Mô hình kinh doanh 3C: Điều gì tạo nên ‘lợi thế cạnh tranh’ trên thị trường ngày nay?
Ngày đăng: 30/12/23
Đối với bất kì nhà mốt nào, họ cũng đều phải biết cách xây dựng thương hiệu để có thể có được lợi thế cạnh tranh và trở nên lớn mạnh hơn. Đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế bị suy thoái, nhiều thương hiệu đã phải lược bỏ những hoạt động không cần thiết và tập trung lại vào di sản thương hiệu.
Các thương hiệu có chỗ đứng vững vàng trên thị trường luôn hiểu rõ giá trị của họ là gì và đưa ra những lời hứa của mình. Đây chính là điều đặc biệt tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Trong số đó, họ có thể sử dụng mô hình 3C để phân tích và đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình cũng như môi trường kinh doanh.
Khái niệm cơ bản của 3C
‘Tam giác’ 3C được xây dựng bởi 3 yếu tố cốt lõi: Company (công ty), Customer (khách hàng), và Competitor (đối thủ). Nếu muốn thâm nhập thị trường mới thành công, thương hiệu cần kết hợp chúng để có thể tìm ra được lối đi tắt mang tên ‘lợi thế cạnh tranh’.
Company (công ty)
Công ty cần hiểu rõ giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh của mình để biết được sản phẩm của họ đem đến giải pháp gì cho người tiêu dùng.
Mặc dù hiện tại, Dior cũng đã mở rộng danh mục sang mảng trang phục cho nam nhưng không thể phủ nhận rằng di sản của họ vẫn hướng nhiều hơn về vẻ đẹp nữ tính và cổ điển. Đây cũng là những gì mà Christian Dior đã theo đuổi trong suốt cuộc đời của ông.
Customer (khách hàng)
Đầu tiên, chúng ta cần xác định ‘người tiêu dùng mà thương hiệu nhắm đến là ai?’ qua những đặc điểm về địa lý, hành, nhân khẩu, sở thích,… của họ. Và cần lưu ý đến ‘paint point’ – những vấn đề mà họ đang gặp phải để tìm ra cách giải quyết.
Nếu lựa chọn một thị trường đã có ‘chủ’ thì cần cẩn trọng hơn, vì bạn sẽ khó cạnh tranh và trở thành ‘người theo sau’ thay vì ‘người dẫn đầu’. Nhắc đến thị trường thời trang nhanh (fast fashion) đã và đang nằm dưới trướng của các ông lớn như Zara, Shein, H&M,… Chỉ khi những thiết kế của thương hiệu đủ khác biệt và độc lạ thì mới có thể giành được thị phần của họ.
Competitor (đối thủ)
Đối thủ cạnh tranh được xem là một yếu tố giúp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Trong danh mục này, chúng ta cần phải tìm hiểu đối tượng mục tiêu, sản phẩm tương tự hoặc có khả năng thay thế sản phẩm của chúng ta thông qua những thông tin như như:
- Mức giá và thị phần
- Dòng sản phẩm của đối thủ
- Đối tượng khách hàng mà họ hướng tới
- Định vị thương hiệu
- Quá trình bán hàng và phân phối
- Hoạt động quảng bá thông qua những kênh nào và chiến dịch marketing của họ
So sánh để có thể biết được chúng ta đã và đang làm tốt hơn đối thủ ở những điểm nào. Chẳng hạn như các thương hiệu xa xỉ toàn cầu đã mở rộng kinh doanh sang các mảng khác. Thay vì chỉ bán quần áo, họ tập trung vào câu chuyện thương hiệu, di sản và nâng cao trải nghiệm qua những tiệm cà phê và nhà hàng, khách sạn, hợp tác với các lĩnh vực khác,…
Thực hiện: Mỹ Tâm