Tia-Thủy Nguyễn mang nghệ thuật Việt Nam đến Pháp

Ngày đăng: 13/06/19

“Nghệ thuật đã đưa tôi đến miền đất màu mỡ cho niềm đam mê và sáng tạo không giới hạn.”

– Tia-Thủy Nguyễn

Chính đam mê đó đã khiến nghệ sĩ Tia miệt mài lao động trong suốt 2 năm, từ 2016 đến 2018, vượt mọi khó khăn về không gian, thời gian và địa lý để mang tác phẩm sắp đặt ‘Silver Room’ (tạm dịch là ‘Nhà Bạc’) đến tận vùng đồi núi Aix-en-Provence của nước Pháp xa xôi. Với tác phẩm đầy tham vọng này, Tia đã mở thêm một cánh cửa để phương Tây bước vào thế giới nghệ thuật đương đại Việt Nam, dạo chơi ở ranh giới giữa sử thi, kiến trúc Tây Nguyên, các nghi lễ Phật giáo, các thực hành thủ công của mỹ thuật Việt Nam.

thiết kế của Silver Room tự nhiên, hòa quyện vào thiên nhiên của Aix en Provence

Lấy cảm hứng từ kiến trúc của những ngôi nhà Rông của các dân tộc miền núi Bắc Tây Nguyên mà Tia đã gắn bó trong suốt những năm sinh viên đi vẽ thực tế, ‘Silver Room’ mang kích cỡ tương đương một căn nhà thật, với tổng chiều cao 16.2 mét, rộng 6 mét và dài 14.9 mét. Để hiện thực hóa được tác phẩm ‘Silver Room’ tại Pháp, nghệ sĩ đã phải tính toán đến tất cả những biến đổi về độ ẩm, khí hậu tác động lên gỗ. Phải mất 10 tháng để già làng Ynut tìm được vật liệu gỗ phù hợp và xử lý gỗ thật kỹ trước khi ráp thành tác phẩm.

Toàn bộ kỹ thuật xây dựng nhà Rông được già làng Ynut hướng dẫn, không sử dụng bất kỳ một đinh ốc nào
Những sắc màu ẩn giấu dưới nhà Rông
số bậc thang dẫn lên nhà Rông được đếm theo vòng ‘Sinh-Lão-Bệnh-Tử’, kết thúc ở ‘Sinh’ để mang lại may mắn cho gia chủ

Toàn bộ hệ thống 26 cột nhà và sàn được làm từ khoảng 1,300 mét khối gỗ sến đỏ và cấu trúc mái mở được dựng từ những thân tre già cao từ 4-12 mét. Tất cả mọi mối nối của nhà Rông đều buộc bằng dây, không dùng đinh. Chỉ có già làng – nghệ nhân Ynut mới biết cách dựng mái, buộc tre và chỉ đạo lớp thanh niên làm theo. “Dựng mái nhà đúng là một nghệ thuật siêu đẳng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mọi mưa gió, bão bùng trên tầng cao đều không quật được sức người, trí tuệ và kinh nghiệm đắc tâm cổ truyền. Những ai chưa chứng kiến, chưa bắt tay làm thì thật khó tưởng tượng” – Tia chia sẻ về một trong những thách thức khi thực hiện tác phẩm.

Dây thừng buộc các mối nối của nhà Rông cũng được mang từ Việt Nam sang

Kiến trúc này đứng sừng sững nhưng dường như chìm vào cảnh quang rừng núi của Aix-en-Provence, khiến tác phẩm không chỉ dừng lại ở một điêu khắc cỡ lớn, mà còn là một sắp đặt mang tính đặc thù địa điểm (site-specific installation). Kẽ hở giữa các thanh tre, gỗ tạo nên những họa tiết bằng ánh sáng và bóng đổ, khiến tác phẩm tự thân nó không ngừng biến đổi theo thời gian và thời tiết, không bao giờ tự lặp lại chính mình.

Kiến trúc của nhà Rông được lấy cảm hứng từ những ngôi nhà sàn phía Bắc Tây Nguyên, Việt Nam
Hệ thống mái mở làm bằng tre già
Những màu sắc ẩn giấu bên dưới nhà sàn Silver Room

Bước lên các bậc thang, bạn sẽ bắt căn phòng vuông vức với một lối vào duy nhất, kết cấu lấy cảm hứng từ khái niệm “Tam Sinh Thạch” của Phật giáo. Kích thước phòng được đo bằng thước Lỗ Ban theo phong thủy Á Đông, nhằm chọn được con số may mắn cho gia chủ (3012 x 2092 x 2320 mm). Căn phòng được dựng lên từ hai phiến đá nguyên khối nặng hơn 2 tấn, lấy ý tưởng từ “hai cột đá Thục Phán” trên núi Nghĩa Lĩnh. Đó là sự biểu hiện của tình huynh đệ, ý chí giữ gìn non sông đất nước của người Việt. Hai phiến đá ghép lại, chừa ra một khe cho ánh sáng lọt vào, nhắc đến sự có mặt của “Thần mặt trời” trong sử thi nổi tiếng “Đam San”chàng dũng sĩ đã đi tìm ánh sáng cho buôn làng.

Một góc khối bạc của Silver Room khi nắng sáng rọi vào
Khối bạc của tác phẩm Silver Room được làm từ 2 phiến đá nguyên khối lớn, bên ngoài phủ lớp quỳ bạc sáng lấp lánh
Khe hở giữa 2 phiến đá lớn của khối bạc cho phép ánh nắng rọi vào trong căn phòng

Bên ngoài căn phòng được phủ một lớp quỳ bạc từ làng Kiêu Kỵ với truyền thống hơn 300 năm làm quỳ vàng bạc, trải qua hơn 40 công đoạn cực kỳ phức tạp, để khiến ‘Silver Room’ lấp lánh phản chiếu ánh nắng như gương. Cấu tạo cửa vào nhỏ với ngưỡng cửa cao, khiến người xem phải nhấc chân, cúi đầu khi bước vào ‘Silver Room’. Vô tình, họ thực hiện một nghi lễ thể hiện sự tôn kính với đức Phật bên trong, trong phút chốc họ trở thành một phần của tác phẩm. Nếu may mắn, người xem có thể chứng kiến sự huyền diệu khi tia sáng mặt trời chiếu lọt qua khe cửa, rọi sáng vào tượng Phật bằng đá thạch anh trắng, mang lại một  vầng hào quang huyền ảo. Cũng chính tính ‘thời khắc’ độc đáo này đã nhấn mạnh chữ ‘duyên’ trong Phật giáo, đúng người, đúng thời điểm, không thể gượng ép. Tác phẩm thể hiện lối sống và niềm tin của chính nghệ sĩ vào một cõi an nhiên trong tâm hồn, giữa bộn bề những xung đột giữa quá khứ – hiện tại – tương lai; giữa khát khao và sự buông bỏ; giữa những bản sắc của quê hương và sự hòa nhập với thế giới.

Tượng Phật bằng đá thạch anh trắng trong khối bạc của Silver Room

Càng bôn ba nhiều nơi và vượt qua nhiều đường biên, Tia Thủy Nguyễn càng thấm thía hơn sự thiêng liêng của bản sắc và truyền thống. Đó là sợi dây vô hình kết nối cô với mảnh đất quê hương, bất chấp mọi ranh giới địa lý. Đối với cô, nghệ thuật chưa bao giờ là một đích đến, mà là một hành trình mang một phần văn hóa và tâm hồn của người Việt Nam ra thế giới. Silver Room với sự tương tác đa kỹ thuật, lồng ghép nhiều loại hình nghệ thuật, kết nối chặt chẽ với nhau về tạo hình, không gian, màu sắc, ánh sáng, vật liệu, mang lại hiệu ứng thị giác – tâm linh độc đáo. Tác phẩm sắp đặt sáng táo bạo và đầy sáng tạo này dẫn dắt chúng ta vào một không gian linh thiêng đầy cảm xúc của một khảm nhân học rộng lớn, đan xen nhiều nền văn hóa. Dù là thực hay ảo, biểu hiện hay ẩn chứa sâu lắng, tất cả đều ghi lại dấu ấn của sự đam mê và sáng tạo trong nghệ thuật Chân – Thiện – Mỹ tinh tế của cô.

Tác phẩm ‘Silver Room’ của Tia Thủy Nguyễn là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có tên trong sưu tập nghệ thuật đương đại uy tín của Château La Coste, bên cạnh các tác phẩm đương đại của những nghệ sĩ gạo cội như Ai Weiwei, Louise Bourgeois, Tracy Emin, Sophie Calle, Franz West… ‘Silver Room’ hiện đang được trưng bày trong khuôn viên điền trang tại 2750 Route De La Cride, 13610 Le Puy-Sainte-Réparade, Aix-en-Provence, Pháp.


Nghệ sĩ Tia Thủy Nguyễn bên tác phẩm

Tia-Thủy Nguyễn (sn. 1981, Ho Chi Minh City) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2006), cô nhận được học bổng tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc Quốc gia Kiev, Ukraine, nơi cô tiếp tục theo học Thạc sĩ và lấy bằng Tiến sĩ về nghệ thuật năm 2014.

Tia-Thủy Nguyễn có thâm niên gần 20 năm thực hành hội họa trên đa dạng chất liệu. Các tác phẩm của cô thường tập trung phóng chiếu những quan sát của cô với thế giới xung quanh, thể hiện những cảm xúc hỗn độn nhưng đầy màu sắc của người phụ nữ thế giới hiện đại. Ý thức về những khó khăn của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam, năm 2016, Tia thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, không gian đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại, nhằm kết nối cộng đồng nghệ sĩ, thiết kế, sáng tạo và tạo dựng một nền tảng mang tính giáo dục, phản biện.

Nghệ sĩ Tia thách thức những định nghĩa cổ hủ về vai trò của người phụ nữ, bằng chính những thành tựu của nhân mình trong nhiều lĩnh vực: làm mẹ, nhà thiết kế thời trang và nghệ sĩ thị giác. Các tác phẩm nghệ thuật của Tia đã được trưng bày, sưu tập và đấu giá tại nhiều nơi trong nước và quốc tế. Gần đây nhất, tạp chí Forbes vinh danh cô là một trong ‘50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019”.

Thực hiện: S-R

Ảnh: NVCC