Alexander McQueen Fall 1996 – “Dante”: Khi nhà thờ trở thành một trong những sàn diễn đình đám nhất lịch sử thời trang 

Ngày đăng: 28/08/23

Trong khung cảnh thiêng liêng của Christ Church – một nhà thờ ở Spitalfields, London, Alexander McQueen đã vụt sáng trở thành một trong những nhà thiết kế được làng mốt trên khắp thế giới ca ngợi, chỉ bằng một bộ sưu tập Thu Đông – “Dante” (1996).

Dù chẳng còn có thể cống hiến cho làng mốt “bằng xương bằng thịt”, nhưng Alexander McQueen vẫn sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử thời trang với tư cách là một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất. Bởi lẽ, McQueen luôn biết cách tạo nên cơn “địa chấn”, cũng như những thiết kế mang tính khiêu khích và lật đổ, tựa như “tiếng nói” đại diện cho thời đại mà họ đang sống. Các show diễn của Alexander McQueen từ trước đến nay không khác gì những bộ phim tâm lý đen tối hay kinh dị rùng rợn. Tuy nhiên, ngoài sự u ám đầy ma mị đó, nhà thiết kế tài ba cũng không ít lần đem đến những khoảnh khắc lãng mạn, xao xuyến khiến người xem cảm động đến chảy nước mắt, hay gợi cảm một cách trắng trợn. Những cung bậc cảm xúc đấy được McQueen “dệt” thành những bộ trang phục được chế tác tinh xảo. Trong hàng loạt show diễn, “Dante” – bộ sưu tập Thu/Đông năm 1996 chính là một trong số nhiều sàn diễn của nhà mốt thể hiện được cả hai thái cực tương phản đấy của cảm xúc. 

Dù chẳng còn có thể cống hiến cho làng mốt “bằng xương bằng thịt”, nhưng Alexander McQueen vẫn sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử thời trang với tư cách là một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất.

Tôn giáo là niềm đam mê mãnh liệt, nguồn cảm hứng sáng tạo luôn khiến McQueen không ngừng tò mò và khám phá trong suốt sự nghiệp làm thời trang và nghệ thuật của ông. Tuy nhiên không có bộ sưu tập nào đề cập đến chủ đề đấy một cách thẳng thắn như tại “Dante”. Được tổ chức tại Christ Church, một nhà thờ ở Spitalfields, London, “Dante” là một cuộc thử nghiệm đa nhiệm màu của McQueen với chất liệu denim bụi bặm và vẻ đẹp cổ điển đầy lãng mạn của phong cách Victoriana. 

Theo như thông tin báo chí ngày trước, bộ sưu tập được đặt theo tên của của nhà thơ Dante. Một nhà thơ ở thế kỷ 14 hay một đại thi hào người Ý, có tên đầy đủ là Durante degli Alighieri. Ông từng được Giáo hoàng Benedict XV đánh giá là “một trong những thiên tài nổi tiếng mà đức tin Công giáo có thể tự hào, là niềm vinh quang của nhân loại”. Dante còn được người đời vinh danh là “cha đẻ của ngôn ngữ Ý”. Nhắc đến ông có lẽ nhân loại sẽ không thể quên được thiên hùng ca “Comedìa” hay “Thần khúc” – một tác phẩm vĩ đại nhất bằng tiếng Ý mà nó thường được ca tụng và là một trong những kiệt tác hoàn hảo của toàn thế giới văn học. Trong “Thần khúc”, Dante đã dẫn dắt người đọc đi từ thế giới loài người sang thế giới kỳ ảo. Tác phẩm đã miêu tả về địa ngục, thiên đàng, linh hồn con người, tĩnh ngục. Dante đã cho rằng địa ngục có thật, nó rất ghê sợ, qua đó ông lên án tội ác và cái xấu. Bên cạnh đó, Dante cũng ca ngợi cái đẹp và sự lương thiện của con người trong tác phẩm này. Và đây cũng chính là gì mà McQueen đã dùng ngôn ngữ thiết kế dị biệt của mình để diễn tả chúng trong BST Thu/Đông 1996 của mình. Chia sẻ với WWD ngày đó, nhà thiết kế đã mô tả “Dante” như một cuộc hành trình cảm xúc về “chiến tranh và hòa bình qua nhiều năm”.

Trên lối đi không quá rộng của nhà thờ, bản nhạc “Paint it, Black” của The Rolling Stones bắt đầu vang lên và rồi tiếp tục là tiếng quay rời rạc từ cánh quạt máy bay trực thăng trong bộ phim Apocalypse Now (1979). Chưa dừng lại ở đó, Alexander McQueen còn để ca khúc “Mama Said Knock You Out” của LL Cool J dẫn dắt bộ sưu tập,… Tất cả những giai điệu kỳ lạ, quái đản khiến hàng nghìn ngọn nến xung quanh sàn catwalk hình cây thánh giá và những cây cột của nhà thờ, trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết – như thể nó sắp bùng nổ và xuyên qua cửa sổ kính màu trang nghiêm của nhà thờ. Show diễn còn chưa bắt đầu thì McQueen đã khiến đám đông người xem rùng mình với một bộ xương đang ngồi cạnh biên tập viên Suzy Menkes, trên hàng ghế đầu. 

“Dante” mở đầu bằng những bộ quần áo mà ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ đâu trên phố, và rồi tiếp tục với một bảng màu trầm lắng như hệt mùa thu trong trí tưởng tượng của mọi người như xám, đen, nâu, vàng. Thoạt đầu nhìn chúng cũng chẳng táo bạo gì so với những bộ cánh thường nhật. Nhưng đã là tác phẩm của McQueen thì chắc chắn hai chữ “bình thường” sẽ không tồn tại trong ngôn ngữ thiết của ông. Và “Dante” đã thể hiện điều này trên cách dựng phom dáng khiến người bất ngờ, cách kết hợp chất liệu độc nhất vô nhị, những đường cắt xẻ nóng bỏng đến ngại ngùng,… và cả những chi tiết tỉ mỉ. Từ áo khoác có tay áo xẻ tà, những chiếc quần “bumster” trễ nải, những chiếc áo khoác gấm với đường viền bằng chỉ thêu màu vàng của đô đốc, đầm quây denim dài qua gối, những chiếc áo khoác được “giải phóng” cấu trúc,… cho đến những bộ suits quần âu chỉnh tề, sự xuất hiện của “Dante” đã khiến làng mốt nhận ra tủ quần áo Thu Đông lý tưởng thực sự là như thế nào.

Và “Dante” của Alexander McQueen còn mang đến nhiều hơn thế. Trong không gian thiêng liêng của nhà thờ, nhà thiết kế người Anh đã cho những người phụ nữ của mình tự do hơn với cách ăn mặc của riêng họ. Họ diện áo corset màu tím hoa cà với chiếc quần ống rộng hay cùng chiếc chân váy bút ren quyến rũ, như thể họ từ tương lai du hành về. Breastplate hay chiếc “áo giáp ngực” gây tranh cãi cũng chẳng làm khó được những người phụ nữ của McQueen. Họ còn chẳng sợ ánh nhìn gay gắt của xã hội với lớp áo váy xuyên thấu quyến rũ. Những chàng trai của McQueen cũng trở nên phóng khoáng hơn với chiếc áo ba lỗ xuyên thấu, mặc bên trong chiếc áo khoác ngoài đồ sộ, cũng như những chiếc quần cạp trễ với đường khoét chữ V gay gắt và “nóng mắt”. Từ phụ nữ đến đàn ông, “Dante” của McQueen như thước phim mô phỏng lại aesthetic (thẩm mỹ) đặc trưng từ hai bộ phim đang định hình xã hội Anh vào thời điểm hiện tại. Một là “Trainspotting”, một câu chuyện dũng cảm và siêu thực về những người Scotland nghiện heroin; hai là “Sense and Sensibility”, một câu chuyện tình lãng mạn, xen lẫn sự mỉa mai những năm 90. 

Từ phụ nữ đến đàn ông, “Dante” của McQueen như thước phim mô phỏng lại aesthetic (thẩm mỹ) đặc trưng từ hai bộ phim đang định hình xã hội Anh vào thời điểm hiện tại. Một là “Trainspotting”, một câu chuyện dũng cảm và siêu thực về những người Scotland nghiện heroin; hai là “Sense and Sensibility”, một câu chuyện tình lãng mạn, xen lẫn sự mỉa mai những năm 90. 

Chất liệu của “Dante” cũng là thứ khiến giới phê bình ngày đó bàn tán xôn xao. Alexander McQueen đã mang đến những thử nghiệm sáng tạo vô cùng thú vị của denim, điển hình là chi tiết patching cùng đường viền tua rua. Cuộc “gặp gỡ” bất ngờ giữa vải may vest cùng vải ren dập chi tiết cũng đã để lại nhiều câu hỏi cùng sự thán phục của người xem. Để lại ấn tượng khó phai hơn ắt hẳn đó là những thiết kế bằng len ấm áp, đan xen với những đường vải lưới xuyên thấu. McQueen một lần nữa chứng minh cho người xem thấy sự đặc biệt khó giải thích từ những màn kết hợp đầy tương phản. Lông vũ, gấm, nhung,… ở “Dante” cũng có nhiều chất liệu đặc sắc. 

Những hình ảnh đau thương về chiến tranh Việt Nam và nạn đói ở Somalia do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Don McCullin chụp, đã được McQueen in xuyên suốt bộ sưu tập. Các bức tranh tôn giáo thời kỳ đầu của Hà Lan, được phản ánh qua các đường cắt, kết cấu và xếp lớp trên một số thiết kế, chẳng hạn như bộ đồ flannel sọc cắt lệch. Và tất nhiên, show diễn của McQueen sẽ chẳng thể hoàn thiện nếu chẳng có những kiểu tóc, trang điểm khác người và cả những món phụ kiện kỳ lạ bậc nhất. “Dante” cũng thế. Philip Treacy – nhà chế tác mũ tài ba đã đem đến những chiếc mũ đội đầu có bộ gạc của hươu, những chiếc khuyên tai hình móng vuốt chim và những chiếc mặt nạ phủ hình có hình Chúa trên thánh giá – bức chân dung năm 1984 có tựa đề “Joel, New Mexico” của nhiếp ảnh gia Joel-Peter Witkin. 

“Dante” kết thúc trong tràng vỗ tay không ngừng của khán giả, trong đó có Isabella Blow – một người bạn, một ân nhân, “nàng thơ” vĩnh cửu của McQueen, và cả tiếng hò hét không ngớt của đám đông bên trong lẫn bên ngoài nhà thờ. Nhiều biên tập viên đã cho rằng “Dante” chính là bộ sưu tập củng cố sự nghiệp, làm nên thành công của McQueen và đưa anh ấy ra thị trường quốc tế. Nếu ngày trước, tư duy sáng tạo của nhà thiết kế người Anh đã phải đối mặt với sự nghi ngờ từ giới chuyên môn, thì “Dante” đã thay đổi tất cả. “Khi McQueen trình làng bộ sưu tập đó, đột nhiên mọi người có thể nhìn thấy tiềm năng của anh ấy ngay lập tức, bởi vì nó được thực hiện rất đẹp.” – một biên tập viên thời trang chia sẻ. Tờ WWD còn ca ngợi McQueen như là “vị cứu tinh của Tuần lễ thời trang London”. Nhà phê bình thời trang Bridget Foley viết: “Cảm giác chung sau bốn ngày trong tuần lễ thời trang khá ảm đạm. Hầu hết các nhà thiết kế trẻ của thành phố một lần nữa không thực hiện được lời hứa ban đầu của họ. Thời trang London chẳng còn thú vị, và đó cũng là lý do khiến nhiều nhà bán lẻ Mỹ bỏ qua các buổi trình diễn và quyết định đến thẳng Milan.” Và khi “Dante” của McQueen xuất hiện, tình thế bỗng được đảo ngược. 

Một cách đầy ngoạn mục, “Dante” của McQueen đã vượt qua ranh giới giữa nghệ thuật trình diễn và thời trang, nhưng về cơ bản nó vẫn truyền tải được cả hai giá trị. “Nếu bạn rời khỏi show diễn mà không có cảm xúc thì tức là tôi đã không làm tốt công việc của mình.” – đúng như lời của McQueen chia sẻ, mỗi show diễn của ông đều để lại những khung bậc cảm xúc đặc biệt đến khó tả.

Bởi lẽ, bộ sưu tập Thu/Đông 1996 được diễn ra vào thời điểm thời trang đang trở nên lỗi thời, vào lúc những nhà thiết kế đang “đuối sức”. Và vẻ đẹp của nó đã khiến làng mốt lúc bấy giờ thức tỉnh sau những mộng mị mờ mịt về tương lai. Dante đã được trình chiếu hai lần, buổi biểu diễn thứ hai được dàn dựng tại một giáo đường Do Thái bị bỏ hoang ở Lower East Side của New York, nơi chật cứng đến nỗi ngay cả bản thân Anna Wintour toàn năng cũng không thể tham gia. Show diễn đánh dấu sự khởi đầu của các buổi biểu diễn có định hướng nghệ thuật của McQueen. “Dante” cũng khiến ông bắt đầu suy nghĩ giống một giám đốc nghệ thuật hơn, nghĩ về bối cảnh, ánh sáng, địa điểm trình diễn, bầu không khí,…thay vì chỉ tập trung vào trang phục. Một cách đầy ngoạn mục, “Dante” của McQueen đã vượt qua ranh giới giữa nghệ thuật trình diễn và thời trang, nhưng về cơ bản nó vẫn truyền tải được cả hai giá trị. “Nếu bạn rời khỏi show diễn mà không có cảm xúc thì tức là tôi đã không làm tốt công việc của mình.” – đúng như lời của McQueen chia sẻ, mỗi show diễn của ông đều để lại những khung bậc cảm xúc đặc biệt đến khó tả. Ghê tởm, đáng sợ, cảm động,…quả thực, Alexander McQueen là một trong số ít nhà thiết kế biến show diễn thời trang thành những “vở kịch” tràn đầy cảm xúc, hay những “thước phim” với nhiều tình tiết đầy suy ngẫm, thay vì chỉ là một màn trình diễn quần áo 5-10 phút vô cảm.    

Thực hiện Dory

Theo Vogue và Another Magazine