Từ sắc lam ái tình của Tiffany đến màu cam vương giả của Hermes: Sắc màu biểu tượng của thời trang

Ngày đăng: 09/04/22

Trong tất cả phương tiện giao tiếp, màu sắc là hình thức có liên kết chặt chẽ với tâm lý của con người. Hiệu ứng của nó, mặc dù khá khó khăn để truyền đạt thông qua ngôn ngữ vật lý, lại khơi gợi rất nhiều cảm xúc. Đặc biệt là với ngành thời trang xa xỉ, một ngành hàng coi trọng những giá trị cảm xúc. 

Với các thương hiệu lâu đời, màu sắc còn gắn liền với những tiêu chuẩn sang trọng riêng và vẻ đẹp vượt thời gian đặc trưng của nhà mốt.

Dưới đây là 5 màu sắc đã trở thành biểu tượng của làng thời trang, mà mỗi khi nhìn thấy nó, người ta ngay lập tức có thể cảm nhận được hơi thở sống động từ thương hiệu chủ quản. 

Tiffany Blue – Sắc lam ái tình

Kể từ khi thành lập vào năm 1837, nhà kim hoàn sang trọng của Mỹ đã được liên kết chặt chẽ với một màu xanh mang tính biểu tượng, mà giờ đây được xác định bởi PANTONE Colour là “Tiffany Blue”, được đặt tên theo tên của chính thương hiệu.

From 'Tiffany Blue' to 'Minion Yellow': How Pantone Changed the Way We Think About Color - Piano Marketing

Với phương châm “Chỉ có một tình yêu đích thực”, qua gần 200 năm, Tiffany & Co. đã trở thành đại diện của tình yêu, là những điều lãng mạn nhất mà mọi cô gái đều muốn nhận được. Cùng nói đến tình yêu và những điều lãng mạn, Tiffany & Co. lại không sử dụng những gam hồng ngọt ngào hay đỏ nồng cháy. Thay vào đó, thương hiệu này tin rằng màu xanh mới là màu của tình yêu đích thực: sắc lam ấy thanh lịch và dịu mắt, mang lại cho người đối diện cảm giác chân thành và tin tưởng.

Vogue Edits / 不是湖水綠!關於Tiffany Blue,你該知道10件事。 | Vogue Taiwan

Màu xanh của Tiffany & Co. được pha trộn giữa màu xanh trứng chim (robin’s egg blue) và da trời xanh non (baby blue). Thuở ban đầu, Tiffany & Co sử dụng màu xanh đặc biệt này để làm bìa cho cuốn catalogue giới thiệu các trang sức của hãng, gọi là The Blue Book. Năm 1845, cuốn catalogue mang sắc xanh thiên thanh này lần đầu tiên được xuất bản và phát khắp nước Mỹ, đưa hình ảnh trang sức của Tiffany & Co vượt khỏi ranh giới thành phố New York nơi trụ sở của hãng tọa lạc.

Sắc xanh lục nhạt ấy trở thành một di sản, gắn liền với Tiffany & Co. xuyên suốt lịch sử 145 năm, cùng Tiffany and Co. thổi hồn vào những giấc mơ đầy khát vọng của thế giới bằng những viên đá quý tuyệt vời, những chiếc hộp màu xanh đặc trưng và sự tinh tế không tuổi. Cho đến bây giờ, Tiffany Blue đã không chỉ đơn thuần là một màu sắc. Chúng mang theo niềm kiêu hãnh dịu dàng của tình yêu, và là niềm tự hào trong lịch sử gần hai thế kỷ của thương hiệu.

Hermes Orange – Màu cam vương giả

Màu cam của Hermès là màu đặc trưng, được gọi đơn giản là Orange H hoặc Classic Orange. Trong hệ thống màu Pantone, màu cam của Hermès mang mã số No.1448.

Chiếc hộp màu cam của Hermès: từ màu sắc bị “chê” đến biểu tượng mới của sự thanh lịch • RGB

Trong thế giới sắc màu của những tín đồ xa xỉ, Hermès là một cái tên mang tính biểu tượng: từ những chiếc túi Birkin, Kelly tinh xảo, khăn lụa vuông Carré mềm mại, đến những mùi hương kinh điển như Terre d’Hermès nam tính, Un Jardin Sur le Nil “quốc dân”… Sự xuất hiện của những chiếc hộp màu cam rực rỡ và logo chữ H đã trở thành bảo chứng cho chất lượng của những gì chứa trong đó, và quan trọng hơn – đẳng cấp của người sử dụng.

9 Hermes Baby Shower ideas | hermes, hermes orange, hermes box

Nổi bật với màu cam là vậy, nhưng ít người biết rằng, những năm đầu tiên, màu sắc gắn liền với Hermès lại là màu beige.

Ban đầu, các hộp sản phẩm của hãng được làm giả da heo với viền vàng đậm. Vài năm sau, hộp Hermes được đổi sang màu mù tạt với viền màu nâu. Trong Thế chiến II, khi quân đội Đức chiếm đóng Paris, rất khó tìm thuốc nhuộm và các vật liệu cần thiết khác để làm hộp da heo giả. Lúc này, để kịp giao hàng, Hermès buộc phải thay đổi và sử dụng những nguyên vật liệu có sẵn tại xưởng. Và vô tình, màu cam quýt là màu duy nhất còn sót lại. 

History of the Classic Hermes Orange Box — Collecting Luxury

Trên thực tế, nếu phân tích theo quan điểm màu sắc, màu cam giúp tăng cường nhận thức về các giá trị như lòng hiếu khách và tính tích cực. Bên cạnh đó, màu nâu lại liên quan đến sự ổn định và tính truyền thống. Và vì vậy, chiếc hộp Hermès giúp ta hiểu ngay triết lý của thương hiệu: chăm sóc khách hàng và tôn trọng truyền thống – những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu trên thị trường xa xỉ.

Burberry Beige – Màu be thanh cao và lạnh lùng

Thương hiệu Burberry từ lâu đã trở thành biểu tượng của thời trang Anh và là niềm tự hào của các tín đồ xứ sở sương mù. 

Đặc trưng của Burberry từ khi khai sinh đến nay vẫn là phong cách lịch lãm, đơn giản và toát lên một vẻ lạnh lùng độc đáo. Với tinh thần “dửng dưng” đậm chất Vương quốc Anh, họa tiết kẻ ca-rô sọc đen đỏ trên nền vải màu beige đã trở thành những di sản bất tử trong suốt 160 năm qua của nhà mốt Anh Quốc. Gam màu be vốn trung tính, êm dịu và mang lại cảm giác thư thái, qua các đời Giám đốc Sáng tạo đã trở thành biểu tượng của sự cao quý, khiến người ta vừa muốn chạm vào, vừa sợ làm “vấy bẩn” sự thanh tao ấy. 

New Burberry and Prada SS2020 Campaigns - THE FALL

Với khởi đầu là những chiếc áo mưa chỉ phục vụ cho sĩ quan quân đội, nhà leo núi, phi công hay các nhà thám hiểm địa cực, màu be trong các thiết kế trench coat của Burberry luôn ẩn chứa sự mạnh mẽ và cứng rắn, chứ không chỉ đơn thuần là sự dịu dàng đặc trưng của gam màu này.

Fendi Yellow – Màu vàng nơi mùa hè nước Ý

Tone màu vàng như ánh nắng đã gắn bó chặt chẽ với nhà mốt Rome kể từ năm 1933, với sự liên kết đến mặt trời rực lửa của Ý. Có lẽ màu vàng này cũng ngụ ý cho nguồn năng lượng của Fendi, thương hiệu này luôn được ví như một bông hoa hướng dương luôn hướng mình về phía mặt trời.

Ban đầu, màu vàng đặc trưng của Fendi xuất phát từ Pergamena, một loại da tự nhiên có màu vàng nhạt, và sau đó dần xuất hiện nhiều hơn trên tất cả các dòng sản phẩm của thương hiệu thành Rome. Theo lý giải từ phía nhà mốt, màu vàng tượng trưng cho danh dự, lòng trung thành và niềm vui của những năm tháng nhiệt huyết. 

Ngay cả khi lấn sân sang lĩnh vực F&B, với cửa hàng Fendi Caffe by Anniversaire ở Omotesando (Tokyo), nhà mốt cũng lựa chọn màu vàng đặc trưng của mình là chủ đạo trong thiết kế và nhanh chóng trở thành một trong những quán cà phê mang tính biểu tượng tại thành phố này.

Tokyo: Fendi Caffè by Anniversaire opening – superfuture®

Louboutin Red – Màu đỏ của sự khát vọng và quyền lực

Người ta thường đùa vui, màu đỏ được sinh ra là để tôn vinh phụ nữ, khi mà mọi sắc đỏ đều trở nên lộng lẫy và ý nghĩa hơn khi các cô gái “chạm tay” vào. Một đôi giày đỏ dẫn dắt những bước nhảy nồng nhiệt. Một đôi môi đỏ gợi cảm nói thay lời đôi mắt. Một chiếc váy đỏ nổi bật giữa bữa tiệc đêm cháy bỏng.

Nếu định nghĩa cái đẹp của đàn ông là xe Ferrari màu đỏ rực, thì một nửa thế giới còn lại đều cho rằng cái đẹp đáng sở hữu nhất là đôi cao gót Louboutin đế đỏ – màu đỏ sậm sang trọng và quyền lực.

Câu chuyện về nguồn gốc của màu đỏ huyền thoại ở phần đế giày bắt đầu từ năm 1993 – hai năm sau khi Christian Louboutin khởi nghiệp. Ông bất chợt được chiêm ngưỡng bức họa Flowers của nghệ sĩ Andy Warhol và tìm thấy nguồn cảm hứng cho mình. Đôi giày đầu tiên ông thiết kế ở Italy có màu hồng và đính hoa vải màu chói theo đúng nguyên tác. Tuy nhiên, vẫn có gì đó nhạt nhòa và buồn chán.

Ngay lúc Louboutin nhận ra vấn đề nằm ở phần đế giày màu đen làm cho tác phẩm của ông truyền thống và không gì nổi bật, ông chợt nhìn thấy một cô nhân viên đang sơn móng tay của mình màu đỏ tươi. Louboutin chộp lấy lọ sơn, phết lên phần đế và sau đó tác phẩm gần như trở nên hoàn hảo như chính bức họa. Từ đó màu đỏ của phần đế trở thành dấu ấn đặc trưng dễ nhận biết nhất của thương hiệu Louboutin. 

Người ta vẫn thường hay bàn đến câu nói nổi tiếng của nhà thiết kế người Pháp: “Đàn ông như những con bò mộng. Họ không thể bỏ qua màu đỏ”. Còn với phái đẹp, màu đỏ là màu của đam mê, của sự liều lĩnh và khát vọng mãnh liệt.

13 Hottest Christian Louboutin Shoes ... Updated ...

Thực hiện: Diana Nguyễn

Theo CNA Luxury