Nhà thiết kế Rei Kawakubo: “Quy tắc ở trong đầu tôi”

Ngày đăng: 19/01/21

“Có một quy tắc mà tôi luôn giữ lấy: đó là không có gì mới có thể đến từ mình một cách tùy ý hay không xuất phát từ gian khó” – Rei Kawakubo.

Với một ngôi nhà đã hoạt động bên lề ngành công nghiệp thời trang suốt 40 năm, bộ sưu tập Xuân Hè 2014 của Comme des Garçons đã thể hiện được sự độc đáo – theo chuẩn mực của Rei Kawakubo. Ở hậu trường, nhà thiết kế người Nhật giới thiệu 23 mẫu đồ gọi là “thứ gì đó không phải là áo quần”. Bà ấy không đùa. Để dán nhãn cho những hình khối này thật khó khăn khi so sánh chúng với hàng hàng thiết kế được ngành công nghiệp thời trang giới thiệu vào mỗi mùa. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Kawakubo đã thất bại: những tràng vỗ tay cuồng nhiệt ở cuối chương trình đã chứng minh điều ngược lại. 

Nhà thiết kế Rei Kawakubo và Chồng của bà cũng là CEO của Comme des Garçons, Adrian Joffe

Kể từ ngày đầu ra mắt bộ sưu tập đầu tiên tại Paris vào năm 1981, sau đó báo chí và buyer dần quen với sự khác biệt của Kawakubo. Từ những chiếc váy “body-bump” trong bộ sưu tập Xuân hè 1997 đến cưới váy cưới trong bộ sưu tập White Drama Xuân Hè 2012, không có gì ngạc nhiên khi phát hiện ra Kawakubo là do một kẻ ngông cuồng – thậm chí cứng đầu – mong muốn tạo ra một cái gì đó mới, một cái gì đó đẩy xa hơn nữa ranh giới của những gì có thể được chấp nhận là thời trang.

Tiếng nói của một nhà thiết kế chưa bao giờ trở nên quan trọng như hiện nay trong việc thể hiện giá trị thương hiệu. Ai nói to nói lớn thì được nghe nhiều hơn. Trong khi đó Kawakubo từ chối giải thích bản thân với công chúng, tuy nhiên sự im lặng của bà khiến cho tiếng nói của bà trở nên quan trọng và mạnh mẽ hơn bất kì nhà thiết kế nào khác trong ngành công nghiệp ngày nay. 

Cuộc phỏng vấn diễn ra vào ngày Chủ Nhật, 29 tháng Mười Hai, 2013, giữa Hans Ulrich Obrist – một nhà quản lý và giám tuyển nổi tiếng trong giới nghệ thuật cùng Rei Kawakubo. Chồng của bà cũng là CEO của Comme des Garçons, Adrian Joffe đóng vai trò phiên dịch.  

Hans Ulrich Obrist: Xin chào, rất vinh hạnh được gặp bà. Tôi xin được bắt đầu ngay với câu hỏi đầu tiên. 

Adrian Joffe: Rei không phải kiểu nhà thiết kế có thể trả lời câu hỏi một cách dễ dàng. (Nói với Rei) Hans thỉnh thoảng cũng phỏng vấn họa sĩ như Gerhard Richter.

Tôi có một câu chuyện nhỏ để bắt đầu. Nhiều năm về trước, tôi đến gặp nhà triết học vĩ đại Hans-Georg Gadamer – ông ấy là học trò của Heidegger, nhà triết học huyền thoại và lâu năm của Đức. Vào một thời điểm nhất định trong cuộc phỏng vấn, Gadamer đã ngủ gật. Sau 15 phút, điện thoại đổ chuông – ông nhấc máy và nhận ra chuyện gì đã xảy ra. Máy ghi âm vẫn đang chạy, vì vậy ông ấy nhìn tôi và nói, “Ông sẽ gặp khó khăn lớn trong việc ghi lại sự im lặng của tôi.”

Trong bốn đến năm năm vừa qua, tôi đã làm việc tại Metabolism. Tôi không biết bà có biết đến quyển sách mà Rem Koolhaas và tôi làm tại Metabolism và công trình Metabolist, Kikutake, Maki and Kurokawa? [Dự án “Project Japan. Metabolism Talks… by Rem Koolhaas and Hans Ulrich Obrist” được xuất bản bởi Taschen]. Đó là một thời kỳ tuyệt vời của Nhật Bản, với trải nghiệm về âm nhạc, Gutai, Metabolism… Bà bắt đầu công việc của mình vào những năm 1960 trong môi trường này, và tôi tự hỏi môi trường đó có truyền cảm hứng cho bà? 

Rei nghĩ là không có sự liên hệ. Cô ấy bắt đầu sự nghiệp vào năm 1969. 

Điều gì truyền cảm hứng cho bà khi bà bắt đầu? Bà có hình mẫu lý tưởng hay nguồn cảm hứng nào? 

Mọi người đều… Rei muốn bắt đầu làm việc. Đó chính là sự bắt đầu trong sự nghiệp của cô ấy, và cô ấy quyết định thành lập công ty, Comme des Garçons. Không có một hình tượng cụ thể hay người truyền cảm hứng nào. Cô ấy chỉ là muốn làm nên cuộc sống của riêng mình. Với cô ấy, đó chỉ là bắt đầu công việc của mình mà thôi. 

Một ngày nọ, tôi đi cùng một người bạn thân của tôi, Kazuyo Sejima – chúng tôi đã cùng nhau thực hiện rất nhiều dự án. Cô ấy nói với tôi rằng khi cô ấy còn là một cô bé, cô ấy đã nhìn thấy một bức ảnh nhỏ về Sky House của Kikutake trên một tạp chí tại nhà của cô ấy. Cô ấy trích dẫn điều đó như một kiểu: “Tôi muốn trở thành một kiến trúc sư”. Tôi đang tự hỏi liệu bà có trải nghiệm hay người khởi xướng tương tự?

Điều đó hoàn toàn không tồn tại đối với cô ấy. Cô ấy ước mình có một câu chuyện như vậy, nhưng mà cô ấy không có.

Nó chỉ đơn giản là bắt đầu ở đâu đó?

Nó chỉ là bắt đầu. Chỉ như thế bởi cô ấy muốn làm việc và độc lập và sống. 

Để tự do.

Đúng, tự do. Đây là trải nghiệm về việc phát triển. Bạn biết câu chuyện mà? Cô ấy là stylist tại một tạp chí; cô ấy không tìm thấy điều gì cô ấy thích qua nhiếp ảnh, vì thế cô ấy quyết định là chính mình khi cô ấy thành lập công ty riêng. Không có linh cảm gì hết. Cô ấy ước cô ấy có một câu chuyện để kể chứ, nhưng cô ấy không hề có. 

Tôi tò mò bởi gì những nghệ sĩ trong lĩnh vực của tôi, trong lĩnh vực nghệ thuật, thường có một tổng tập danh mục (catalogue raisonné – một danh sách các tác phẩm của nghệ sĩ để công bố trước truyền thông), một catalogue bao quát về công việc của họ – bao gồm các tác phẩm kể từ thời còn sinh viên. Nó thường là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên thể hiện ngôn ngữ riêng của họ. Bà có thể chia sẻ về công việc, tác phẩm hay thiết kế đầu tiên mà bà tìm thấy ngôn ngữ của mình?

Nó trở nên phức tạp hơn. Thi thoảng nó cũng trở nên đơn giản hơn. 

Khi bà nói rằng không có linh cảm, có vẻ như nó đã xảy ra tình cờ. Trong bài phỏng vấn trước đó, bà cho rằng nó có cảm giác hiệp trợ và tình cờ. Điều này thật thú vị bởi vì nó giống như John Cage và ý tưởng về nắm lấy cơ hội. Tôi tò mò không biết liệu bà có thể nói thêm về chúng. 

Cô ấy nói sự tình cờ không phải là thứ mà ta có thể dự đoán, nó chỉ là điều gì đó đến sẽ đến. Vấn đề nằm ở chỗ mở nó ra. Nó không phải là điều gì đó mà bạn có thể dự đoán. Cô ấy không biết làm sao để lý giải nữa. 

Âm nhạc có quan trọng với bà không? Hay John Cage? 

Không có ý gì với cô ấy. Cô ấy không biết nhiều người. Cô ấy biết John Cage là ai, nhưng cô ấy không biết nhiều về ông ấy. Cô ấy biết một chút về ông ấy thời cô còn làm với Merce Cunningham.

Đó rõ ràng là điều khiến tôi quan tâm nhất, sự hợp tác với các nghệ sĩ và thế giới nghệ thuật. Điều đó được bắt đầu ra sao? Ai là nghệ sĩ đầu tiên mà bà đã hợp tác?

Cô ấy nghĩ rằng sự bắt đầu khi cô ấy tạo nên tạp chí Six vào đầu những năm 1980. Ý tưởng về việc truyền đạt những giá trị của Comme des Garçons thông qua Six, và đó là trọng điểm nơi mà cô ấy bắt đầu việc cộng tác với nhiều nghệ sĩ. Ông còn nhớ Six chứ?

Đúng đúng, dĩ nhiên rồi. Tôi thích Six lắm. Bà có thể cho tôi vài ví dụ cụ thể về nghệ sĩ mà bà đã tìm thấy trong quá trình cộng tác? Nó không phải là trường hợp yêu thích, mà nằm ở kết quả cuối cùng của công việc trở nên tốt đẹp. 

Gần đây thôi, đó là nhiếp ảnh gia René Burri, đồng hương của tôi, Thụy Sỹ.

Vì sao bà ấy bị thu hút bởi Burri? Ông ấy là một nhiếp ảnh gia Magnum tuyệt vời ấy!

Là mọi thứ diễn ra thế nào ư?

Đúng vậy. Điều gì khiến bà nghĩ đến ông ấy? Ông ấy viết rất nhiều điều hay về việc cộng tác nên tôi rất tò mò… 

Mỗi năm chúng tôi làm việc với một nghệ sĩ. Năm đó chúng tôi làm việc với một nhiếp ảnh gia và cô ấy chỉ… (Nói với Rei) Em nhớ không? Cần phải chọn một trong hai nhiếp ảnh gia, René và một người khác nữa. Cô ấy nói với René điều này và ông ấy không quan tâm – ông ấy biết người kia và người kia sống gần René. (Nói với Rei) Tên anh ta là gì nhỉ? Họ là hai nhiếp ảnh gia yêu thích của cô ấy. Họ đã gặp và trao đổi. Anh ấy gửi cho cô tất cả sách của mình, nhưng dĩ nhiên cô ấy biết nhiều về công việc của anh ấy.

Bà ấy có sưu tầm sách không?

Không. Cô ấy không sưu tập gì cả. 

Tôi từng gặp Azzedine Alaïa, ông ấy có tủ to lắm – nó khổng lồ luôn – đầy đủ hết! Đó là kho lưu trữ của ông ấy và cũng là kho tư liệu của các nhà thiết kế, sách, tranh ảnh, bức họa, vật dụng. Bà có kho lưu trữ không? 

Không, cô ấy bảo cô ấy không thích những thứ như vậy. 

Không có vật tư hữu?

Đối với cô ấy, đó là một gánh nặng. Cô ấy nói rằng cô ấy không có ham muốn sở hữu. Cô ấy không biết tại sao, nhưng cô ấy không bao giờ muốn thu thập bất cứ thứ gì khi mà cô ấy có thể tự nhớ được.

Tháng trước tôi đã đi xem triển lãm Met ở New York về punk – về sắc thái và nét thẩm mỹ của punk. Tôi đã tự hỏi liệu bà có thấy vậy không, và làm thế nào bà kết nối với punk – bây giờ và cả trước đây? Bà có cảm thấy thoải mái với những khái niệm hay nhãn mác này không?

Cô ấy thích tinh thần punk. Cô ấy luôn thích tinh thần chống lại guồng quay của máy móc, cách thông thường mọi thứ hoạt động. Đó là lý do cô ấy luôn cảm thấy thu hút với tinh thần của punk. Cô ấy thích từ đó. Mỗi bộ sưu tập về nó. Punk chống lại sự xu nịnh và cô ấy thích điều đó ở punk. 

Vậy, nó có phải là một hình thức phản kháng?

Đúng, có thể xem như vậy. Chống lại sự xu nịnh, chống lại sự tầm thường.

Luôn có những nghệ sĩ cho rằng họ có thể hiểu ai đó nếu họ biết thể loại âm nhạc mà ông bà đó nghe. Loại âm nhạc nào mà bà luôn nghe vậy?

Không có. 

Im lặng.

Không có gì đặc biệt. Tất cả hoặc không gì hết. Những gì cô ấy thích nghe khi cô ấy có chọn lựa là nghe nhạc gì đó như jazz. Cô ấy chưa từng nói điều này với tôi trước đây.

Bà mơ về gì? Giấc mơ nào làm bà hạnh phúc?

Cô ấy nói cô ấy chưa bao giờ cần đến giấc mơ.

Rất thú vị. Vài năm trước tôi dành rất nhiều thời gian với Kazuo Ohno – một vũ công – tôi không biết bà biết ông ấy không?

Không. 

Ông ấy là một vũ công Butoh nổi tiếng – ông ấy ở tuổi 103. Tôi đã phỏng vấn ông ấy, và ông ấy không nói nhiều trừ về những thứ hoang dã. Ông ấy chưa bao giờ ngừng nhảy cho năm ông ấy 101 tuổi. Bà có nghĩ bản thân sẽ làm việc trong ngành thời trang đến hết đời mình – ví dụ như trăm tuổi như Kazuo Ohno? 

Cô ấy nghĩ là công việc là thứ diễn ra trong đời cô ấy không biết việc này sẽ ra sao. Làm việc là làm việc. Cô ấy không tưởng đến việc về hưu. 

Bà từng nói rằng bà muốn đánh thức người ta… 

Nếu người không thức dậy thì sẽ không có gì mới, và do đó không có gì tiến bộ cả. 

Một điều ấn tượng với tôi trong hầu hết các bài phỏng vấn mà tôi đọc được về bà là ý tưởng về cái mới. Nó không bao giờ lặp lại mà luôn tìm ra điều gì đó mới. Điều đó rất giống như Gerhard Richter làm với hội họa. Ông ấy tìm ra các quy tắc mới cho trò chơi. Điều này rõ ràng ngày càng trở nên khó khăn. Ngay từ khi tôi còn là một sinh viên vào những năm 1980 – có cảm giác với chủ nghĩa hậu hiện đại những năm 1980 rằng mọi thứ đã được thực hiện, rằng mọi thứ đều là một trích dẫn. Rei, bà đã luôn tạo ra những bộ sưu tập mới này một cách thành thạo. Có công thức nào cho cách bà xoay sở để đạt được thành công như vậy và theo một cách đáng kinh ngạc đến thế để tạo ra cái mới không?

Cô ấy muốn hỏi công thức gì bởi vì cô ấy luôn phải vật vã mỗi lần tìm kiếm gì đó mới. Cô ấy sẽ không nói làm sao cô ấy tìm ra gì đó mới, nhưng nếu ông có công thức, hãy cho cô ấy, cô ấy cũng muốn biết lắm. 

Không, tôi chưa bao giờ tìm thấy một công thức nào – hay là chứng mất ngủ? Tôi không biết đây có phải là lời khuyên tốt không.

Cô ấy sẽ nghĩ về điều đó. Có lẽ cô ấy sẽ không ngủ để cho ra bộ sưu tập tiếp theo.

Tôi muốn biết về bộ sưu tập mới – đầy những kiệt tác. Nó rất kiến trúc, giống như các tòa nhà. Tôi đã rất ấn tượng về nó, rất nhiều lời tán dương. Nó gần giống như kiến trúc. Tôi đã tự hỏi phải chăng nó có một liên kết và liệu bà có đồng ý với điều đó không?

Với bộ sưu tập này, cô ấy bắt đầu nhấn mạnh ở việc không muốn làm trang phục. Nếu ông nói đó là kiến trúc, nó có lẽ là đúng đấy, bởi vì nó không phải quần áo. Như ông nói, càng khó và khó khăn hơn trong việc tạo nên gì đó mới. Cô ấy vật lộn mỗi lần, ông có thể hình dung địa ngục mà cô ấy bước qua. Để tạo nên gì đó trừ quần áo, như ông đã biết đấy. 

Tôi đã đọc về tuyên bố về những “cửa hàng du kích” (guerrilla stores) – nó giống như luật chơi. Bà có luật nào không?

Luật mỗi lần mỗi khác, nhưng mỗi lần có luật là cô ấy làm việc với luật để tìm ra gì đó mới.

Bà có thể cho tôi biết quy tắc cho ‘Flat Collection’ Thu/Đông 2012 là gì không? Bộ sưu tập đó đã có sức ảnh hưởng lớn, và nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực của tôi đã đề cập rằng họ đã được truyền cảm hứng từ nó. Nó cũng được vang danh qua tất cả các bộ sưu tập thời trang và nghệ thuật.

Đối với bộ sưu tập đó, quy tắc là bỏ qua cơ thể con người. Cơ thể con người là không gian ba chiều, vì vậy cô ấy đã làm việc hoàn toàn trên mặt phẳng hai chiều phẳng để cố gắng tìm ra thứ gì đó mới mà không để ý đến cơ thể.

Vì vậy, nó sẽ chuyển từ 3-D sang 2-D. Bà hãy cho biết về quy tắc mà bà còn nhớ mình đã đặc biệt sử dụng? Nhiều người mà tôi đã nói chuyện – nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư – đã đề cập đến ‘Bump Dress’, đó là một phát minh tuyệt vời. Quy tắc trong đó là gì? Điều gì đã thúc đẩy ‘Bump Dress’?

Tại thời điểm đó, quy tắc là cô ấy nghĩ rằng cô ấy không thể làm quần áo mới, vì vậy cô ấy đã thay đổi cơ thể mới. Để làm trang phục mới, cô ấy đã làm nên cơ thể. Không phải cơ thể mới, mà là hình dạng cơ thể.

Bà ấy định hình chúng.

Cô ấy định dạng hình dáng cơ thể. Và sau đó đặt điều gì đó vào trong, và nó trở thành trang phục. 

Rất là hình khối.

Đừng thiết kế trang phục, hãy thiết kế hình thể. 

Bà có thể cho vài ví dụ? Tôi rất hứng thú với những quy tắc trong trò chơi. Về ‘Lace Collection’ 1981 thì sao?

Dĩ nhiên, lúc nào cũng có. Cô ấy nói rằng cô ấy không nghĩ về gì đặc biệt bây giờ nhưng cách để tìm điều gì đó mỗi lần điều khiến cô ấy tự hành hạ bản thân, tự tạo cho mình những ràng buộc và quy định. Luôn có một quy tắc, kachikan của Comme des Garçons và sau đó là các chủ đề, chủ đề phụ và các tình tiết liên kết với nhau.

Điều đó thật hấp dẫn. Có một phong trào văn học Pháp bắt đầu vào những năm 1960 có tên là Oulipo – người nổi tiếng nhất trong phong trào đó là Georges Perec, và ông ấy cũng nói điều tương tự về thơ. Ông nói rằng chúng ta chỉ có thể tạo ra thơ nếu chúng ta đặt ra những ràng buộc rất mạnh, thậm chí tàn bạo.

Tương tự vậy.

Anh ấy đã viết cả một cuốn tiểu thuyết mà không có chữ ‘e’! Tôi tự hỏi liệu ý tưởng về sự ràng buộc này có áp dụng cho các phát minh khác của bà như mùi hương, ví dụ Odeur 53 không?

Rei nói rằng làm nước hoa không giống như làm một bộ sưu tập. Với mỗi loại nước hoa, cô ấy tạo ra một cái gì đó mới – một mùi mới, thành phần mới, ý tưởng mới cho bao bì. Với Odeur 53, chúng tôi chỉ có ý tưởng tạo ra một loại ‘anti-perfume’ không có thành phần tự nhiên, chỉ với những mùi từ cuộc sống hàng ngày được tái tạo bằng công nghệ vũ trụ trong một chai 200ml lớn mang tính thương mại. 

Phải mất một thời gian dài giữa việc phát minh ra tivi và tạo ra nghệ thuật tuyệt vời với tivi. Nó không phải là ngay lập tức. Điều này cũng tương tự với Internet – việc tạo ra Internet chưa có nghĩa là nghệ thuật hay thời trang tuyệt vời đã được tạo ra từ nó. Tôi thấy thú vị khi bà không sử dụng Internet trong một thời gian dài. Internet có thay đổi cách làm việc của bà không?

Một cái gì đó về internet rất khác với tâm trí con người. Yếu tố con người không thể thiếu giữa sáng tạo thời trang và internet. Đó là lý do tại sao cô ấy không quan tâm đến nó. Cô ấy nghĩ rằng nó không thể chuyển tải được. Cô ấy không biết liệu có mất thời gian trước khi điều đó xảy ra hay không, nhưng hiện tại cô ấy không nghĩ nó sẽ xảy ra hoặc nếu nó sẽ xảy ra.

Thiếu kết nối con người. Nhiều người bạn của tôi trong ngành nghệ thuật và kiến trúc lo ngại rằng viết và vẽ đang biến mất. Tôi đọc trong sách rằng văn bản và hình vẽ không còn đóng vai trò quan trọng nữa, bà nghĩ sao về điều này? Viết và vẽ có vai trò gì trong thực tế với công việc của bà?

Cô ấy không vẽ.

Bà có viết không? Hay nói là đủ rồi? 

Nếu làm gì, thì bằng lời nói. Hoặc, một từ.

Viết và nói?

Đúng!

Vậy, quy tắc được viết ra à?

Quy tắc không được viết ra. Quy tắc ở trong đầu cô ấy. Cô ấy không viết chúng ra đâu.

John Waters dĩ nhiên đã viết rất nhiều về bà. Vì vậy, khi chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này, tôi đã xem lại những ghi chép của ông ấy, và ông ấy nói với tôi rằng du lịch có thể là nguồn cảm hứng quan trọng nhất của bà – không phải sưu tầm, nghệ thuật, văn học, âm nhạc mà là du lịch. Bạn có thể nói một chút về du lịch và điều đó ảnh hưởng đến công việc của bà như thế nào? Bộ sưu tập gần đây có được lấy cảm hứng từ một chuyến đi không?

Cô ấy e rằng không có mối liên hệ nào. Cô ấy đã không đi du lịch trong khoảng bốn năm. Cô đã đến thăm Romania và Yemen mười năm trước. Gần đây không có nhiều chuyến đi và ngay cả khi đi, cô ấy nói rằng việc tìm kiếm thứ gì đó khác cũng khó khăn như vậy. Bạn không thể rời bỏ chính mình.

Vì vậy, không có chuyến đi nào.

Không, không có chuyến đi nào. Cô ấy quá bận, quá nhiều việc. Nó ở bên trong cô ấy.

Một ngày bình thường diễn ra như thế nào?

Nó chỉ là làm việc liên tục. Cô ấy đến sớm, ở lại muộn và chỉ làm việc. Cô cũng điều hành công ty. Cô ấy giúp thiết kế không gian. Cô ấy làm mọi thứ. Cô ấy kiểm tra từng chi tiết nhỏ nhất về mọi thứ cho công ty. Vì vậy, mỗi ngày được thực hiện từ sáng đến tối với chi tiết, suy nghĩ và công việc.

Nhưng điều đó quan trọng. Về nghệ thuật, trong một buổi trò chuyện về Gesamtkunstwerk, tổng thể tác phẩm nghệ thuật: nghệ sĩ làm mọi thứ. Tôi bị cuốn hút bởi điều đó. Tôi có cảm giác rằng với bà, điều đó giống nhau – mọi mẩu giấy, mọi vật dụng văn phòng phẩm, mọi quảng cáo…

Quảng cáo, nội thất, trang trí – mọi thứ.

Vì vậy, không có thứ bậc trong đó? Liệu có thể nói rằng mọi thứ đều quan trọng?

Như bạn đã nói, đó là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cô ấy nói đó là cách duy nhất cô ấy biết cách làm việc. Rất khó để có thứ bậc vì đối với cô ấy, mọi thứ đều quan trọng; cô ấy nhìn thấy và kiểm soát hoạt động sáng tạo trực quan của công ty theo nhiều cách.

Và tất cả đều xuất phát từ tâm trí bà – có gì nằm ngoài ý tưởng của bà? Tôi tò mò muốn biết các sự kiện chính trị và lịch sử đã đi vào quá trình đó như thế nào; bà nói tất cả đều xuất phát từ bên trong, nhưng bà đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi các sự kiện bên ngoài – như Fukushima hay các sự kiện lịch sử lớn khác trên thế giới. Chúng đã có tác động đến bà hay chưa?

Cô ấy không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện. Thật kỳ lạ ở chỗ không có gì ảnh hưởng trực tiếp. Nó giống như mọi thứ và không có gì. Không có gì trực tiếp nhưng có thể là nhiều thứ gián tiếp trong xã hội, những thứ mà cô ấy có ý kiến và cảm nhận, những vấn đề chính trị và những thứ tương tự, nhưng không có gì thực sự liên quan đến công việc.

Hồi nãy chúng ta nói về Six magazine. Điều gì đã thúc đẩy ý tưởng làm tạp chí và đó có phải là điều bà vẫn quan tâm không?

Cô ấy muốn thể hiện và truyền đạt các giá trị của công ty theo một cách khác, không chỉ qua quần áo. Đó là cách nó bắt đầu. Kể từ đó, đã có những phương tiện khác nhưng nó có thể quay trở lại.

Tạp chí khác nhau?

Các tạp chí khác nhau, như thứ ra mắt hiện giờ vào mỗi năm. 

Vậy còn những thứ trên đường phố? Những cửa hàng cũng là một phần của Gesamtkunstwerk. John Eaters viết rằng ‘cửa hàng cũng giống như một phương tiện được thiết kế bởi Rei…’ Anh ấy đề cập đến cửa hàng ở West 2nd St, nhưng tôi đến Dover Street Market ở London hoài – Tôi rất thích Dover Street Market. Tôi nghĩ đó là cửa hàng tốt nhất ở London. Nó cũng là một phần mở rộng của những gì bà làm.

Đó là một phần rất quan trọng trong việc truyền đạt các giá trị của chúng tôi. Các cửa hàng đều được làm bởi cô ấy.

Và còn ý tưởng về những cửa hàng du kích? Điều đã trở nên phổ biến hiện giờ?

Chúng tôi ngừng làm rồi bởi giờ ai cũng làm hết.

Ừ tôi biết, nhưng bà làm nó trước họ. Ý tưởng nảy sinh thế nào? 

Trong kinh doanh, chúng tôi cần tìm cách thức sáng tạo cho công việc. Nó hầu như là “no-brainer” (quyết định dễ dàng mà không cần tính toán gì nhiều – chú thích của người dịch). Chúng tôi có sản phẩm, và chúng tôi có không gian với những sinh viên không biết làm gì với thời trang nhưng muốn được làm việc. Vì vậy chúng tôi chuyển hàng ra khỏi kho đến các không gian đó. Đó chỉ là ý tưởng kinh doanh làm sao để kinh doanh theo một cách mới. 

Và nếu nhìn vào…

Quy tắc là quy tắc.

Một lần nữa các quy tắc! Dover Street Market tái cấu trúc thành cửa hàng bách hóa; Điều gì kế tiếp? Bà có bất cứ thứ gì khác thúc đẩy không vì bà luôn muốn thúc đẩy sự phát triển…

Nếu ông có ý tưởng hay, vui lòng cho chúng tôi biết vì chúng tôi vẫn đang thực hiện Dover Street; chúng tôi sẽ khai trương tại New York vào tháng 12.

Mỗi thành phố nên có một Dover Street?

Tôi không nghĩ vậy. Mỗi thành phố có sự riêng biệt.

Mỗi thành phố lớn.

Tôi không nghĩ Paris thích hợp với Dover Street.

Tại sao?

Nó quá tư sản. Chúng tôi đến London trước vì Rei luôn cảm thấy năng lượng đó ở London.

Thành phố yêu thích của bà là gì?

Cô ấy nói rằng không có nơi nào đặc biệt.

Tôi có một câu hỏi về các dự án chưa thực hiện. Thật ngạc nhiên khi tôi nhìn vào công việc của bà, ở tất cả các dự án đã được hiện thực hóa – hàng nghìn thiết kế và chương trình này. Tôi đã tự hỏi liệu bà có dự án nào chưa được thực hiện mà có thể quá lớn hoặc quá nhỏ để thực hiện không. Rei Kawakubo có ước mơ hay điều không tưởng nào chưa xây dựng được không?

Không có một điều cụ thể nào.

Vì vậy, không có dự án nào chưa được thực hiện?

Cô ấy nói rằng vẫn chưa có một dự án nào chưa được thực hiện. Ngay khi điều gì đó đến, nó sẽ được nhận thấy. Không có gì ở trong ổ ghi. 

Tôi nhận được một số câu hỏi từ Nick Relph, một nghệ sĩ người Anh sống ở New York, anh ấy là một người hâm mộ bà và anh ấy đã gửi cho tôi đêm qua. Anh ấy nói rằng không thể tách vai trò nhà thiết kế khỏi vai trò là một nữ doanh nhân. Thời trang chỉ tồn tại nếu trang phục có thể mặc được. Nếu điều gì đó, các triển lãm về công việc của bà, không đề cập đến bán hay mặc được, vì vậy, điều đó dẫn chúng ta đến câu hỏi mà chúng ta rõ ràng rất quan tâm đến thế giới nghệ thuật: vai trò của triển lãm đối với bà là gì?

Cô ấy nói rằng cô ấy không bao giờ làm điều đó vì cô ấy muốn, nhưng chính những người khác yêu cầu cô ấy làm điều đó.

Đó là một câu trả lời hay, thú vị. Những cuộc triển lãm không thực sự nằm trong suy nghĩ của bà?

Cô ấy thích ý tưởng về một cuộc triển lãm ba chiều: thứ gì đó chuyển động, giải thích và thể hiện tác phẩm. Cô ấy rất muốn thực hiện một triển lãm 3-D nơi những sáng tạo, thời trang đang chuyển động.

Tuy nhiên, đây là một dự án chưa được thực hiện!

Thì vậy đó. Đã nghĩ ra rồi đấy thôi. Cô ấy đã đề cập vấn đề này với nhân viên của mình và họ nghĩ rằng điều đó là không thể giải quyết được.

Điều đó không phải là không thể! Ví dụ, Pierre Reed đã có một cuộc triển lãm mà tôi đã phụ trách nhiều năm trước, nơi những con búp bê di chuyển trong không gian. Vì vậy, nó có thể được thực hiện.

Nó có thể được thực hiện. Vì vậy, có lẽ ông sẽ phải làm điều đó.

Rei, bà chơi đùa và từ chối mã giới tính trong trang phục nam và nữ. Nhưng có phải nhân viên của Comme des Garçon chỉ có thể mặc bộ sưu tập theo giới tính của họ?

Không, điều này không đúng. Mọi người có quyền mua và mặc những gì họ muốn. Không có quy tắc gì cả. Cô ấy chẳng bao giờ nói với người ta phải mặc làm sao, mặc những gì hay vì sao phải mặc.

Người ta làm những gì họ muốn. 

Những gì họ muốn, họ làm chúng thôi.

Vậy bà chỉ đặt ra quy tắc cho chính mình chứ không với ai hết? Đúng chứ?

Chính xác!

Điều đó thật hấp dẫn. Tôi thích ý tưởng không đưa ra quy tắc cho người khác.

Có rất nhiều đàn ông ở Nhật Bản mặc bộ sưu tập của phụ nữ mà!

Và ngược lại?

Không nhiều trường hợp lại. Cô ấy nói rằng điều này không xảy ra nhiều có một số phụ nữ to lớn, vì vậy họ mua quần áo của nam giới. Nam giới mua quần áo của phụ nữ vì những lý do khác với một số phụ nữ mua quần áo của nam giới.

Đó là một câu trả lời tuyệt vời. Và câu hỏi tiếp theo từ Nick Relph là bà có kỷ niệm gì khi đến thăm Seditionaries trên Đường King’s Road?

Cô ấy không thể nhớ. Cô ấy nhớ đã đi đến Sex.

Ngoài ra còn có sự hợp tác với Vivienne Westwood.

Đúng. Chúng tôi gửi cho cô ấy các loại vải, và Rei chọn những mẫu thiết kế mà cô ấy thích sau đó Vivienne làm chúng bằng vải của chúng tôi.

Tôi biết tôi không thể hỏi tất cả các câu hỏi mà tôi có vì chúng quá nhiều, nhưng có một ý tưởng hợp tác này dường như đóng một vai trò lớn trong công việc của bà và mở rộng đến các nhà thiết kế khác trong toàn công ty.

Đó không phải là sự cộng tác. Đó là công việc kinh doanh. Watanabe, Kurihara, Ninomiya và Ganryu là những phương tiện để phát triển công ty. Họ là nhân viên, vì vậy tôi sẽ không gọi đó là sự cộng tác.

Nhưng những gì bạn đã làm với Vivienne Westwood…

Đó là sự cộng tác.

Và sự hợp tác với các nghệ sĩ khác?

Lý do cho điều đó nằm ở sức mạnh tổng hợp ngẫu nhiên: 1 + 1 = 3.

Tôi nghĩ 1 + 1 = 11. Điều đó thực sự dẫn chúng ta đến câu hỏi cuối cùng của Nick: Những con số có ảnh hưởng đến bà không?

Cô ấy thích 1, 3, 5, 7, 9. Cô ấy không thích số chẵn.

Vậy, những con số yêu thích của bà là số lẻ.

Vâng chắc chắn. Ông không bao giờ thấy bất cứ thứ gì đi theo cặp.

Ngoài ra màu sắc yêu thích của bà là màu đen, phải không? Trong một cuộc phỏng vấn với bà, bà nói rằng có lẽ đã đến lúc cho một màu đen mới, bởi vì mọi thứ đều là màu đen.

Đó là một thời gian rất lâu trước đây.

Nhưng bà có nghĩ rằng có một màu đen mới?

Đó không phải là màu yêu thích của cô ấy. Đó chỉ là màu cô ấy cảm thấy mạnh nhất. Không liên quan đến việc cô ấy có thích nó hay không, nhưng cô ấy chỉ cảm thấy rằng màu đen là màu mạnh nhất.

Đối với John Waters, đó là về sự than khóc; ở phương Tây đó là sự liên kết, nhưng rõ ràng là điều đó quá đơn giản.

Không. Anh ấy là một chàng trai tuyệt vời, nhưng hầu hết những điều đó đều quá đơn giản.

Vì vậy, nó là màu mạnh nhất.

Cô ấy cảm thấy đó là màu mạnh nhất.

Và bà nghĩ điều gì sẽ mạnh thứ hai?

Không có.

Đó là màu đen, và chỉ có thế. Hiện tại, tôi đã theo dõi Rei Kawakubo, nhưng tôi thường đăng một câu viết tay của mỗi nghệ sĩ mà tôi phỏng vấn như một sự phản kháng cho việc biến mất của chữ viết tay. Bà có thể viết một câu cho tôi?

Bằng tiếng Nhật ư?

Vâng, điều đó sẽ rất tuyệt!

Cô ấy nói điều này không liên quan đến cô ấy. Cô ấy không cảm thấy mối liên hệ về lý do tại sao cô ấy cần phải viết bất cứ điều gì. Nó không liên quan đến Comme des Garçons mà liên quan đến một thứ khác: nó liên quan đến nỗi lo lắng của ông về sự biến mất của chữ viết tay. Cô ấy không thấy cần thiết.

Hoặc, bà có thể viết Comme des Garçons… Tôi hiểu, không vấn đề gì. Cảm ơn bà rất nhiều!

Cô ấy đoán rằng không có điều nào trong đây giúp ích nhiều cho ông. 

 

Chuyển ngữ: Koi 

Theo System Magazine