Ngược dòng lịch sử: “Upcycling” từ khi nào đã hiện diện trong thời trang?

Ngày đăng: 01/07/22

Vừa qua, phiên bản mới của dự án The Refresh Sessions của Tommy Jeans đã trở lại qua những buổi workshop sáng tạo ở Rome, Naples và Bari. Ở mỗi điểm dừng, nhà tạo mẫu và nhà tư vấn Silvia di Grazia sẽ chủ trì ‘upcycling’ vật dụng mà người tham dự mang đến thành một món đồ cho gia đình hoặc thành những chiến mũ.

Và nhân dịp ra mắt phiên bản thứ ba của The Refresh Sessions, sẽ rất tốt nếu bạn phân biệt rõ ràng recycling (tái chế)upcycling (nâng cấp), vốn là hai thuật ngữ mà công chúng đã nghe hàng trăm lần và có những cảm nhận riêng trong những năm gần đây.

Workshop The Refresh Sessions do Tommy Jeans tổ chức

Không chỉ về mặt ngữ nghĩa, hai thuật ngữ này còn liên quan đến hai khái niệm thực hành rất khác biệt. Tái chế, trên thực tế là biến đổi một vật liệu phế thải trở lại tình trạng ban đầu; nâng cấp là chuyển hóa đồ dùng đã không còn sử dụng thành một sản phẩm mới về mặt thẩm mỹ hoặc ứng dụng. Tuy đã tồn tại xuyên suốt lịch sử nhân loại, khái niệm ‘upcycling’ vẫn có những dấu ấn thú vị trong suốt thế kỷ 20 khi có những thành quả khác nhau trong cùng một triết lý.

Nâng cấp trong thời trang không chỉ xuất phát từ nhu cầu của tầng lớp thấp mà còn tồn tại ở giới thượng lưu. Các học giả đã ghi nhận rất nhiều về thói quen của những khách hàng thời trang cao cấp thế kỷ 19 là biến đổi, tái sử dụng chất liệu những chiếc áo choàng đắt tiền của họ để làm cho chúng tồn tại lâu dài trong nhiều thập kỷ. Tại vương triều Nữ hoàng Victoria, việc biến đổi đi biến đổi lại những chiếc áo choàng là một thói quen phổ biến, ngay cả đối với Công chúa Alexandra của Đan Mạch, con dâu của nữ hoàng đã yêu cầu thợ may người Anh Elise Kreutzer liên tục biến tấu những chiếc váy của riêng mình, bao gồm cả váy cưới của bà. 

Vương hậu Đan Mạch trong bộ váy cưới của Elise Kreutzer

Nhà sử học Kate Stradstin kể lại rằng vào năm 1863, chỉ vài ngày trước đám cưới hoàng gia với Edward VII, Alexandra đã yêu cầu Elise Kreutzer biến chiếc váy cưới của cô ấy thành một chiếc váy dạ hội; đến năm 1874, nó là một chiếc váy cũ từ ba năm trước từng được thợ may tân trang. Cha đẻ của thời trang cao cấp hiện đại Frederick Worth cũng chịu trách nhiệm tu sửa các sáng tạo cũ thành những sản phẩm may mặc mới trong cùng thời đại. Điều thú vị là một lề thói như vậy cũng xuất hiện trong bộ phim Cuốn theo chiều gió năm 1939 lấy bối cảnh những năm 1800, trong đó nhân vật của Vivien Leigh sử dụng một chiếc lều để làm váy xanh. Tuy nhiên, ngoài hoàng tộc, kỹ thuật tái sử dụng hàng may mặc vẫn phổ biến ở các tầng lớp thấp hơn, thậm chí còn được chính phủ Anh khuyến khích trong Chiến tranh thế giới thứ hai bằng chiến dịch Make Do and Mend.

Đền Wat Pa Maha Chedi Kaew ở Thái Lan. Ảnh: Patrick AVENTURIER

Câu chuyện bắt đầu trở nên thú vị trong những thập kỷ tiếp theo. Vào năm 1964, Alfred Heineken, người sáng lập hãng bia cùng tên ở Antilles, Hà Lan, quan sát thấy vấn đề ô nhiễm ngày càng tăng do những chai cũ đã qua sử dụng nổi lềnh bềnh trên biển, khiến cư dân trên đảo gặp khó khăn khi tìm kiếm vật liệu xây dựng. Ông đã nảy ra ý tưởng sản xuất những chai thủy tinh mà sau khi hết sạch có thể được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng. Heineken đã tham khảo ý kiến ​​của kiến ​​trúc sư John Habraken, người sau một vài lần thử đã tạo ra WOBO – loại bao bì có thể tái sử dụng đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp. 

Bản thân Heineken cũng có một ngôi nhà nhỏ được xây dựng trong vườn bằng cách sử dụng những vỏ chai mới, nhưng sau cùng dự án đã không thành công vì gặp sự phản đối từ nội bộ công ty. Mười năm sau, một nhà phê bình người Anh khi biết về dự án, đã bình luận rất nhiệt tình và đưa những cái chai lên bìa một cuốn sách. Vào thời điểm đó, Habraken quay lại thảo luận với công ty Hà Lan, ủng hộ ý tưởng mở lại dự án tòa nhà cao tầng do Rinus van den Berg thiết kế và sẽ có các cột trụ làm từ thùng dầu, trần nhà làm từ nóc xe buýt Volkswagen và bức tường làm từ vỏ chai bia. Tuy nhiên, dự án chưa bao giờ chào đời mặc dù vào năm 1984, ở Thái Lan, ngôi đền Wat Pa Maha Chedi Kaew đã được xây dựng lại bằng cách sử dụng 1,5 triệu chai bia, mặc dù không phải của Heineken.

Trong khi ở thế giới của các học giả và kỹ sư, ý tưởng về việc nâng cấp vẫn còn đang hình thành thì ở giới thời trang, các tầng lớp thanh thiếu niên ở thập niên 80 bắt đầu thử nghiệm việc tái sử dụng vải một cách sáng tạo. Người Anh có lẽ là đã tiên phong biến đổi quần áo cũ phù hợp với thị hiếu hiện đại, đặc biệt là quần jean có nút gài được biến hóa thành biểu tượng của sự nổi loạn và vô chính phủ. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1998, thuật ngữ ‘upcycling’ được đặt ra bởi doanh nhân, nhà kinh tế học Gunter Pauli và đã sử dụng chúng lần đầu trong cuốn sách Upsize: The Road to Zero Emission của mình.

Thuật ngữ này sau đó được hồi sinh vào năm 2002 bởi William McDonoughMichael Braungart trong cuốn sách Cradle to Cradle: Remaking the Way We Make Things, được viết bằng mực đậu nành cho phép xóa chữ viết trên các trang nhựa. Trong chính những năm đó, ở lĩnh vực thời trang, Martin Margiela đã cách mạng hóa ý tưởng thời trang cao cấp với các bộ sưu tập Artisanal, gồm quần áo được lắp ráp lại từ áo khoác, găng tay bóng chày và thậm chí cả những mảnh gốm.

Thiết kế của Maison Margiela

Mặt khác, ở những năm gần đây, với những lo ngại ngày càng tăng xuất phát từ tình hình biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng, ngành công nghiệp thời trang đã bắt đầu thực hiện các biện pháp triệt để, bắt đầu từ các mô hình sản xuất mới bền vững hơn. Động lực thay đổi này không chỉ bắt đầu từ những người đứng đầu các tập đoàn mà còn từ công chúng, những người mà trong thời kỳ cách ly đã hưởng ứng trào lưu DIY, năng nổ phổ biến các kỹ thuật tái sử dụng và nâng cấp sáng tạo được lan truyền trên mạng xã hội Instagram và TikTok.

Để đáp ứng chính xác nhu cầu ở thời đại mới, Tommy Jeans không chỉ bắt đầu thực hiện mô hình vòng tròn để sản xuất 15 triệu đôi quần jean mỗi năm như một trong nhiều sáng kiến bền vững, mà còn tập hợp các nhà thiết kế và công chúng qua các workshop ​​như The Refresh Sessions nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa những người am hiểu bí quyết kỹ thuật và những người có mong muốn học hỏi, từ đó thúc đẩy thái độ tích cực đối với tính bền vững. Kết quả đầu tiên của cách tiếp cận mới là bộ sưu tập FW20 của thương hiệu, là bộ sưu tập đầu tiên được sản xuất từ ​​vật liệu tái chế hoàn toàn, nhưng xét về tác động lâu dài nhất vẫn là The Refresh Sessions, hiện đã ở năm thứ ba với một quy mô cộng đồng ngày càng phát triển.

Thực hiện: Bảo Long