Tuyệt tác Le Paris Russe de Chanel: Tụng ca mối tình nước Nga giữa lòng Paris
Ngày đăng: 23/10/19
BST Le Paris Russe de Chanel là tuyệt tác trang sức lấy cảm hứng từ lát cắt cuộc đời của nhà thiết kế huyền thoại Coco Chanel, mà trong đó, nước Nga là nhân tố quan trọng dù Coco chưa một lần đặt chân đến xứ sở bạch dương.
Đại công tước Dmitri Pavlovich, cháu trai của Sa hoàng Tsar Nicholas II, cũng chính là người đàn ông mà Coco gắn bó trong một thời gian ngắn (1921). Mối tình của họ tuy chóng vánh nhưng luôn bùng cháy trong ngọn lửa đam mê, để từ đó, Coco bắt đầu tình yêu trọn vẹn với nước Nga.
Rõ ràng, “xứ sở bạch dương” luôn luôn hiệu hữu trong tâm tưởng Coco Chanel và ít ai ngờ rằng, BST trang sức cao cấp Le Paris Russe de Chanel cũng chính là lời tri ân đến mối quan hệ này.
Le Paris Russe de Chanel: Một Paris đậm chất Nga của Chanel!
Vị công tước ấy đại diện cho nét đẹp Hoàng gia Nga. Qua người đàn ông này, Coco sớm làm bạn với những người lưu vong mới không quốc tịch từ đế chế cũ. Sau Dmitri, bà tiếp tục cuộc tình gây tranh cãi với nhà soạn nhạc Igor Stravinsky, nhà phê bình nghệ thuật Diaghilve cũng như vũ công ba lê Léonide Massine, Serge Lifar và Boris Kochno.
Coco từng chia sẻ: “Đất nước và con người Nga khiến tôi mê mẩn. Chính người Nga đã dạy cho phụ nữ rằng được làm việc là một đặc ân”.
Cũng giống như những BST trang sức cao cấp khác của Chanel ra mắt từ năm 2009, Le Paris Russe de Chanel được chính Patrice Leguéreau – Giám đốc xưởng kim hoàn Chanel Joaillerie của nhà mốt – thiết kế.
BST được thổi nguồn cảm hứng từ viễn cảnh Hoàng gia Nga mà Coco chia sẻ dựa trên những mối quan hệ với người yêu và bạn bè người Nga. Như vậy, BST huyền thoại này là vết cắt quãng đời trải dài khoảng hai thập kỷ của NTK, từ năm 1920 đến những năm 1930. Đây cũng là thời hoàng kim, đỉnh điểm sáng tạo của Coco Chanel. Trong thời gian này, NTK đã giải phóng phụ nữ khỏi lớp áo lót của họ, để trình làng chiếc váy đen nhỏ nổi tiếng không có áo lót độn bên trong cùng chai nước hoa Chanel No.5.
Có thể nói, những sáng tạo thời trang của Chanel chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tính thẩm mỹ nước Nga. Áo dài, áo choàng lót lông và áo cánh lớn đã sớm xuất hiện trong BST của bà, kết hợp với kỹ thuật dệt thêu của người dân nước Nga. Cũng từ đó, bà đã thuyết phục được Nữ công tước Maria Pavlovna, em gái của Pavlovich, mở một xưởng thêu mang tên Kitmir dành riêng cho nhà mốt.
Nhận thức được tầm ảnh hưởng của nước Nga trong cuộc sống của Coco Chanel, BST Le Paris Russe de Chanel gồm 69 tác phẩm, phản ánh tinh tế cuộc sống hùng vĩ và phi thường của nước Nga thông qua những họa tiết đa dạng và phong phú. Nhiều tác phẩm trong đó có thể biến đổi, minh họa cho tính sáng tạo kỹ thuật của nhà kim hoàn nhằm tôn vinh giấc mơ của nhà sáng lập về cách sử dụng đồ trang sức linh hoạt và theo cá tính riêng của từng người phụ nữ.
Nhằm tăng thêm tính liên kết, Leguéreau khiến giới mộ điệu mê mẩn khi chiêm ngưỡng những hình ảnh biểu tượng của nước Nga, đó là hạt lúa mì (biểu trưng cho vàng, mặt trời, may mắn và sự giàu có của nước Nga), họa tiết đại bàng hai đầu kết hợp hoa trà, hình bát giác, tạo nên bộ khung tuyệt đẹp cho những thiết kế nữ trang cao cấp.
Trong khi đó, bộ Sarafane được truyền cảm hứng từ công việc may vá của người Nga, bao gồm chiếc mũ sắt nổi bật trông giống như kokoshnik – mũ truyền thống của phụ nữ Nga, có hình dạng giống như một chiếc vương miện nổi tiếng ở Tây Âu vào cuối thế kỷ 19.
Và đặc biệt không kém, hình ảnh hoa trà camellia một lần nữa hiện hữu trong BST, được chế tác từ kim cương, ngọc trai nuôi cấy và vàng trắng. Trong khi đó, chiếc mũ sắt cũng có thể được đeo như một chiếc vòng cổ sang trọng.
Không bao giờ ngại phá vỡ những quy tắc trong cuộc sống và sự nghiệp cá nhân, Coco Chanel được mệnh danh là nhà thiết kế thời trang cách mạng và là người tiêu phong trong giới thiết kế trang sức, khi bà dám dấn thân vào thế giới thợ kim hoàn vốn rất bảo thủ ở Quảng trường Vendôme.