Chúng ta học được gì từ Issey Miyake – Bậc thầy của kỹ nghệ thủ công?

Ngày đăng: 23/08/22

Vừa qua, Issey Miyake – một trong ba cây đại thụ của Nhật Bản – Tài năng của thời trang thế giới, nhà thiết kế được biết đến như một trong số ít người có thể giản lược được những đường cắt, để mang đến cho trang phục sự tự do, phóng khoáng đã qua đời vì căn bệnh ung thư gan, hưởng thọ 84 tuổi.

Thật đáng tiếc khi huyền thoại sống đã rời xa chúng ta đến một vùng trời mới, nhưng những bài học sâu sắc dành cho các nhà thiết kế thời trang thông qua cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn sẽ còn mãi. Hãy cùng Style-Republik tìm hiểu nhé!

Issey Miyake là một cái tên quá đỗi nổi tiếng, có tầm vóc quan trọng và cũng được xem là một trong số những nhà thiết kế vĩ đại nhất trên thế giới. Cách Issey Miyake tiếp cận với thời trang, yêu nó, phát triển nó, cống hiến cho nó luôn chứa đựng những bài học dành cho các nhà thiết kế trên toàn thế giới. Đó chính là sự cống hiến cho thời trang như một nhà phát minh, thông qua các công nghệ được phát triển bởi chính bản thân ông, chú ý đến nhu cầu của con người để tạo ra những sản phẩm có hồn và bền bỉ. Đó là một hành trình dài lặng thầm với đầy sự nỗ lực, như chính tính cách của ông, một người chăm chỉ, cần mẫn và ít nói.

Miyake kiên định một cách phi thường khi tập trung vào việc “tạo nên những thứ được dùng để mặc” mà không cần kể những câu chuyện dài dòng. Ngay từ năm 1983, trong một tuyên ngôn được đăng trên tờ Bodyworks, ông đã nói: “Tôi không phải là một nhà văn, càng không phải là một nhà lý luận. Đối với một người sáng tạo, phải kể lể quá nhiều để nói về bản thân chính là một điều đáng sợ”. Nỗi ám ảnh hàng đầu của Issey Miyake chính là tạo ra những món đồ thật tự do, phóng khoáng và phô diễn những sắc màu tự nhiên của đời sống. – Quần áo phải mang lại sự tự do cho người mặc”.

Một bài học tiếp theo đến từ Issey Miyake là “Bước ra từ những ám ảnh của quá khứ”. Là một nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố quê hương ông ở Hiroshima vào ngày 6/8/1945, Issey Miyake mắc hội chứng rối loạn xương tủy khi mới 10 tuổi và mẹ ông đã qua đời vì nhiễm chất độc phóng xạ. Nhưng Miyake hiếm khi chia sẻ về phần ký ức tăm tối trong quá khứ. Kể từ khi thành lập Xưởng thiết kế Miyake ở Tokyo vào năm 1970, Issey Miyake đã không ngừng hướng về tương lai, tạo nên vô số bước tiến trong việc phát triển cấu trúc và chất liệu may mặc. 

Miyake không thích gò bó trong một chuẩn mực nhất định, ông luôn muốn mình dung hòa được các kỹ thuật công nghệ tân tiến mới mà vẫn không quên các kỹ năng truyền thống. Tiêu chí của Miyake là tạo ra các sản phẩm nổi bật về textiles, thiết kế, cái đẹp và sáng tạo. Nhắc tới Issey Miyake, người ta nhớ những nếp vải “thần thánh”, đến những sản phẩm được may trực tiếp từ những miếng vật liệu đơn lẻ, sự cân bằng giữa tính sáng tạo và thực dụng luôn là đỉnh cao trong phong cách thiết kế của ông. Đến mức ngày nay, người ta tự hỏi rằng, ai sẽ là người có thể làm được điều đó hoàn hảo như Miyake?

Làm nên những trang phục trông như đang chuyển động thay vì một hình ảnh tĩnh đầy đẹp đẽ là một thành tựu vô cùng to lớn của Miyake – cũng là một “lời nguyền” đầy thách thức đối với nền thời trang đương đại lúc bấy giờ. Bởi vì “chuyển động” luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của Miyake, nên các thớ vải mà Miyake thổi hồn vào đều như đang chảy quanh cơ thể, chúng chưa bao giờ tĩnh lặng. Sự hợp tác đầy kiệt xuất của Miyake và Ivrving Penn chính là minh chứng cho điều đó.

Sau đó, là cách Miyake kết hợp các nền văn hóa khác nhau. Những năm 80 của thế kỷ trước, làn sóng vũ bão các nhà thiết kế Nhật Bản tiếp nhận thời trang phương Tây đã tạo ra một sự thay đổi toàn cầu với cách tiếp cận thời trang phá cấu trúc. Mặc dù là người Nhật, nhưng tư duy về thời trang của Issey Miyake lại thuộc về một trường phái hoàn toàn khác. Rất nhiều lần, ông đã đem ngôn ngữ đậm chất Nhật Bản để kể câu chuyện thời trang của châu Âu. Điều này còn trở thành nguồn cảm hứng xuyên suốt nhiều bộ sưu tập của ông với thương hiệu cùng tên.

Miyake đã tạo ra những kỳ quan như Plantation – một dây chuyền sản xuất được đưa ra để thành công trên thị trường quốc tế vào đầu những năm 80, hay như thương hiệu Pleats Please và người anh em của nó là Homme Plissé (2014). Điều khiến chúng ta kinh ngạc về những thương hiệu này là các thiết kế vẫn luôn được phát triển, luân chuyển và đổi mới không ngừng chỉ với sợi tự nhiên, vải tải chế, nếp gấp,… trong khi các nguyên tắc sáng tạo của Miyake vẫn không đổi.

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất trong phong cách thiết kế của ông là trái tim là lý trí của Miyake đặt tại người mặc, chứ không phải người sáng tạo. Đầu ra của trang phục chưa bao giờ đặt nặng về sự sang trọng hay form dáng(mặc dù đây là điểm nổi bật trong các tác phẩm của Miyake), thay vào đó, là chúng đáp ứng được nhu cầu của người mặc, một thiết kế khiến con người cảm thấy thoải mái, tự do, xoá bỏ đi ranh giới giàu-nghèo và được là chính mình.

Là một người theo đuổi chủ nghĩa nhân văn và thuần khiết, Issey Miyake đã rũ bỏ đi sự hào nhoáng thường thấy ở giới thời trang, cách tiếp cận thời trang của Miyake gần gũi và trần tục đến nỗi khiến người ta phải tự hỏi liệu quần áo có thể giải phóng linh hồn của người mặc hay không.

Và bất chấp sự phức tạp của công việc này, những tác phẩm của Miyake – sự kết hợp giữa Đông và Tây, quá khứ và tương lai – luôn đơn giản nhưng đầy ý nghĩa sâu sắc. “Bởi vì nó thực sự rất kỳ diệu” – ông nói: “Chúng tôi sẽ luôn tiến về phía trước vì nó (thời trang) sẽ đưa chúng tôi đến sự phát triển tiếp theo.”

Chuyển ngữ: Heidi Trương

Theo The Business of Fashion