Bạn hình dung được không, nếu con người phát minh ra quần áo từ chất liệu sinh học có sự sống trong đó?

Ngày đăng: 26/09/21

Trong hơn 30 năm qua, Fast Fashion – thời trang nhanh đã khuếch đại mong muốn tiêu dùng của con người. Chúng ta vứt bỏ đồ cũ khi mà chúng vẫn còn có thể sử dụng. Theo nhà thiết kế đa ngành, Roya Aghighi, “hành động tiêu thụ thụ động” này đã làm mờ tâm trí khi con người không nhận thấy số lượng quần áo nhiều đến mức đáng sợ bị bỏ quên, bị lãng phí trong tủ quần áo của mình.

“Quần áo là đồ vật gần gũi nhất với cơ thể chúng ta nhưng hầu hết mọi người chỉ nhớ đến nó khi mỗi sáng nghĩ xem cần mặc gì hay khi phải thay đổi…”. Nhà thiết kế Roya Aghighi chia sẻ với tờ Euronews Living: “Cách tiếp cận của tôi với thiết kế sinh học không chỉ đơn thuần là giải quyết vấn đề. Tôi tập trung vào cách thức xây dựng lại quy trình thiết kế từ dưới lên để khiến chúng ta suy nghĩ lại về những thói quen và hành vi lãng phí hằng ngày.”

Không còn là chiếc áo thông thường

Khi quần áo ngày càng giống món hàng tiện lợi – dùng một lần, một thảm họa môi trường đã và đang hình thành. Aghighi cho rằng chất liệu là chìa khóa để thay đổi cách chúng ta tương tác với các vật dụng hàng ngày như quần áo và những thay đổi mang tính cách mạng có thể tái định hình và mang đến những trải nghiệm tốt hơn. Đây là nơi khai sinh ra chất liệu “sinh học” và một “tầm nhìn về tương lai”.

Dự án sáng tạo của Aghighi đã giới thiệu quần áo được làm từ Tảo, có khả năng quang hợp. Được tạo ra với dưới sự hợp tác của Phòng thí nghiệm Materials Experience và các nhà khoa học đến từ Đại học British Columbia. Loại vải này là sự kết hợp của các vải sợi tự nhiên và các tế bào quang hợp sống. Loại Tảo xanh đơn bào này thậm chí có thể làm sạch không khí xung quanh bạn khi chúng “thở”.

Sáng tạo này không chỉ cung cấp một giải pháp thời trang bền vững mà còn yêu cầu người mặc hình thành mối quan hệ phức tạp hơn với quần áo của mình. Điều này có nghĩa là trong quá trình chăm sóc quần áo được làm từ Tảo, mọi người sẽ không cần phải giặt chúng, thay vào đó chỉ cần nhúng quần áo vào nước khi vải cần được giặt để cung cấp nước cần thiết cho các tế bào. Thêm vào đó, vật liệu này cũng thích ánh sáng, vì vậy việc nhét nó vào phía sau tủ sẽ không phải là một ý kiến hay.

“Nhắm mắt lại một chút và tưởng tượng bộ quần áo bạn đang mặc lúc này đang có sự sống. Với suy nghĩ đó, sự tương tác của bạn với quần áo hàng ngày có thể sẽ thay đổi. Bạn không còn tuỳ tiện vứt quần áo của mình vào ngăn tủ hoặc máy giặt. Điều này có thể khiến người dùng có ý thức hơn về các lựa chọn mỗi ngày, đơn giản như nơi nào là an toàn để ngồi, hoặc nếu bạn biết quần áo của bạn có thể thấm mồ hôi, điều đó có khuyến khích bạn tập thể dục nhiều hơn không?”

“Chăm sóc” quần áo của bạn

Nếu điều này được phổ biến, việc quần áo của bạn có tồn tại được hay không sẽ liên quan trực tiếp đến tâm trí mà bạn dành cho nó. Thông qua quan tâm nhiều hơn và chú ý hơn nữa cho loại “quần áo” này, Aghighi hy vọng có thể truyền cảm hứng và giúp giảm thiểu chất thải sinh hoạt bằng cách thay đổi nhận thức của con người về ngành dệt may. Aghighi mong muốn hành vi mua sắm của con người từ “mua, sử dụng và thải bỏ” thành “mua, quan tâm và chăm sóc. Chúng ta sẽ gắn kết nhiều hơn với quần áo nếu có sự tương tác đặc biệt chăng?

Nói cách khác, áp dụng sinh học nhằm mục đích tận dụng sự gắn bó tình cảm của con người với các sinh vật để mang lại giá trị.

Theo nghiên cứu từ WRAP, tại Anh, số lượng quần áo trị giá khoảng 140 triệu bảng Anh bị vứt bỏ mỗi năm và 30 triệu bảng Anh bị lãng quên trong tủ quần áo. Aghighi nói thêm “Trong ngành công nghiệp thời trang hiện tại, hơn 90% quần áo thậm chí không được sử dụng đến nửa vòng đời của chúng. Hầu hết quần áo đã bị vứt đi chỉ sau lần mặc thứ hai hoặc thứ ba”. Aghighi tự tin rằng thiết kế sử dụng các vật liệu sáng tạo là cách tốt nhất để truyền cảm hứng cho sự thay đổi rất cần thiết này.

“Tôi tin rằng sẽ không có thay đổi nào xảy ra cho đến khi chúng ta thay đổi niềm tin và thói quen cơ bản của mình. Tôi xem vật liệu mang tính cầu nối của quá trình thiết kế có thể tạo nên tác động vô giá trong sự tương tác của con người với môi trường xung quanh.”

Bằng cách thách thức con người nhìn nhận quần áo hiện tại, Aghighi hy vọng rằng dự án này có thể là một chất xúc tác cho sự thay đổi hành vi nhằm hỗ trợ một nền văn hóa bền vững hơn, đại diện cho một tương lai cấp tiến có thể giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm và rác thải ngày càng tăng của thời trang.

Nhà thiết kế Roya Aghighi

Thực hiện: C.

Theo Euronews