Chủ tịch Uniqlo: “Không có linh hồn, một công ty không là gì cả”

Ngày đăng: 24/07/19

Từ năm 30 tuổi, ông Tadashi Yanai, người đàn ông giàu nhất Nhật Bản, chủ tịch và giám đốc điều hành của Fast Retailing, công ty sở hữu của Uniqlo, đã rút ra “23 nguyên tắc quản lý” để thực hành và chiêm nghiệm. Giờ đây, những nguyên tắc ấy được in trên những tấm thẻ nhỏ, đóng gói kĩ lưỡng như những tấm card bỏ túi dành cho các nhân viên thuộc công ty trên toàn cầu.

Cứ mỗi một năm, người đàn ông Nhật lại thêm vào danh sách một triết lý kinh doanh, những điều mà ông tự mình rút ra được, đã giúp ông từ chủ một cửa hàng nhỏ mang tên Ogōri Shōji – thừa hưởng từ cha mình, phát triển nó thành một đế chế khổng lồ trên toàn cầu, năm 2015 doanh thu năm tài chính là 1,68 nghìn tỷ yên (khoảng 15,5 tỷ đô la).

Ông Tadashi Yanai, chủ tịch và giám đốc điều hành của Fast Retailing, công ty sở hữu của Uniqlo.

Yanai đã gọi nguyên tắc là “linh hồn” của công ty. Ông nói với giáo sư Hirotaka Takeuchi tại hội thảo Harvard Business School năm 2012 về bán lẻ: “Linh hồn là thứ quý báu nhất ta có trong cuộc đời. Nếu không có một linh hồn, một công ty hay một con người cũng chỉ là một cái vỏ rỗng”.

Tuy nhiên, con đường dẫn tới thành công của Yanai không gì khác hơn là nội lực cũng như các nguyên lý kinh doanh vốn rút ra từ những sai lầm trong hành trình của chính ông. Cha của ông, ông Hitoshi Yanai, đã mở Ogōri Shōji ở thị trấn công nghiệp Ube, Yamaguchi, ở mũi phía Nam đảo Honshu của Nhật năm 1949.

“Linh hồn là thứ quý báu nhất ta có trong cuộc đời. Nếu không có một linh hồn, một công ty hay một con người cũng chỉ là một cái vỏ rỗng”.

Nhưng khi trong giai đoạn trưởng thành, với cậu thanh niên Yanai lúc bấy giờ, có rất nhiều khác ngự trị trong tâm trí bên cạnh sự nghiệp của gia đình.

“Khi tôi còn là sinh viên, tôi chống lại chiến tranh Việt Nam. Bạn biết phong trào hippie không? Tôi đã dành cả tuổi trẻ vào nó” – Ông Yanai hồi tưởng lại, khi ngồi ở tầng 31 trong tòa nhà Tokyo Midtown Tower, trụ sở chính của Fast Retailing toàn cầu.

“Đó là lần đầu tiên trong lịch sử những người trẻ tuổi đứng dậy chống lại chế độ. Những năm tháng đấy tôi là người rất khác biệt. Làm sao tôi có thể hoang phí cuộc đời một cách tùy tiện như thế mà không làm việc? – đó là điều quan trọng nhất tôi vẫn nghĩ, chỉ bởi vì tôi không muốn làm việc.”

“Những ngày đó tôi rất là kiêu ngạo, họ biết tôi sẽ trở thành CEO của công ty, thế là sáu trên bảy người quyết định bỏ đi”

Sau đại học, Yanai sớm đối mặt với thực tế rằng mình phải kiếm sống. Ông dành một năm làm việc tại một cửa hàng bán lẻ khác trước khi kế thừa sự nghiệp của cha mình vào năm 1972. Nhưng khi ông bắt đầu thì sáu trên bảy nhân viên của công ty xin nghỉ việc. “Những ngày đó tôi rất là kiêu ngạo, họ biết tôi sẽ trở thành CEO của công ty, thế là sáu trên bảy người quyết định bỏ đi” – ông hồi tưởng lại.

“Không có khách hàng, một doanh nghiệp tự thân không thể vận hành. Tôi chỉ nhận thức được điều này khi tôi một mình học từng chút một”.

Yanai nhanh chóng thực hiện tiếp quản kinh doanh: “Tôi cần phải lau chùi cửa tiệm, phủi bụi những chiếc áo khoác, thực tế – tôi phải tự mình làm tất cả mọi thứ bởi không còn ai khác. Nó là cơ hội khổng lồ để học hỏi mọi thứ” – ông nhớ lại. Yanai nhanh chóng học được rằng khách hàng là quan trọng nhất.

“Không có khách hàng, một doanh nghiệp tự thân không thể vận hành. Tôi chỉ nhận thức được điều này khi tôi một mình học từng chút một”. Rồi sau đó công ty phát triển, nhiều cửa hàng mới được khai trương và thêm nhiều nhân viên. “Điều này khiến tôi nghĩ tới: Tại sao chúng ta làm việc? Chúng ta là ai?’ Chúng ta cần chủ đề chung, một số nguyên tắc, vì vậy chúng tôi bắt đầu phân phát những thẻ nhựa này.”

Tôi cần phải lau chùi cửa tiệm, phủi bụi những chiếc áo khoác, thực tế – tôi phải tự mình làm tất cả mọi thứ bởi không còn ai khác. Nó là cơ hội khổng lồ để học hỏi mọi thứ.

Có một điều thú vị, Yanai từng nghĩ đến việc trở thành một giáo viên, nhưng ông đã từ bỏ ý định: “Ngay từ đầu tôi đã không làm một sinh viên giỏi, vậy tôi nghĩ giảng dạy không thích hợp lắm. Nhưng tôi thích viết lách. Những nguyên tắc được viết nên bởi vì tôi muốn cộng hưởng với nhân viên, bởi vì chúng tôi lựa chọn lẫn nhau: công ty cần chọn lựa nhân viên và nhân viên cũng cần chọn công ty.

Ông Yanai đã viết bảy hoặc tám nguyên tắc đầu khi cha ông vẫn còn là người đứng đầu công ty. Ông thêm vào những phần nguyên tắc cần làm sau năm 1984, khi ông đảm nhận chức chủ tịch, cùng năm ông mở ra cửa hàng Uniqlo đầu tiên – khi đó được gọi là “Unique Clothing Warehouse” thuộc thành phố Hiroshima.

Theo nghiên cứu của Takeuchi, những quảng cáo của Yanai đã giúp đánh dấu cho thời kì phát triển của công ty. Lấy cảm hứng từ chuyến đi đến Châu Âu và Mỹ, khi ông nhận ra những chuỗi quần áo may sẵn theo phong cách “casual” như Benetton và Gap có rất nhiều tiềm năng phát triển, ông đã nhận thấy được thị trường quần áo “casual” của Nhật đang chờ sẵn và từ đó hướng công ty gia đình mình theo lối đi đó. Ông cũng nhận ra rằng những tập đoàn thời trang nước ngoài được hợp nhất thành một khối, dưới sự điều khiển một cách thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu sản xuất và bán lẻ.

Uniqlo Fall Winter 2017.

Đến năm 1995 ông Yanai bắt đầu cung cấp sản phẩm thuộc nhãn hiệu đầu tiên của mình. Vào thời điểm đó, công ty đã mở một chuỗi cửa hàng trong khu vực ngoại ô, các cửa hiệu Uniqlo nằm ở nơi có giá thuê thấp. Yanai đổi tên công ty mình thành Fast Retailing – ý nói ông tin vào đối tượng tiêu dùng của mình và đưa quyết định nhanh hơn bất kì công ty nào khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ đại lý bán lẻ sang SPA (Specialty retailer of Private label Apparel – Bán lẻ chuyên biệt về trang phục cá nhân) không dễ dàng và Uniqlo đã buộc phải đóng cửa ba dây chuyền riêng ngay sau khi ra mắt.

Thách thức không dừng lại ở đó, người tiêu dùng không xem trọng Uniqlo – một thương hiệu bán đồ rẻ tiền ở vùng ngoại ô – đó là ấn tượng tiêu cực của họ dành cho thương hiệu. Công ty buộc phải thay đổi nhận thức của người tiêu dùng bằng việc mở một cửa hàng ba tầng trong một con hẻm ở khu phố Harajuku vào năm 1998. Sự thành công của sản phẩm áo khoác lông cừu đã khiến cho hình ảnh của công ty chuyển biến tích cực, từ “sản phẩm giá rẻ” thành “giá rẻ nhưng chất lượng tốt”. Doanh thu dần tăng đến mức kỷ lục. Nhưng đến năm 2002, những người mua dần quay lưng lại với thương hiệu khi chúng trở nên quá phổ biến. Lần đầu tiên trong 18 năm trời trên đà chiến thắng, công ty công bố doanh số sụt giảm.

Chuyến phiêu lưu ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản của Uniqlo làm cho mọi thứ trở nên tệ hơn, năm 2001 Uniqlo mở cửa hàng ở khu vực Knightsbridge London, theo sau đó là trên 20 cửa hàng xung quanh thành phố – tất cả đều thất bại. Fast Retailing lấn sân sang Trung Quốc cũng không thu được gì. Nhưng Yanai vẫn không thoái chí. Từ đó, ông nhìn nhận những thất bại như là cơ hội để học tập và gieo mầm cho thành công trong tương lai, bao gồm phương pháp tiếp cận lặp đi lặp lại và triết lý “càng nhanh, càng dễ thất bại” từ Thung lũng Silicon. “Giải pháp duy nhất là tiếp tục thay đổi bản thân và thách thức chính mình” – ông nói.

2004 là một năm khởi sắc của Fast Retailing, không chỉ đánh dấu những cú bắt tay ngoạn mục với các thương hiệu quốc tế như Link International (hiện nay là Link Theory Japan), chủ sở hữu của Andrew Rosen, mà còn là dấu mốc thành công về mặt quảng bá dành cho chất lượng, trên các ấn phẩm các hình ảnh quảng cáo kèm theo dòng chữ “chất lượng đến trước, rồi mới tới giá cả”. Cũng trong năm đấy, lấy cớ cạnh tranh với các đối thủ như Zara và H&M, Yanai mở cửa hàng Uniqlo “large-format” đầu tiên tại Osaka, là hình mẫu của những “flagships” thành công sau này tại New York hay Thượng Hải.

 

Cửa hàng Uniqlo flagship tại Ginza – Tokyo.

Ngày nay, Fast Retailing là một tập đoàn khổng lồ với quy mô toàn cầu có trụ sở tại Nhật Bản, với 82% nguồn thu về từ nhiều nơi trên thế giới, sở hữu 840 cửa hàng. Uniqlo đang cân nhắc tấn công mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc hơn nữa với ý định đặt dấu ấn bằng cách đạt mốc 1000 cửa hàng. Tuy vậy, thị trường ở Mỹ vẫn còn nhiều thách thức.

Nhiều năm qua, ông Yanai hầu như đã không còn thêm vào danh sách nguyên tắc kinh doanh của mình. Khi được hỏi về điều này, ông dừng lại và cân nhắc rồi nhẹ nhàng nói: “Hãy kết nối với bản thân – bởi vì ngày nay ai trên thế giới cũng kết nối được với nhau”.

 

Thực hiện: Koi

Theo BOF