách hàng yếu kém và đội ngũ nhân viên bán hàng không hiệu quả thì cũng không đủ sức cạnh tranh giữa thị trường hiện nay. 

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng tại sao không thể vừa tốt “nước sơn” vừa tốt cả “gỗ”? Nên đảm bảo sự cân bằng ở khâu bán hàng và cả chất lượng hàng hóa. Lời khuyên đặt ra cho các thương hiệu hiện nay là, sau mùa dịch ngành công nghiệp thời trang đang trên đà thay đổi, và Covid-19 đã làm thiệt hại kinh tế nặng nề, nếu muốn tiếp tục tồn tại thương hiệu của bạn nên theo đuổi nâng cao chất lượng thay vì số lượng ngay từ bây giờ. Bạn có thể không cần ra mắt 4 bộ sưu tập một năm, nhưng cần ra mắt được những bộ sưu tập có sản phẩm mang tính “signature” và xây dựng được đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp. Bởi vì suy cho cùng, điều mà bạn muốn là thương hiệu có thể tồn tại và phát triển qua nhiều năm tháng, chứ không chỉ là một hoặc hai mùa như nhiều thương hiệu đã mọc lên rồi nhanh chóng bị đào thải trên thị trường hiện nay. 

Thực hiện: Koi