Trong vũ trụ của Guo Pei, thời trang là tiếng nói của tinh thần chiết trung
Ngày đăng: 16/10/19
Cái bắt tay cùng Sotheby’s đã mở ra một chuỗi các cuộc triển lãm, nơi nhà Couturier đến từ Đại Lục hòa phối hai nền văn minh Đông-Tây lại với nhau. Đồng thời cô cũng ca ngợi những di sản quá khứ và quyền lực thật sự của vẻ đẹp duy mỹ.
Được định danh như một Couturier, thế nhưng Guo Pei đã là thành viên khách mời của Hiệp hội may đo cao cấp nước Pháp (The Chambre Syndicale de la Haute Couture). Tất cả những gì cô làm đều quy hướng về nghệ thuật nói chung và thời trang nói riêng. Các tác phẩm đã vượt xa ra khỏi sự yêu thích của các tài nữ Trung Hoa để chiếm trọn cảm tình của giới truyền thông quốc tế.
Bước vào đất thánh bằng việc tham gia Paris Haute Couture Fashion Week 2016 sau khi Rihanna khoác lên mình tấm áo hoàng bào tại Met Ball 2015. Mỗi chi tiết đều được làm thủ công, từ đường viền lông thú mềm mại đến từng đường thêu chỉ bạc trên nền gấm Trung Hoa thượng hạng. Chẳng có gì khó hiểu khi cả thế giới đổ xô chiêm ngưỡng kiệt tác này trong “đêm Oscar của thời trang” với chủ đền “Trung Quốc: Qua lăng kính thời trang”. Kể từ đó, mỗi mùa qua đi người ta lại ngóng đợi để tận mắt nhìn ngắm những trang phục mang tính biểu tượng với từng chi tiết xa hoa, lộng lẫy.
Và giờ, trong lần tái ngộ khán giả tại mảnh đất kinh kỳ, nơi sự nổi tiếng tại phương Tây của cô bắt đầu lan xa, cô hợp tác cùng Sotheby’s tạo nên một cuộc triển lãm mới. Như một phần trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Châu Á của nhà đấu giá, cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm của Guo Pei bên cạnh một số tác phẩm hội họa khác. Điểm đặt biệt thú vị chính là sự trùng khớp một cách hài hòa giữa những trang phục của NTK với các tác phẩm truyền thống Trung Hoa được sắp đặt trong không gian triễn lãm đã tạo nên sự liên tưởng về những giá trị xưa cũ đan xen với tinh thần chiết trung hiện đại.
“Tôi đã nhìn thấy một con rồng, cùng với cái cổ thon dài, dần hiện ra bên dưới chiếc váy đỏ, tôi không thể không liên tưởng về nó (một tác phẩm nghệ thuật)” – Angela McAteer, đại diện cho lĩnh vực Nghệ thuật Trung Hoa của của Sotheby’s chia sẻ khi nói về cách sắp xếp không gian. “Ý tôi là, thật sự kỳ diệu làm sao khi mà bạn có thể thấy một số bộ trang phục tựa như được làm khoảng từ năm 200 TCN đến bốn trăm năm sau. Hay các hình chim sếu và phượng hoàng trên chiếc áo khoác Jacket của thế kỷ 16-18. Tất cả đều có thể được sắp xếp nối tiếp nhau trên một “dãy quang phổ khổng lồ” của một triều đại, quá sức ấn tượng!”
Dãy quang phổ mà McAteer nhắc đến chỉ là một trong rất nhiều cách mà Guo Pei đưa các ảnh hưởng đa dạng vào công việc của mình. Không bao giờ bó buộc bản thân với một cảm hứng văn hóa nhất định nào, NTK đã giao hòa nền tảng Trung Hoa với những trải nghiệm quý báu mà cô có được từ Tây phương. Mục tiêu mà Guo Pei vạch ra là cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa và lịch sử, sáng tạo nên tinh thần chiết trung hiện đại, từ đó mang các tác phẩm của cô bước vào một không gian đương đại thật sự.
“Với tư cách là một người làm nghệ thuật, tôi cảm thấy bản thân mình có trách nhiệm đưa lịch sử vào trong hiện tại, thậm chí là trong tương lai.” NTK Guo Pei chia sẻ.
“Với tư cách là một người làm nghệ thuật, tôi cảm thấy bản thân mình có trách nhiệm đưa lịch sử vào trong hiện tại, thậm chí là trong tương lai.” Guo Pei chia sẻ. “Tôi không nói rằng sẽ đẩy mọi người về quá khứ, nhưng nó là cách chúng ta hiểu về lịch sử… Các tác phẩm không khiến cho người xem nghĩ về quá khứ. Bởi vì nếu như thế, sẽ chẳng ai hứng thú nữa, nhưng không có nghĩa lịch sử sẽ không thể hòa nhập vào đương đại. Bạn có thể biến nó trở nên hiện đại hơn, hay thậm chí là cao cấp hơn.”
Báo giới Hoa Kỳ đã có buổi nói chuyện và đưa ra câu hỏi với NTK Guo Pei.
Lần hợp tác này với một nhà đấu giá có ý nghĩa thế nào?
Đây là lần đầu tiên tôi bắt tay cùng Sotheby’s. Đó là một công ty vô cùng uy tín và nổi tiếng trên thế giới. Thật hiếm khi ta thấy Haute Couture hợp tác với nghệ thuật và đưa cả hai vượt lên chính bản thân của chúng. Thật tuyệt với và đáng trân trọng! Bởi đây không phải thứ bạn có thể dễ dàng thường xuyên thấy được. Thật sự nó là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu Haute Couture đến toàn thế giới.
Thiết kế Couture được so sánh như thế nào với các tác phẩm nghệ thuật?
Đối với thời trang may đo cao cấp, mỗi chiếc váy được ví như một tác phẩm nghệ thuật. Nó phô diễn công sức nhiều năm của văn hóa và nghệ thuật, làm rung động cảm xúc người chiêm ngưỡng, vượt qua các miền ký ức và thách thức những người từng trải để định hình vị trí của họ trong xã hội. Quả là một thử thách khi ta nhìn về quá khứ.
Một điều mà cô mong muốn thế giới biết về nền thời trang Trung Quốc là gì?
Trong truyền thống Trung Hoa, văn hóa chính là cuộc sống. Nó như máu huyết, là một phần không thể tách rời trong cơ thể chúng tôi. Bản thân mỗi thứ rất tự nhiên. Nền văn hóa của Trung Quốc gửi gắm một thông điệp đến thế giới, giúp họ hiểu hơn về lịch sử văn hóa và chia sẻ cảm xúc chúng tôi muốn thể hiện ra khắp địa cầu.
Thường thì mọi người biết đến cô nhiều nhất qua chiếc váy được thiết kế cho Rihanna tại Met Gala 2015. Khi tất cả sự chú ý tập chung về nó, cô muốn thế giới thấy gì về công việc sáng tạo nghệ thuật của mình?
Tôi muốn cho thế giới thấy sức mạnh của vẻ đẹp và tình yêu. Tôi luôn vững tin rằng tất cả con người chúng ta đều hướng tới cái đẹp toàn bích. Dù cho thời gian có đổi thay, tiêu chuẩn cái đẹp có thay đổi ra sao trong hàng trăm năm qua, bởi thế giới ngày càng phát triển nhanh và kết nối hơn, thì chúng ta vẫn có thể gắn mình với quá khứ thông qua các quy chuẩn về cái đẹp chung. Tôi muốn mọi người khám phá về vẻ đẹp vượt thời gian ấy.
Đâu là nguồn cảm hứng của cô?
Cảm hứng đến từ cuộc sống và văn hóa của tôi. Tôi cũng tin rằng tất cả các nghệ sĩ cũng có một nguồn cảm hứng chung để sáng tạo, thông qua nền tảng và kinh nghiệm mà họ có, kết hợp cùng cảm xúc và những gì tác động sâu sắc đến họ. Một phần cảm hứng của tôi đến từ văn hóa và lịch sử, nhưng nó không chỉ đậm chất Á Đông, mà còn có cả những di sản Tây Phương trong những tác phẩm của tôi.
Với tư cách là một nhà Couturier, cô nghĩ thế nào về sự thể hiện của thời trang và nghệ thuật đang tôn vinh lẫn nhau trong triển lãm lần này?
Haute Couture thì gần gũi với nghệ thuật hơn so với thời trang bạn có thể thấy hằng ngày. Một vài bộ trang phục trông chẳng thực tế tý nào. Nó vượt xa những gì bạn thấy thông thường, và nó như một nghệ sĩ đang theo đuổi và thể hiện trong buổi giới thiệu vậy. Không giống như một tác phẩm hội họa hay điêu khắc, chỉ cần một cá nhân để hoàn thành, thì đối với Haute Couture, nó cần cả một đội ngũ kiên trì đến cùng, những người có sự tinh tế và kỹ năng thượng thừa để cho thế giới thấy những gì họ có thể làm được. Nếu lướt qua thì quần áo chỉ như một cấu trúc thông thường, nhưng xem kỹ từng bức thêu, ta sẽ thấy nó tựa như làn da thứ hai của người mặc. Đó là một loại chi tiết của nghệ thuật Haute Couture.
Trong một thế giới dễ đổi như thế này, đâu là các chuẩn mực giá trị Couture?
Thật lòng mà nói công nghệ và thế giới phát triển như vũ bão, nhưng những thời điểm như thế này, chúng ta không nên lãng quên lịch sử, cũng như những nhu cầu của con người. Là một nghệ sĩ, trách nhiệm của tôi là mang lịch sử vào hiện tại hoặc thậm chí là tương lai. Tôi không nói sẽ mang người xem về quá khứ. Tôi nói sẽ nhắc nhớ mọi người hiểu về lịch sử. Nó không giống như một quá trình loại trừ lẫn nhau của quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng là tạo ra một thứ có thể vượt thời gian trong hiện tại. Các tác phẩm không như những gì ta từng thấy, vì thật sự nếu là như vậy nó chẳng có gì để mọi người hứng thú, nhưng không có nghĩa rằng lịch sử không thể chuyển mình để hòa nhập vào đương đại. Vì thế, nó có thể trở nên hiện đại và cao cấp hơn.
Thông thường Guo Pei sẽ trình làng các tác phẩm bên cạnh những nhà mốt couture khác. Nhưng tại sao triển lãm “Asian Week” lại diễn ra ngay tuần lễ thời trang New York, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người New York biết về công việc của cô hơn? Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với cô?
Đối với thế giới, thời trang có một vai trò rất lớn. Trong nền kinh tế công nghiệp, thời trang là một phần cuộc sống thường nhật, nó có ý nghĩa đặc biệt trong sự tương tác ngày càng tăng lên. Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể truyền cảm hứng cho nhau về các nền văn hóa khác nhau xuyên suốt tuần lễ thời trang và tại triển lãm lần này. Chúng tôi không chỉ muốn truyền tải dến mọi người về văn hóa Đông phương qua từng tác phẩm, mà chúng tôi còn muốn được họ truyền cảm hứng thông qua những công việc mà họ giới thiệu. Để tiếp tục bước đi và tiến lên trong thế giới này ta luôn cần những năng lượng mới mẻ. Do đó chúng ta cần phải tương tác với nhau không chỉ trong thời trang mà còn là cả văn hóa và ngôn ngữ.
Để tiếp tục bước đi và tiến lên trong thế giới này ta luôn cần những năng lượng mới mẻ. Do đó chúng ta cần phải tương tác với nhau không chỉ trong thời trang mà còn là cả văn hóa và ngôn ngữ.
Chị cũng đang chuẩn bị cho buổi đấu giá mang tên “Gold: Midas Touch” tại Sotheby’s. Chị nghĩ thế nào về sức mạnh của vàng trong việc làm thăng hoa thời trang?
Vàng gold thật sự là màu sắc tôi cực kỳ yêu thích. Lý do là vì nó đại diện cho sự giàu có, trong văn hóa truyền thống vàng còn là biểu trưng của quyền lực. Tỏa ra sự ấm áp tựa nhật quang; trong lịch sử loài người, chưa từng có thứ gì có được vị trí như thế trước nó.
Có bộ trang phục nào được làm từ vàng với những tiêu chuẩn đặc biệt mà chị hay lưu tâm đến không?
Có hai tác phẩm mà tôi cực kỳ yêu thích. Đó là “Little Gold”, được thiết kế năm 2006, và “Big Gold”, được trưng bày tại triển lãm Met Gala China: Through the Looking Glass. Mỗi bộ trang phục phải mất đến sáu năm để nghiên cứu và phát triển. Các thợ thủ công phải dùng loại sợi vàng được kéo mỏng nhất. Bởi kỹ thuật này đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian làm việc rất dài. Tôi đảm bảo với các bạn chất lượng của nó thuộc hàng dành cho những bậc đế vương trong văn hóa của tôi. Kiểu “ngông cuồng” từ kỹ thuật của chiếc váy ấy không giống bất cứ thứ gì tôi được thấy trong các bảo tàng trước đây. Tôi muốn cho thế giới biết những gì có trong một tác phẩm Haute Couture lớn thế nào.
Chị còn trông chờ gì nữa không?
Tôi hi vọng và tôi thật sự tin tưởng Haute Couture nên được xem là một môn nghệ thuật. Nó phô diễn ý tưởng đương đại bên cạnh các giá trị lịch sử, sự công phu của nó luôn gợi mở ký ức của mọi người. Tôi hi vọng tại New York và sau này là Luân Đôn, các khán giả có thể đến chiêm ngưỡng nó một cách nghệ thuật nhất để đánh giá cao loại hình Haute Couture này.
Chuyển ngữ: Hiếu Lê
Theo L’officiel USA