Zero Waste Fashion: Sẽ sớm thay đổi cách chúng ta tư duy về thời trang
Ngày đăng: 14/10/18
Chất thải của ngành công nghiệp thời trang đang trở thành một mối đe dọa đối với sức khỏe của nhân loại, động thực vật và sự sống của hành tinh. Mỗi ngày, các nhà sản xuất hàng may mặc vứt ra hàng trăm triệu mét vuông chất thải dệt may. Trung bình khoảng 15% tổng số vải mà ngành công nghiệp thời trang thế giới đang sử dụng đều bị lãng phí, trở thành một trong các vấn đề khiến ngành công nghiệp dệt may ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Việc sản xuất, sử dụng và xử lý sau khi vứt bỏ các sản phẩm thời trang ngày càng gây nguy hại cho môi trường. Hiện nay, thời trang đang cố gắng để không lãng phí tài nguyên của nhân loại thêm nữa. Zero Waste Fashion là giải pháp để sử dụng gần như 100% nguyên liệu dệt may. Ngành công nghiệp thời trang đang được hướng đến tiêu chuẩn không chỉ tận dùng mọi giá trị tái tạo, tái sử dụng và tái chế vật liệu dư thừa mà còn tối thiểu tạo ra chất thải dệt may.
Zero Waste là gì?
Thuật ngữ Zero Waste có thể xem là một triết lý mới, khuyến khích việc tư duy lại, kiểm soát quan niệm và thay đổi thói quen cũ trước tình trạng lãng phí tài nguyên thiên nhiên hiện nay, nhằm giữ cho các nguồn nguyên liệu được tái tạo và phát triển theo chu kỳ tự nhiên bền vững, hằng tồn.
Zero Waste Fashion là một khái niệm thời trang mang tính đạo đức và tầm nhìn xa, có sứ mệnh thuyết phục xã hội thay đổi lối sống và thực trạng môi trường toàn cầu hiện nay. Zero Waste Garment có nghĩa là thiết kế, sản xuất, kiểm soát và quản lý các sản phẩm may mặc sao cho tránh lãng phí, dư thừa và vứt bỏ nguyên vật liệu. Đây là một giải pháp nhằm loại bỏ hàm lượng và độc tính từ rác thải của ngành công nghiệp may mặc đối với đất, nước, không khí.
Khác với việc tái chế, tái sử dụng hoặc thu hồi tái chế những vật bỏ đi thành sản phẩm mới, tương tự American Apparel đã sử dụng vật liệu thừa để tạo ra các mặt hàng phụ kiện và đồ lót. Tiêu chuẩn sáng tạo của Zero Waste là một thách thức trong thiết kế thời trang và sản xuất hàng dệt may công nghiệp, mà ở đó phải tối thiểu việc thải ra vải phế liệu và không đốt hoặc chôn lấp rác thải may mặc. Đây là một triết lý cực đoan hơn tất cả những ý tưởng hạn chế lãng phí trước đây.
Những ai? Làm gì? Và như thế nào?
Zero Waste Fashion nhằm làm giảm các tác động xấu của ngành công nghiệp thời trang đối với môi trường. Triết lý này sản sinh ra những giải pháp thiết kế, sản xuất hoặc sáng tạo và cung cấp những mặt hàng thời trang – may mặc ít chất thải hơn, ít lãng phí, không gây hại cho môi trường và xây dựng tính bền vững cao nhất có thể. Khái niệm thiết kế này được nghiên cứu và sáng tạo bởi nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thời gian, cho ra đời nhiều phương pháp học thuật, giải pháp công nghiệp hay kỹ thuật xử lý khác nhau.
Trong sự vận hành để lan truyền khái niệm bền vững Zero Waste, các học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thời trang đã cho ra đời những tài liệu ghi chép. Đó là những quyển hoặc bộ sách cung cấp một cái nhìn, một hướng dẫn thiết thực được đúc kết bởi kinh nghiệm cá nhân, cũng như tổng hợp từ các nhà thời trang đang sáng tạo và theo đuổi Zero Waste Garment.
Alison Gwilt, Timo Rissanen và Holly McQuillan là một trong những nhân vật tiên phong trong lĩnh vực Zero Waste Garment:
– Alison Gwilt là Course Director for Fashion & Textile Design tại trường Đại Học Công Nghệ Sudney (Úc), với hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực học thuật về quản lý và giảng dạy Fashion & Tixtile Design ở Anh, New Zealand và Úc.
– Timo Rissanen – một nhà thiết kế, tiến sĩ và trợ lý giáo sư về Fashion Design & Sustainability của trường Parsons School of Design tại New York.
– Holly McQuillan là giảng viên cấp cao bộ môn Thiết Kế của College of Creative Arts tại đại học Massey, New Zealand.
Quyển sách “Shaping Sustainable Fashion Clothes” do Alison Gwilt và Timo Rissanen đồng nghiên cứu, thuật lại các vấn đề và tác động đối với môi trường của ngành công nghiệp thời trang hiện nay. Các tác giả cũng đề xuất những cách thức mà bất cứ ai đang theo đuổi và mong muốn phát triển bền vững trong ngành thời trang có thể tham khảo và áp dụng.
Tiến sĩ Timo Rissanen và Holly McQuillan gần đây cũng phát hành quyển sách có tên “Zero Waste Fashion Design”. Một tài liệu tham khảo toàn diện về tổng quan lịch sử của Zero Waste trong thời trang. Ngoài ra còn bao gồm các cuộc phỏng vấn, lời khuyên và thảo luận với các nhà thiết kế Zero Waste trên khắp thế giới như Winifred Aldrich, Rickard Lindqvist và Yeohlee Teng.
Trên thực tế, triết lý về việc “tránh lãng phí” vải và vật liệu may trong thời trang đã được quan tâm từ rất lâu, bởi những nhà thiết kế có tư duy sáng tạo tiến bộ so với thời đại. Khái niệm thời trang Zero Waste đã được tiến sĩ Timo Rissanen bắt đầu quan tâm đến từ khoảng năm 1999, khi ông đang viết luận văn đại học và tập trung nghiên cứu một nhà thiết kế nổi tiếng ở thế kỷ XIX – XX, Madeleine Vionnet.
Madeleine Vionnet là một nhà thiết kế Pháp, được biết đến là người đã sáng tạo ra kỹ thuật “bias cut” và là người mà sau này có ảnh hưởng rất lớn đến Issey Miyake, John Galliano, Claire McCardell và truyền tải cảm hứng, niềm tin mạnh mẽ đến với Timo Rissanen. Tư duy thiết kế của Madeleine Vionnet từ thế kỷ trước, đã xem xét về sự tiêu tốn của vải và sáng tạo dựa trên các đường cắt cắt “thiên vị” ở dạng hình học chữ nhật, nửa hình tròn nhằm loại bỏ không gian dư thừa giữa các mẫu cắt; đồng thời vận dụng kỹ thuật xoắn, nối, ráp để sáng tạo phom dáng trang phục không lãng phí vải.
Trước khi Madeleine Vionnet ứng dụng Bias-cut trong các thiết kế tuyệt đẹp của bà, kỹ thuật cắt vải xéo này chủ yếu chỉ sử dụng cho cổ áo và các mảnh trang trí. Tuy nhiên, Vionnet đã mở rộng tính xuất sắc của Bias-cut để tạo nên những tác phẩm sử dụng ít đường may mảnh ghép nhất có thể, thao tác trực tiếp trên những tấm vải, thiết kế ấn tượng với kiểu dáng, kết cấu và hình khối. Với tư duy sáng tạo vượt thời đại, Madeleine Vionnet được đề cao là người đặt nền móng cho Zero Waste Fashion của thế kỷ XXI.
Cần phải được thúc đẩy như thế nào?
Tiến sĩ Timo Rissanen đã sớm chỉ ra rằng, thiết kế đơn lẻ không thể giải quyết được các vấn đề trọng tâm về môi trường, sức khỏe và trách nhiệm xã hội của thời trang nhanh. Ngành công nghiệp và thói quen tiêu thụ mới chính là mấu chốt cho sự tồn tại và phát triển của Zero Waste Fashion. Để góp phần làm thay đổi sự vận hành tiêu cực đối với môi trường của ngành công nghiệp, cũng như nhận thức bền vững của người tiêu dùng, khái niệm Zero Waste phải bắt đầu từ những bước đi định hướng.
Với các nhà thời trang theo đuổi Zero Waste, đây hoàn toàn không phải là ý tưởng Avant Garde, mà chính là một cách để hạn chế hàng triệu tấn rác mỗi năm của ngành công nghiệp may mặc. Đó cũng chính là tham vọng mà thương hiệu, nhà sản xuất và các tập đoàn thời trang đã đang hướng đến. Xu hướng bền vững trong thời trang đang được lan tỏa, từ các nhà kinh doanh hàng may mặc, nguyên liệu dệt may cho đến những “bộ máy” cung cấp thời trang nhanh toàn cầu cũng bắt đầu được củng cố. Và, một khát vọng về môi trường sẽ là trọng tâm mới mà các trường thời trang hàng đầu đang theo đuổi.
Parsons School of Design (New York) là nơi đã đưa ra một trong những khóa học Zero Waste Fashion đầu tiên trên thế giới. Khóa học Zero Waste Garment được đưa vào giảng dạy bởi Trợ lý giáo sư Timo Rissanen từ năm 2010, dựa trên triết lý bền vững nhằm định hướng các thế hệ nhà thiết kế trẻ cân nhắc và suy nghĩ về vấn đề chất thải của ngành thời trang hiện nay. Trong nửa học kỳ cuối tại trường thiết kế Parsons, các học viên được yêu cầu tìm kiếm giải pháp thiết kế những chiếc quần jeans Zero Waste thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng thực tiễn, đồng thời đáp ứng thị hiếu và phong cách. Các đề tài giải pháp có thể xoay quanh hầu hết các khâu, bao gồm cả việc lựa chọn nguồn nguyên liệu, quy trình xử lý chất liệu, hoặc thiết lập chiến dịch thương mại khuyến khích người tiêu dùng sử dụng ít chất tẩy rửa và áp dụng các biện pháp bảo vệ đồ bền của vải, sợi.
Hiện tại, trong nỗ lực nhỏ của mình, F.A.C.E Fashion Workshop mong muốn xây dựng một môi trường đào tạo Sustainability Fashion & Textile Design trên quy mô cả nước, bước đầu có mặt tại 2 trung tâm “chất xám” là TPHCM và Hà Nội.
Song hành cùng dự án đào tạo Zero Waste Design của F.A.C.E chính là Thạc sĩ thời trang Elena Ewst – một nhà nghiên cứu Zero-Waste Fashion và Eco-Sustainable Fashion, đã sáng lập Elena Ewst Fashion lab. Với kinh nghiệm làm việc 25 trong ngành thời trang tại Châu Âu và Châu Á, Ms Elena Ewst từng giảng dạy tại các trường thời trang lớn trong nước như Raffle và London College of Fashion, hiện tại là giảng viên tại F.A.C.E Workshop, đảm nhận các khóa học về Advanced Draping.
Năm 2017, F.A.C.E đã hợp tác cùng 2 nhà sáng lập của TR Cutting School và Elena Ewst Fashion lab và 3 nhà đồng hành bao gồm RomeA, Shindo và Brother, tổ chức sự kiện triển lãm và trò chuyện Guide to Contemporary Fashion 2017 tại Leman Building. Hoạt động nhằm chia sẻ và giới thiệu 2 kỹ thuật mới đang được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trên khắp thế giới: Zero-Waste Design & TR Cutting.
Hiện tại, F.A.C.E Fashion Workshop là nơi duy nhất tại Việt Nam giảng dạy môn TR Cutting và Zero-Waste Fashion. Chi tiết truy cập tại đây.
Bài: Xu