[Brand to know] Fashion 4 Freedom – “Băng qua nơi không dấu chân để tạo ra đường đi”

Ngày đăng: 17/09/17

Ngày nay, chủ nghĩa tiêu thụ kích đẩy chúng ta luôn cảm thấy “muốn có” nhiều hơn và nhiều hơn nữa so với mức cần thiết. Ngành công nghiệp thời trang nhanh trong hơn nửa thế kỷ qua đã và đang tìm đến các quốc gia đang phát triển, chỉ để hàng may mặc được sản xuất nhanh hơn, rẻ hơn và kém chất lượng hơn. Do đó đã vùi dập sức lao động của con người, tài nguyên thiên nhiên, môi trường tự nhiên và các giá trị văn hóa xã hội khác càng trở nên rẻ mạt. Tại những đất nước nghèo đói, bất công càng bất công hơn khi nguồn nhân công giá rẻ bắt buộc phải bán rẻ sức lao động của mình hơn thế nữa để chống chọi với đói nghèo.

Giữa khi ngành công nghiệp thời trang đang cuồng quay trong kỷ nguyên thời trang nhanh, nó đồng thời cũng khai sinh ra khái niệm “thời trang đạo đức”(*). Chủ nghĩa đạo đức đối với lĩnh vực thời trang phù phiếm đã thúc đẩy sự ra đời của những nhà tiên phong – xây dựng mô hình Doanh Nghiệp Xã Hội – Social Enterprise (**), như một “giải pháp mâu thuẫn” hướng đến sự phát triển, hay chỉ đơn thuần nhằm cứu chuộc những lỗi lầm của thời đại, khôi phục các giá trị xã hội và sự công bằng thương mại bằng “tiếng nói” của thời trang.

fashion-4-freedom-and-bazaar.jpg

Fashion 4 Freedom là một đại diện của mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, thông qua thời trang để giúp những người thợ có tay nghề cao hơn, giúp những người nghệ nhân tạo dựng một cuộc sống tốt hơn đồng thời nỗ lực gìn giữ và bảo tồn các giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử của quê hương đất nước.

Khi sứ mệnh xã hội được đánh thức

Fashion 4 Freedom ban đầu là một tổ chức xã hội, sáng lập bởi chị Nguyễn Lan Vy vào năm 2010 tại thành phố Huế, Việt Nam.  

Nguyen-Lan-Vy-Fouder.jpg

Sau 10 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, nhận thấy thực trạng kinh doanh đã giết chết di sản văn hóa của đất nước và đè bẹp nguồn sống của người lao động, chị Lan Vy quyết định trở về Việt Nam từ năm 2007, thành lập một tổ chức vì cộng đồng, hoạt động thương mại dựa trên mô hình doanh nghiệp xã hội. Cùng với các thành viên: Lê Thị Châu Quỳnh (Lead of Impacting Culture), Victoria Roe (Lead of Creative), Jeremiah Tan (Lead of Pattern), Rachael Carson (Lead of Communication), Châu Nguyên (Lead of Technology),…; Fashion 4 Freedom ra đời như một “vườn ươm” của “thời trang đạo đức” tại Việt Nam.

Là một người Mỹ gốc Việt mang tâm trí gắn bó với cội nguồn quê hương, chị Lan Vy mong muốn xây dựng một doanh nghiệp thời trang cao cấp, dựa trên nền tảng thương mại bền vững, đạo đức kinh doanh, phát triển cộng đồng và công bằng xã hội. Không chỉ sử dụng nguyên liệu hữu cơ, sản xuất tái chế nguồn vật liệu bị vứt bỏ, Fashion 4 Freedom vận hành thông qua những cam kết có trách nhiệm cụ thể và minh bạch đối với người lao động, tài nguyên và môi trường địa phương. Bên cạnh đó, chị Lan Vy còn cùng với Lương Thiên Nhiên (hiện giữ vị trí CEO của Design Capital Asia) và Spencer Ton, thành lập tổ chức phi chính phủ Design Capital Asia từ năm 2010, nhằm hướng đến việc cải thiện quy trình chuỗi cung ứng của những doanh nghiệp truyền thống.

Nỗ lực miệt mài trong 7 năm qua của Fashion 4 Freedom đã xây dựng nên “hình hài” phổ quát của một doanh nghiệp xã hội chuyên về thời trang đầu tiên của Việt Nam. Ngoài thành quả thương mại có lợi nhuận để tái đầu tư và hỗ trợ cộng đồng nghệ nhân, mở rộng phạm vi trách nhiệm xã hội; Hiện nay, Fashion 4 Freedom còn sẵn sàng phục vụ chuỗi cung ứng minh bạch, đạo đức và có trách nhiệm nhằm nhân rộng mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Như vậy, các nhà thiết kế hoặc doanh nghiệp truyền thống với ý nguyện thực hiện trách nhiệm xã hội có thể hợp tác thông qua đội ngũ chuyên gia về thiết kế, tư vấn, sản xuất; cũng như dễ dàng tiếp cận mạng lưới nghệ nhân bản địa và các nhà máy gia công có khả năng đáp ứng được những tiêu chuẩn đạo đức mà Fashion 4 Freedom thiết lập cho chính mình. 

g5Tw6mRXPW32MAkNMy5j_saigon10.jpg

“Băng qua nơi không dấu chân để tạo ra đường đi”

Bắt đầu từ một ý tưởng mang tinh thần trách nhiệm và ý nghĩa nhân văn, nhưng không thể tìm thấy một đơn vị cung cấp giá cả phải chăng có thể sản xuất những thiết kế thời trang với tiêu chuẩn đạo đức và chất lượng cao, các nhà sáng lập của Fashion 4 Freedom đi đến việc phải tự mình đảm nhận, trở thành một nhà sản xuất đáp ứng những yêu cầu khắt khe của chính mình.

Khác với những doanh nghiệp tìm đến các làng nghề để thu mua sản phẩm, Fashion 4 Freedom là một tổ chức vì cộng đồng được ra đời với sứ mệnh bảo tồn nghệ thuật thủ công cổ truyền qua kinh doanh thời trang bền vững.

Để xây dựng mô hình cung ứng khép kín, từ những ngày đầu, nhà sáng lập Lan Vy đã trực tiếp tìm hiểu và đến thăm nơi sinh sống của cộng đồng nghệ nhân, thuyết phục họ tham gia vào chuỗi sản xuất của Fashion 4 Freedom. Tuy nhiên, Fashion 4 Freedom không tuyển dụng các nghệ nhân, thợ thủ công vào đội ngũ nhân sự chính thức của mình. Thay vào đó, doanh nghiệp tác động trực tiếp đến xã hội bằng việc đầu tư và tạo điều kiện để các nghệ nhân có thể sống và phát triển dài lâu bằng nghề truyền thống, giúp họ nâng cao tay nghề và chất lượng cuộc sống, từ tư vấn đến đào tạo về thiết kế sản phẩm, tiếp thị và thương mại, cho đến hỗ trợ kinh phí, vật tư và máy móc sản xuất,…

nghe-thu-cong.png

bts-giay-de-go-nguyen-lan-vy-4.jpg

Doanh nghiệp xã hội đầu tiên trong lĩnh vực thời trang

Fashion 4 Freedom là cầu nối giữa kỹ thuật thủ công và tư duy sáng tạo hiện đại, tạo ra các sản phẩm thiết kế mang tinh thần đương đại kết hợp với giá trị văn hóa. Với cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật thủ công đậm tính truyền thống Việt Nam, thời trang của Fashion 4 Freedom hướng về “Lịch Sử” như một chất xúc tác mạnh mẽ; song hành với việc lựa chọn chất liệu, nguyên vật liệu và nguồn lực lao động có sẵn tại địa phương, tránh lãng phí và tái chế, tái sử dụng trong mọi điều kiện có thể.

F4F_20160625-Fashion4Freedom_339-Modifier-HD-800x1200.jpg

Sáng tạo của Fashion 4 Freedom được ra đời với các phân khúc khác nhau và không ngừng phát triển dòng sản phẩm mới, cảm hứng mới và ý niệm mới, làm phong phú và tăng cường sự hiện diện trên tầm quốc tế. Fashion 4 Freedom không chỉ giới thiệu một diện mạo độc đáo của thời trang mang tinh thần dân tộc Việt Nam ra thế giới, mà còn góp phần khôi phục những di sản văn hóa cổ truyền và kỹ nghệ dân gian đang dần bị mai một và thất truyền tại Huế.

Carvingcopy.png

Hiện nay, thương hiệu Fashion 4 Freedom phát triển 3 dòng sản phẩm chính:

Saigon Socialite: dòng sản phẩm cao cấp bao gồm giày dép thời trang nữ (Reincarnated Soles), trang sức nữ cao cấp, phong cách doanh nhân cho nam giới và thời trang đương đại dành cho nữ.

Trong đó, Reincarnated Soles (tạm dịch theo nghĩa “tái sinh đế giày”) là dòng sản phẩm giày boot đế gỗ chạm trổ, được thực hiện bởi những nghệ nhân chạm khắc gỗ cho các đình chùa truyền thống ở Huế. Cho đến nay, dự án Reincarnated Soles đã đạt được nhiều thành quả, ý tưởng thiết kế ngày càng sáng tạo và hoàn thiện, trước hết là đối với một kiểu dáng tối ưu: giày boot cổ ngắn đế phẳng cao (flat platform ankle boots). Chất liệu chính là da thuộc và gỗ, được thực hiện bởi những nghệ nhân có tay nghề bậc nhất. Nguyên liệu gỗ của các đế giày được thu dùng từ các vườn cây tại địa phương, do vậy thương hiệu giới hạn sản xuất chỉ khoảng 2000 đôi/năm để tận dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững.   

saigon-socialite-shoes-1.jpg

– Dòng sản phẩm Data Min’d với dự án đầu tiên mang tên SWARM, là một động thái của Fashion 4 Freedom trước thực trạng “ô nhiễm công nghệ” với khoảng 50 triệu tấn chất thải điện tử “tấn công” vào môi trường mỗi năm. SWARM – chủ đề xoay quanh các loại động vật di cư bao gồm chim, cá, bọ cánh cứng, bướm,…như một sự tôn kính quy luật tiến hóa tự nhiên và chống lại sự tiến bộ nhân tạo ngày nay.

Data Min’d được thực hiện bởi các nghệ nhân chế tác trang sức và 3D artist trong mạng lưới Designers & Artisans của Fashion 4 Freedom, trên tinh thần kết hợp các phương pháp cũ và mới, giá trị truyền thống và tư duy sáng tạo đương đại. Thông qua các quy trình chọn lọc có ý thức, Fashion 4 Freedom “thu hoạch” kim loại từ các linh kiện điện tử và thiết bị công nghệ bị vứt bỏ, từ smartphone đến laptop, từ máy vi tính đến máy tính bảng,…và cho ra đời BST trang sức 3D bằng vật liệu tái chế mang tên Khởi.

Data-mind.jpg

Saigon Laundry: mang hàm ý “làm sạch” và cải thiện chuỗi cung ứng một cách minh bạch, có trách nhiệm đối với dòng thời trang casual dành cho nam và nữ. Từ hàng chục làng nghề dệt thổ cẩm, nhuộm vải, thêu may thủ công,…Saigon Laundry là một lựa chọn phong cách và tiêu dùng “thời trang đạo đức” dành cho người yêu thời trang, một giải pháp dễ tiếp cận hơn với chi phí hợp lý và phù hợp với thị hiếu chung.

laundrymen12.jpg

WOMEN_Aydan.jpg

Truyền cảm hứng: thay đổi vì lý tưởng xã hội

Triết lý cốt lõi của Fashion 4 Freedom là bảo tồn nghề thủ công truyền thống, cải thiện sinh kế của lao động địa phương, phát triển cộng đồng, đảm bảo một chuỗi cung ứng có đạo đức và lan truyền sự tác động tích cực của trách nhiệm thương mại.

Là người trong cuộc, Fashion 4 Freedom hiểu rằng có nhiều nhà thiết kế và sản xuất mong muốn theo đuổi mô hình thương mại bền vững tuy nhiên vấp phải các rào cản lớn về chi phí, nguồn lực và kinh nghiệm. Trong khi phát triển hoàn thiện chuỗi cung ứng đạt tiêu chuẩn cho thương hiệu của mình, Fashion 4 Freedom có khả năng hợp tác cùng những ai muốn xây dựng chuỗi cung ứng một cách có hệ thống, khả thi và trực tiếp với các nghệ nhân làng nghề, trên tinh thần lợi nhuận công bằng và đảm bảo trách nhiệm xã hội.

fashion-4-freedom-ethical-model.png

Thay vì bảo vệ tính độc quyền tự cung tự cấp của chuỗi cung ứng, Fashion 4 Freedom lan truyền “thời trang đạo đức” với 5 phạm vi chính, bao gồm: Thiết kế, Kế hoạch, Thực hiện, Kiểm soát và Giám sát. Hướng đến mục tiêu kết nối và rút ngắn khoảng cách giữa các nhân tố, Fashion 4 Freedom “thông dịch” nhu cầu và yêu cầu giữa các bên mua – bán, doanh nghiệp – nghệ nhân, nhà sản xuất – nhà cung cấp cũng như đóng vai trò đại diện trước cơ quan chính phủ, truyền thông và các tổ chức chứng nhận.

nguyen-lan-vy-local-artisans.jpg

(*) Thời trang đạo đức là một thuật ngữ mới, được sử dụng để gọi tên một bộ phận thời trang có tính nhân văn và trách nhiệm trong tư duy sáng tạo, thiết kế, sản xuất, bán lẻ, phân phối và mua hàng. Chủ nghĩa đạo đức của thời trang xoay quanh việc phân tích và cải thiện các vấn đề cấp bách về môi trường, xã hội, lối sống,…; đòi hỏi nghĩa vụ và trách nhiệm thực hành tôn trọng tự nhiên, phúc lợi lao động, thương mại công bằng và sản xuất bền vững. Cụ thể, đó chính là sự minh bạch liên quan đến những thông tin cần thiết về quy trình và nguyên liệu, chất liệu trong sản xuất hàng may mặc; khả năng kiểm soát nhằm đảm bảo quá trình khai thác và sản xuất tối thiểu sự thiệt hại cho môi trường, động vật và cộng đồng – trên cơ bản đáp ứng điều kiện làm việc an toàn, hợp lý và cơ hội phát triển cho người lao động.

(**) Khái niệm “Doanh nghiệp xã hội” có lịch sử lâu đời trên toàn thế giới. Luật doanh nghiệp 2014 tại Việt Nam đã thông qua những quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội, trở thành một bước ngoặt – lần đầu tiên thuật ngữ “Doanh nghiệp xã hội” được công nhận về mặt pháp lý tại Việt Nam. Thuật ngữ này cũng được công nhận về mặt pháp lý tại một số quốc gia Châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippine và Thái Lan, ngoài ra hoạt động đa dạng lĩnh vực tại Trung Đông, Hồng Kông và Maylaysia. Tìm hiểu thêm về mô hình doanh nghiệp xã hội, mời truy cập tại đây

Bài: Xu