Zara và campaign “The Jacket” đang gây tranh cãi trên mạng xã hội
Ngày đăng: 13/12/23
Zara, thương hiệu thời trang nổi tiếng, đang phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích và phê phán thậm chí tẩy chay về chiến dịch quảng cáo gần đây của họ, có tên là “The Jacket” được lan truyền một cách mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Người xem có thể nhìn ra những đối chiếu đau lòng giữa hình ảnh của chiến dịch và các cảnh tượng kinh hoàng từ xung đột ở Gaza. Chiến dịch với sự tham gia của người mẫu Mỹ Kristen McMenamy đứng giữa đống đổ nát, tường gạch vỡ với một số người bình luận chỉ ra sự tương đồng với bản đồ của Palestine và gây tranh cãi nhất là hình ảnh ma nơ canh được bọc trong tấm vải màu trắng, có lẽ bất cứ ai nhìn vào cũng có liên tưởng Zara đang cố tạo ra hình ảnh gì.
Đáng chú ý, một bức từng vỡ trong bối cảnh cũng đã gây tranh cãi vì khiến người xem liên tưởng đến vùng đất đang diễn ra chiến tranh, điều này như thêm dầu vào lửa làm sự căng thẳng leo thang trong làn sóng tẩy chay Zara cũng như thời trang nhanh nói chung.
Chiến dịch đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội, số đông đều chỉ trích Zara vì chiến dịch marketing vô cùng thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng hoặc thậm chí là mỉa mai về tội ác đang diễn ra tại Gaza. Các hình ảnh từ Zara được Diet Prada đặt song song giữa những hình ảnh từ chiến tranh, làm tăng cường làn sóng tẩy chay đối với Zara. Đối mặt vời scandal này, Zara dường như đã loại bỏ hoàn toàn những hình ảnh gây tranh cãi khỏi website và ứng dụng của mình. Tuy nhiên, việc loại bỏ này, giữa những lời buộc tội về vấn đề nhạy cảm này, đã khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ.
Inditex, công ty mẹ của Zara, phản hồi và nhấn mạnh rằng chiến dịch đã được chụp ảnh vào tháng 9, trước khi xung đột giữa Israel và Hamas leo thang sau ngày 7 tháng 10, nhưng nó chưa đủ thuyết phục đối với số đông. Đây không phải là lần đầu tiên Zara bị buộc tội về hành vi phản đối người dân Palestine. Năm 2021, Head Designer của Zara, Vanessa Perilman, đã gửi những tin nhắn gây chấn động cho người mẫu Palestine, Qaher Harhash, khiến cho cuộc biểu tình và cuộc kêu gọi tẩy chay bùng nổ.
Không dừng lại ở đó, Zara đã phát đi một tuyên bố thừa nhận “sự hiểu lầm” và bày tỏ tiếc nuối vì một số khách hàng cảm thấy những hình ảnh làm họ bị xúc phạm. Công ty làm rõ rằng chiến dịch nhằm mô tả những tác phẩm điêu khắc chưa hoàn thiện trong một studio, với hình ảnh của những con manơcanh được che phủ bởi tấm vải trắng được thiết kế để truyền đạt ý tưởng nghệ thuật này. Mặc dù đã làm rõ điều này, cuộc phản đối diễn ra trên mạng xã hội với hashtag #BoycottZara vẫn tiếp tục, bài đăng trên Instagram của Zara nhận được hơn 125 nghìn bình luận, rất nhiều người đã chỉ trích về lời xin lỗi thiếu chân thành của Zara.
Hậu quả từ chiến dịch gây tranh cãi đã lan rộng đến Anh, nơi Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo nhận được hơn 110 khiếu nại về việc ám chỉ xung đột Israel-Hamas một cách xúc phạm và châm biếm. Nỗ lực của Zara để quản lý tình huống trên bao gồm việc loại bỏ những hình ảnh gây tranh cãi khỏi toàn bộ nền tảng mạng xã hội của họ, nhưng không thể dừng lại các cuộc tranh cãi. Điều này khiến Zara rơi vào tình thế khó khăn và đồng thời đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của công ty trong việc điều hướng các vấn đề toàn cầu nhạy cảm trong lĩnh vực thời trang.
Thực hiện: Pogogo